Thương tích trên người ông Nguyễn Mậu Thuận sau khi bị công an tạm giam. (Nguồn: Người Lao Động)
Công ước Liên Hiệp Quốc chống tra tấn tên tiếng Anh là United Nations Convention against Torture (UNCAT) ra đời từ năm 1984. Mới đây, Việt Nam đã đặt bút ký vào công ước này và chính thức trở thành thành viên thứ 155. Nhìn vào danh sách các nước tham gia công ước, một người có chút lương tri hẳn phải thấy xấu hổ. Việt Nam ký kết công ước sau cả những nước vốn bị coi là lạc hậu trên thế giới như Ghana, Gabon, Honduras, Iraq, Marocco…
Tình trạng bức cung, ép cung, đánh đập hay dùng nhục hình với tù nhân không phải là hiếm hoi trong xã hội Việt Nam. Mới đây, khi tù nhân Nguyễn Thanh Chấn được minh oan, người ta đã được nghe nhân chứng sống này kể lại những thủ đoạn rùng rợn của cơ quan điều tra Việt Nam. Điều đáng nói, ngay sau đó hàng loạt vụ án oan sai khác được chính báo chí trong nước đề cập tới. Nhưng dù sao, ông Chấn hay những người mà báo chí mới đề cập tới, cũng may mắn hơn nhiều người đã lìa đời với một thân thể dập nát và không bao giờ có cơ hội kể về những điều đã xảy ra với mình.
Nhân sự kiện Việt Nam ký công ước, để tìm hiểu thêm về việc đối xử với các tù nhân Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn 3 cựu tù nhân lương tâm. Cả 3 đã cùng trả lời những câu hỏi như sau:
1- Mới đây, hôm 7/11/2013, Việt Nam đã ký vào công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và trở thành thành viên thứ 155 của công ước này. Từng là tù nhân, theo ông/ bà, có hay không việc tra tấn tù nhân ở Việt Nam trong những năm qua?
2- Tra tấn theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, không chỉ là bạo hành về thể xác mà còn có thể là hạ nhục, đầy đọa về tinh thần nữa. Cá nhân ông/ bà đã gặp chuyện này chưa?
3- Trong các nhà tù Việt Nam, việc đối xử với các tù nhân chính trị có khá hơn tù thường phạm không?
4- Theo đánh giá của ông/ bà, liệu có sự biến chuyển nào không, sau khi Việt Nam tham gia vào công ước này?
Ông Lê Thăng Long
Ông Lê Thăng Long
1– Thực tế tại Việt Nam tình trạng tra tấn và đối xử vô nhân đạo với tù nhân vẫn còn tồn tại khá, tuy có tiến bộ so với trước đây. Tình trạng tạm giam, tạm giữ bị tra tấn vẫn còn không ít. Kể cả có trường hợp đánh chết người, mà báo chí gần đây đã nêu lên, mới được nói đến. Việc tra tấn đối xử vô nhân đạo còn thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: tra tấn thể xác và tinh thần, tra tấn bí mật và công khai, tra tấn trực tiếp và gián tiếp. Gây khó khăn cho gia đình tù nhân cũng là hình thức tra tấn gián tiếp.
Công an “bật đèn xanh” cho người tù đánh người tù cũng là một hình thức tra tấn. Giam trong phòng đặc biệt, cùm chân cũng là một hình thức tra tấn. Hiện tại, tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức đang bị đối xử, giam giữ “đặc biệt” tại Xuyên Mộc là một minh chứng cụ thể.
Tôi cho rằng, tình trạng chung này không phải là chủ trương của nhà cầm quyền Việt Nam, nhưng với thể chế, cơ chế lãnh đạo, quản lý đất nước như hiện nay thì sẽ dung túng và bao che cho những tệ nạn này còn nhiều và biến dạng tinh vi hơn.
2- Tôi đã gặp trường hợp này không chỉ 1 lần trong trại tạm giam, quá trình xử án và tại trại giam. Xin chỉ nêu 1 điển hình: Những người yêu nước như chúng tôi đúng ra phải được bất cứ chính quyền nào có lương tri đối xử trân trọng, cảm ơn và khen thưởng vì những cống hiến xây dựng ôn hòa cho đất nước, cho nhân dân (nhưng chỉ là mơ… đối với thể chế cầm quyền hiện nay)! Ngược lại, chúng tôi đã bị tìm cách biến thành những kẻ tội phạm trong mắt người dân để hạ nhục chúng tôi trước công chúng, đày đọa về tinh thần gia đình chúng tôi.
3- Theo tôi, có khá hơn tù thường phạm ở những mức độ đối xử thông thường, tức là ít có trường hợp đánh đập, tra tấn trực tiếp. Tuy vẫn còn có xảy ra như trường hợp 3 nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi người lao động là Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương.
Nhưng mặt khác, tù nhân chính trị gặp nhiều nguy hiểm và bị tra tấn, đối xử vô nhân đạo một cách tinh vi hơn. Chẳng hạn, những quyền lợi của tù thường phạm thông thường thì tù nhân chính trị không được hưởng đầy đủ như các chế độ thăm gặp gia đình, sách báo, v.v… Những tù nhân chính trị thường không được giảm án và bị đối xử hà khắc hơn. Trường hợp các tù nhân chính trị, lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh, Mai Thị Dung, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Cường, Phan Ngọc Tuấn… bị đối xử tại trại giam, tạm giam thời gian qua là những ví dụ cụ thể nhất về việc bị tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo một cách tinh vi hoặc tàn nhẫn.
4- Theo tôi việc tham gia vào công ước này là dấu hiệu và tiền đề cho những biến chuyển. Tuy nhiên, nó không tự nhiên đến. Vai trò của Liên Hợp Quốc trong thời gian qua ở Việt Nam vẫn còn mờ nhạt về các vấn đề giám sát và đảm bảo thực thi những công ước đã ký. Việc này cần phải được thay đổi.
Chúng tôi cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế có liên quan giám sát thật tốt việc thực thi công ước này của phía Việt Nam. Chống tra tấn là một trong những hoạt động bảo vệ quyền con người. Công ước chống tra tấn là một công cụ pháp lý mang tầm quốc tế. Pháp luật của quốc tế mà quốc gia nào đã tham gia và được công nhận phổ quát toàn cầu có mức độ cần phải được tuân thủ cao hơn pháp luật của quốc gia đó.
Trách nhiệm của chính quyền trong việc thực hiện Công ước là phải phổ biến, diễn giải chính xác cho nhân dân quốc gia mình được nắm vững, đồng thời đảm bảo việc thực thi đầy đủ công ước này trên thực tế. Bằng hoạt động bảo vệ quyền con người tiếp nối tinh thần của cụ Phan Chu Trinh “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, phong trào Con đường Việt Nam sẽ tích cực vận động nhân dân, lên tiếng mạnh mẽ với nhà cầm quyền để Công ước này sớm thực thi đầy đủ tại Việt Nam.
Bà Phạm Thanh Nghiên.
Bà Phạm Thanh Nghiên
1- Nhân danh một cựu tù nhân lương tâm, bằng sự trung thực và trách nhiệm với sự thật tôi khẳng định việc tra tấn tù nhân ở VN là chuyện rất phổ biến. Chỉ có điều, nó không được phản ánh trung thực và đầy đủ trên báo chí, một nền báo chí bị bịt miệng được gọi ngắn gọn dưới cái tên “báo chí lề đảng”.
Những người tù từng bị tra tấn thường không có cơ hội để phán ánh sự thật ra công luận. Và dù có, họ cũng chịu đủ mọi sức ép, thậm chí hiểm nguy nên không dễ gì họ bộc bạch trước công luận. Đặt giả thiết, nếu được bảo vệ, được đảm bảo an ninh cá nhân một cách tuyệt đối, những cựu tù thậm chí những người tù đang thi hành án chắc chắn sẽ cho chúng ta biết những sự thật kinh hoàng, ngoài sức tưởng tượng.
Trong 4 năm tù, tôi đã nghe hàng trăm câu chuyện như thế. Tất nhiên không phải những chuyện tôi đã nghe đều chứa 100 % sự thật. Nhưng cho dù chỉ là vài chục phần trăm thôi thì nó cũng kinh khủng lắm rồi.
2- Mặc dù suốt 4 năm tù, tôi chưa từng bị đánh đập nhưng xét theo định nghĩa của LHQ thì tôi thật sự là một nạn nhân, là một nhân chứng sống. Tôi từng bị giam mấy tháng trời trong một căn phòng rộng chưa đầy 6 mét vuông. Không có cửa sổ, thiếu ánh sáng… bị phân biệt đối xử. Những người tù hình sự khác không được kết bạn hay giao tiếp công khai với tôi chỉ vì tôi bị cho là “phần tử nguy hiểm”.
Họ – công an trại giam – có rất nhiều lý do để “trừng phạt” những người tù kia. Có thể nói không ngoa rằng, mỗi ngày của người tù là một sự đầy đọa. Để trả lời câu hỏi này, tôi có thể phải viết thành một cuốn hồi ký. Tôi chỉ phác họa sơ sơ để các bạn hình dung ra mà thôi.
3- Cai tù, được gọi dưới cái tên là “cán bộ trại giam” thường nói với tôi rằng tôi là một trường hợp rất ít ỏi được đối xử có phần “ưu ái” hơn những người khác. Tôi hiểu ưu ái của họ ở đây là tôi không bị tống vào buồng kỷ luật khi từ chối lao động. Tôi từ chối lao động vì đơn giản tôi không có tội và chưa từng nhận tội mà mình không có. Hay trong các giao tiếp với CBTG, tôi luôn tỏ ra bình đẳng, không khúm núm, không gọi họ bằng “ông, bà” xưng cháu mà vẫn không bị… khiển trách. Hay khi họ đáp ứng một số yêu cầu chính đáng của tôi mặc những yêu cầu đó đều nằm trong khuôn khổ, trong chính sách mà người tù được hưởng cũng coi như một sự “ưu ái”.
Thực ra, đó là những chuyện rất bình thường nhưng lại không hề bình thường bởi hầu hết các tù nhân khác thường rất khúm núm, sợ sệt hoặc nịnh nọt khi giao tiếp với cai tù. Thật buồn cười! Trên thực tế, những tù nhân khác được gọi điện về nhà còn tôi thì không. Họ không bị giám sát khi được gặp thân nhân còn tôi thì ngược lại. Luôn có ít nhất 2, có lúc đến 4 công an ngồi kèm và sẵn sàng cắt ngang cuộc gặp nếu …trao đổi quá giới hạn, tức là nói nhiều sự thật trong trại. Và còn nhiều lắm, không thể liệt kê hết được.
4- Liên Hiệp Quốc đã có bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền 1946, nhưng đã hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày Việt Nam là thành viên của Liên Hiệp Quốc, nhiều quyền mà người dân VN lẽ ra đáng được hưởng trên thực tế thì hiện nay vẫn còn là trên lý thuyết. Bản thân Hiến pháp VN cũng có quy định một số quyền tự do căn bản cho người dân nhưng lại “đẻ” ra vô số điều luật và văn bản dưới luật thủ tiêu các quyền căn bản đó. Nếu chính quyền biết tôn trọng các quyền con người căn bản của người dân, thì cho dù họ không ký Công ước chống tra tấn, hay bất kỳ Công ước Quốc tế nào về quyền con người, thì người dân VN cũng đã “mãn nguyện” lắm rồi.
Cho nên tôi khẳng định, việc ký kết Công ước chống tra tấn chỉ là một bước đi nhằm vận động lá phiếu cho chiếc ghế thành viên HĐNQ LHQ. Chính quyền không bao giờ muốn trả lại cho người dân những quyền làm người căn bản. Tất cả đã được chứng minh trên thực tế. Và dù nếu họ có muốn ngăn chặn hay loại bỏ việc tra tấn đi chăng nữa, cũng là điều không tưởng. Giống như việc nếu họ chống tham nhũng chẳng khác nào tự lấy dao xẻo vào mũi mình. Nên nhớ, bạo lực là thương hiệu của cộng sản. Trong lĩnh vực điều tra (các vụ án hình sự) nếu không “tra tấn”, không “ép cung” mà chỉ dựa vào các yếu tố như “tài năng”, “đạo đức” và tinh thần “thượng tôn pháp luật” của giới điều tra viên thì không thể “phá án”, không thể làm giầu nhờ “chạy án” được. Tất nhiên không phải 100% là thế. Nhưng điều đó rất phổ biến. Ký Công ước chống tra tấn, một hình thức “làm đẹp” cho khuôn mặt vốn đã nham nhở của chính quyền mà thôi.
Tôi không hy vọng vào một sự chuyển biến nào sau khi VN ký công ước này. Nếu có, cũng chỉ là hình thức hay một cuộc… mặc cả nào đó với QT mà “nạn nhân” không được biết về cái giá của mình. Chưa bao giờ tôi mong mình sai như lúc này.
Ông Nguyễn Bắc Truyển
Ông Nguyễn Bắc Truyển
1- Tháng 11/2006, tôi bị bắt và bị giam tại số 4 Phan Đăng Lưu – cơ quan an ninh điều tra TP HCM. Tại đây tôi bị giam trong một phòng giam nhỏ và tuyệt đối kín, 2 lớp cửa. Phòng giam kín đến nỗi dưỡng khí bị giới hạn đến mức có lúc không thở được, đó là chưa nói đến nhiệt độ trong phòng rất nóng. Tôi đã nhiều lần phản đối với trại giam, điều tra viên và viện kiểm sát về tình trạng giam giữ tồi tệ nhưng họ phớt lờ. Tôi cho rằng họ đã dùng những hành vi giam giữ vô nhân đạo đối với tôi.
Khoảng hai tuần, sau khi bị bắt tôi bị rơi vào tình trạng đau đầu và chóng mặt, tôi nghĩ rằng có thể do dưỡng khí trong máu đã không đủ cung cấp cho não bộ.
Phòng giam nhỏ, do đó việc ăn uống ngay cạnh hầm vệ sinh. Họ còn tra tấn bằng cách mở một ngọn đèn vàng 24/24, ngay cả khi đi ngủ.
Lúc đó, tôi vô cùng ngạc nhiên vì bị giam giữ một cách khắc nghiệt trái với các quy định của luật tố tụng hình sự hiện hành, nguyên tắc xét xử công bằng…
Nhưng những gì tôi nghe người tù thường phạm kể thì thật kinh khủng, hầu hết những người tù này đều bị tra tấn khi thẩm vấn và không có cách nào khác là phải “hợp tác”, phải chấp nhận sự bức cung… mà không thể phản kháng. Những oan ức mà họ phải gánh chịu, thật sự là một thảm họa cho ngành tư pháp Việt Nam.
Người tù thường nói: tù đày, tù thì phải bị đày để nói những cơ cực cam chịu. Những người tù thường phạm đều gặp phải những tình trạng bị hạ nhục phẩm giá như bị cùm chân khi chuyển trại hay bị giam trong phòng kỷ luật; bị cưỡng bức lao động; bị cai ngục hành hạ, đối xử không tôn trọng dù họ có thể họ đáng tuổi cha, tuổi ông của những viên cai ngục…
Bản thân tôi cũng bị họ đối xử vô nhân đạo, hạ thấp phẩm giá nhưng vì là những người tù chính trị, một dạng tù khá đặc biệt trong trại giam nên những thái độ như vậy dần dần phải thay đổi. Cai ngục hay tù nhân thường phạm có sự tôn trọng nhất định đối với tù nhân chính trị.
3- Trong nhà tù hiện nay tại Việt Nam, những nhà tù có giam tù nhân chính trị thì đa phần là các tù nhân chính trị bị giam riêng (giam cách ly) với tù nhân thường phạm. Nguyên do là trại giam e ngại những ảnh hưởng của tù nhân chính trị đối với tù nhân thường phạm.
Đối với tù nhân chính trị, trại giam Xuân Lộc nơi tôi bị giam thi hành án tù 3 năm 6 tháng, họ kiểm soát rất gắt gao về không gian giam giữ, về thông tin, báo chí, sách vở, bút viết… những quyền lợi gọi điện thoại cho gia đình mỗi tháng 1 lần, thăm gặp 24 tiếng với gia đình, sinh hoạt thể thao hay văn nghệ với toàn trại… đều bị cấm. Phần ăn, nước sinh hoạt hàng ngày… thì họ cung cấp đúng quy định (nhưng so với thực tế là không đủ dùng).
Thời gian đầu tại trại giam Xuân Lộc, tôi bị cưỡng bức lao động, nhưng sau đó do phản kháng của các tù nhân chính trị và gia đình bên ngoài thì chúng tôi được lao động nông nghiệp và hưởng tất cả những gì mình trồng. Nhưng vẫn có một số tù nhân lương tâm (đấu tranh tôn giáo) vẫn bị buộc lao động nếu họ bị giam chung với tù thường phạm. Đối với tù nhân thường phạm thì việc kiểm soát ngược lại và họ bị cấm tiếp xúc với tù nhân chính trị.
Trong thời gian gần đây, một số tù nhân chính trị bị ép phải nhận tội trong trại giam thi hành án, bị đày xa nhà hàng ngàn km, bị cưỡng bức lao động, bệnh không được chữa trị theo đúng bệnh viện chuyên khoa, thường xuyên bị chuyển trại giam… Tôi cho rằng đây là sự giam giữ vô nhân đạo trái với luật thi hành án phạt tù của Việt Nam hay luật pháp quốc tế và đặc biệt là trái với công ước quốc tế Chống tra tấn mà Việt Nam vừa tham gia. Các trường hợp đó có thể kể tên như chị Mai Thị Dung, Đỗ Thị Minh Hạnh, ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), chị Tạ Phong Tần, anh Nguyễn Xuân Nghĩa, Bùi Văn Thâm, anh Nguyễn Hửu Cầu, ông Nguyễn Văn Lía…
4- Việt Nam tham gia vào tuyên ngôn nhân quyền quốc tế, công ước quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị, công ước chống buôn người, tuy nhiên nhà cầm quyền Việt Nam đều diễn giải và áp dụng rất tùy tiện vào luật nội địa. Hầu như, nhà cầm quyền Việt Nam vô hiệu hóa những cam kết với cộng đồng quốc tế. Ngay như việc phổ biến các văn kiện ký kết với quốc tế cho người dân Việt Nam, họ cũng không thực hiện.
Theo LUẬT KÝ KẾT, GIA NHẬP VÀ THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ, điều 6 khoản 1 có quy định: “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”. Nhưng giữa lời cam kết và thực hiện còn nhiều khoảng cách.
Theo tôi, hệ thống truyền thông trên internet và các nhà hoạt động phải cùng nhau phổ biến các điều ước mà nhà cầm quyền CSVN tham gia ký kết đến với người dân để họ có thể tự bảo vệ mình hay cũng biết nhờ ai khi mà họ bị oan sai, bị đàn áp, bị tra tấn ép cung… Ngoài ra, cũng cần phải đấu tranh để tách hệ thống giam giữ ra khỏi bộ Công an và chuyển sang bộ Tư pháp, không để cho bộ Công an một mình một chợ, bắt và giam giữ người tùy tiện như hiện nay.
Đ.C.V.
© Đàn Chim Việt
Nguồn: danchimviet.info