Nhân chuyện hiến pháp, nhớ lại việc sửa đổi Hiến pháp Liên Xô cách đây 22 năm

Matxcơva, 3/1991.

Sau gần hai tuần lễ ở Matxcơva, ngày cuối cùng trước khi đoàn nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam chúng tôi về nước – nói là đoàn nhưng thực ra chỉ có hai người – Irina, Trưởng Ban Việt ngữ Đài Phát thanh đối ngoại Liên xô hỏi tôi: “Vậy là anh Phú Khải thực sự không muốn tìm hiểu cái gì ở Mát à?”.

Số là, trong ngày đầu tiên, Irina lên chương trình làm việc, yêu cầu chúng tôi nói những gì cần tìm hiểu trong thời gian ở Liên Xô. Anh Trần Kiên trưởng đoàn (lúc đó phụ trách chương trình phát thanh nông nghiệp của Đài Tiếng nói Việt Nam) đã đưa ra một lô yêu cầu, nào là tìm hiểu cái này, đi tham quan cái kia. Irina ghi chép rất kỹ. Đến lượt tôi, tôi nói: “Tôi chẳng có yêu cầu gì cả”. Irina ngạc nhiên vô cùng. Thấy vậy, tôi nói luôn: “Từ Hà Nội sang Matxcơva, tôi như anh nhà quê ra tỉnh, tiếng Nga một chữ không biết, vậy thì “tìm hiểu” cái gì? Vả lại, được đi máy bay IL 86 có đến 350 chỗ ngồi của hãng hàng không Airoflot là sướng rồi. Đến Matxcơva thấy đường phố lớn rộng, nhà cửa to tát, lại được nghe Irina nói tiếng Việt sành điệu như con gái Hà Nội… thì thế là tìm hiểu rồi còn gì nữa”. Irina không nói gì, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt hóm hỉnh. Vậy mà ngày cuối cùng cô lại hỏi tôi như thế. Tôi nói: “Rất muốn tìm hiểu chứ, nhưng yêu cầu lại hơi cao đấy. Vậy Irina có đáp ứng được không?”. Cô nói quả quyết: “Anh Khải cứ yêu cầu, em sẽ cố gắng hết mình!”. (Irina nói tiếng Việt rành rẽ, đâu ra đấy). Tôi liền nói: Muốn đi gặp một tri thức hàng đầu ở Matxcơva để đối thoại, nhưng người phiên dịch phải là Irina”. Suy nghĩ ít giây rồi nàng cầm tay tôi lôi đi, vừa đi vừa nói: “Đi ngay bây giờ. Em đưa anh đi gặp viện sỹ X”. (Tôi không nhớ cái tên tiếng Nga dài như cầu Long Biên này!). Ông là Trưởng Ban Sửa đổi Hiến pháp Liên Xô.

Tôi mừng quá, cứ thế đi theo Irina.

Đến nơi, gặp người cần gặp. Tôi cúi đầu rất thấp để chào ngài viện sỹ đáng kính này bằng một thứ tiếng Nga mới học lỏm được. Sau đó, yêu cầu Irina dịch. Tôi hỏi: “Thưa viện sỹ, tôi được biết nền dân chủ Xô Viết gấp triệu lần nền dân chủ tư sản như Lênin đã nói, vậy thì còn việc gì cần phải sửa đổi Hiến pháp. Mà nếu có sửa đổi thì dựa theo nguyên tắc nào? Nguyên lý nào?”. Irina dịch xong thì viện sỹ X ôn tồn nói (tôi được nghe dịch lại): “Chúng tôi đang nghiên cứu Montesquieu”. Tôi nghe xong câu đó thì lễ phép đứng lên rồi lại cúi đầu rất thấp chào ngài viện sỹ và quay sang nói với Irina: “Thế là đã rõ. Chúng ta về thôi”.

Ra đến cửa, tôi bảo với Irina: “Vậy là quay lại thế kỷ 18 để thực hiện tam quyền phân lập. Chúng ta đi lộn đường hơn hai thế kỷ rồi!”. Nhưng Irina không đưa tôi về ngay. Nàng bảo còn nhiều thời gian và lại vẫy taxi đưa tôi đi tiếp. Chúng tôi đến một ngôi nhà ở một con phố không lấy gì làm sang trọng. Irina bảo: “Em đưa anh đi gặp Tổng Bí thư của một đảng đối lập. Tầng lầu mà ta sắp lên là chính do Đảng Cộng sản thuê cho đảng đối lập này làm trụ sở”. Vậy là tôi lại hiểu thêm một “kênh” chính trị nữa ở Liên Xô lúc bấy giờ (3/1991).

Tổng Bí thư đảng đối lập là một người đàn ông trung niên, tầm thước, gương mặt hiền hòa nhưng có đôi mắt rất sáng. Trong cuộc trao đổi với ông, tôi nhớ để không bao giờ quên hai câu nói rất ấn tượng của ông. Câu thứ nhất nói về Liên Xô. Ông bảo: “Liên Xô chúng tôi là một cái chiến hạm đang mắc cạn, còn Việt Nam của các đồng chí là một con thuyền thúng không biết nó trôi về đâu”. Câu thứ hai nói về xã hội Xô Viết: “Thằng Ivan khi nó không có gì cả thì nó không thể nên người được. Nó phải có gia sản thì nó mới nên người”. (Ivan là một cách nói về người đàn ông Nga, như người Việt nói anh Ất, anh Giáp).

Ra về, khi chỉ có tôi và Irina trong thang máy, cô lấy tay gỡ ngay cái huy hiệu (biểu tượng của đảng đối lập) mà ông Tổng Bí thư vừa gắn lên ngực áo tôi ra để gắn lên áo của mình và nói: “Em tịch thu cái huy hiệu này của anh”.

Từ bấy đến nay 22 năm đã trôi qua. Liên Xô từ một thể chế đảng trị, toàn trị đã chuyển thành một xã hội đa đảng nhưng do một nhà độc tài xuất thân KGB cầm lái. Cái chiến hạm mắc cạn đã được hạ thủy… Một xã hội mà người dân Nga gọi là “đạo tặc trị” nhưng quay lại chế độ Xô Viết thì không ai muốn, còn “con thuyền thúng Việt Nam” thì còn đang loay hoay bàn chuyện Hiến pháp. Thật trớ trêu, Hiến pháp của một nước có 90 triệu dân nhưng lại quan trọng thứ hai sau cương lĩnh của Đảng Cộng sản như ông Tổng Trọng nói. Ai nói khác đi thì bị xem như “diễn biến hòa bình”, hay “thế lực thù địch”…

Trước khi chúng tôi về, Irina không đi tiễn ra sân bay được. Nàng gửi tôi một lá thư, chữ rất đẹp: “Anh Khải ạ! Em nhờ anh chuyển mấy thư này như anh đã hứa, nhưng em không biết sau này có cách nào cảm tạ anh về chuyện đó? Chắc là em phải truyền cho con cháu xây đền thờ để thờ anh bao đời sau. Đúng không anh? Còn em chúc anh đi đường may mắn, vô sự, cái gì dở thì cố quên đi ngay, anh hứa vi em đi. Em xin gửi anh mấy cái hôn ly biệt và nhớ. Ký tên Irina”.

Sài Gòn, 11/2013

L. P. K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

This entry was posted in Hiến Pháp, Nga. Bookmark the permalink.