Những câu chuyện xưa

PGS TS Vũ Trọng Khải là một chuyên gia về kinh tế nông nghiệp, chỉ được đào tạo trong nước, thậm chí chỉ được vào học một ngành mà thời đó coi là ‘đội sổ” –  do “lý lịch” không “đỏ” – nhưng đã có những đóng góp đáng kể cho việc cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp một thời. Bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, ông bỗng có hứng kể lại “những câu chuyện xưa” của chính mình, trong đó người của các thế hệ miền Bắc trong chiến tranh thấy lại, còn người miền Nam hay người hậu sinh cả nước thì có cơ hội biết đến, những cái “không  đâu có” ngoài nông thôn Việt Nam thời… “mỗi người làm việc bằng hai/ để cho chủ nhiệm mua đài mua xe…”.

Cũng xin lưu ý, tác giả rất chân thực khi nói đến những nét tích cực của thời gian khổ ấy, qua những con người, cả các lãnh đạo Đảng Cộng sản trong cái thời họ còn “vì dân” (nói theo Thầy Nhất Hạnh là vẫn giữ được “cái tâm ban đầu”).

Hoàng Hưng

Vài lời phi lộ

Tôi không có ý định viết hồi ký, với một lẽ đơn giản là đời tôi giản đơn! Hơn nữa, việc viết hồi ký đòi hỏi phải biết chính xác ngày giờ, địa điểm, bối cảnh xảy ra sự kiện, có thể “truy xuất” nguồn gốc của chúng, mà điều đó vượt quá khả năng của tôi. Người già sống bằng hoài niệm, những ký ức xưa, vui có, buồn có. Nhưng nay, nhớ lại, nó lại là niềm vui, sức sống của tuổi già. Do vậy, tôi cũng định khi bước sang tuổi 70, tức là sau ngày 15/04/2014, tôi mới khai bút. Nhưng ngày 27/10/2013, tôi có dịp trở lại hợp tác xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nơi cách đây hơn 40 năm, chính xác là vào tháng 08/1973, tôi và các thành viên của tổ công tác chỉ đạo xây dựng mô hình quản lýmới tại hợp tác xã này, đãđến đây và ở lại trong suốt 3 năm liền. Và sự tái ngộ không báo trước này với những người ở địa phương đã gây trong tôi cảm xúc sâu đậm và bất ngờ. Do vậy, sợ để lâu sẽ mất cảm xúc, tôi đã khai bút sớm. Những câu chuyện của tôi được kể ởđây không theo trật tự thời gian mà theo “qui luật” của cảm xúc.

Vậy thôi, mọi chuyện xảy ra đều ngẫu hứng và giản đơn như chính cuộc đời tôi.

Ngày 7/11/2013

Vũ Trọng Khải

 ****

Câu chuyện thứ nhất

“Hai kilogam thóc và bốn hào”

Sáng 27/10/2013, tôi và hai người bạn đồng môn của khoa Kinh tế Nông nghiệp, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, khóa V (1963 – 1967) – anh Khúc Đình Vạn (sinh 1941) quê ở xã Yên Mĩ, huyện Thanh Trì, Hà Nội, cựu chuyên viên Kinh tế của Bộ Kế hoạch – Đầu tư và anh Phạm Huy Khảo (sinh 1945), quê ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, Đại tá, cựu Phó Tổng biên tập Báo QĐND – rời Hà Nội trên chiếc xe Laser 4 chỗ, mượn của Trường Cán Bộ Quản Lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 1, qua đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ để đến hợp tác xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (trước đây là Nam Hà và Hà Nam Ninh). Cảnh cũ không còn, người xưa chẳng hay ai còn, ai mất, tôi phải hỏi đường mới đến được ngôi chùa ở làng Văn Phú, xã Mỹ Thọ, mặc dù nó ở ngay sát đường sắt chạy từ Phủ Lý đến Nam Định. Đến trước cổng chùa, tôi còn đang ngỡ ngàng vì ngôi chùa đã được xây lại khang trang, chưa gặp được ai để hỏi thăm, bỗng có một người đàn ông trạc tuổi U60, đi xe đạp ngang qua, hỏi với giọng hơi “hách”: “Các ông đi đâu?”. Tôi trả lời: “Tôi đến chùa Văn Phú, nơi cách đây 40 năm, tổ công tác của chúng tôi đã ở đây và làm việc”. Người đàn ông có vẻ “hạ giọng”: “Bác Thảo?”. Không, tôi trả lời. “Bác Khải”, người đàn ông lại nói. “Đúng thế, lúc chúng tôi ở đây, anh bao nhiêu tuổi”, tôi hỏi. “Tôi 17, 18 tuổi”. “Anh tên gì và làm gì?”, tôi hỏi. “Tôi là Bằng, trưởng thôn Văn Phú”. (À, ra vậy nên anh ta mới có cái giọng hách dịch lúc ban đầu gặp gỡ, tôi thầm nghĩ). Tôi hỏi tiếp: “Anh có nhớ gì về tổ công tác chúng tôi không?”. “Hai cân thóc và bốn hào”, câu trả lời tức thì, không cần suy nghĩ của người trưởng thôn 57-58 tuổi khiến tôi hết sức ngỡ ngàng và xúc động. Hai người bạn của tôi cũng có phần nào hiểu và xúc động trước câu trả lời ấy. Người ngoài cuộc và các bạn trẻ hôm nay, dù là các chuyên gia giỏi về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng không dễ gì hiểu được vì sao câu trả lời của người đàn ông này khiến tôi xúc động và ngạc nhiên.

Vốn là thế này: Thời đó, hầu như nông dân ở miền Bắc đều là xã viên hợp tác xã, được xây dựng và hoạt động dựa trên chế độ sở hữu tập thể về ruộng đất và các tư liệu sản xuất cơ bản, như trâu bò cày kéo, với cái cày “51” và bừa chữ “Nhi” [儿], cào cỏ 64A. Xã viên đi làm ruộng theo hiệu lệnh của đội sản xuất (Sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn – thơ Tố Hữu), được trả thù lao bằng “công điểm”, cứ 10 điểm là 1 công; 1 ngày lao động 8 giờ, tùy theo công việc được trả từ 8 điểm đến 16 – 20 điểm. “Công điểm” như là một thứ “tiền nội bộ” của riêng mỗi hợp tác xã, cuối vụ, cuối năm, quyết toán ăn chia, phân phối, xã viên mới biết giá trị của 1 công (10 điểm) là bao nhiêu kg thóc và bao nhiêu tiền. Do “cha chung không ai khóc”, hợp tác xã quản lý lỏng lẻo, nên tình trạng “phóng công, rong điểm” tương tự như lạm phát tiền tệ vậy, diễn ra phổ biến và nghiêm trọng. Do thế, ở phần lớn các hợp tác xã, với 1 ngày công (10 điểm), cuối năm, xã viên chỉ nhận được từ hợp tác xã vài ba lạng thóc. Thế mà sau 1 năm chỉ đạo, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và mô hình quản lý mới, xã viên hợp tác xã Mỹ Thọ không thể ngờ là mình nhận được “2kg thóc và 4 hào” cho 1 ngày công (10 điểm). Bốn hào ngày ấy lớn lắm, với giá 1 kg thóc mà hợp tác xã bán cho nhà nước trong mức nghĩa vụ là 3 hào, vượt nghĩa vụ là 9 hào (10 hào là 1 đồng). Lương của cử nhân kinh tế mới ra trường chỉ có 51 đồng, sau 24 tháng tập sự mới được nhận 60 đồng. Lương khởi điểm của người lao động phổ thông là 27 đồng/ tháng. Ba chúng tôi và anh Bằng, trưởng thôn Văn Phú, cùng vui vẻ đứng chụp một kiểu ảnh trước cửa chùa Văn Phù để kỷ niệm “40 năm, gặp lại” (người bấm máy là một ni cô trong chùa Văn Phú).

Từ trái qua phải: ông Phạm Huy Khảo, ông Khúc Đình Vạn, ông Bằng – Trưởng thôn, và tôi – Vũ Trọng Khải

11/2013

 ****

Câu chuyện thứ hai

Cấy giăng dây, thẳng hàng

Hồi ấy, một tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa nước do Tiến sĩ Nông học Lương Định Của khởi xướng và được Bộ Nông nghiệp chỉ đạo áp dụng rộng rãi là cấy lúa thẳng hàng để có thể sử dụng cào cỏ sục bùn 64A. Muốn vậy, các xã viên phải tập cấy trên sân trước và phải giăng dây thì mới đảm bảo cấy thẳng hàng. Kỹ sư nông học Lê Thảo (1938 – 1976), tổ trưởng tổ công tác, người dày dạn kinh nghiệm trong việc chỉ đạo sản xuất nông nghiệp (tương tự như cán bộ khuyến nông 3 cùng của công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang bây giờ) đứng ra tập huấn. Chị em xã viên là lực lượng cấy lúa (và 3 đảm đang nữa), tuổi đời phổ biến là trên dưới 40, đều có chồng, con, nhưng phần lớn “phòng không”, vì chồng họ đi bộ đội hoặc công tác ở xa quê nhà. Sau khi nghe và xem kỹ sư Lê Thảo hướng dẫn, cấy thị phạm, các chị xã viên thuộc loại “nạ dòng”, không chịu thực tập, cứ túm 5 tụm 3 cười rúc rích. Kỹ sư Lê Thảo kiên nhẫn nhắc nhở nhiều lần, nhưng chị em vẫn không nghe lời. Bỗng có một chị tuổi sồn sồn, nói lớn: “Này ông kỹ sư ơi, chị em chúng tôi biết cấy lúa từ lúc lông l… còn lấm tấm cơ. Việc gì bây giờ chúng tôi phải tập cấy lúa trên sân cơ chứ?”. Tất cả chị em đều cười ầm sau lời nói đó. Tôi thì đỏ mặt, vì lúc đó mới U30, chưa vợ. Chỉ có kỹ sư Lê Thảo là lớn tuổi, có vợ con, với bề dày kinh nghiệm chỉ đạo, vẫn bình thản nói: “Hợp tác xã trả công 10 điểm cho buổi tập cấy, ai không nghe lời tôi, sẽ không được chấm công”. Thế là các chị em nghe lời răm rắp. Âu cũng là cái sức mạnh của hợp tác xã kiểu cũ, của cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp đã từng tồn tại khá dài trong lịch sử phát triển nông nghiệp nước ta. Vụ Đông Xuân 1973-1974 thắng lợi lớn, một phần cũng nhờ kỹ thuật cấy thẳng hàng và làm cỏ sục bùn bằng bằng cảo cỏ 64A. Vì thế, mỗi ngày công xã viên hợp tác xã Mỹ Thọ mới nhận được 2kg thóc và 4 hào.

12/2013

  ****

Câu chuyện thứ ba

Nelson Mandela và Thánh Gióng

Theo thông tin của các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi được biết, có ít nhất 60 nguyên thủ quốc gia đến Nam Phi để tiễn cựu Tổng thống Nelson Mandala về nơi an nghỉ ở quê nhà. Đặc biệt, ba vị tổng thống Mĩ: Tổng thống đương nhiệm Barack Obama và hai cựu tổng thống Bill Clinton và G. Bush (con) cũng đi Nam Phi dự lễ tang cựu tổng thống Mandela. Dinh Tổng thống Mĩ (Nhà Trắng) sẽ treo cờ rủ. Quốc tang cựu Tổng thống Mandela ở Nam Phi sẽ bắt đầu từ 10/12 đến 16/12. Trưa 15/12, lễ an táng sẽ diễn ra tại quê ông.

Sự kiên cường, dũng cảm đấu tranh và trải qua gần ba thập niên tù đày của ông đương nhiên rất đáng kính phục, nhưng nhiều chiến sĩ cách mạng trong lịch sử loài người cũng đã từng kiên cường, dũng cảm như vậy, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mình, trong đó có rất nhiều người Việt Nam chúng ta. Nhưng theo tôi, cái làm nên sự vĩ đại, đáng kính phục và ngưỡng mộ nhất đối với Nelson Mandela là tinh thần tha thứ và hòa giải, không “tham quyền cố vị”, thực sự vì sự phát triển phồn vinh của đất nước, của dân tộc. Điều đó ít ai trên thế giới, nhất là những người lãnh đạo quốc gia, làm được. Chính nhờ tinh thần đó mà sau khi xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (apartheid), đất nước Nam Phi mới phát triển theo con đường dân chủ và hội nhập với thế giới văn minh của nhân loại tiến bộ. (Lúc đầu một số người da trắng Nam Phi bỏ xứ ra đi vì sợ bị trả thù. Nhưng phần đông người da trắng ở lại, họ nắm huyết mạch kinh tế ở Nam Phi, biết kinh doanh hơn người da đen bản địa. Nhờ đó kinh tế Nam Phi không bị khủng hoảng mà vẫn phát triển). Tinh thần tha thứ, hòa giải dân tộc và hội nhập vào thế giới văn minh của Nelson Mandela là điều mà dân tộc Việt Nam cần học tập nhất. Sự hận thù dai dẵng, lấy oán trả oán đã trở thành cách ứng xử khá phổ biến nếu không muốn nói là một nét văn hóa ứng xử của dân tộc ta. Điển hình là chuyện cổ tích Tấm Cám. Cô Tấm “thảo hiền” đã âm mưu giết cô Cám, rồi lấy xác làm mắm gửi về cho mẹ cô Cám ăn để trả thù xưa. Thế mà có thời, người ta đưa chuyện Tấm Cám vào sách giáo khoa tiểu học!?. Thử hỏi bây giờ, có ông bà hay cha mẹ nào dám kể chuyện Tấm Cám cho cháu, con mình không? Trên thực tế lịch sử, tuy rằng người Việt Nam đã được dạy là phải lấy ân báo oán, nhưng việc lấy oán trả oán vẫn diễn ra phổ biến suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, làm chia rẽ dân tộc, nhấn chìm đất nước trong lạc hậu, nghèo nàn và lạc lõng giữa nhân loại đang phát triển theo xu hướng dân chủ. Hồi đầu năm 2011, tôi sang Cuba với tư cách là chuyên gia kinh tế nông nghiệp, giúp Bộ Nông nghiệp Cuba cải cách chính sách phát triển ngành lúa gạo, hướng đến mục tiêu tự túc về gạo ăn cho khoảng 10 triệu dân. (Lúc đó, sản xuất lúa gạo của Cuba mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu). Trong chuyến đi điền dã ở nông thôn Cuba, tôi có đến thăm một ông chủ trang trại gia đình. Thực ra theo tôi nghĩ, ông là một nghệ sĩ nhiều hơn là một ông chủ trang trại. Vì ông có một lò gốm mỹ thuật, hoạt động với mục đích truyền nghề cho thế hệ trẻ, không vì mục đích lợi nhuận. Ông có một bức tranh tường khá lớn, vẽ một con bò sữa có bầu vú teo tóp và mồm đeo một cái khóa to tướng với cặp mắt nhìn đau đáu vào bó cỏ tươi trước mặt. Tôi khen bức tranh có nhiều ý nghĩa. Ông cười thích thú và thế là cuộc nói chuyện trở nên cởi mở. Ông nói rằng, ông ngưỡng mộ và khâm phục Nelson Mandela nhất, hơn tất cả các chiến sĩ đấu tranh giải phóng dân tộc khác. Bởi vì, sau khi giành được quyền lực, ông đã hòa giải dân tộc, tha thứ cho những kẻ đã đưa ông vào tù 27 năm, để đất nước Nam Phi phát triển theo con đường dân chủ, hội nhập với nhân loại văn minh và chỉ làm tổng thống trong một nhiệm kỳ 5 năm, chứ không làm tổng thống suốt đời như nhiều nhà lãnh đạo khác. Nhân đó, tôi kể cho ông nghe câu chuyện Thánh Gióng của Việt Nam. Sau khi lãnh đạo dân tộc Việt Nam đánh đuổi giặc ngoại xâm phương bắc, Thánh Gióng bay về trời, chứ không ở lại trần thế để làm vua theo truyền thống cha truyền, con nối, như những nhà lãnh đạo dân tộc khác. Ông chủ trang trại Cuba cười và nói hai nhân vật này giống nhau vì đều là huyền thoại, nhưng khác nhau ở chỗ: ông Nelson Mandela là con người thực, con người trần tục, trở thành huyền thoại, không chỉ của nhân dân Nam Phi, mà còn của cả loài người tiến bộ; còn Thánh Gióng là con người huyền thoại được người dân thêu dệt nên để thể hiện khát vọng của mình. Tinh thần tha thứ, lấy ân trả oán, hòa giải để hòa hợp dân tộc, hội nhập vào thế giới dân chủ và văn minh là con đường đúng đắn nhất, cần thiết nhất cho dân tộc Việt Nam lúc này hơn lúc nào hết.

10/12/2013

(Ngày Nhân quyền Quốc tế)

V. T. K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

 ****


Câu chuyện thứ 4

40 năm gặp lại

Cảnh đã khác xưa nhiều lắm. Người còn thì ít, mà người mất hay lưu tán thì nhiều.  Dọc đường từ Hà Nội đến huyện Bình Lục, tôi thấy nhiều khu công nghiệp “xôi đỗ”, xen giữa cánh đồng lúa – màu, băm vụn nó và các kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhà xây 2 – 3 tầng khá phổ biến, thay thế cho những ngôi nhà nền đất lợp mái rạ khi xưa, nhưng kiểu dạng kiến trúc thì thô kệch; đường làng bằng gạch đinh ngày xưa được thay bằng đường xi măng thô rám. Xóm làng ngổn ngang xây cất chẳng theo một qui hoạch kiến trúc nào. Anh Bằng, trưởng thôn Văn Phú (xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) dẫn chúng tôi đến thăm nhà ông Khoa, phó chủ nhiệm hợp tác xã Mỹ Thọ khi xưa, gần chùa Văn Phù. Ông Khoa mất đã lâu, chỉ còn bà Khoagần 80 tuổi, sống một mình trong ngôi nhà xây 1 tầng quá cũ kỹ, với một mảnh vườn tạp trước nhà. Cây trồng nhiều nhất là bưởi, có cả giống bưởi Diễn nổi tiếng. Các con bà Khoa đã trưởng thành và ra thành phố sinh sống, làm ăn. Cô con gái út, theo bà kể, là chủ một tiệm buôn bán, thuê 4 nhân viên, ở TP. Vũng Tàu, mời bà về ở để chăm sóc, nhưng bà bảo “thích ở một mình, tự do hơn, lại có quan hệ hàng xóm láng giềng thân tình, theo nét văn hóa cổ truyền Việt Nam”. Lúc mới gặp, bà Khoa hơi ngỡ ngàng, rồi cũng nhận ra tôi. Bà mừng lắm, hái bưởi mời chúng tôi ăn và nhất định buộc tôi phải mang chục quả bưởi về làm quà. Bà cùng chúng tôi xuống thăm ông Vũ Đình Lãi, là chủ nhiệm hợp tác xã Mỹ Thọ thời chúng tôi ở đây công tác. Ông Lãi đã ngoài 80 tuổi, bị xuất huyết não, mất trí nhớ gần như hoàn toàn. Nhưng rất may là hôm 27/10 là ngày gỗ bố ông Lãi nên các con, cháu và em gái, em rể của ông về đầy đủ. Anh con trưởng Vũ Đình Thắng, tuổi ngọ (1954), thượng tá Quân đội nhân dân đã về hưu, sống ở Hà Nội, gặp chúng tôi, nghe kể về cái thời của ông Lãi (cùng tổ công tác xây dựng hợp tác xã Mỹ Thọ trong những năm 70 của thế kỷ 20), thì mới ngộ ra nhiều về cuộc đời “oanh liệt” của cha mình. Anh mừng lắm.

Thời ấy, hợp tác xã Mỹ Thọ có 413 ha canh tác với 2. 938 nhân khẩu, 984 xã viên tham gia lao động cho hợp tác xã. Hằng năm, hợp tác xã Mỹ Thọ làm ra khoảng 1. 000 tấn thóc. Vụ Đông Xuân 1973 – 1974 nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật với 60% diện tích cấy giống lúa mới, thực hiện quy trình canh tác thâm canh tiên tiến và cung cách quản lý mới, sản lượng thóc đạt 1. 450 tấn, bằng 137% sản lượng lúa cả năm 1. 970, là năm được mùa lớn nhất. Cung cách quản lí mới được áp dụng bằng một hệ thống qui chế trả lời được 6 câu hỏi cho từng vị trí công tác, từ chủ nhiệm đến đội trưởng và từng xã viên: Làm gì? Ai làm? Làm thế nào?Làm ở đâu?Làm lúc nào?Làm tốt hoặc không tốt thì sao? Nhờ vậy, trong 3 năm áp dụng hệ thống quản lý mới và tiến bộ kỹ thuật, hợp tác xã Mỹ Thọ đã được nhà nước tặng thưởng 2 huân chương lao động vào năm 1975 và 1976. Bây giờ Ông Lãi ngồi yên tặng, không nhớ gì, không nhận ra tôi, nhưng con cháu ông sum vầy chăm sóc ông tận tình. Và hôm nay, con cháu ông được nghe kể về thời vàng son của ông và hợp tác xã Mỹ Thọ trong những năm 70 của thế kỷ 20.

Rời hợp tác xã Mỹ Thọ, chúng tôi đến thành phố Nam Định để gặp ông Nguyễn Trung Kiểu, người được Thường vụ Tỉnh ủy Nam Hà và Bí thư Phan Điền phân công chuyên trách trực tiếp chỉ đạo công tác cải tiến quản lý và áp dụng tiến bộ kỹ thuật ở hợp tác xã Mỹ Thọ, cùng với 5 hợp tác xã thuộc khu B của huyện Bình Lục thời đó. Ông Kiểuquê ở làng (thôn) Văn Phú, xã Mỹ Thọ, là tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Bình Lục. Từ tháng 8 năm 1973, ông được miễn nhiệm chức Bí thư Huyện ủy Bình Lục để chuyên trách chỉ đạo xây dựng điển hình hợp tác xã Mỹ Thọ và khu B, của huyện Bình Lục. Để giúp ông Kiểu, một tổ công tác được thành lập. Bí thưtỉnh ủy Phan Điền đề nghị Bộ Nông nghiệp cử một nhóm kỹ sư về hợp tác xã Mỹ Thọ để giúp tỉnh và ông Kiểu trực tiếp chỉ đạo điển hình cải tiến quản lý và áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Ông Trần Quang, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cây trồng và ông Nguyễn Duy Hiền quyền Vụ trưởng Vụ Kế hoạch củaỦy ban Nông nghiệp Trung ương lúc đó, sau này là Bộ Nông nghiệp, đã cử 4 chúng tôi vào tổ công tác này, bao gồm: Kỹ sư trồng trọt Lê Thảo (1938 – 1976), tốt nghiệp khóa 2 (1961), Đại học Nông nghiệp Hà Nội, người dày dạn “chiến trường” chỉ đạo áp dụng tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp là tổ trưởng, tôi là cử nhân kinh tế nông nghiệp, tốt nghiệp khóa V (1963 – 1967) của trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, phụ trách xây dựng và chỉ đạo hệ thống quản lý mới, cử nhân kinh tế Nguyễn Văn Kình tốt nghiệp khóa 9 (1964 – 1968) của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, phụ trách việc lập và thực hiện kế hoạch sản xuất – kinh doanh kiểu mới trong hợp tác xã, Đặng Phán cử nhân kinh tế, chuyên ngành Kế toán, tốt nghiệp trường Đại học Tài chính Hà Nội năm 1970, phụ trách xây dựng và chỉ đạo áp dụng hệ thống kế toán – thống kê mới trong hợp tác xã. Cả 4 chúng tôi đều không phải là đảng viên, nên phải dấu huyện và xã để có uy trong chỉ đạo. Thời đó, những vấn đề quản lý và chính sách nông nghiệp nếu không phải đảng viên thì rất khó làm việc, không được dự các cuộc họp thường vụ đảng ủy huyện, xã bàn về quản lý hợp tác xã. Để giúp sức cho tổ công tác, giáo sư Bùi Huy Đáp, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp, còn cử Phó tiến sĩ Tiềm chuyên gia nông hóa – thổ nhưỡng, giúp việc phân tích đất và xác định cơ cấu, số lượng phân bón các loại, đặc biệt là phân lân cho đất vùng chiêm trũng với giống lúa IR5; hai giảng viên Ngọc và Uyển của trường Nghiệp vụ Kinh tế Xuân Mai, thuộc Ủy ban Nông nghiệp trung ương (sau này là Bộ Nông nghiệp), giúp xây dựng hệ thống kế toán – thống kê mới. Khi có dịch bệnh gia súc, bác sỹ thú y Lăng của Viện Thú y cũng xuống giúp chỉ đạo phòng chống bệnh trâu, bò, lợn. Ngoài ra, huyện còn cử thêm 1 kỹ sư chăn nuôi và 1 kỹ sư thủy sản tham gia tổ công tác. Tổ công tác đặt dưới sự chỉ đạo của ông Kiểu và Bí thưư Huyện ủy Bình Lục Đặng Văn Ngự.

Đến thành phố Nam Định tôi hỏi thăm khu tập thể của cán bộ tỉnh ủy, lần mò chừng 30 phút thì tìm ra nhà ông Kiểu, nơi mà năm 1982 trước khi chuyển vào Nam công tác tôi đã đến chào từ biệt ông Phan Điền và ông Nguyễn Trung Kiểu. Sau khi kết thúc chỉ đạo khu B và hợp tác xã Mỹ Thọ, ông Kiểu được bầu vào Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế của Tỉnh ủy Nam Hà, sau này là Hà Nam Ninh. Người ta nói vui rằng, trong 4 chân ghế thường vụ của ông Kiểu có 3 chân thuộc về hợp tác xã Mỹ Thọ và khu B, Bình Lục. Trong khu B, hợp tác xã Mỹ Thọ là điểm. Kết quả chỉ đạo hợp tác xã Mỹ Thọ đã được nhân rộng ra 5 hợp tác xã còn lại thuộc khu B. Từ thực tiễn cải tiến quản lý hợp tác xã ở khu B, Bình Lục, tỉnh Nam Hà sẽ chỉ đạo áp dụng mô hình quản lý mới cho các hợp tác xã trong tỉnh. Năm 1976, tổng kết 3 năm chỉ đạo hợp tác xã Mỹ Thọ, tổ công tác đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, các thành viên của tổ lại trở về cơ quan của mình. Đặc biệt, năm 1982, tôi đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội, với đề tài: “Quan điểm hệ thống đối với một mô hình cụ thể về tổ chức – quản lý sản xuất -kinh doanh trong hợp tác xã nông nghiệp, qua thực tiễn ở hợp tác xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam Ninh” do giáo sư Mai Hữu Khuê, Hiệu trưởng và Phó tiến sĩ Hoàng Khoan, Trưởng khoa Toán Kinh tế, trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, hướng dẫn.

12/2013

  ****

Câu chuyện thứ 5

Tôi đã “tìm ra châu Mỹ” như thế nào

Đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20, để xây dựng nền nông nghiệp sản xuất lớn XHCN, các Bộ nông nghiệp, Bộ Nông trường Quốc doanh, Tổng cục Lâm nghiệp và Tổng cục Thủy sản (2 tổng cục này trực thuộc chính phủ) được sáp nhập thành Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương, do ông Hoàng Anh, bí thư Trung ương Đảng, phó Thủ tướng Chính phủ, làm chủ nhiệm; hai Bộ trưởng Nguyễn Văn Lộc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nghiêm Xuân Yêm, Bộ trưởng bộ Nông trường Quốc doanh, đều là thành viên chính phủ, làm phó chủ nhiệm. Còn Bộ Lương thực do ông Ngô Minh Loan làm Bộ trưởng không chịu sáp nhập, (sic!). 12 ông thứ trưởng và tổng cục trưởng của các cơ quan trên trở thành ủy viên Ủy ban Nông nghiệp Trung ương, hàm thứ trưởng. (Sau đó vài năm, người ta lại tái lập Bộ Nông Nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thủy sản, để rồi ít năm sau lại nhập các bộ này với Bộ Thủy lợi thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày nay. Vì thế dân gian đã có câu: “Con kiến mà leo cành đa, ủy ban nông nghiệp tách ra nhập vào; con kiến mà leo cành đào, ủy ban nông nghiệp nhập vào, tách ra”). Bí thư thứ nhất ban chấp hành trung ương đảng Lê Duẩn chỉ thị cho ông Hoàng Anh phải thí điểm cơ giới hóa nông nghiệp để đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Một tổ công tác được thành lập, do Ủy viên Ủy ban Nông nghiệp Trung ương Hoàng Bá Sơn trực tiếp phụ trách, được cử xuống huyện Hưng Hà (do sáp nhập 2 huyện Hưng Nhân và Duyên Hà) thuộc tỉnh Thái Bình, để triển khai chủ trương này. Tôi được cử tham gia tổ công tác này, phụ trách các vấn đề kinh tế của việc cơ giới hóa nông nghiệp, còn các thành viên khác đều là các chuyên gia kỹ thuật cơ khí nông nghiệp và nông học. Ông Lê Kiểm, Tổng cục phó Tổng cục Cơ khí Nông nghiệp, thuộc Ủy ban Nông nghiệp Trung ương, trực tiếp chỉ đạo tổ công tác.

Thời kỳ đó, ruộng đất thuộc sở hữu tập thể của các hợp tác xã nông nghiệp, đã được xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng, khá thuận lợi cho việc sử dụng máy móc trong các khâu canh tác. Trạm máy kéo thuộc sở hữu nhà nước, được trang bị các máy kéo lớn có công suất từ 25CV trở lên, với các máy công tác chủ yếu chỉ để làm đất. hợp tác xã chỉ được sở hữu các máy kéo nhỏ, phổ biến là loại máy có công suất 12 CV, như máy kéo Đông Phong của Trung Quốc, máy Công Nông của Việt Nam, bắt chước (copy) loại máy kéo Kubota của Nhật Bản. Loại máy này ở Việt Nam được gọi là máy kéo tay, vì người lái không ngồi trên máy mà đi bộ sau máy và 2 tay cầm 2 cái càng điều khiểu. Đi theo máy kéo này, thường gồm các loại máy công tác, như phay đất, cấy lúa, bơm nước, tuốt lúa, xay xát. Nó rất phù hợp với nền nông nghiệp qui mô nhỏ, đồng ruộng có kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi như ở miền Bắc lúc đó. Nhưng, dùng máy kéo này năng suất thấp hơn máy kéo lớn, nên không thể gọi là “sản xuất lớn XHCN”. Vì thế, hợp tác xã có nhu cầu, nhưng lại không được trang bị nhiều loại máy này. Máy kéo lớn do các trạm máy kéo quốc doanh quản lý, biểu tượng cho lực lượng sản xuất tiên tiến của giai cấp công nhân. Hợp tác xã phải thuê các dịch vụ canh tác của trạm ruộng kéo với giá rẻ, thể hiện mối liên minh công – nông, giai cấp công nhân giúp giai cấp nông dân đi lên sản xuất lớn XHCN, nên phát sinh quan hệ “xin – cho”. Trạm máy kéo được trang bị phần lớn loại MTZ có công suất 50 – 52 CV, do liên xô sản xuất, bánh hơi, sơn màu đỏ. Mỗi khi máy kéo của trạm máy kéo quốc doanh về cày đất cho hợp tác xã, ngoài việc trả phí chính thức, hợp tác xã còn phải nuôi công nhân lái máy rất tốn kém, nhiêu khê, nếu không muốn lỡ thời vụ. Do đó, ở nông thôn, người ta vẫn nói “Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà”. Các hợp tác xã thường “ớn” (không thích) thuê dịch vụ của trạm máy kéo quốc doanh, vẫn chủ yếu sử dụng sức kéo trâu bò và các máy tĩnh tại như suốt lúa, bơm nước.

Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo áp dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp bằng máy kéo lớn do các trạm máy kéo quốc doanh quản lý, tại các hợp tác xã của huyện Hưng Hà. Tuy lúc đó, đàn ông trai tráng đều đi bộ đội hoặc công tác xa, việc đồng áng đành phó mặc cho phụ nữ “3 đảm đang”, nhưng các hợp tác xã không thiết tha với cơ giới hóa. Một phần vì các loại máy lớn chưa thật sự phù hợp với điều kiện canh tác của các hợp tác xã xét trên góc độ kỹ thuật, phần lớn các hợp tác xã không muốn sử dụng máy móc vì lý do kinh tế. Sau mấy tháng nghiên cứu, điều tra, tôi mới ngộ ra rằng:

–        Thứ nhất: máy kéo lớn chủ yếu chỉ mới thực hiện khâu làm đất trên những cánh đồng lớn, có đường giao thông nội đồng thuận lợi, làm giảm được 90 ngày công lao động/ 1 ha gieo trồng lúa, so với làm đất bằng trâu, nên chưa thể giảm số người lao động nông nghiệp (canh tác lúa). Tính hệ thống của máy móc nông nghiệp chưa được thiết lập để thực hiện đồng bộ các khâu canh tác, năng suất lao động giữa các khâu canh tác sử dụng máy móc công suất lớn, nhỏ khác nhau, kết hợp với lao động thủ công ở những khâu canh tác còn lại, nên chúng không thích với nhau. Do vậy, việc cơ giới hóa nông nghiệp chỉ có thể làm giảm công đầu tư trên 1 hecta gieo trồng, mà không làm giảm người lao động cần có để đảm trách 1 hecta gieo trồng. Nói cách khác, cơ giới hóa nông nghiệp chưa làm giảm sức lao động nông nghiệp.

–        Thứ 2: 90 ngày công được giải phóng khỏi công việc đồng áng phải được đưa vào việc làm khác, tạo được một khoản thu nhập, chí ít cũng bằng chi phí dịch vụ thuê máy làm đất của trạm máy kéo quốc doanh. Trên thực tế, 90 ngày công được giải phóng nhưng nông dân không có việc gì để làm, nên đành chơi không, nhìn máy kéo chạy trên đồng. Điều đó làm giảm thu nhập của hợp tác xã và xã viên. Hơn nữa thời đó, tuy phần lớn phụ nữ đảm đang việc đồng áng, nhưng vẫn thiếu việc làm. Do đó, các nhà nông học phải nghĩ cách để gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp bằng lao động thủ công. Tất cả các hợp tác xã đều nuôi bèo hoa dâu trên vụ lúa chiêm – xuân, trồng điền thanh “mô” trên ruộng lúa mùa (đắp mô đất trên ruộng lúa nước để trồng điền thanh là loại cây trồng cạn). Bèo hoa dâu và điền thanh là 2 loại cây phân xanh cung cấp đạm cho lúa, nhưng phải đầu tư hàng trăm công lao động trên 1 ha canh tác lúa. Hơn nữa, người ta còn kì công, lấy phân đạm hóa học, trộn với đất sét thành những viên nhỏ, dúi vào từng gốc lúa để tiết kiệm phân bón, tăng năng suất lúa và gia tăng thu nhập.

Vì thế, các hợp tác xã không muốn áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp. Tôi phải làm 1 bản báo cáo dài với số liệu điều tra tỉ mỉ, phân tích kinh tế với hơn 30. 000 từ để lý giải vì sao hợp tác xã không muốn sử dụng máy móc lớn, hiện đại của Liên Xô. Báo cáo này đã được đăng trên tạo chí “Nghiên cứu kinh tế” trong 2 số tháng 10 và tháng 12 năm 1971. Thế nhưng người ta vẫn tiến hành cơ giới hóa nông nghiệp để tiến lên “sản xuất lớn XHCN” bằng mọi giá. Thất bại là kết quả đương nhiên, nhưng tôi lại “tự hào” là mình đã tìm ra “một lý thuyết kinh tế mới” trong việc cơ giới hóa nông nghiệp, như Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ cách đây hơn 5 thế kỷ (1498). Mãi sau khi giải phóng miền Nam, tình cờ đọc một cuốn sách vỡ lòng về kinh tế học (nay không nhớ tên cuốn sách và tên tác giả), tôi mới ngộ ra rằng, trên thế giới người ta đã biết điều đó cả trăm năm nay rồi và đã có thuật ngữ chuyên môn và lý thuyết để giải thích vì sao hợp tác xã ở miền Bắc lúc đó không muốn cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Đó là khái niệm và lý thuyết về “chi phí cơ hội”. Thật là thảm hại cho cái “sự học” và “nghiên cứu khoa học” của tôi trong nhưng năm 70 của thế kỷ 20. Còn người nông dân Việt Nam không hiểu và cũng không cần hiểu gì về kinh tế học, nhưng họ đã hành xử rất đúng với lý thuyết kinh tế học nói chung và lý thuyết chi phí cơ hội nói riêng. Tôi đã “tìm ra châu Mỹ” trong kinh tế học nông nghiệp XHCN như thế đấy (sic).

12/2013

 **** 

Câu chuyện thứ 6

Vui, buồn chuyện chỉ đạo cải tiến quản lý hợp tác xã Mỹ Thọ

Trong những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, các bộ chuyên ngành chỉ có trách nhiệm quản lý nhà nước về kỹ thuật sản xuất. Các ban của đảng chịu trách nhiệm nghiên cứu đề xuất với Ban bí thư, Bộ Chính trị, hay Ban chấp hành TW Đảng về đường lối, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, và quản lý các xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã, rồi trực tiếp chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách phát triển, quản lý xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã. Trong nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp phụ trách nghiên cứu, chỉ đạo kỹ thuật sản xuất, “nước, phân, cần, giống”. Ban Nông nghiệp TW Đảng (lúc đầu gọi là Ban Công tác Nông thôn) phụ trách nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, quản lý nông, lâm trường quốc doanh, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Do vậy, các cán bộ của các ban đảng các cấp ở TW và tỉnh phải là đảng viên.

Các hợp tác xã nông nghiệp trong những năm 60, 70 của thế kỷ 20 đều lâm vào tình trạng quản lý yếu kém, 1 ngày công chỉ được trả vài ba lạng thóc, lúa chín ngoài đồng mà xã viên không muốn đi gặt, tình trạng “cha chung không ai khóc”, “phóng công rong điểm” diễn ra phổ biến. Dân gian đã biến khẩu hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “mỗi người làm việc bằng 2, vì miền Nam ruột thịt”, thành câu “mỗi người làm việc bằng 2, để cho chủ nhiệm, (hợp tác xã) mua đài (Radio) mua xe” hay “xây nhà, xây sân”. Hồi đó, cái xe đạp, radio, cái nhà xây (cấp 4), sân lát gạch là cả một gia tài, không mấy ai dám ước mơ. Dân gian còn kể rằng, ở hợp tác xã nọ, xã viên tố cáo chủ nhiệm hợp tác xã tham ô, nhưng khi đại hội, xã viên vẫn bầu lại ông chủ nhiệm cũ. Cấp trên hỏi vì sao, họ trả lời: bầu người khác, người ta lại xây nhà, mua xe, thì chết xã viên à? Còn ông chủ nhiệm cũ đã có nhà, có sân, có xe, có đài rồi, chắc không tham ô nhiều nữa. Cho nên, từ sau khi hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp năm 1960, các đợt vận động nâng cao hiệu quả quản lý hợp tác xã liên tục diễn ra mà không đạt hiệu quả mong muốn. Như cuộc vận động “đưa điều lệ vào hợp tác xã” (Điều lệ tóm tắt do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, với khẩu hiệu: “Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”), “cải tiến quản lý hợp tác xã” lần 1 rồi lần 2… Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Công tác Nông thôn của Đảng lúc đó, phát hiện điển hình tiên tiến là hợp tác xã Đại Phong (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), đã phát động phong trào thi đua “Học tập, đuổi kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong”. Vì thế những năm cuối của thập kỷ 60 của thế kỷ 20, ông Kim Ngọc, bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc mới làm ra nghị quyết 68 của thường vụ tỉnh ủy về “quản lý lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” mà thực chất là khoán hộ, để rồi bị ông Trường Chinh, ủy viên Bộ Chính trị TW Đảng, phụ trách lý luận, phê phán gay gắt, quyết liệt bằng bài viết đăng liên tục trên 2 số báo Nhân ân, mặc dù thực tiễn khoán hộ ở Vĩnh Phúc đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Điều này đã được phản ánh khá chân thật qua bộ phim truyền hình “Bí thư Tỉnh ủy”.

Đầu những năm 70 của thế kỷ 20, trăn trở với tình hình hợp tác xã, ông Phan Điền, bí thư tỉnh ủy Nam Hà, chủ trương chỉ đạo thí điểm cải cách quản lý, áp dụng tiến bộ kỹ thuật ở hợp tác xã Mỹ Thọ và Khu B của huyện Bình Lục. Tháng 8 năm 1973, tổ công tác của chúng tôi gồm 4 người: kỹ sư nông học Lê Thảo, tổ trưởng, cử nhân kinh tế nông nghiệp Vũ Trọng Khải, Nguyễn Văn Kình, cử nhân kế toán Đặng Phán, được thành lập và về “nằm vùng” ở hợp tác xã Mỹ Thọ “để giúp tỉnh Nam Hà chỉ đạo áp dụng mô hình quản lý mới trong hợp tác xã nông nghiệp”. Thực ra, tổ công tác này được thành lập ngoài chủ trương của Bộ Nông nghiệp. Nó được thành lập do mối quan hệ riêng giữa ông Phan Điền, Bí thư Tỉnh ủy Nam Hà và ông Nguyễn Duy Hiền, quyền Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (thủ trưởng trực tiếp của tôi và anh Kình), ông Trần Quang (thủ trưởng của kỹ sư Lê Thảo), quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cây trồng của Bộ Nông nghiệp (lúc đó gọi là Ủy ban Nông nghiệp Trung ương). Vì thế, tổ công tác thường được mời dự các cuộc họp của ban thường vụ huyện ủy Bình Lục khi bàn về việc chỉ đạo hợp tác xã Mỹ Thọ và 5 hợp tác xã ở khu B Bình Lục. Ai cũng nghĩ chúng tôi, những kỹ sư được Bộ Nông nghiệp cử về chỉ đạo cải tiến quản lý hợp tác xã, đương nhiên phải là đảng viên đáng tin cậy về lập trường, tư tưởng, quan điểm… Giúp Bí thư Tỉnh ủy Phan Điền là ông ông Nguyên Trung Kiểu, Tỉnh ủy viên, quê ở thôn Văn Phú, xã Mỹ Thọ, trực tiếp cùng thường vụ huyện Bình Lục, với sự tư vấn của tổ công tác, chỉ đạo hợp tác xã Mỹ Thọ và cả 5 hợp tác xã ở khu B Bình Lục. Thực tế, do tin tưởng vào tổ công tác của Bộ Nông nghiệp với 4 kỹ sư “đảng viên trung kiên”, nên các kiến nghị của tổ đều được tỉnh và huyên chấp nhận, còn chỉ đạo hợp tác xã Mỹ Thọ thực thì, hầu như do tổ công tác đảm trách. Khi gặp những vướng mắc, cần đến huyện, tỉnh tháo gỡ, tổ công tác báo cáo trực tiếp với ông Kiểu và ông Ngự (Bí thư Huyện ủy Bình Lục), và được giải quyết ngay. Ví dụ như khi thấy ông Cát Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thọ có vẻ không tán thành với mô hình quản lý mới, tổ công tác báo cáo, lập tức Bí thư Huyện ủy ra quyết định cho ông Cát đi học trường đảng của tỉnh trong 10 tháng. Khi ông ta trở về, thì mọi sự đã “đâu vào đấy”. Ông ta bị vô hiệu hóa bằng các “chiêu” rất “truyền thống” của đảng (!).

Sau hơn 1 năm chỉ đạo, hợp tác xã Mỹ Thọ đã nổi tiếng, được thưởng huân chương lao động, vì bán thóc vượt nghĩa vụ cho nhà nước 100 %. Ông Nguyễn Chương, Ủy viên Ủy ban Nông nghiệp Trung ương (Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp), trên đường đi công tác, ghé qua huyện Bình Lục. Sau khi nghe ông Bí thư Huyện ủy Đặng Văn Ngự và kỹ sư Lê Thảo, tổ trưởng tổ công tác, báo cáo, ông Nguyễn Chương khen đôi lời và kết luận “đề nghị huyện ủy Bình Lục kết nạp 4 kỹ sư của tổ công tác vào đảng”, trước sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên của ông Kiểu và của cả ban thường vụ huyện ủy Bình Lục. Thế là “bể mánh” (theo cách gọi của dân Nam bộ). Cả 4 chúng tôi lo lắng, không hiểu tỉnh và huyện còn tin tưởng chúng tôi như trước hay không. Sau mấy phút lặng yên, cuộc họp giải tán để dự bữa cơm của huyện ủy chiêu đãi ông Nguyễn Chương. Không hiểu các vị lãnh đạo địa phương nghĩ gì về chúng tôi. Chúng tôi vội báo cáo chuyện này với thủ trưởng Trần Quang (quyền Tổng cục Trưởng Tổng cục Cây trồng). Rất may là sau hơn 1 năm chỉ đạo thành công, nên lãnh đạo địa phương vẫn hoàn toàn tin tưởng vào tổ công tác. Ông Trần Quang có kể lại với chúng tôi là: ông Kiểu và ông Ngự có thắc mắc, hỏi ông Trần Quang, vì sao chúng tôi không phải là đảng viên. Ông Trần Quang đã trả lời: “Chính vì chúng nó không phải là đảng viên nên mới làm được như vậy”! (ngụ ý là chúng tôi không bị vòng “kim cô” bóp nghẹt tư duy sáng tạo). Tháng 10 năm 1982, trước khi chuyển vào Nam công tác, tôi đã đến chào từ biệt ông Phan Điền và ông Nguyễn Trung Kiểu tại khu tập thể của cán bộ tỉnh ủy ở thành phố Nam Định. Hàn huyên hồi lâu, đủ mọi chuyện, rồi vẫn xoay quanh những trăn trở về hợp tác xã nông nghiệp, vì sao không nhân được điển hình hợp tác xã Mỹ Thọ ra diện rộng… Khi tiễn tôi ra cổng, ông Phan Điền mới hỏi tôi: “Cậu có phải là con Vũ Hồng Khanh không?” Tôi trả lời “Nếu cháu là con ông Vũ Hồng Khanh thì giờ này chắc ỡ Mỹ hoặc đi tù, chứ sao có thể làm việc như chú đã thấy”. “Thế mà lúc cậu tham gia chỉ đạo hợp tác xã Mỹ Thọ, người ta nói với tôi: cậu là con Vũ Hồng Khanh, không thể sử dụng được”. Ông Phan Điền đã bộc bạch như vậy với tôi lúc chia tay. Không ngờ, đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp và tâm sự với ông.

Thế mới biết tầm và tâm của cụ Phan Điền hơn hẳn mấy cái đầu của những đồng chí, đồng đội của ông lúc đó. Cụ thật sâu sắc và kiên quyết thực hiện ý đồ của mình, không để tâm đến những lời thị phi của người đời.

(Tôi còn nói rõ thêm về gia thế của mình, ông Phan Điền bảo có biết và quý trọng ba tôi).

Tất niên 2013 

V. T. K.

Tác giả trực tiếp gửi cho BViệt Nam

 

 

 

 

 

 

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.