Chào các Bác, các Anh Chị trong Ban Biên tập Bauxite Việt Nam.
Tình cờ nghe một câu chuyện làm tôi thấy băn khoăn mãi. Nay đọc trên VNexpress thấy Hà nội sẽ bắn pháo hoa 14 điểm trong dịp 30/4 năm 2010 bằng hình thức xã hội hóa nên có một vài suy nghĩ nhưng không biết thổ lộ với ai, đành chia sẻ với mấy Bác, mấy Anh Chị trang bô-xít Việt Nam.
Vừa rồi ở Nha Trang cũng bắn pháo hoa chào mừng ngày giải phóng tỉnh nhà 2/4. Mọi người đi xem, tôi cũng đi nhưng đông quá phải đứng ở cầu Trần Phú nhìn sang. Tình cờ nghe mấy cụ già đang hóng mát nói chuyện với nhau, xin lược giải thế này:
– Vui thì có vui nhưng xót tiền quá, mấy phút đì đùng mất đứt mấy tỷ đồng, nghe nói việc chi tiêu này được xã hội hóa (ý nói chuyện bắn pháo hoa).
– Thì nói vậy cho sang chứ thực ra là đi vận động mấy doanh nghiệp đóng tiền để bắn lên trời cho sướng mắt chơi. Nghe nói có công ty chi tới cả tỷ đồng.
– Ông xót là đúng rồi vì ông là người dân nộp thuế, chừng nào mấy ổng thấy xót thì tui mới mừng. Mấy cái ông nhân danh nhà nước thì càng to càng khoái, bánh có lớn thì đường mật mới nhiều.
– Nghe nói mấy ông Giám đốc dân doanh kỳ này méo mặt.
– Thời buổi kinh tế khó khăn, lương công nhân còn nợ lên nợ xuống mà suốt ngày còn bị địa phương kêu gọi tài trợ ủng hộ đủ thứ.
– Mấy cơ quan, công ty còn ra chỉ tiêu trưng dụng nhân viên đi tham gia diễu hành mít tinh nữa, mất mấy ngày chỉ đi tập đứng, ngồi, đi cho thẳng hàng.
….
Nghe các cụ nói thấy cũng vui vui nhưng giật mình nghĩ lại, thế là đã 35 năm kể từ ngày 30/4/1975 (có người nói nó là cái ngày có triệu người vui và có triệu người buồn), có nghĩa là chừng ấy năm nhà nước tổ chức kỷ niệm từ trên xuống dưới với nhiều hình thức, tốn kém tính ra không biết bao nhiêu.
Tôi thì sinh ra sau 1975. Gia đình, bà con nội ngoại một nửa ở phía bên này, nửa ở bên kia. Thật ra với họ cũng chẳng thấy nói đến lý tưởng gì, chỉ là số phận thôi, người thì bị bắt đi quân dịch bên Việt Nam cộng hòa, người thì đi nghĩa vụ quân sự (còn gọi là thoát ly) cho bên còn lại, có người được học hành thì làm công ăn lương cho Chính phủ miền Nam lúc ấy. Tôi chưa từng chứng kiến sự tàn bạo của bom đạn nhưng lại thấy nhiều chuyện oái ăm luôn xảy ra bên cạnh mình, kéo dài suốt đến những năm 90. Chiều chiều, nghe tiếng kẻng là những bên phía bị thất bại lại xách ghế đi học văn hóa mới (dù họ mới đi học tập cải tạo về), được nghe trách móc, chửi rủa từ những người bên chiến thắng, dù họ là bà con anh em ruột thịt. Rồi nhiều người đi cải tạo vừa về đến nhà lại được du kích mời đi. Hoặc đêm đêm phải tiếp mấy vị khách bất đắc dĩ xông vào nhà kiểm tra bất cứ lúc nào…
Sau này biết suy nghĩ một chút, với tôi ngày 30/4/1975 vẫn là một ngày vui. Vượt lên tất cả những cảm giác chiến thắng hay ê chề của cả hai bên là sự may mắn và vui mừng của cả dân tộc. Nhờ nó mà không còn cuộc nội chiến thấm máu hàng triệu người, không còn chuyện nồi da xáo thịt, không còn anh em, bà con, bạn bè cầm súng bắn nhau.
Lại nhớ hồi còn nhỏ, lúc học cấp 1, cấp 2. Mỗi khi có sự kiện gì thì nhà trường lại tổ chức mít-tinh, nghe xong bài diễn văn dài thì toàn bộ học sinh được hướng dẫn đi theo đội hình trên đường quốc lộ hay thôn xóm, giơ nắm tay lên trời tung hô: Đả đảo đế quốc Mỹ, Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm, nhiệt liệt chào mừng ngày XYZ…. Hô phải to, phải dứt khoát, rõ ràng cho vừa lòng thầy cô giáo. Hô mà không biết mình tại sao phải hô như vậy vì lúc đó còn nhỏ quá.
Nhưng mà 35 năm rồi, những người trực tiếp cầm súng của hai bên chiến tuyến đa số đã ra đi, nhiều người tưởng đã quên đi quá khứ đau thương, nhà nước bây giờ bắt tay làm ăn với kẻ thù ngày trước, luôn kêu gọi hòa giải hòa hợp và đoàn kết dân tộc, tranh thủ sự đầu tư tiền bạc, trí tuệ của một bộ phận người Việt Nam ở ngoài nước, kể cả con của Thủ tướng Chính phủ cũng được phép lấy một Việt kiều là con của “kẻ thù giai cấp”. Vậy thì cũng nên cân nhắc, có kỷ niệm cũng đừng quá phô trương, đừng quá tiêu tốn tiền dân như thế.
Và sự kiện ngày 30/4/1975 cũng cần trả lại đúng nghĩa của nó. Tôi cho rằng đã đến lúc nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề lịch sử và phải xem đó là ngày thống nhất đất nước, hòa hợp dân tộc. Trong sự kiện này, các khái niệm “chiến thắng” hay “giải phóng” quả có sức kích thích cho không ít người nhưng hình như cũng để lại mặc cảm cho một khối lượng người không nhỏ, vì nó đánh đồng một chế độ, một thể chế với một dân tộc, một đất nước. Vào cái ngày đó nếu nói về dân tộc thì dân tộc Việt Nam không có chiến thắng hay thất bại mà bước sang một trang mới, thoát ra khỏi một cuộc nội chiến với những mất mát không dễ gì bù đắp được.
Đúng là có sự kiện quan trọng thì cũng cần phải có tổ chức kỷ niệm. Nhưng ở ta, hầu như năm nào cũng thế, đến hẹn lại lên, từ trung ương đến địa phương, các ngành các cấp đều tham gia kỷ niệm, càng làm to càng vui, càng nghĩ ra nhiều lễ hội, nhiều lý do để kỷ niệm càng tốt. Tóm lại, càng tiêu tốn nhiều tiền thì càng ham.
Sự kiện vui thì chúng ta kỷ niệm hoành tráng. Vậy những sự kiện không vui thì có được kỷ niệm hay nhắc lại không. Cả ngàn năm bị phương Bắc đô hộ; những ngày bị Pháp chiếm đóng; nạn đói năm 1945 làm chết gần 2 triệu người Việt; chính sách cải cách ruộng đất 1953-1955; việc TQ chiếm đóng Hoàng Sa, Trường Sa; những người con nước Việt anh dũng hy sinh để bảo vệ biên cương trong các cuộc chiến tranh với Khơ-me đỏ và chiến tranh biên giới với Trung Quốc 1979; sự kiện binh lính và ngư dân Việt Nam bị lính TQ giết hại … Nhiều lắm.
Tôi lại cứ suy nghĩ vẫn vơ, những sự kiện đau buồn cũng cần được nhắc đến để khơi dậy sức mạnh của dân tộc. Nếu Nhà nước vì lo tổ chức hoành tráng những sự kiện vui mà không đủ tiền tổ chức sự kiện buồn thì lại cứ mạnh dạn xã hội hóa, để người dân tự tổ chức. Nghĩ thế nhưng sao thấy khó quá.
Lý Trọng Phúc
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập