TT – Bầu không khí xung quanh nhà máy alumin (Tổ hợp bôxit – nhôm Tân Rai, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) đặc quánh mùi trứng thối và nhiều mùi khó chịu khác.
Những mùi khó ngửi càng nồng hơn ở khu vực quanh hồ bùn đỏ số 1 và 2. Hàng trăm người dân ở các tổ 21, 22, 23 và 24 thuộc thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) bất đắc dĩ phải sống trong bầu không khí này.
Tháo chạy khỏi nhà máy alumin
|
Hơn nửa năm nay, môi trường sống trong khu vực càng trở nên khắc nghiệt khiến hàng trăm hộ dân ta thán. Có hộ dân đã đưa gia đình đi thuê chỗ ở mới và một số hộ khác bắt đầu tính toán “di tản”.
Anh công nhân Đồng Hoa Khoa hiện đang làm việc tại phân xưởng hóa nghiệm của nhà máy alumin, người đầu tiên trong các hộ dân sống cạnh hồ bùn đỏ, bỏ nhà đi thuê một căn nhà sâu trong rẫy cà phê. Con gái anh Khoa mới 15 tháng tuổi, nhưng hết 14 tháng phải liên tục đi khám và điều trị các chứng bệnh hô hấp.
“Chỉ cần đưa cháu ra chỗ khác sống vài ngày là cháu khỏe hẳn, nhưng về nhà lại bị mắc bệnh” – anh Khoa nói. Cha mẹ anh Khoa gần đây mắc chứng ho suốt đêm ngày, nhà anh Khoa cách hồ bùn đỏ số 1 khoảng 20m. Mỗi khi nhà máy xả bùn đỏ thì gần như cả nhà phải nín thở. Mùi tanh và vô số mùi cay cay, hăng hắc theo gió ùa vào nhà anh Khoa và những hộ dân liền kề.
Khi vợ mang thai sắp sinh, anh Khoa quyết định đi thuê nhà để ở dù lương anh chỉ 3 triệu đồng/tháng. Anh nói: “Tôi làm trong khu chuyên về hóa chất nên thừa hiểu độ độc hại!”.
Bà Hoàng Thị Cảnh (tổ 23), sống trước hồ chứa bùn đỏ số 1 và cách khu vực lò nung alumin khoảng 200m, bảo mùi từ hồ bùn đỏ ập vào suốt ngày khiến nhiều khi ăn xong bị nôn thốc nôn tháo.
Dùng chổi gom một mớ bụi trắng quanh nhà, bà Cảnh chỉ tay về phía lò nung alumin: “Mỗi khi cái lò kia xả khói trắng là bụi bay mịt mù, thứ bụi li ti mịn như bột mì mà rắn như cát bay trắng cả mái nhà, lá cà phê, thức ăn… Mấy chú công nhân trong nhà máy nói đó là bụi alumin, nó lọt vô mắt, thốn còn hơn cát!”.
Nhà bà Trần Thị Hiền, cách cổng nhà máy alumin khoảng 500m. Dẫn chúng tôi lên mái nhà đã phủ trắng bụi dù mới xảy ra một trận mưa lớn, bà cho biết bụi trắng không bay ra từ nhà máy theo giờ nhất định, thường đêm ngủ dậy thì thấy bụi theo gió cuốn ào ào vào nhà.
Bà Hiền than: “Hai năm trở lại đây cả gia đình tôi lần lượt bị viêm mũi kéo dài”. Gia đình bà Hiền có năm người, họ đang định bán nhà, dời sâu trong rẫy cà phê ở.
Nguy hại từ nước thải
Ngay cả nước giếng người dân cũng không dám dùng để nấu ăn, họ phải chở can đi xin nước ở cách xa hơn 3km. Bà Hiền cho biết nước giếng chỉ dùng để giặt đồ, nhưng vẫn phải lọc qua nhiều lần để hạn chế hư quần áo. Bà mở bể lọc, màu đỏ quạch bám khắp thành bể dù bà lau chùi định kỳ 1 tuần/lần.
Ông Nguyễn Văn Đài, tổ tưởng tổ 23,bức xúc: “Nhiều người ở tổ này sống tại đây trên 20 năm rồi mà chưa bao giờ khó sống như thế này. Ở đây thở cũng không dám, uống nước cũng không được thì làm sao mà sống?”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xung quanh nhà máy alumin có ít nhất ba cống dẫn nước thải từ nhà máy ra bên ngoài, trong đó cống số 1 dẫn nước thải ra hồ Cai Bảng (hồ chứa nước lớn nhất thị trấn Lộc Thắng). Đây là các cống dẫn nước thải sinh ra từ nhiều hoạt động khác nhau của nhà máy alumin nhưng không chứa bùn đỏ.
Tại một hồ tự nhiên nối với cống nước thải số 3, mới đây UBND thị trấn Lộc Thắng đã phối hợp với đội cảnh sát môi trường Công an huyện Bảo Lâm lập biên bản ghi nhận về tình trạng cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt hồ vào ngày 3-9. Vào thời điểm lập biên bản thì nồng độ pH đo được bằng 7.
Hồ cá của anh Hoàng Văn Quang ở cạnh cống xả số 3 cũng có hiện tượng cá chết. UBND thị trấn Lộc Thắng đã có công văn đề nghị Công ty Nhôm Lâm Đồng (đơn vị quản lý Tổ hợp bôxit – nhôm Tân Rai) kiểm tra, xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.
Ông Trần Đình Thiện (tổ 23), có nhà và vườn dọc cống xả nước thải số 1 của nhà máy alumin, kể lại những gì đã xảy ra vào buổi chiều 15-8 với giọng lo lắng. Mưa to làm nước cống xả dâng cao tràn lên ngập đường sâu khoảng 0,5m, nước đục ngầu, trắng như sữa, không phải màu đỏ của đất đỏ đặc trưng thường thấy.
Ông kể: “Sáng hôm sau vườn chanh dây bị úa vàng, rụng lá, rụng hết trái non. Vườn cà phê cũng bị tình trạng tương tự”. Điều ông Thiện sợ nhất là nước dính vào da nóng rát, rất ngứa và nhơn nhớt như xà phòng, vụ việc xảy ra tại vườn ông Thiện cũng được UBND thị trấn Lộc Thắng ghi nhận.
Ngày 9-9, có mặt tại đoạn cống xả chảy ngang qua nhà ông Thiện, chúng tôi tận mắt chứng kiến nước tại khu vực này có màu trắng sữa, giữa trưa bốc mùi hăng hắc.
Một kỹ sư đang làm việc cho phân xưởng hóa nghiệm nhà máy alumin đề nghị không nêu tên đưa chúng tôi đến các cống thải quanh nhà máy alumin. Chỉ trong một đoạn cống thải dài khoảng 30m nhưng có vô số mảng trắng dày nằm sát mặt đất.Những nguy cơ
Anh dùng một tấm gỗ vớt mảng trắng lên và khẳng định đây là xút kết tủa khi ra ngoài môi trường. Ngăn không cho chúng tôi chạm tay vào, anh khuyến cáo: “Thứ này ăn mòn da rất mạnh”.
Tại khu vực hồ bùn đỏ số 1 và số 2, chúng tôi chứng kiến màng phủ chống thấm của hồ bị rách nhiều chỗ. Chỉ riêng hồ bùn đỏ số 1, chúng tôi đã tính được tám vị trí bị rách, tập trung ở các van xả bùn đỏ. Vết rách màng phủ kéo dài từ miệng hồ xuống tận mặt nước.
Người kỹ sư đi cùng giảng giải: “Lớp phủ chống thấm có tác dụng ngăn các vi chất độc hại thấm xuống đất và rò rỉ ra bên ngoài”.
Trung tá Nguyễn Văn Trung, đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm ma túy và môi trường (Công an huyện Bảo Lâm), cho biết mới đây công an huyện đã có công văn gửi Công ty Nhôm Lâm Đồng yêu cầu gia cố bờ bao khu vực lắng rửa bùn đỏ (bùn đỏ từ đây chảy ra hồ chứa bùn đỏ) và khu vực nhà kho chứa xút.
Ông Trung nói: “An toàn ở những khu vực liên quan đến chất thải nguy hại và hóa chất chưa đảm bảo. Bờ khu lắng rửa bùn đỏ cao khoảng trên dưới 20cm, chỉ cần mưa to dồn dập thì bùn đỏ sẽ tràn và rò rỉ. Còn nhà kho chứa xút như hiện nay nhỏ so với hoạt động của nhà máy”.
Ông Nguyễn Bá Đông, trưởng Phòng tài nguyên – môi trường huyện Bảo Lâm, cho biết trong quá trình hoạt động của nhà máy alumin có một lần gây tràn xút ra môi trường và gây chết hàng loạt cá của người dân.
Vụ việc được ghi nhận xảy ra vào năm 2011 làm 3.000m² ao cá và 1.000m² chè của gia đình bà Nguyễn Tất Trân (tổ 23) bị xóa sổ. Đến nay diện tích này bị bỏ hoang do vẫn còn ô nhiễm.
|
MAI VINH – NGUYỄN LÊ
Nguồn: tuoitre.vn