Tính đến khi tôi ngồi viết những dòng này thì nhà văn Nguyễn Quang Lập đã “nằm” (hay ngồi?) tù, tức là trong trại tạm giam một tháng 8 ngày rồi, mà chưa được về. Bị bắt vô tù theo điều 88 bộ Luật hình sự vì “chống phá nhà nước”, tức là “phản động” rồi! Có thực là Nguyễn Quang Lập âm mưu chống phá nhà nước không ? Tôi không ở trong cuộc nên không thể biết được Lập đã dính phải bả nào đó. Đọc trên blog Quê choa, tôi không thấy có bài nào (cả của Lập viết và bài in của người khác) có nội dung chống nhà nước cả, mà đây chỉ là những bài bàn bạc, phản biện để giúp lãnh đạo đất nước có cách nhìn đúng hơn sự việc, từ đó là có quyết sách chính xác, đúng đắn, đưa lại lợi ích cho quốc kế dân sinh. Muốn “chống phá nhà nước” thì phải có tổ chức, có kế hoạch, có âm mưu từng việc một, không đơn giản chút nào. Lập là nhà văn yêu nước, yêu dân đến tột cùng, không thể là người chống lại đất nước được. Tôi không tin điều đó.
Đối với Nguyễn Quang Lập, tôi nghĩ, trong những tháng ngày trước khi bị bắt, không nghĩ về chuyện “chống phá nhà nước”, mà nghĩ việc khác, rất tâm huyết với quê hương. Tôi xin kể một chuyện liên quan đến “dự định” của Nguyễn Quang Lập những ngày trước khi bị bắt, để biết lúc đó Lập đang nghĩ gì,”âm mưu” gì.
Một ngày đầu tháng 11 năm 2014, Nguyễn Quang Lập điện thoại cho tôi, bảo: “Em suy nghĩ và dự định mấy tháng nay rồi, sẽ làm một trang mạng về chân dung văn hóa văn nghệ Quảng Bình quê miềng, anh nghĩ răng ? Một mình em làm thì vất vả lắm. Phải có anh và thằng Vinh (Nguyễn Quang Vinh, em Lập) nữa mới làm được”. Tôi bảo với Lập: “ý tưởng đó hay lắm, đáng giá lắm, vì Quảng Bình là một vùng quê văn hóa đặc sắc, nhưng có đủ nguồn để nuôi sống trang mạng ấy lâu dài không?”. Đang điện thoại thì Lập bảo, em đang có khách, hôm khác anh em mình bàn lại nhé.
Hôm sau, Lập lại điện thoại. Lần này thì Lập nói dài. Lập bảo em đã nghĩ kỹ rồi. Quảng Bình là địa linh nhân kiệt, đủ danh nhân và sự kiện văn hóa để làm trang mạng ấy. Em tính trang Web. sẽ có các chuyên mục: một là chân dung văn hóa- văn nghệ Quảng Bình gồm các nhà văn hóa, các nhà văn nhà thơ người Quảng Bình trong lịch sử, các học giả, tướng lĩnh,… Hai là những câu chuyện văn hóa trong lịch sử và đương đại. Ba là những làng quê, những danh lam thắng cảnh…Tất nhiên đã làm chân dung thì phải những người có tầm cỡ, không thể là “văn hóa quần chùng” được. Tôi bảo với Lập, ba tập sách “Danh nhân Quảng Bình” của bác Nguyễn Tú và Vĩnh Nguyên biên soạn cũng đủ tư liệu để nuôi sống trang Web. Nhưng vấn đề là làm sao để có độc giả nhiều như Quêchoa?”. Lập cười :” Anh đừng lo, có thu hút người đọc hay không là do anh em mình có cách viết, cách trình bày trang mạng cho hấp dẫn, độc đáo cuốn hút người đọc. Anh suy nghĩ nhé. Nếu thống nhất em sẽ nhờ bạn bè thiết kế trang mạng”.
Chuyện lập trang Web về văn hóa, văn nghệ Quảng Bình mà Lập đề xuất làm tôi xao động mấy ngày liền. Gặp nhà văn Vĩnh Nguyên, tôi hỏi anh, các tập “Danh nhân Quảng Bình” có còn lưu trong máy của anh không, để khỏi phải đánh máy lại. Rồi tôi bàn với anh Vĩnh Nguyên về ảnh các danh nhân làm sao cho hấp dẫn. Anh Vĩnh Nguyên ủng hộ lắm. Vài hôm sau, Nguyễn Quang Lập lại điện:“Em đã tính kỹ rồi. Làm được anh à. Có điều là mất thời gian của anh em mình chút ít thôi. Anh giúp em đặt cho trang mạng cái tên. Theo anh thì tên gì là hẫp dẫn nhất?”. Tôi cười bảo với Lập nửa đùa nửa thật:“Đã có Quê choa ai cũng biết của Bọ Lập, người Quảng Bình làm nên rồi, thì trang Web, có thể mang tên “Chân dung quê bọ”, hay chỉ lấy tên “Quê bọ”? Lập cười :” Hay lắm! Để em nghĩ thêm…”
Ngày 23 tháng 11 năm 2014, trên blog QUÀ TẶNG XỨ MƯA tôi có công bố lời kêu gọi từ thiện giúp đỡ cháu Trần Hoài Nam, con trai cả của cố nhà thơ tài hoa Hải Kỳ ở Đồng Hới đang bị suy thận nặng để cháu có điều kiện thay thận nhằm duy trì sự sống. Đọc lời kêu gọi, Nguyễn Quang Lập điện cho tôi. Tôi tưởng Lập lại bàn về trang Web “Chân dung quê bọ”. Nhưng Lập bảo:” Em thấy anh tốt với mọi người quá. Kêu gọi “góp cát đá” xây lăng mộ Phùng Quán; kêu gọi “góp chút lòng” để làm tuyển tập Lê Đình Ty, một nhà thơ chết oan vì tai nạn ô tô; kêu gọi ủng hộ sách của học sinh tiểu học làng biển nghèo; bây giờ lại kêu gọi ủng hộ con trai Hải Kỳ. Em cảm động lắm. Đó cũng là chuyện chân dung quê bọ đấy anh ạ. Nhất định em sẽ viết về chuyện này. Em sẽ ủng hộ cháu Nam. Anh cứ ghi tên em 3 triệu. Nhưng phải vài ngày nữa, bây giờ đang kẹt tiền!”. Quả thực mấy lần tôi kêu gọi quyên góp tiền ấy, Nguyễn Quang Lập luôn ủng hộ rất sớm, rất nhiệt tình. Xây mộ Phùng Quán, Lập ủng hộ 5 triệu, một trong những người ủng hộ cao nhất. Hỗ trợ in tuyển tập Lê Đình Ty, Lập gửi ra 3 triệu, cũng là người cao nhất; ủng hộ sách cho học sinh xã biển Ngư Thủy, Lập gửi ra hai thùng sách nặng, mới tinh trị giá 5 triệu đồng, là tiêu chuẩn của anh được mua sách hàng năm do NXB Kim Đồng ấn hành. Lập bao giờ cũng sẵn lòng làm từ thiện như thế. Ngày 3 tháng 12 năm 2914, nghĩa là 3 ngày trước khi bị bắt, Lập gửi tiền ủng hộ con nhà thơ Hải Kỳ 3 triệu đồng vào tài khoản của tôi, Cũng là một trong những người ủng hộ cao nhất. Tôi không ngờ mấy ngày sau, Lập bị bắt.
Câu chuyện bàn bạc, “âm mưu” làm trang mạng về văn hóa-văn nghệ Quảng Bình rất sốt sắng của Lập, chứng tỏ trong suy tư, dự định hàng ngày của mình, Lập không nghĩ gì về “chống chế độ” cả. Nếu không có sự cố Lập bị bắt, chắc hôm nay trang mạng Chân dung quê bọ của chúng tôi đã ra đời rồi ! Nghĩ mà thương!
N.M
Nguồn: https://ngominhblog.wordpress.com/2015/01/14/du-dinh-cua-bo-lap-truoc-khi-bi-bat/