Chiều 20/11, một số giáo chức và bạn bè tại Hà Nội đã có buổi họp mặt thân mật, hưởng ứng ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo 20/11”, mà Việt Nam gọi là “Ngày nhà giáo Việt Nam”.
Bên cạnh các cựu giáo chức, mái đầu đã bạc trắng là những nhà giáo trẻ. Họ những con người đã được xã hội suy tôn là “kỹ sư tâm hồn”. Ai cũng vậy, trước khi trở thành nhà giáo hay ông nọ, bà kia, họ cũng được các thế hệ nhà giáo đi trước không chỉ dạy về kiến thức, mà quan trọng hơn là dạy làm người đúng với đạo và lý.
Những người được gọi là “lãnh đạo nhà nước và xã hội”, họ cũng có văn bằng, chứng chỉ tiến sĩ, giáo sư, cao cấp “ný nuận” này nọ. Nhưng thầy của họ lại là những Mác, Lê, Mao… với chủ thuyết về chủ nghĩa xã hội không tưởng và đầy bạo lực. Để rồi đưa Việt Nam chìm đắm trong những tư tưởng ngoại lai, ươn hèn trong sự cai trị của chế độ độc tài, đầy dối trá và tham nhũng.
Xã hội Việt Nam đang phát triển đi lên nhưng sao sự đi lên đó chậm chạp, ỳ ạch và khó khăn đến thế. Phải chăng tất cả đều do giáo dục mà nên, mà ngành giáo dục lại đang bị thương mại hóa, đầy tham nhũng và tiêu cực, như công luận đã từng cảnh báo? Ở đó nhà giáo vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Họ bị coi là những con chim cảnh, bị nhốt trong lồng và nuôi bằng những thứ có sẵn, để rồi phải hót lên theo bản năng của một con vật.
Đã qua rồi cái thời bị bưng bít thông tin, sự thật về những thói hư tật xấu, những yếu kém của nhà cầm quyền. Cũng qua rồi thời kỳ người dân luôn sống trong sự sợ hãi, cam chịu để cho chủ quyền quốc gia bị Trung Cộng xâm lấn. Để cho các loại cường hào ác bá áp bức bóc lột nhân dân.
Nhà giáo giờ đây không chỉ biết dạy mà còn phải học, để thức tỉnh về quyền và nghĩa vụ công dân. Những nhà giáo như Đinh Đăng Định, Vũ Hùng, Vũ Mạnh Hùng, Tô Oanh, Đỗ Việt Khoa, Nguyễn Danh Ngọc và nhiều người khác đã hòa mình vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống cái xấu, cái sai trái, đòi tự do, dân chủ và cao hơn tất cả là quyền con người. Họ chấp nhận bị bắt bớ tù đày, bị đánh đập sách nhiễu và sẵn sàng nằm xuống để đất nước này đứng lên.
Lại một ngày nhà giáo Việt Nam qua đi, còn quá nhiều điều trăn trở, những việc phải làm để vươn tới đỉnh cao của sự nghiệp trồng người. Cuộc sống có quy luật của nó, những gì trái với quy luật ắt sẽ bị đào thải.
Đó là điều chắc chắn như qua đêm sẽ đến ngày.
Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2013
N. A. D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.