Hàng loạt vụ công an hành hung, đánh đập người dân dẫn đến chấn thương, tử vong trong phòng hỏi cung thời gian qua đang khiến dư luận phẫn nộ.
Liên tục trong thời gian gần đây nhiều vụ người dân bị sưng mắt, tím bầm, thậm chí chết bất thường sau khi làm việc với công an đã khiến dư luận nghi vấn về cách làm việc lạ ở đồn công an.
Mới đây, ngày 9/3, công an huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã ra quyết định xử phạt đối với Trưởng công an xã Hạ Trạch, Nguyễn Văn Huân vì đã cố ý đánh người gây thương tích cho ông Lê Chiểu Hạnh (trú tại xóm 9, xã Hạ Trạch). Ông Hạnh được mời về trụ sở công an xã để làm việc sau khi có hành vi tát vào mặt ông Ngọc do mâu thuẫn về việc đàn bò nhà ông Ngọc phá hàng rào nhà ông Hạnh. Tại trụ sở công an xã, bất ngờ vị Trưởng công an xã Hạ Trạch đã khóa trái cửa rồi dùng tay, chân đấm đá liên tục vào người đến khi ông Hạnh ngã quỵ xuống nền nhà.
Trước đó, sáng 12/2, nạn nhân Nguyễn Hồng Khởi (21 tuổi quê Nghệ An) sau khi làm việc với công an phường Linh Xuân (quận Thủ Đức, TPHCM) đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương. Sau đó, anh Khởi đã tố bị công an đánh đến nhập viện. “Họ dùng dùi cui, dép đánh vào mặt, đầu và lên gối vào mặt em”, anh Khởi kể lại.
Sắp tới, 5 cựu cảnh sát điều tra Công an TP Tuy Hòa sẽ phải hầu tòa khi bị tố dùng nhục hình hỏi cung khiến nghi can tử vong. Các cựu công an như Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá – Đội phó điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Tuy Hòa) và các cựu cán bộ điều tra Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Thân Thảo Thành, Đỗ Như Huy. Những người này bị cho là đã dùng nhục hình với anh Ngô Thanh Kiều (32 tuổi, huyện Tây Hòa, Phú Yên) khiến nạn nhân tử vong.
Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Đoàn luật sư Hà Nội, Chủ tịch hội đồng khen thưởng, nếu người thi hành công vụ dùng nhục hình đối với nghi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 298 BLHS về tội dùng nhục hình, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 299 BLHS về tội bức cung. Còn nếu người thi hành công vụ đánh người đẫn đến tử vong thì phạm tội Làm chết người trong khi thi hành công vụ qui định tại điều 97 BLHS.
Nói về việc nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tình trạng người dân bị đánh khi làm việc tại đồn công an thì nên lắp camera ở phòng hỏi cung từ cấp xã trở lên. Luật sư Tiến nhận định, nếu có điều kiện để lắp được camera ở tất cả các phòng hỏi cung từ cấp xã trở lên thì sẽ giúp làm sáng tỏ sự minh bạch trong phòng hỏi cung nhưng ở nước ta với điều kiện như hiện nay thì khó có thể làm được điều này. Hơn nữa, camera chỉ có thể hạn chế phần nào thôi chứ không thể tránh được việc làm sai trái của người thi hành công vụ, bởi camera không thể ghi được suy nghĩ của con người.
“Sai phạm là do con người đang thực thi công vụ gây ra do vậy phải đào tạo bồi dưỡng pháp luật cũng như giáo dục đạo đức nghề nghiệp thường xuyên cho họ. Đây mới là công việc bền vững, cần thiết và cơ bản để trách sai phạm pháp luật của người thi hành công vụ”, Luật sư Tiến phân tích.
Hải Ninh
Nguồn: http://kienthuc.net.vn