Kính dâng hương hồn Ba
Trong tâm trí tuổi thơ tôi lúc nào cũng nhớ về những giá sách cao vời vợi làm bằng gỗ thùng và gỗ giát giường của Ba tôi. Ba tôi cao lớn nên lấy sách dễ dàng, tôi nhỏ quá chưa bao giờ với lên được. Chúng cao đến tận trần nhà ở 91 Tuệ Tĩnh (Hà Nội), cao khoảng bốn mét rưỡi – là chiều cao của căn phòng nằm trong ngôi biệt thự xây từ thời thuộc Pháp. Dù khi nào ghép thêm gỗ vào hay bớt đi chúng đều cao như vậy, có lẽ do nhà chật và Ba Mạ tôi có tới 6 đứa con và một người giúp việc.
Ở những năm 50 của thế kỷ trước, những người đi kháng chiến về như Ba tôi chắc cũng thiếu thốn như vậy, chưa bao giờ họ có trong tay những tấm gỗ thật sự, mà chỉ những thanh gỗ nhỏ để ghép lại thành giá sách. Nhưng những thanh gỗ giát giường mà vẫn khá chắc chắn, của một thời người ta làm gì cũng tử tế nên trông nó thẳng thớm và uy nghi lắm, ít nhất trong cái nhìn non nớt của tôi khi ấy.
Những cái giá sách của Ba tôi đã cao, lại gồm nhiều tầng. Cái giá sách quí nhất (sau này tôi biết) lại nằm trên bệ lò sưởi, trẻ con khó có thể lấy được cuốn nào ở đấy.
Tôi không ngờ sau này, những cuốn sách nằm trên các cái giá gỗ ấy lại là chỗ nương tựa và cả một miền khám phá của tôi, khi Ba tôi ở tù. Sau gần 40 năm trôi qua tôi không nhớ gì đến chúng, thời gian dường như xóa nhòa hết thảy…
Đêm thứ tư vừa rồi chúng tôi chôn Cha. Đêm hôm sau Ba tôi về và bỗng dưng hình ảnh những cái giá sách cũ kỹ và các Bác các Chú nữa, những người bạn hiền của Ba tôi vụt hiển hiện rõ mồn một trước mắt tôi dù không gian âm dương cách biệt.
NHỮNG GIÁ SÁCH ĐẦU TIÊN Ở 91 TUỆ TĨNH VÀ SỰ CHIA LY NĂM 1967
Căn phòng của gia đình tôi có hai chiếc giường lớn kê phía dưới hai khung cửa sổ cũng rất lớn. Còn lại hai bức tường để kê giá sách. Một bên có lò sưởi nên có một giá sách phải kê cao trên đó, những ngăn phía dưới Ba tôi để sách văn học. Những thanh giát giường dày dặn chưa bào, để mộc sần sùi chứa được trong nó sao mà nhiều miền đất và đời người… Ba tôi để ngay ngắn theo từng ngăn sách văn học Nga, văn học Pháp, Anh, Tây Ban Nha… Thế kỷ 19 nhân loại hết thảy đều nghèo nhưng huy hoàng, có lẽ do tâm hồn họ được nuôi dưỡng cẩn thận về tư tưởng và văn hóa. Phải chăng có một hố thẳm giữa tinh thần và vật chất mà con người thế kỷ 20 đã tạo ra, nhưng lại không nhìn thấy? Một thế kỷ chìm trong bóng tối và tội ác.
Ba ơi, những cuốn sách trong căn gác nhỏ con còn nhớ như in nó thường nằm ở chỗ nào, vì Ba dặn khi đọc xong phải trả nó về chỗ cũ, chắc khi cầm sách trong tay Ba đã lưỡng lự và tìm được chỗ ưng ý nhất cho nó. Ba tôi yêu chủ nghĩa lãng mạn và chất anh hùng ca của văn học Nga nên gần như chúng có mặt đầy đủ trên những giá sách thời thơ ấu của tôi: V. A. Zhukovsky, A. Pushkin, M. Lermontov, N. Gogol, L. Tolstoy, F. Dostoevsky, I. Turgeniev, A. Chekhov… Thấp hơn một chút, gần sát dưới sàn là M. Gorky, M. Sholokhov, A. Tolstoy, I. Erenbua, K. Pautovsky… cả những cuốn tiếng Nga mà Ba nói tác giả của chúng đã viết lén ca ngợi phẩm chất Nga, mà khi họ còn sống không được xuất bản. Tôi thích nhất là tác giả nào cũng có gần đủ các đầu sách của mình, do đó được đọc khá hệ thống. Những cuốn sách văn học Pháp thời kỳ lãng mạn và hiện thực mà chắc Ba thích nên cũng có rất nhiều: A. de Lamartine, Victor Huygo, G. Maupassant, O. de Balzac, G. Flaubert, E. Zola, R. Rolland… Rồi kịch W. Shakespeare, tiểu thuyết của W. M. Thackeray, C. Dickens, M. de Cervantes…
Trong khi Ba đi ở tù, nhiều lần con bắc ghế trèo hẳn lên mặt lò sưởi để đọc Voltaire, Hegel, Feuerbach…, dù chỉ hiểu lờ mờ về chàng “Zadig dại khờ” của Voltaire nhưng sao cái nét nhân hậu vẫn gần gũi thế.
Ở các tầng cao nhất cái giá sách đối với tôi thật cao xa. Những nhà tư tưởng ngự trị trên đó, tôi thấy bạt ngàn sách K. Marx, F. Engels và V. I. Lenin toàn tập – rất dễ nhận ra từ phía dưới vì chúng được bọc bìa trắng in chữ xanh da trời. Phía trên cao ấy là ước mơ khi tôi lớn lên sẽ được chạm vào.
Hồi đó trí óc thơ dại của tôi luôn kinh ngạc và thán phục vì sao nước Việt Nam chỉ sau ít năm giành độc lập mà đã có nhiều các bậc tài danh chuyển tải sang tiếng nước mình được những cuốn sách tinh hoa nhân loại để khai sáng cháu con? Nhà xuất bản Sự thật do Bác Minh Tranh gây dựng, cả Ba tôi nữa, cùng không nhiều cộng sự, cũng chỉ có mấy năm thôi mà họ đã kịp cho ra đời những bộ sách đồ sộ, toàn tập của Marx, Lenin… Phải là những con người giàu lý tưởng, quên mình lao động trên các con chữ mới có thể làm nổi việc khổng lồ ấy. Ôi những thế hệ Vàng của non sông Việt Nam!
Nhờ cảnh sống đó, những con chữ tôi đuợc đọc từ thơ ấu trở nên như rất linh thiêng trong tâm hồn tôi.. Và có lẽ cũng bởi thế, thế hệ chúng tôi, cống hiến phần lớn đời mình ỏ thế kỷ 20, đã hiểu được thời đại và thời cuộc lịch sử của mình. Ai mà chẳng vừa là sản phẩm của lịch sử và vừa nhân chứng của lịch sử. Nhưng các bậc hiền minh như Ông bà, Cha mẹ chúng ta và Ba tôi, những trí thức đi theo Cách mạng, những người viết lên những trang lịch sử hào hùng, thì cuộc đời họ mấy ai không phải chịu bao đau đớn và oan khuất?
Ba tôi bị nạn năm tôi lên 10, chị tôi 11 và các em lần lượt 8, 6, 4 và 2 tuổi. Những cuốn sách trên những giá sách của Ba tôi cũng tan tác theo, các ước mơ của tuổi ấu thơ cũng chỉ là những kỷ niệm buồn.
Nhưng những cuốn sách cũ kỹ mà tôi rất đỗi yêu quí bị mất hầu hết trong năm 1967, cùng lúc khi Ba tôi bị bắt. Họ đã mang đi phần lớn sách đã dịch, sách tiếng Nga, tiếng Pháp và sách của những nhà tư tưởng. Có lẽ do phần lớn chúng bí ẩn đối với họ, chúng cũng bị nghi ngờ như con người vậy.
Sau này Mạ tôi có đòi lại được một số cuốn, trong đó có 3 tập “Chiến tranh và Hòa bình” mà tôi rất thích, đọc đi đọc lại mấy lần bắt đầu từ năm mới lên 8 (tôi không thể hiểu được những trang luận về chiến tranh nhân dân của tướng Kutuzov, thấy ông rất lười đánh nhau, chỉ rút chạy, mà lại thắng lớn, thật lạ). Sách đưa về nhà có nhiều chỗ các trang dính chặt vào nhau, chắc chẳng ai mở chúng ra đọc.
Khi ra tù, Ba tôi không hiểu sao cũng mang về theo rất nhiều sách trong vài đồ đạc lèo tèo của mình. Tôi không biết gì về những giá sách của Ba tôi trong tù. Trong nhà, chúng tôi luôn tránh nói chuyện với Ba về 12 năm đọa đày và xa cách ấy, chắc vì những đứa trẻ rất thương Cha mình.
DỰNG LẠI NHỮNG GIÁ SÁCH MỚI Ở LƯƠNG SỬ C
Việc đầu tiên khi chuyển từ 91 Tuệ Tĩnh đến ở Lương Sử C vào cuối năm 1992, là ba tôi dựng lại những giá sách bằng chính những thanh giát giường lấy từ giá sách cũ, nhiều thanh đã hỏng, nên phải thêm vào những thanh gỗ thùng (Ba tôi đóng đồ từ Liên xô về nước năm 1964).
Cũng chính những thanh gỗ thùng này đã giúp đàn con nhỏ của Người có vật liệu để ghép thành những tấm giát giường kê lên sàn ngủ khi Ba chúng gặp nạn. Nhờ thế chúng tôi dù đã lớn phổng lên rất nhanh mà Mạ tôi không phải mua giường thêm. Những ngày đông của đất Bắc rét lắm, những đứa con của xứ nắng miền Trung nên càng thấy rét. Tôi đã nghĩ ra sáng kiến lấy những miếng gỗ thông Liên Xô từ những giá sách đã hao hụt nhiều sách quá, tự mình đóng thành những mảnh giát giường nhỏ để nó nhẹ hơn và dễ xếp lên sát tường sau khi dùng. Các em tôi vì thế mà không bị cảm lạnh vì cả chăn cũng thiếu, chúng mặc vào người tất cả quần áo ấm khi ngủ.
Những cái giá sách thân thương đã che chở chúng tôi trong suốt những mùa đông lạnh giá ấy để chờ Ba tôi về…
Những giá sách mới đóng có đặc điểm là nhỏ hơn rất nhiều, cũng đúng, vì Ba tôi đã bắt đầu có tuổi nên cần sách để vừa tầm. Tôi nghĩ những giá sách này hạnh phúc hơn. Chúng vẫn còn nguyên vẹn trong 21 năm, chỉ tiếc đã bị vơi nhiều quá vì Ba tôi nhiều bạn hiền nên rất hay cho sách và cho mượn sách. Tôi cũng thấy lạ vì người yêu sách như Ba tôi mà lại như vậy, nhưng cũng không hỏi lại Ba tôi bao giờ. Hạnh phúc hơn là Ba tôi đã có một căn gác nhỏ áp mái để sách.
Sinh thời đi đâu về Ba tôi cũng cầm về vài ba cuốn sách và tài liệu, sau này là một cái túi vải để có thể cuộn lại cầm tay khi ra khỏi nhà. Là người rất kỷ luật về giờ giấc nên lịch trình trong ngày của Ba tôi rất đều đặn, viết, đọc, bữa cơm, chơi với cháu, tiếp bạn bè và đi… kiếm sách báo. Ba tôi đọc rất nhanh, chỉ có thể lý giải hình như các cuốn sách có linh hồn, thông với tâm thức của Ba tôi. Người đọc rất nhiều sách, không thể hiểu đời người có đủ thời gian đọc chừng ấy cuốn. Tiếng Pháp và Nga hàn lâm Ba tôi dùng như tiếng mẹ đẻ, và dùng tốt cả tiếng Anh và Trung.
Trong đời, Ông cũng viết hơn bốn chục cuốn sách của riêng mình, dịch thuật cả trăm đầu sách từ những cuốn mà Ba tôi cho là cần thiết cho phát triển xã hội. Chúng phủ kín tất cả những lĩnh vực tư tưởng, xã hội, văn hóa và… cả văn học nưã (Ba tôi có cuốn tiểu thuyết “Mưa nguồn trăng nội” gần ngàn trang), chưa kể vô số các tiểu luận và bài báo. Những năm của thập kỷ 80, nhiều người nói Ba tôi làm việc bằng cả mấy Viện cộng lại. Còn Ba tôi thì rất băn khoăn là tại sao người làm khoa học xã hội ở Việt Nam lại ít chịu đọc và viết như vậy? Tôi nói: – Ba ơi, cái gì cũng có cấp trên lo thì còn động lực gì mà suy nghĩ, làm việc?
Ba tôi luôn nói với tôi: “Với Ba thế nào cũng được, miễn là được làm việc”. Điều này lý giải việc khi Ba tôi còn làm ở nhà xuất bản Sự thật, thì chỉ dùng một bút danh Nguyễn Kiến Giang, nhưng sau này phải đội tên bao người, ký bao bút danh… để được làm việc, để được suy tư với chính mình.
Ba ơi, Bút Hạc viết lên Trời xanh để tỏ chí khí của Người con yêu đất Việt.
Tôi sẽ trở lại số phận hạnh phúc của những giá sách mới đó trong một dịp khác. Thời kỳ này tôi thấy ai đến nhà cũng mang cho Ba tôi một vài cuốn sách, tài liệu, chắc vì Ba tôi nhiều bạn bè hiểu ông, ân tình ấy chỉ thể hiện được phần nào bằng quà sách. Chúng tôi vì thế cũng được gần gụi các bậc trí thức yêu nước, coi các Bác các Chú như cha, và sung sướng thay được các Bác các Chú đùm bọc, coi chúng tôi như con, để chúng tôi có thể vượt lên tuổi thơ bất hạnh mà thành người. Cái Phúc của Cha đối với chúng tôi thật lớn.
Có thể kể ra một số niềm vui sướng của Ba tôi khi được Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, Bác Ngô Vĩnh Long, Bác Hoàng Khoa Khôi… và nhiều nhà trí thức ở nước ngoài, trong nước đã chia sẻ những Tủ sách tinh hoa của thời đại với Ba tôi. Nhiều nhất là tủ sách của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, và sách biếu của Sứ quán Pháp – sau khi biết Ba tôi là tác giả thật của một số cuốn nhờ Bác Nguyễn Khắc Viện đứng tên. Họ quí mến tài danh và con người nên đã chọn lọc gửi đến cho Ba tôi những cuốn sách quý của thời đại này, giúp Ba tôi làm việc. Những bộ lọc uyên bác và tràn đầy lòng thành với Tổ quốc ấy đã giúp cây bút của Ba tôi đi cùng thăng trầm của lịch sử, dấn thân tìm lối ra cho hiện tại, để cháu con Người không bị lạc lõng giữa nhân gian. (Trớ trêu thay, cũng vì thế mà Ba tôi vô tình đọc một tài liệu gì đó mà tôi không nhớ rõ. Để sau đó tôi và Mạ tôi đã phải đi cùng Ba tôi tới tòa án nhận án tù treo 15 tháng).
Tôi nhớ cuốn sách cuối cùng Ba tôi ngồi đánh máy với bàn tay đã run rẩy. Cuốn đó rất khó đọc, tôi hiểu Người, cho đến lúc đau yếu, vẫn muốn giới thiệu một phương pháp suy tư mới cho tương lai về văn minh tri thức với độc giả Việt Nam. Cuốn Nhân học về tri thức của Egar Morin mãi mấy năm sau mới được xuất bản ở nhà xuất bản Đại học Quốc gia.
NHỮNG CON CHỮ THIÊNG
Ít ai biết Ông nội tôi Nguyễn Trung Thầm là Liệt sĩ chống thực dân Pháp đã mất vào năm 1947, và cũng ít ai biết Ông từng là bạn học và bạn đồng chí hướng của Cụ Đặng Thai Mai và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quốc học Huế. Mệ tôi kể rằng Ông nội tôi đã đại diện cho những người yêu nước của Quảng Bình đi đón phái viên của Chính phủ Pháp là Justin Godard năm 1937 để đưa huyết thư bằng tiếng Pháp “Thư Điều trần” kể tội thực dân, đòi độc lập dân tộc (báo chí đương thời đánh giá Ông có một văn phong bi tráng và bất khuất). Ba tôi từ bé cũng phải xa Cha trong những năm Ông tôi ở tù thực dân. Những năm tháng nung nấu huyết lệ trong tù ấy, Ông nội tôi đã trao lại cho Ba tôi và các con cháu những con chữ thiêng của lòng yêu đất nước.
Mất Cha là cái mất lớn nhất của đời người. Những giá sách cũ kỹ của Ba tôi trong tâm tưởng tôi vẫn cao vời vợi ước mơ từ thủa thiếu thời. Chúng đã thành Dòng sông tri thức nuôi dưỡng chúng tôi và con cháu Người trong Dòng sông dân tộc.
Khóc một tuần Ba đi xa.
N. H. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.