Trưởng đàm phán của Hoa Kỳ về Hiệp định Tự do thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), bà Barbara Weisel, loan báo có tiến bộ sau vòng đàm phán mới đây ở Hà Nội, nhưng giới quan sát trong nước cho biết nhân quyền vẫn là một rào cản lớn đối với ngưỡng cửa TPP của Việt Nam.
Sau 10 ngày thương thảo (1-10/9), đại diện 12 nước tham gia cho biết đã tháo gỡ được nhiều vấn đề gút mắc và đang tiếp tục thu hẹp những khoảng cách còn lại.
Một chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam nhận xét trở ngại gay go nhất với Hà Nội là các yêu cầu về công đoàn độc lập, cải cách nhân quyền và quyền của người lao động chưa có dấu hiệu được giải tỏa.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương từng làm cố vấn cho nhiều đời lãnh đạo Việt Nam, đã dành cho VOA Việt ngữ cuộc trao đổi về con đường TPP của Việt Nam sau vòng đàm phán vừa kết thúc tại Hà Nội.
TS Lê Đăng Doanh: Ký kết TPP sẽ mở rộng các thị trường rất lớn cho hàng Việt Nam như da giày, thủy sản, dệt may, lâm sản. Thứ hai, TPP sẽ tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy cải cách; nâng cao năng lực cạnh tranh; thống nhất các quy trình về hải quan, mua sắm và tăng cường sự công khai minh bạch để hạn chế tham nhũng. Thứ ba, với việc mở rộng thị trường xuất khẩu và tận dụng nguồn lao động giá đang còn rẻ, Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, công nghệ hiện đại và học tập thêm phương pháp quản trị kinh doanh hiện đại. Các yếu tố đó sẽ thúc đẩy kinh tế Việt tăng trưởng cao hơn.
VOA: Với các triển vọng đầy hứa hẹn như vậy, ông dự đoán TPP của Việt Nam liệu sẽ hoàn tất trước cuối năm nay hay chăng?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức nhưng hiện nay việc ký kết TPP vẫn còn có một số trở ngại. Một là Hạ viện Hoa Kỳ tới nay chưa trao cho chính quyền của Tổng thống Obama quyền ‘fast track’ tức là đàm phán nhanh. Không có việc chấp thuận ‘fast track’, Hiệp định TPP mà chính phủ Hoa Kỳ ký kết rất có thể sẽ bị Hạ viện xem xét và bắt tu bổ điểm này, điểm kia, hoặc bắt đàm phán lại. Lúc bấy giờ sẽ có nguy cơ các bên đối tác sẽ lại phải đàm phán một quá trình rất khó khăn. Vì vậy, các bên đàm phán hiện nay vẫn giữ một dư địa để phòng ngừa, nếu như có phải đàm phán lại thì mình vẫn có thể có cái dư địa để đàm phán tiếp. Thứ hai, Hiệp định TPP có các điều kiện rất mới và rất khó khăn như mở cửa thị trường, các nội dung về sở hữu trí tuệ, vấn đề doanh nghiệp nhà nước, hay như đối với Việt Nam là quyền tự do thành lập công đoàn. Tổng thống Obama mong muốn ký kết TPP vào cuối năm nay, nhưng tôi không biết thời gian còn lại có thể tiếp tục đàm phán để đi đến ký kết được không. Nếu để sang 2015 khi Hoa Kỳ bắt đầu bước vào giai đoạn bầu cử, tôi e rằng không khí chính trị lúc đó sẽ ưu tiên cho bầu cử nhiều hơn là thúc đẩy TPP.
VOA: Nói về rào cản với Việt Nam trong vấn đề TPP, một trong những trở ngại lớn nhất hiện nay mà giới lập pháp Mỹ rất quan tâm là vấn đề nhân quyền gắn liền với quyền của người động và quyền lập công đoàn. Với các rào cản mà phía Mỹ muốn Việt Nam dỡ bỏ đó để rộng đường Việt Nam tiến vào TPP, theo ông, liệu có khả năng Việt Nam sẽ nhượng bộ các đòi hỏi đó hay không?
TS Lê Đăng Doanh: Tới nay, tôi chưa thấy dấu hiệu gì Việt Nam nhượng bộ về việc này. Từ trước tới nay, Việt Nam không muốn thay đổi về nội dung này và đã có viện dẫn một số trường hợp có ngoại lệ, như trường hợp Australia ký Hiệp định Thương mại Tự do với Hoa Kỳ với một số ngoại lệ. Không rõ trong trường hợp TPP của Việt Nam có được áp dụng những ngoại lệ hay không.
VOA: Là một nhà cố vấn kinh tế, ông thấy Việt Nam nên hay không nên có sự nhượng bộ này, và lý do vì sao?
TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi là rất nên tiến tới có một lộ trình hợp lý để đi đến có quyền thành lập các công đoàn và có các tổ chức công đoàn cạnh tranh với nhau. Có như vậy sẽ giúp bảo vệ các lợi ích hợp pháp cần thiết của người lao động. Nhưng đối với Việt Nam, nên có một lộ trình nhất định để Việt Nam có thời gian thích nghi với các chuyển biến như vậy.
VOA: Với các lợi ích kinh tế từ sự nhượng bộ này, vì sao Việt Nam vẫn còn lưỡng lự, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi, sự cân nhắc đó là vì e ngại có thể sẽ có những bất ổn chính trị và rất muốn duy trì sự lãnh đạo toàn diện-tuyệt đối của đảng cộng sản Việt Nam đối với một tổ chức công đoàn mà thôi, đó là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nếu chấp nhận nhiều tổ chức công đoàn thì sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam đấy sẽ được thực hiện như thế nàođó có lẽ là các điều cân nhắc. Theo tôi, nên chấp nhận một lộ trình để có thể thích nghi với các điều kiện như vậy.
VOA: Khi thương lượng được cái này thì có thể phải mất cái kia. Vào được TPP, Việt Nam được rất nhiều quyền lợi như ông vừa phân tích, nhưng những cái có thể mất đối với Việt Nam trong tiến trình này là gì, thưa Tiến sĩ?
TS Lê Đăng Doanh: TPP là một bông hồng có rất nhiều gai và hoàn toàn không dễ dàng. Việt Nam muốn tiếp cận thị trường các nước thì cũng phải mở cửa thị trường của mình trong một loạt các lĩnh vực như chăn nuôi bò sữa, gà, heo..v..v…Việt Nam sẽ gặp sự cạnh tranh rất gay gắt. Hiện nay, thịt bò của Australia đang lấn át thịt bò các nước. Điều đó đòi hỏi Việt Nam phải cải cách nâng cao chất lượng chăn nuôi bò, heo, gà, vịt. Đó là những việc Việt Nam hiện cần phải làm. Những khó khăn, thách thức đó sẽ giúp thúc đẩy cải cách, khiến Việt Nam phải tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả nền kinh tế lên. Nó như một đòn kích thích, một xung điện để thúc đẩy kinh tế năng động hơn, mọi người phải nỗ lực cao hơn để cải cách cho phù hợp với các yêu cầu của quốc tế. Qua đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, ổn định hơn và năng lực cạnh tranh sẽ cao hơn.
VOA: Nếu có 3 điểm ưu tiên nhất cần nêu lên, ông sẽ kiến nghị điều gì cho lộ trình TPP của Việt Nam?
TS Lê Đăng Doanh: Trước hết là các yêu cầu về hàm lượng xuất xứ của hàng hóa để đảm bảo cho hàng Việt Nam có thể tiếp cận được với các thị trường bên ngoài. Thứ hai, lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng cần phải được làm rõ để không ảnh hưởng tới các ngành công nghiệp của Việt Nam như ngành công nghiệp dược hay các ngành công nghiệp thuốc thú y. Thứ ba, vấn đề về quyền tự do lập công đoàn của công nhân. Đó là những điểm, theo tôi, đối với Việt Nam là rất đáng lưu ý. Cho tới nay, tự do lập công đoàn là điều Việt Nam khó chấp nhận.
VOA: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ-chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.
T.M.
Nguồn: voatiengviet.com