(viết nhân ngày Nhân quyền Thế giới 10-12)
Chúng ta biết đến danh ngôn DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN vào năm 1946, do chủ tịch Hồ phát biểu ngày 31-5-1946, trước khi lên máy bay sang Pháp.
Trong cuốn “Những chặng đường lịch sử” của ông Võ Nguyên Giáp, có đoạn nói cuộc chia tay của cụ Hồ với cụ Huỳnh Thúc Kháng (phó chủ tịch nước) như sau: “Sắp đến giờ lên máy bay, Bác tới nắm tay cụ Huỳnh, nói: Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong cụ: “dĩ bất biến ứng vạn biến (Sđd. tr. 457).
Dĩ bất biến ứng vạn biến là “lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi”.
Cái BẤT BIẾN phải cao cả, tốt đẹp
Có như vậy mới có thể biến danh ngôn thành hiện thực.
Thời đó, khi đất nước mới có độc lập, trước những diễn biền phúc tạp với vô số yếu tố và nguy cơ đe doạ nền độc lập non trẻ, thì… “cái bất biến” gốc rễ nhất phải là gì? Hẳn phải là Tổ quốc trên hết, Dân tộc trên hết.
Đây là cái nền để toàn dân đoàn kết, dù mọi người rất khác nhau về giới, tuổi, tôn giáo, chính kiến, giai cấp…
Tiếp theo, từ cái bất biến “gốc” nói trên, cái bất biến tiếp theo phải là độc lập và tự do. Độc lập có giả hiệu hay không; tự do có “bánh vẽ” hay không, lại phải được đo bằng toàn dân có hạnh phúc – cả vật chất và tinh thần – hay không.
Cái BẤT BIẾN của ĐCS hiện nay: từ tốt đã sang xấu
– Quá khứ.
Từ lâu, đảng CSVN từng tuyên bố: Đảng không có lợi ích nào khác, ngoài lợi ích của nhân dân, đất nước. Đây cũng là danh ngôn (chứ sao). Vấn đề là thực hiện danh ngôn thế nào mà thôi! Và các thế hệ đảng viên CS đầu tiên đã từ đáy lòng coi đây là phương châm sống của mình. Đây cũng là thời kỳ đấu tranh giành độc lập – khát vọng số 1 của dân tộc. Do vậy, đây cũng là thời kỳ đảng CS được dân tín nhiệm, ủng hộ. Và sau đó, là cả thời kỳ đảng “giương cao hai ngọn cờ: Độc lập dân tộc và CNXH“. Xin chớ mau quên rằng CNXH đã từng hấp dẫn đa số nhân loại, trước hết là nhân dân các nước nhược tiểu. Cao trào là khi gần một nửa số quốc gia tham gia Phong trào Không Liên Kết, dưới ảnh hưởng của Liên Xô và phe XHCN. Các nước Á, Phi, Mỹ la tinh đã chứng kiến Liên Xô chỉ sau ba-bốn thập niên đã từ nông nghiệp lạc hậu (1917) trở thành nước công nghiệp hiện đại – có bom nguyên tử (1949) và có vệ tinh bay lên vũ trụ (1957).
Việc khẳng định CNXH là hoang tưởng chỉ chính thức từ khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ năm 1991.
Thế hệ trẻ (có tôi) nhiều lúc tỏ ra “khôn hậu”, cứ tha hồ phê phán cha anh.
Đảng CSVN có nhiều sai lầm, nhưng nhờ đảng viên hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung, nên trong quá khứ vẫn được dân tha thứ, tiếp tục tín nhiệm.
Hiến Pháp năm 1959 và 1980 – mặc dù gián tiếp hay trực tiếp – khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của mình, đảng CSVN vẫn được đa số nhân dân thừa nhận. Sau 1975, mọi người hy vọng CNXH sẽ được thực hiện ở nước ta, sau khi nước nhà thống nhất, với ấm no, hạnh phúc.
Hiện tại
Hiến pháp 1992 đánh dấu sự thoái hóa và tha hóa của đảng CSVN. Đó là thời điểm Liên Xô sụp đổ. Điều 6 Hiến Pháp Liên Xô đã không cứu được đảng CS, nhưng Hiến Pháp VN vẫn đưa một điều tương tự: Điều 4. Nguyên nhân: Đảng CS tự thấy địa vị lung lay.
Cụ thể, cái BẤT BIẾN của đảng CSVN lúc này là quyền lực độc tôn. Đảng lấy đó để đối phó với “vạn biến”: Đó là sự phản kháng diễn ra “thiên hình, vạn trạng” và ngày càng gay gắt quyết liệt… Và trong “vạn biến” có cả nạn tham nhũng.
Cái bất biến của phong trào dân chủ: Quyền Làm Người
Giác ngộ. Nhân loại sinh ra trên mặt đất đã nhiều triệu năm, tới 1948 mới có ý thức về Quyền Làm Người. Đó là khi nhân loại nhận ra có những “con người” bị những “con người” khác đối xử “không ra con người”. Thậm chí bị đối xử như những “con vật”.
Do vậy Quyền Làm Người là những quyền tối thiểu nhất, nhưng cũng thiêng liêng nhất, cao cả nhất, để sinh ra kiếp người thì ắt phải “làm người”.
Quyền Làm Người (human right)
Xuất phát từ khát vọng cơ bản nhất, bức xúc nhất – Quyền Làm Người – phong trào dân chủ mới có thể thu hút đống đảo nhất mọi người cùng tham gia.
Câu đầu lưỡi: Trước khi muốn đa nguyên, dân chủ, tự do… phải làm người cái đã. Chưa được “làm người”, vội nói gì tự do ứng cử, tự do ra báo…
Sinh ra là kiếp người, thử hỏi có ai không muốn sống “cho ra người”?.
Con người phương Tây hay phương Đông, dù có vô số khác biệt (báo chí của đảng khai thác triệt để điều này), nhưng họ đều là CON NGƯỜI (báo chí tuyên truyền của đảng cố ý lờ tịt điều này).
Nói “con người” là để so sánh với “con vật”. Quyền làm người là những quyền – hễ là một con người – thì đương nhiên phải có. Để phân biệt với con vật.
Khác với quyền công dân (kèm với nghĩa vụ), quyền làm người là đương nhiên, không đòi hỏi bất cứ nghĩa vụ nào kèm theo hết. Thế lực thù địch hay cố ý đánh tráo ở chỗ này.
Tử huyệt
Việt Nam đã có chân trong Hội Đồng Nhân Quyền. Hiến Pháp 1992 từ chỗ ghi “dân VN được hưởng nhân quyền thông qua các quyền công dân” (nguỵ biện trơ tráo, cố ý không phân biệt 2 thứ quyền) đến nay buộc phải đưa Nhân Quyền vào một số điều khoản vào bản sửa đổi.
Đây là sự đối phó để tồn tại, nhưng cũng là tử huyệt. Khỏi cần phân tích dài.
Chúng ta có cơ sở pháp lý để đấu tranh và càng có khả năng tập hợp đông đảo.
Đ.T.H.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN