Đọc báo chí chính thống trong nước đưa tin vụ tuyên án tử hình hai người Philippine buôn lậu ma túy, và gần đây, sự việc một nam phạm nhân trẻ, (không biết do đâu?) có được điện thoại iphone, tung lên mạng internet những hình ảnh anh ta và bạn tù đang thoải mái chơi “hàng trắng” trong trại giam, tôi không khỏi cảm thấy đồng tình, dù đau xót, rằng cuối cùng thì sự thật mà hầu như ai cũng biết này, đã đường hoàng phát lộ với những bằng chứng không thể chối cãi. Tù nhân trẻ hứa hẹn sẽ bị trừng trị thật nặng bởi tất cả tội lỗi được quy cho anh ta và các bạn tù, đã phạm pháp ngay trong nhà tù cải tạo, (theo báo chí đưa tin), nhưng nguyên nhân vì đâu ngay tại nơi để “giáo dục cải tạo” con người, ma túy lại có thể xuất hiện và được dung túng?
Tôi đã chứng kiến cảnh bà mẹ già khắc khổ bế đứa cháu ngoại mới hai tháng tuổi tới đồn công an, trong cái rét cắt da của đêm đông Hà Nội, để cho cháu bú mẹ. Bú dòng sữa của người mẹ trẻ có quầng mắt và đôi môi thâm tím, khuôn mặt lạnh tanh, lì lợm, đang lồng lộn tìm mưu kế để thoát ra ngoài vì lên cơn “vật thuốc”. Người mẹ này là một con nghiện và là một đại lý phân phối ma túy trong xóm lao động, chồng cô cũng đang ngồi tù vì bán ma túy. Đứa bé sẽ lớn lên ra sao với dòng sữa của người mẹ thường xuyên dùng ma túy, trong khi gia đình quá nghèo không đủ tiền mua sữa bên ngoài?
Một thanh niên 21 tuổi, từ Phủ Lý lên Hà Nội làm phụ hồ, khi bị bắt vào đồn công an vì sử dụng ma túy đã khẩn khoản nài xin tôi gọi điện liên lạc với anh trai (?) anh ta đang ở bên ngoài để mang giấy tờ xuống nhận lại (?) chiếc xe máy cà tàng anh ta đang sử dụng, hiện bị giữ tại đồn công an. Anh thợ phụ này mới nghiện chừng vài tháng, tất nhiên ăn nói rất khôn khéo như mọi người trót bị “ả phù dung” sai khiến, trông còn tươi tỉnh vì chưa đến nỗi thiếu “thuốc” và vẫn còn có vẻ giữ được phần nào nhân tính. Tôi đau xót và thương cảm cho hoàn cảnh của anh ta, nhưng không thể giúp được việc anh ta nhờ. Tôi trả lời: “Chị rất tiếc, nhưng chỉ có chính em mới giúp được em trong hoàn cảnh này”.
Chính tôi đã chứng kiến rất nhiều cái chết vì ma túy, chủ yếu là nam giới trong lứa tuổi trung niên (từ 35 đến 45) đặc biệt là những người nghiện trong tầng lớp lao động, nhưng có cả nhiều người thuộc tầng lớp giàu có. Họ chết khi đang trong lứa tuổi đẹp nhất, đáng lẽ phải là lúc làm ra nhiều giá trị về vật chất hoặc tinh thần, là chỗ dựa cho cha mẹ, vợ con. Nhiều người chết khi đang thụ án vì tội “sử dụng, buôn bán ma túy”, do chất bạch phiến tới gia đoạn phá hủy nội tạng, nhiều người chết vì bệnh AIDS, chết vì sock với các loại sản phẩm ma túy tổng hợp kém chất lượng, chết vì thiếu “thuốc”… Một số lượng người còn lớn hơn, rải ra cho các tổ chức gồm công an, dân phòng, phòng chống ma túy, tòa án, trại giam, trại cai nghiện… làm công việc đi bắt, trấn áp, xử lý, trị tội, giáo dục người tàng trữ, buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy các loại, họ vẫn làm việc và hưởng lương, cả ngày lẫn đêm. Nhưng có một thực tế rằng, tội phạm ma túy không hề thuyên giảm như các con số được báo cáo, mà vẫn tiếp tục lan rộng từ thành thị đến nông thôn, bất kể các tầng lớp giàu nghèo, lứa tuổi… Tỷ lệ người nghiện công khai và chết vì ma túy cao nhất là trong các xóm lao động. Trong khoảng 10 nam thanh niêm và trung niên tại các khu vực này, có thể có từ 4 – 6 người mắc nghiện hoặc chết vì ma túy (thống kê của người viết vào năm 2009). Trong một đại gia đình bao gồm ba thế hệ (ông bà, cha mẹ và các con, bao gồm cả các anh chị em họ con chú bác hoặc cô dì ruột) hầu hết đều có từ 1-2 người thuộc thế hệ thứ ba (con) mắc nghiện ma túy.
Ở nghĩa trang làng tôi, một làng làm nông và buôn bán nhỏ chỉ cách bưu điện Bờ Hồ 11km đường chim bay, bây giờ mỗi khi đi tảo mộ, người nhà chúng tôi phải bảo nhau mang giày, tất thật dày và cẩn thận để tránh bị kim tiêm của người nghiện vứt lại trong các bụi cỏ, đâm vào chân.
Những gia đình có con, cháu nghiện ma túy ở nhiều giai đoạn khác nhau, tỉ lệ cai nghiện thành công chỉ là 1 -2 %, và chỉ thành công ở những người mới mắc nghiện được phát hiện sớm, do quyết tâm và nghị lực cũng như được kiểm soát thật nghiêm khắc. Các trường hợp người nghiện còn lại, khi được phát hiện nghiện ma túy, đã ở thể nặng, hệ thần kinh và sức khỏe bị tàn phá. Những người này gần như không còn khả năng cai nghiện, phục hồi. Trại cai nghiện, trại giam là nơi để tập trung họ, giảm đi sự phiền hà mà họ gây ra cho gia đình và lối xóm, cũng là nơi chờ đợi một kết cục buồn được báo trước. Người thân, vì thương xót con cháu bị hành hạ bởi những cơn đau thể xác do ma túy, đã tìm cách gửi tiền vào trại để “tự động” ma túy được chuyển đến người dùng theo cách an toàn, kín đáo.
Trong khi án tử hình và rất nhiều án tù được ban ra để “trừng trị” một số người tham gia chế tạo, buôn bán, vận chuyển, lan truyền chất ma túy, chỉ là những bọt váng, thì ma túy thực sự đã ăn sâu và hủy hoại cộng đồng. Từng gia đình đã phải chịu kiệt quệ về kinh tế, mất mát về con người do ma túy.
Cùng với việc tăng lên không ngừng của các vụ tai nạn giao thông thảm khốc, và những tội phạm hình sự như giết người, cướp của, bạo hành, ngày càng tàn nhẫn… sự lan truyền ồ ạt tệ nạn ma túy cho thấy những bế tắc trong quản lý và điều hành xã hội cũng như sự phá sản về đạo đức. Người quan sát có thể nêu lên những nghi vấn như sau:
– Phải chăng, lực lượng tham gia lan truyền tệ nạn ma túy lớn hơn nhiều lần, nhiều chục lần những gì hiện nay người ta có thể công khai nói đến và đánh giá?
– Phải chăng, chỉ duy nhất một bộ phận nhỏ trong số đó được coi là “tội phạm”, bị trấn áp và trừng trị?
Ma túy, tội hình sự và tai nạn giao thông tràn lan, phản ánh sự bất thường và bất an trong đời sống, phản ánh những tổn thương và đau đớn nặng nề của cộng đồng cũng như từng cá nhân. Nguyên nhân sâu xa của nó trước hết chỉ có thể truy tầm và nhận thấy ở cấp độ tổng thể: một đời sống được lèo lái bởi khuynh hướng ham hố vật chất, phớt lờ nhu cầu được chăm sóc, dưỡng dục cả về tinh thần lẫn những mặt thiết thực như cơm áo, của thế hệ trẻ, coi thường tính mạng và sức khỏe của tất cả mọi người trong cộng đồng.
(Trong loạt bài “Ngồi xuống, và cầu nguyện cho Việt Nam…?”)
D.A.
Tác giả gửi BVN