Alan Phan: “Cứ đuổi 80% quan huyện, xã…”

clip_image002

(vietQ.vn) – TS. Alan Phan đã có nhiều nhận định về tình hình của Việt Nam, các “bệnh” mà người Việt Nam đang mắc phải cũng như con đường cần thiết để “chữa” dần các “căn bệnh” ấy.

(GNA: Bài tường thuật của VietQ.vn về cuộc nói chuyện của T/S Alan Phan vào tháng 6 năm 2013 cho các sinh viên vẫn còn ứng dụng. Cám ơn tác giả Thanh Thu và xin đăng tải lại đây cho các BCA)

TS Alan Phan vạch ra khá nhiều “căn bệnh” mà người Việt Nam mắc phải: lười biếng, ỷ lại, dễ bỏ cuộc

“Nhất quan hệ nhì tiền tệ”

Ông cho rằng, người Việt không thiếu trí tuệ, người Việt rất thông minh nhưng “người Việt lười khủng khiếp”. Sự lười biếng này thể hiện trong cách làm việc và cách tư duy.

Thay vì đưa ra những câu hỏi “Why not?”, do ngại suy nghĩ nên người Việt dễ đi vào lối mòn, người khác nói sao thì tào hao làm vậy chứ ít khi chịu động não suy nghĩ để lật ngược hoặc phản biện lại vấn đề. Chính sự lười biếng đó dẫn đến thiếu sáng tạo và là một trong những yếu tố dẫn tới sự trì trệ của đất nước.

Về nguyên nhân, ông cho rằng ngay từ ngày nhỏ, trẻ em Việt Nam đã được gia đình bao bọc quá nhiều, được gia đình đặt trong một chiếc “hộp” nên suốt ngày chỉ ở trong cái hộp ấy. Chính vì quá an toàn nên nảy sinh tâm lý ngại và sợ sự đổi mới, thui chột tư duy phản biện.

Bên cạnh đó, người Việt còn mắc chứng ỷ lại. Chứng ỷ lại này thể hiện từ việc ở nhà thì dựa dẫm gia đình, khi đi làm việc thì ỷ lại vào các mối quan hệ sẵn có. Vì thế ở Việt Nam người ta vẫn thường rêu rao câu “nhất quan hệ, nhì tiền tệ”.

Theo ông, ở các nước phát triển, vấn đề “quan hệ” cũng có nhưng đó là quan hệ với khách hàng chứ không phải quan hệ với công chức, Nhà nước. Và để nền kinh tế thị trường thực sự phát triển ở Việt Nam thì lối tư duy này cần sớm được loại bỏ.

“Căn bệnh” nan y thứ ba mà người Việt mắc phải là chứng “dễ bỏ cuộc”. Khi không đạt được mục tiêu, người Việt thường có xu hướng bỏ cuộc hoặc rẽ sang hướng khác, ít người kiên trì để theo đuổi mục tiêu đến cùng.

Trong khi đó, theo TS Alan Phan, bí quyết để thành công là bắt buộc phải có sự kiên nhẫn.

Ông cũng nhấn mạnh đến vai trò của đam mê trong hành trình đi tới thành công. Ông cho rằng trừ những người vừa sinh ra đã có số may mắn thì đa số mọi người đều phải tranh đấu cật lực để đạt được mục đích. Do đó, nếu có đam mê thì người ta sẽ không bỏ cuộc bởi làm theo đam mê thì sẽ không thấy mệt mỏi và coi công việc như một “hobby” (thú vui).

TS. Alan Phan khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam cần chủ động, sáng tạo hơn trong tư duy, xác định và theo đuổi đam mê tới cùng. Đặc biệt, trước khi tiến hành mọi việc, các bạn trẻ cần lập ra một bản kế hoạch rõ ràng và cụ thể vì một kế hoạch chi tiết sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm mang lại thành công.

Nông dân nghèo vì quan huyện, xã?

TS Alan Phan khẳng định, Việt Nam có đầy đủ các điều kiện cần thiết nhất để có một nền nông nghiệp phát triển. Đó là thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp và người nông dân Việt rất cần cù chịu khó. Điểm yếu lớn nhất hiện nay là không ai muốn làm nông nghiệp. Người nông dân không bám đất, bám đồng, họ sẵn sàng bỏ quê, bỏ ruộng để tới các thành phố lớn làm thuê làm mướn, chấp nhận cuộc sống vất va vất vưởng không có tương lai ở các khu ổ chuột.

Theo ông, người nông dân hay bất cứ doanh nhân nào, cứ thấy có lời thì sẽ làm. Ví như bất động sản khi bắt đầu kiếm được tiền thì tất cả tiền bạc đổ vào đấy, thực tế cho thấy trong khoảng hai chục năm qua, đã có hàng trăm tỷ đổ vào thị trường bất động sản. Như nước, dòng tiền luôn đổ vào chỗ trủng.

Ông cũng nhấn mạnh, trước thời bao cấp, Việt Nam không sản xuất đủ gạo phải đi xin bo bo ở bên Nga về. Câu hỏi được đặt ra là lúc ấy Việt Nam cũng có bao nhiêu đất, bao nhiêu nông dân nhưng tại sao lại không tự sản xuất để phục vụ đủ nhu cầu? Câu trả lời cũng chỉ có một, đó là chưa có một môi trường thực sự thông thoáng. Dựa trên những cơ sở đó, ông cho rằng, vấn đề phát triển nông nghiệp và nâng cao đời sống của nông dân Việt Nam hiện nay không phải là thiếu tiền, thiếu nhân lực hay thiếu trí khôn mà chính là thiếu một môi trường tự do, thông thoáng để phát triển. Nhìn sự phát triển nông nghiệp của Israel, của New Zealand, của Hà Lan … ta sẽ hiểu các yếu tố khác, dù khó, vẫn có thể khắc phục.

Nguyên chính dẫn đến việc thiếu môi trường thông thoáng, theo Alan Phan là do công chức ngày nay nhiều quá.

Ông viện dẫn: “Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng 30% công chức là ngồi không, một năm mất khoảng 1.5 tỷ đô la để trả lương cho họ. Ngoài ra còn lậu, rồi còn các chuyện các ông ấy suốt ngày ngồi chơi xơi nước tốn của Việt Nam khoảng 7 – 8 tỷ/năm. Tính con số thuần thì nó cũng được 3, 4 cái Vinashin chứ ít sao”.

Khi có quá nhiều công chức mà lại ít việc để làm, họ sẽ tính chuyện để hành dân. Theo ông, thà cứ để những vị công chức này về nhà, sẵn sàng trả đủ lương cho họ còn tốt hơn là để họ kiếm việc để làm, suốt ngày bắt người ta phải đóng dấu này, dấu nọ.

“Cứ đuổi 80% quan huyện, quan xã thì đời sống của người nông dân sẽ khá ngay. Còn để mấy ông ấy hành người ta thì làm sao sống được”, ông nói.

Alan Phan khẳng định, nếu cho người nông dân môi trường tốt để phát triển, đưa cho họ những ứng dụng khoa học công nghệ mới nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, hướng dẫn họ để thay vì trồng và nuôi những cây, những con có giá trị tủn mủn thì hãy nghiên cứu kỹ thị trường để tập trung vào phát triển những cây, những con có giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần thì sức đột phá của ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ rất cao và hứa hẹn là ngành đóng góp đáng kể cho nền kinh tế cả nước.

Ông nhấn mạnh lại lần nữa: “Đừng ép trên đầu nông dân những cái gánh nặng thì họ sẽ tự cất cánh thôi!”.

T.T.

Nguồn: gocnhinalan.com

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.