Pushkin – mặt trời của thơ ca Nga

Kỉ niệm 215 năm – năm sinh của Pushkin (1799-2014) 

Xuất thân là quý tộc, nhưng giống như bất cứ một thiên tài nào, Pushkin đứng hẳn về phía nhân dân. Hãy nghe thơ của ông, lúc 18 tuổi:

Tôi muốn ngợi ca Tự do cho trần thế
Tôi muốn đạp vào những tật xấu gian tham
Đang nghiễm nhiên ngự trị trên ngai vàng

Cuộc đời của thi hào Alexander Sergeyevich Pushkin thật ngắn ngủi, có 38 năm (1799-1837). Trong 38 năm đó, nước Nga chứng kiến biết bao sự biến lịch sử đầy kịch tính, đầy thống khổ, vinh quang và căm giận. Đó là một nước Nga của chế độ nông nô chuyên chế dưới thời Aleksandr I, lạc hậu so với Châu Âu lúc đó, tiếp nối là thời Nicolai I tàn bạo. Cũng những năm tháng đó, nhân dân Nga đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống lại đội quân xâm lược hùng mạnh của Napoléon (Pháp), đánh cho chúng tan tác đến tận sào huyệt Paris (1812-1814). Sau đó, nước Nga lại buồm thảm trở về với chế độ nông nô. Buồn thảm và căm giận đã giương cánh buồm cho nước Nga đi đến cuộc khởi nghĩa của những người Tháng Chạp vào năm 1825. Đây là cuộc tiến công đầu tiên vào chế độ nông nô chuyên chế của Nga hoàng do những người trí thức quý tộc tiến bộ lãnh đạo. Khởi nghĩa 1825 bị dìm trong máu, nhưng nó làm được một việc cực kỳ vĩ đại cho nước Nga là đã thức tỉnh nhân dân .

Pushkin đã sống 38 năm ngắn ngủi nhưng đầy biến động của nước Nga những năm tháng đầu thế kỷ 19, tuổi trẻ của Pushkin đã tắm mình trong dòng thác cách mạng, và, ở đỉnh cao của ngọn triều thời đại, nhà thơ là người phát ngôn cho cách mạng, chuẩn bị cho tiếng súng của khởi nghĩa 1825.

Từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường quý tộc, Pushkin đã nhận ra bộ mặt tàn bạo của Nga hoàng. Với bài thơ đầu tiên Gửi bạn thơ đăng trên tờ báo Người truyền tin Châu Âu lúc nhà thơ vừa tròn 15 tuổi, Pushkin đã là một tiếng thơ được cả văn đàn Nga chú ý. Một năm sau đó, với bài thơ Kỉ niệm hoàng thôn đọc trước ban giám khảo kì thi lên lớp, Pushkin đã bước lên hàng thi bá của văn đàn nước Nga thời đó. Đây là một trường hợp hiếm thấy trong lịch sử văn học thế giới. Derzhavin, nhà thơ vĩ đại của nước Nga thế kỷ 18, lúc đó đã 72 tuổi, tuyên bố: “Thời của tôi đã qua rồi… chẳng bao lâu nữa sẽ xuất hiện một Derzhavin thứ hai: đó là Pushkin… ngay bây giờ cậu ta đã vượt tất cả các nhà thơ”.

Tốt nghiệp trường học của quý tộc năm 1817 Pushkin đã được bổ nhiệm làm việc ở Bộ Ngoại giao, nhưng con người nghệ sĩ “kẻ thù của nô dịch” và là “người bạn của tự do” này đã đối lập hoàn toàn với chính quyền chuyên chế của Nga hoàng. Vì thế, Pushkin đã bị lưu đày đi Phương Nam (từ 1820-1824) và sau đó lại là những năm lưu đày ở Phương Bắc, kéo dài suốt sáu năm …

Học vấn của một nhà quý tộc cộng với vốn sống cực kỳ phong phú của những năm tháng lang thang trên nước Nga rộng lớn, hòa mình với cuộc sống của nhân dân, đã tạo cho Pushkin một bản lĩnh sáng tạo nghệ thuật mà không một nghệ sĩ Nga nào có được ở thời đó. Thơ vọt ra từ trái tim đầy ắp những yêu thương, căm giận của thiên tài Pushkin. Lần đầu tiên trong văn học Nga có một “nhà thơ của thực tại”. Không còn có sự phận biệt cái “cao quý” và cái “thấp hèn” trong thơ Pushkin.

Thơ viết trên ghế nhà trường viết thời chiến tranh vệ quốc, lúc lưu đày, thời chuẩn bị khởi nghĩa, những năm cách mạng thoái trào, từ thời Aleksandr I đến thời Nicolai I bạo tàn… Pushkin đã để lại, đã cống hiến cho nhân dân Nga ngay từ thời đó một rừng thơ ca đồ sộ, ông đã dẫn đầu chủ nghĩa lãng mạn Nga, dẫn đầu chủ nghĩa hiện thực Nga.

Ngoài thơ trữ tình, Pushkin là tác giả của những bản trường ca bất hủ: Ruslan và Ludmila (1820), Người tù Kavkaz (1821), Anh em kẻ cướp (1821-1822), Lệ đài Bakhchisaray (1822-1823), Đoàn người Tsygan (1824), Poltava (1828), Kỵ sỹ đồng (1833)… Pushkin còn để lại một kho tàng chuyện cổ tích, truyện ngắn, tiểu thuyết lịch sử, bi kịch, bút kí, chính luận… Thời đó người Nga đã ngây ngất trước những kiệt tác thơ và văn xuôi của Pushkin. Không một nghệ sỹ nào trong lịch sử nhân loại trong một thời gian ngắn hơn 20 năm như thế lại có được một khối lượng sáng tác đồ sộ và tuyệt vời như thế. Ở tất cả các thể loại Pushkin đã đạt đến đỉnh cao, có cống hiến xuất sắc và đặt nền móng cho văn học Nga tiến tới trở thành một nền văn học kỳ diệu của nhân loại với những tên tuổi lẫy lừng như Lermontov, Gogol, L. Tolstoi, Gorki…

Chỉ lấy một thể loại truyện ngắn làm ví dụ. Đến bây giờ tức hơn hai trăm năm sau, chúng ta đọc lại những truyện Người chủ hiệu quan tài, Con đầm píc, Phát súng, Bão tuyết… vẫn thấy từ cách chọn đề tài đến kết cấu, nội dung, nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật, ngôn ngữ kể chuyện… đều mới mẻ, hiện đại. Nhà nghiên cứu văn học kiêm dịch giả Đỗ Hồng Chung đã viết: “Truyện của Pushkin đã đọc là đọc liền một mạch, càng đọc càng lôi cuốn, hấp dẫn. Pushkin có lối viết cô đọng chọn lọc kỹ chi tiết, lấy ngắn gọn là tiêu chuẩn cho văn xuôi” (Pushkin, Truyện ngắn, Nhà xuất bản ĐH &THCN, Hà Nội, 1987).

Có thể nói tất cả những gì được xem là nghệ thuật của văn chương đã được Pushkin hoàn thiện đến mức “không thể so sánh được” như lời Tvardovski: “Mỗi chúng ta có một Pushkin của mình, và chỉ có một Pushkin cho tất cả mà thôi.”

Lịch sử Nga, cuộc sống Nga, tình yêu Nga, thiên nhiên Nga, khát vọng Nga, ngôn ngữ Nga… đã ùa vào tác phẩm của Pushkin. Trong thơ Pushkin “có hoa hồng, có chim họa mi, có thư tình bị đốt cháy, lại có túp lều, đống rạ, tấm lưới dân chài, thơm hương hồng lại thơm hơn lúa; đọng lại cái gì rất Nga với những hàng sồi, cỗ xe tam mã, một điệu dân ca…” (Đỗ Hồng Chung). Chúng ta hãy đọc lại tiểu thuyết lịch sử Người con gái viên đại úy… Nhân vật lão bộc Savel’ich trung thành, ranh ma, tằn tiện, ngang bướng, và vô cùng đáng yêu ấy trong truyện có khác gì người giúp việc của Pushkin đã theo ông suốt những năm tháng nhà quý tộc bị lưu đầy cho đến lúc đưa nhà thơ về lòng đất! Pushkin là nước Nga vì thế, và còn vì ông đã “ca ngợi tự do” trong “thế kỷ bạo tàn”của thời đại Nicolai I độc ác. Nhà thơ tuyên bố dứt khoát:

Và nhân dân sẽ còn yêu tôi mãi
Vì bằng đàn thơ, tôi đã thức tỉnh những tình cảm tốt lành

(Đài kỉ niệm 1836)

Nhà thơ Xô viết nổi tiếng Nicôlai Tikhônốp đã viết: “Không một ai ngoài Pushkin lại có được khả năng hiếm có là bao quát được toàn bộ cuộc sống nhân loại và thâm nhập sâu sắc đến thế vào số phận của nhân dân. Không một ai lại nhìn thấy nhiều thế và biết được nhìều thế về con người lại biểu hiện được với sức mạnh như Pushkin, rằng con người là đẹp, con người là tốt, con người sinh ra để hưởng tự do và hạnh phúc … Tính cách dân tộc Nga được thể hiện nơi ông một cách tự nhiên nên nhân dân xem Pushkin là người đại diên dân tộc cho những nguyện vọng sâu sắc nhất của mình”.

Còn nói như văn hào Gogol (1809-1852) trước kia: Pushkin là một hiện tượng đặc biệt, và có thể là một hiện tượng duy nhất của tinh thần Nga. Đó là một người Nga mà nếu căn cứ vào trình độ phát triển của tinh thần ông thực sống đó, thì có lẽ phải 200 năm sau mới xuất hiện…

Chúng ta đang sống ở thời điểm hơn hai trăm năm sau lúc thiên tài Pushkin ra đời. Những gì mà Pushkin đã dám đối đầu để bảo vệ cuộc sống Nga, bảo vệ đất nước Nga khỏi nô dịch, đau thương và uất hận, thì nước Nga nói riêng và một bộ phận của nhân loại nói chung vẫn đang phải đối mặt. Chúng ta tưởng niệm Pushkin trong lúc thế giới đang có những kẻ “muốn đem dùi cui ra đứng ở ngã ba lịch sử” muốn biến đại dương thành ao nhà của chúng… thật là có ý nghĩa. Pushkin vẫn sống cùng nhân loại, nhân quyền và tự do.

TP.HCM, tháng 01 năm 2014

L.P.K. 

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN.

 

This entry was posted in Nga. Bookmark the permalink.