Trường hợp Tưởng Kinh Quốc là rất đặc biệt.
Là con của nhà độc tài nổi tiếng thế giới Tưởng Giới Thạch. Nhưng ông không theo con đường chống cộng của cha mà tự nguyện trở thành một người cộng sản. Cứ ngỡ ông trở thành một lãnh tụ cộng sản độc tài kiểu Mao, nhưng rồi chính ông lại từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên con đường trở thành vĩ nhân của ông chỉ thực sự bắt đầu sau khi cha ông – nhà độc tài Tưởng Giới Thạch qua đời, rồi bản thân ông trở thành Tổng thống Đài Loan. Ông đã không đi theo con đường độc tài của cha mình để hưởng vinh hoa phú quý mà trở thành kiến trúc sư đặt nền móng cho nền dân chủ kiểu phương Tây ở Đài Loan. Từng bước, ông từ bỏ chế độ quân phiệt của cha và đi theo con đường dân chủ đa đảng, tự do báo chí.
Đài Loan ngày nay là một vùng đất giàu có, văn minh tự do như Nhật Bản, Hàn Quốc, như bất kỳ một quốc gia dân chủ nào trên thế giới.
Trường hợp Tưởng Kinh Quốc là một bài học lớn cho các nhà nước toàn trị và các nhà độc tài. Ông đã dám hy sinh quyền lợi của bản thân mình, của gia tộc mình và của đảng mình để đưa Đài Loan đến con đường dân chủ. Nếu đi theo con đường cộng sản thì ông đã trở thành một nhà độc tài và thân phận ông đã không khác gì những Ceaușescu, Kim Nhật Thành, Stalin… nghĩa là thành chất thải của lịch sử nhân loại.
Các nhà cầm quyền nước ta hiện nay không thiếu các bài học kinh nghiệm và cũng không thiếu cơ hội đưa đất nước đi theo con đường của thế giới văn minh, còn bản thân họ thì tránh được nguy cơ trở thành chất thải của lịch sử nhân loại.
Bauxite Việt Nam
Từng là cộng sản, học tại Liên Xô, ông Tưởng Kinh Quốc vẫn cải cách Đài Loan thành công
Nhân kỷ niệm 27 năm ngày mất của ông Tưởng Kinh Quốc, có các ý kiến tại Trung Quốc cho rằng ông đáng được vinh danh vì đã mở đường cho dân chủ tại vùng văn hóa Trung Hoa.
Theo BBC Tiếng Trung, nhân dịp kỷ niệm ngày mất 13/1/1988 của cố tổng thống Trung Hoa Dân quốc, ông Tưởng Kinh Quốc, các lãnh đạo Đài Loan gồm tổng thống Mã Anh Cửu, chủ tịch Quốc Dân Đảng Ngô Đôn Nghĩa đã đến viếng mộ của ông ở Đào Nguyên.
Dù truyền thông chính thống tại Trung Quốc không nói gì về sự kiện này, các trang mạng tiếng Trung tại lục địa đã có nhiều ý kiến ca ngợi công lao khai mở quá trình dân chủ hóa.
Quá trình này gọi là “bỏ cấm đảng”, cho Đài Loan đa đảng, sau đến “bỏ cấm báo chí”, nới dần chế độ quân phiệt, đặt nền móng cho dân chủ Đài Loan vào thập niên 1980.
Sau khi cha ông Tưởng Kinh Quốc, nhà lãnh đạo độc đoán, cựu thống chế Tưởng Giới Thạch qua đời năm 1975, Đài Loan có một tổng thống tạm quyền cho tới tháng 3/1978, khi ông Tưởng Kinh Quốc được nghị viện bầu làm tổng thống với nhiệm kỳ sáu năm.
Ông tái đắc cử năm 1984 và bắt đầu quá trình dân chủ hóa ở Đài Loan, đầu tiên bằng việc cho các đảng phái chính trị khác tham chính.
Nay trên mạng Weibo, một luật sư là Vương Bằng viết:
“Cuộc thử nghiệm dân chủ ở Đài Loan là minh chứng mạnh mẽ rằng dân chủ không chỉ là khái niệm Phương Tây”.
“Tưởng Kinh Quốc đã thực hiện được điều là để người Trung Hoa thử nghiệm dân chủ, và vì thế, ông là một nhân vật vĩ đại”.
Trong giới chính trị châu Á từ sau Thế Chiến 2 có quan niệm rằng dân chủ không phù hợp với văn hóa của các quốc gia như Trung Hoa, Hàn Quốc, Việt Nam.
Thử nghiệm dân chủ ở Đài Loan là minh chứng “dân chủ” không chỉ là khái niệm Phương Tây
Nay, nhiều người viết trên các trạng mạng Trung Quốc cho rằng qua ví dụ của Đài Loan, cách nói “Người Trung Hoa không thể có dân chủ” chỉ là “dối trá”.
Nhưng các dân mạng Trung Quốc cũng viết, điều quan trọng là, ông Tưởng Kinh Quốc đã quyết định xóa bỏ độc quyền chính trị của chính đảng của ông, Quốc Dân Đảng, lực lượng làm chủ Trung Hoa Dân Quốc tại lục địa và sau 1949 đã sang làm chủ Đài Loan.
Những ý kiến như của ‘xiaoueer2011’ hay ‘xifengkeren1984’ bày tỏ quan điểm rằng ông Tưởng Kinh Quốc đã đặt quyền lợi của nước lên trên quyền lợi của đảng.
Nhưng điều quan trọng hơn là ông Tưởng Kinh Quốc cũng từng là cộng sản mà vẫn dám thay đổi thể chế sang dân chủ và vì thế, một số dân mạng Trung Quốc nói bài học cuộc đời ông còn có ý nghĩa cho ông Tập Cận Bình ngày nay.
Hai lần lên án cha
Sinh năm 1910 tại Chiết Giang, ông là con trai của Thống chế Tưởng Giới Thạch với người vợ đầu, bà Mao Phú Mai.
Hồi trẻ ông cũng tham gia đấu tranh cách mạng và bị tù nhiều lần.
Tự nhận là cộng sản, từng học tại Đại học Tôn Trung Sơn ở Moscow và Học viện quân sự Tolmachev ở Leningrad, Liên Xô, ông đã lên án cha khi ông Tưởng Giới Thạch xóa bỏ liên minh với Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1927.
Năm 1935, khi còn ở Liên Xô, ông lấy vợ người Belarus, bà Faina Vakhreva, người sau theo chồng về Trung Quốc và lấy tên là Tưởng Phương Lương.
Tưởng Kinh Quốc biến Đài Loan thành hòn đảo giàu có và bắt đầu thử nghiệm tự do
Năm 1936, một lần nữa Tưởng Kinh Quốc lại công khai lên án chính sách của cha ông nhưng sau đó ông cho hay ông bị bắt buộc phải làm thế để tồn tại trong không khí chính trị căng thẳng tại Liên Xô thời Stalin.
Sau khi Quốc Dân Đảng thua Đảng Cộng sản trong nội chiến năm 1949, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc chạy sang Đài Loan và ông Tưởng Kinh Quốc được giao nắm bộ máy an ninh.
Năm 1965, ông làm Bộ trưởng Quốc phòng và năm 1972, được phong làm Thủ tướng.
Nhưng ngay khi Tưởng Giới Thạch bắt đầu lâm bệnh năm 1973, Tưởng Kinh Quốc đã dùng quyền lực để loại bỏ các phái tham nhũng trong Quốc Dân Đảng và bắt đầu một chính sách khác cho đảo quốc.
Cuộc cải cách của Tưởng Kinh Quốc bắt đầu trong hai phương diện và được tăng tốc sau khi ông Tưởng Giới Thạch qua đời năm 1975.
Về nội bộ, ông mở cửa Quốc Dân Đảng đón nhận các trí thức, nhân sỹ gốc Đài Loan, dần dần thay máu cho bộ máy vốn do các đại gia đình quyền lực theo họ Tưởng từ Hoa lục ra Đài Loan lũng đoạn.
Điều này cho phép ông Lý Đăng Huy, sinh ra ở Đài Bắc, lên làm tổng thống nhiệm kỳ 1988-2000, thực sự mở ra tiến trình dân chủ hóa Đài Loan.
Về đối ngoại, Tưởng Kinh Quốc xác định Đài Loan cần độc lập thực sự và bắt tay với nhiều nền kinh tế châu Á.
Từ năm 1979, Hoa Kỳ công nhận Bắc Kinh, đẩy Đài Bắc khỏi Liên Hiệp Quốc và khiến chế độ ở đây rơi vào thế cô lập.
Trong bối cảnh đó, Tưởng Kinh Quốc kiên trì đường lối không công nhận Trung Quốc cộng sản và từ chối đàm phán “thống nhất đất nước” với Bắc Kinh.
Trang web của Quỹ Học bổng Tưởng Kinh Quốc
Ông cũng vận động để mở rộng quan hệ thương mại và ngoại giao với nhiều nước.
Nhận định về sự nghiệp của ông Tưởng Kinh Quốc, sử gia Selig Harrison còn nói về thành tích đặc biệt về kinh tế:
“Ông đã thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, cho Đài Loan mức tăng trưởng 13% một năm và đẩy thu nhập trung bình lên 4600 USD, đem lại một dự trữ ngoại tệ 76 tỷ USD, cao thứ nhì thế giới khi đó”.
“Ông qua đời khi bắt đầu tiến trình tự do hóa chính trị bất chấp sự chống đối mạnh của phe bảo thủ”.
Đài Loan ngày nay đã thịnh vượng, có bầu cử dân chủ và vẫn bị Trung Quốc cô lập nhưng những gì ông Tưởng Kinh Quốc để lại tiếp tục được ghi nhận không chỉ tại đảo quốc nhỏ bé mà dần dần trong cả tâm trí một số người dân tại Trung Quốc.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2015/01/150114_tuong_kinh_quoc_lesson