Ba chàng Ngự lâm Việt và những người chỉ nhìn chân ghế

“Quả thật, tuần này là một tuần mà những “hành động và phát ngôn ấn tượng” tăng vọt đến chóng mày chóng mặt. Bạn đọc chưa kịp hoàn hồn với hành động này thì đã bị choáng với phát ngôn nọ. Hành động và phát ngôn ấn tượng tuần này không sao liệt kê hết tất cả những “ấn tượng” mà chỉ xin luận bàn một vài điều” – Đó là giới thuyết của bạn Trực Ngôn về bài viết đáng gọi là đặc sắc của mình. BVN xin được bổ sung bằng cách nói rõ thêm chủ điểm mà chúng tôi rút ra được từ bài của bạn.

Quan trí của chúng ta quả có vấn đề.

Có vấn đề nhưng vẫn phải đảm đương việc lớn nên nhiều bậc quan đầu tỉnh, đầu ngành của chúng ta ứng xử với những việc liên quan đến vận mệnh của dân của nước một cách “ngây thơ”. Có ngây thơ như con trẻ thì mới làm mà không biết hậu quả của việc làm đó sẽ là thế nào; có ngây thơ như con trẻ thì mới nhìn quanh kiếm người đổ tội khi bị trách mắng…

Có vấn đề nhưng vẫn muốn ngồi cao nên phải chạy. Chạy cõi dương gian rồi phải chạy cả cõi âm. Có thế các quan mới chen nhau lúc nửa đêm để lĩnh ấn đền Trần. Ngồi vào được ghế rồi thì đố dám nói động đến các ngài đã cấp ghế cho mình một tiếng, mất ghế thì sao!

Vận nước thì mấy người không có ghế cứ lo đi, chúng tớ đang còn bận… giữ ghế.

Bauxite Việt Nam

Người lãnh đạo có “tầm nhìn chiến lược” nửa thế kỷ

Ông Nguyễn Văn Bình. Ảnh: VNN

Ông Nguyễn Văn Bình. Ảnh: VNN

Đó chính là ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, một tỉnh có diện tích đất rừng cho người nước ngoài thuê có lẽ lớn nhất hiện nay. Dư luận xã hội đang lên tiếng như một lời cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra khi cho người nước ngoài thuê đất trồng rừng. Nhưng khi phóng viên mang nỗi lo của xã hội đến hỏi ông Bình về việc kiểm soát hoạt động của công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng 50 năm trên đất Lạng Sơn thì ông Bình thản nhiên trả lời: “50 năm nữa, ai làm thì người đó kiểm soát”.

Câu nói “vô tư” của ông Bình khiến người đọc cứ thấy quen quen như đã nghe ở đâu rồi. Cố nhớ một chút thì nhận ra là đã từng nghe câu nói tương tự trong đời sống thường nhật của những người kém trách nhiệm với người khác hay với xã hội.

Còn tôi thì nhớ đến cái thời cơ quan tôi có xe máy công. Ai đi công tác thì dùng chiếc xe công ấy. Chiếc xe rất tốt nhưng chỉ một thời gian ngắn đã trở nên tàn tã. Vì sao? Vì chẳng một cá nhân nào dùng chiếc xe đó có trách nhiệm giữ gìn hay tu sửa nó.

Người hôm nay dùng thấy xe bẩn hay hư hỏng nhưng không lau chùi hay sửa chữa vì nghĩ rằng ngày mai “thằng” khác đi nó phải lo. Đến ngày mai, cái “thằng” khác ấy cũng lại nghĩ đến ngày kia sẽ có cái “thằng” khác nữa nó lo. Cuối cùng chẳng có cái “thằng” nào có trách nhiệm với cái xe mà họ vẫn dùng khi cần.

Trách nhiệm đối với đất nước cũng giống như cuộc thi chạy tiếp sức. Tất cả vận động viên tham gia trong đội chạy đều phải cố gắng hết mình và phải hiểu rằng: không ai được ỷ lại hoặc dồn trách nhiệm cho người khác. Nếu không, dù những vận động viên trong đội chạy kia là những người chạy nhanh nhất thế giới, họ vẫn sẽ thất bại. Thế nên, nếu ông Phó Chủ tịch UBND Lạng Sơn để việc kiểm soát lãnh thổ của mình cho một ông Chủ tịch UBND Lạng Sơn của 50 năm sau thì có lẽ khi đó đến cả “một tấn” sơn cũng mất chứ nói gì đến “một lạng” sơn???

Chính vì tầm quan trọng mang  tính chiến lược quốc gia của những nơi mà các tập đoàn nước ngoài công khai “chiếm ngự ” thông qua việc thuê đất trồng rừng mà ngày 10/3/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kịp thời chỉ đạo “Ủy ban nhân dân các tỉnh không được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và không ký hợp đồng cho thuê đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đợi Chính phủ rà soát”.

Có ba chàng lính Ngự lâm… người Việt

Trong lúc một ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói một câu quá “vô tư” như vậy thì có ba thanh niên Nguyễn Hùng, Ngô Khoa Bá, Lê Quang Long đã viết thư phản đối gửi tới Ban biên tập Tạp chí của Hội địa lý Quốc gia Mỹ khi phát hiện ra họ ghi chú sai về bản đồ Hoàng Sa.

Ba chàng trai Việt đã quyết tâm lên tiếng khi thấy bản đồ thế giới chú thích sai về chủ quyền lãnh thổ đất nước.

Ba chàng trai Việt đã quyết tâm lên tiếng khi thấy bản đồ thế giới chú thích sai về chủ quyền lãnh thổ đất nước.

Lời lẽ trong thư rành mạch, chính xác, kiên quyết và mạnh mẽ về chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Ba chàng trai này cũng giống như hàng triệu chàng trai, cô gái ngày ngày vào internet. Sẽ không ai trách họ sao thấy chuyện sai kia mà không báo cáo với chính quyền. Nhưng với lòng yêu nước, họ đã tự giác lên tiếng.

Bức thư giống như một bản tuyên ngôn về chủ quyền lãnh thổ của người Việt Nam và bày tỏ mạnh mẽ ý chí bảo vệ lãnh thổ đất nước. Hành động tự giác của họ làm cho những ai còn lo ngại về lòng yêu nước của thế hệ trẻ suy nghĩ lại. Nhiều bạn đọc khi biết hành động của ba chàng trai kia đã nói: với truyền thống yêu nước và khát vọng độc lập, tự do của người Việt, chúng ta không chỉ có Hội nghị Diên Hồng của những bô lão trước kia mà còn có “Hội nghị Diên Hồng” của những nam thanh nữ tú ngày nay một khi đất nước lâm nguy.

Với lòng yêu mến và kính trọng, tôi muốn gọi họ là ba chàng lính Ngự lâm người Việt. Và bản chất của những chàng Ngự lâm là luôn luôn chiến đấu đến cùng cho lẽ phải và không bao giờ khuất phục.

“Ông ơi, nhanh lên kẻo hết ghế…”

Giống như một cảnh trong phim Mỹ về Ngày tận thế, các con đường từ thành phố chạy ra ngoại thành kẹt cứng xe hơi. Nhưng đây là con đường hướng về đền Trần trong ngày lễ Khai ấn. Những ai ở trong những chiếc xe hơi trên con đường chen chúc dài dằng dặc kia? Chúng ta có thể dễ dàng trả lời: chủ yếu là cán bộ nhà nước vốn đã có ít nhiều quyền này chức nọ. Vì công chức quèn hay nông dân thì chẳng có mấy người có lý do đến đó trong cái ngày ấy.

Chen nhau đến đền Trần ngày khai ấn mong thánh thần ban chức quyền. Ảnh minh họa, nguồn dantri.com.vn

Chen nhau đến đền Trần ngày khai ấn mong thánh thần ban chức quyền. Ảnh minh họa, nguồn dantri.com.vn

Trước cảnh tượng này, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học, đã phải kêu lên: “Hám tiền” và “mê quyền” xét cho cùng cũng là một thôi và xem ra ở cái vế thứ hai này, khát vọng còn cháy bỏng hơn nhiều. Điều này giải thích tại sao lễ Khai ấn đền Trần lại có lắm người háo hức đến thế”.

Có lẽ vì mê quyền quá như Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc nói, nên họ lú lẫn tin rằng đến đền Trần trong ngày Khai ấn là hiển nhiên xin được một chức quan. Chẳng lẽ họ không có đủ nhận thức để hiểu rằng làm gì có Thánh có Thần nào phù hộ cho họ chuyện ấy. Nhưng vì tham quá, ham quá mà họ sẵn sàng làm mọi cách để có được thứ họ thèm khát.

Tôi đã từng chứng kiến lãnh đạo của một cơ quan văn hóa quỳ sụp trước trâu giấy, ngựa giấy, vàng mã, nhang nến… vái lấy vái để. Người viết sớ cho ông lãnh đạo này kể rằng ông ấy gạt khỏi tờ sớ tất cả những nội dung không liên quan đến việc ông ấy thăng quan tiến chức.

Lái xe của một ông Vụ trưởng thì kể rằng: anh phải dậy từ hai giờ sáng để đưa thủ trưởng đi đền Trần. Vì đã có tuổi nên ông Vụ trưởng lục sục mãi mà chưa ra khỏi nhà được. Bà vợ sốt ruột quá bèn gọi “Ông ơi, nhanh nên kẻo hết ghế”. Xin thưa, bi hài thay, không phải hết ghế trong rạp hát, trong sân vận động quốc gia Mỹ Đình… mà là hết “ghế quan”.

Những câu chuyện nói trên nghe xong mà cười ra nước mắt. Không nhẽ lẽ sống cả đời người chỉ là thế sao? Những cán bộ như thế thử hỏi mang lại cho dân cho nước những gì?

Lạy các Thần, các Thánh, con chẳng dám xin điều gì to tát. Con chỉ xin Thánh, Thần nói cho con biết những gì con đang hỏi.

Làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ không được nói gì nữa

Ngài Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ĐBQH TP. Hà Nội Nguyễn Tiến Dĩnh nói: “Với vai Thứ trưởng Bộ Nội vụ, bây giờ mình nói cái gì cũng có cái khó”, rằng: “Bây giờ sang công tác ở Bộ Nội vụ rồi thì chịu, không nói được nữa vì dù sao thì cũng là người của Chính phủ. Nếu góp ý cái gì đó thì cũng chính là góp cho mình…”

Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ĐBQH TP. Hà Nội Nguyễn Tiến Dĩnh. Ảnh: VNN

Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ĐBQH TP. Hà Nội Nguyễn Tiến Dĩnh. Ảnh: VNN

Ông vừa dứt lời, tôi nghe thấy một tiếng “ồ” của công chúng. Dư luận nhận xét: đây là câu nói “bất hủ” nhất của một thành viên Chính phủ cho dù là Chính phủ nào từ Đông sang Tây, từ cổ đến kim và cách lập luận đó quả thực là có một không hai trên thế giới.

Ô hay, sao làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ lại “không nói được nữa” và thế nào là “người của Chính phủ”? Thế cán bộ của các bộ, ngành khác thì là người của ai?

Ở nước ta có một tình trạng là không ít người khi có được một vị trí nào đó trong cơ quan hay trong xã hội thì áp dụng một trong hai “thượng sách”: Thượng sách thứ nhất là nói chung chung, chẳng động chạm đến ai, ai cũng thấy hài lòng. Dân ta vẫn lưu truyền câu chuyện về một cán bộ trong một cuộc họp góp ý lãnh đạo cấp trên. Khi được yêu cầu có ý kiến, anh ta đã phê bình lãnh đạo như thế này: “Đồng chí A (lãnh đạo) có một khuyết điểm duy nhất cần nghiêm túc rút kinh nghiệm là đã không chú ý đến sức khỏe của mình và làm việc nhiều quá“.

Thượng sách thứ hai là không nói gì cả. Mà có phải nói thì chỉ phát biểu một câu: “Tôi hoàn toàn nhất trí cao với ý kiến của lãnh đạo“.

Cả hai “thượng sách” này không có cách giải thích nào khác ngoài cách phải nói rằng: những người đó lo cho lợi ích của cơ quan, của xã hội được một thì lo cho vị trí của mình đến cả trăm.

Chúng ta ai cũng biết rằng khi một người phát ngôn là lúc anh ta bày tỏ quan điểm và trí tuệ của mình. Những người càng có vị trí cao trong xã hội thì càng phải bày tỏ quan điểm và trí tuệ của mình để khai mở và dẫn dắt xã hội. Một người lãnh đạo không có quan điểm và trí tuệ hỏi còn có tác dụng gì cho xã hội nếu không muốn nói là vô tình làm chậm sự phát triển của xã hội.

Hơn nữa, một người có vị trí cao trong xã hội mà có những ý kiến sâu sắc thì ảnh hưởng đối với xã hội rất lớn. Nếu ý kiến đó là của một công chức quèn cho dù sâu sắc hay uyên thâm đến đâu cũng chẳng mấy khi được chú ý và ít tác dụng.

Vì vậy, tiếng nói thẳng thắn và có tư tưởng của những người có vị trí cao trong xã hội về những vấn đề của đất nước vừa là trách nhiệm của họ vừa là một giá trị lớn đối với sự phát triển của đất nước. Chỉ lấy ví dụ về tiếng nói thẳng thắn, tâm huyết và sâu sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về những vấn đề của đất nước để thấy tác dụng lớn đến nhường nào.

Còn theo cách lập luận của ông Nguyễn Tiến Dĩnh: làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói cái gì cũng khó, thì chắc ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ chẳng dám nói gì nữa? Hay nói cách khác là ông ta sẽ im lặng mãi mãi trước mọi vấn đề của đất nước. Nếu Bộ trưởng như vậy thì nên gọi là Bộ trưởng Bộ gì đây???

Về những người suốt ngày chỉ nhìn xuống chân ghế

Trong Bàn tròn trực tuyến với nội dung bàn về nhân sự là những Uỷ viên Trung ương cho Đại hội Đảng lần thứ XI, nguyên Thứ trưởng, Tiến sỹ Mai Liêm Trực lên tiếng: “Tôi nghĩ bức xúc của cuộc sống đã đủ nhiều để những người phần nào nguội lạnh phải xem lại mình. Những cán bộ hôm nay đang được hưởng những thành quả mà nhiều thế hệ đã làm nên. Nhà cửa có rồi, lương bổng sống thế cũng tạm ổn. Lý do gì chúng ta phải lo thu vén cá nhân? Đến nỗi nào mà còn phải lo mất ghế của mình, để hàng ngày phải nhìn xuống chân ghế? Tại sao không có dũng khí như các thế hệ cha anh đã làm cho sự nghiệp này của Đảng và của dân tộc chúng ta”.

Ghế ơi, chân còn hay mất??? Ảnh minh họa, nguồn adviet.com

Ghế ơi, chân còn hay mất??? Ảnh minh họa, nguồn adviet.com

Đây là một phát ngôn vô cùng ấn tượng và đầy trách nhiệm. Phát ngôn đó cho thấy một hiện thực mà người đời vẫn gọi theo cách nói chuyện võ thuật là thế “thu mình giữ ghế”. Nhưng bây giờ cũng như mọi lúc, Đảng luôn luôn cần những Ủy viên Trung ương của mình như những chiến sỹ tiên phong trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Trước kia, các đảng viên càng giữ vị trí cao trong Đảng càng phải đứng mũi chịu sào trước mọi khó khăn gian khổ của đất nước. Họ thật sự là những tấm gương chói ngời để xã hội tôn kính và biết ơn. Ngày nay, có những ông chỉ mới là Chủ tịch huyện đã ung dung cưỡi một chiếc xe giá cả nghìn con trâu. Thế mới có thơ trào phúng mấy năm trước in trên báo nói về Chủ tịch huyện cưỡi nghìn trâu đi làm.

Có phải vì làm quan thời nay có quá nhiều bổng lộc mà có những ông Vụ trưởng vợ giục chạy nhanh đến đền Trần không thì hết ghế? Với những cán bộ chỉ lo kiếm ghế, chiếm ghế và ngày ngày “chỉ nhìn xuống chân ghế” thì đất nước, nhân dân đợi đến bao giờ mới có thể ngước lên cao được???

80 triệu USD cho những chữ ký “gà mờ”

Vụ việc ông Stephen O’Grady, Giám đốc Công ty SIH Investment Limited, vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội liên quan đến việc yêu cầu đền bù những thiệt hại do dừng triển khai dự án khách sạn SAS Royal Hotel trong Công viên Thống Nhất với cái giá gần 80 triệu đôla Mỹ đã làm choáng váng thậm chí bất tỉnh dư luận.

Một dự án vô lý đang có nguy cơ lấy không hàng tỉ đồng tiền mồ hôi công sức của dân.

Một dự án vô lý đang có nguy cơ lấy không hàng tỉ đồng tiền mồ hôi công sức của dân.

80 triệu đôla Mỹ với tỉ giá bây giờ ước khoảng 1.500 tỷ đồng. Chỉ một đề xuất “gà mờ” của một nhóm cán bộ tư vấn, chuyên gia hay gì gì đấy và những chữ ký “lơ đãng” của ai đó đã làm cho số tiền khổng lồ của nhân dân, của Nhà nước có nguy cơ rơi vào túi người khác.

Trong khi đó, biết bao việc nhân đạo, việc cấp bách đối với người dân thì chúng ta lại phải kêu gọi hảo tâm của những con người lao động chân chính trong xã hội thậm chí của những em học sinh tiết kiệm tiền ăn sáng để giúp đỡ những người khó khăn hay hoạn nạn.

Đến bây giờ, dư luận lại một lần nữa trở lại với câu hỏi đầy ngơ ngác trong suốt thời gian qua: Vì sao người ta lại có thể cho xây dựng những công trình kinh doanh như thế trong một công viên? Việc mà bất cứ nhà quản lý đô thị nào trên thế giới với sự hiểu biết cho dù hạn chế cũng nhận thức là không ổn.

Những chuyện như vậy xảy ra bởi cán bộ của chúng ta hoặc không hiểu biết hoặc quá tham lam hay vô trách nhiệm với xã hội. Bởi thế, chúng ta lại phải tiếp tục bàn về vấn đề lựa chọn con người cho vị trí lãnh đạo ở các cấp.

Ngoài vấn đề về môi trường hay cảnh quan, nhân dân đang quá đau đầu vì bỗng dưng phải mất đi một số tiền lớn như thế. Tiền đấy đâu phải của mấy ông cán bộ liên quan đến cái việc cho người ta xây dựng một công trình kinh doanh khổng lồ trong công viên. Tiền đó là tiền sinh ra từ mồ hôi, nước mắt và thậm chí là từ máu của nhân dân lao động. Mà nhân dân ấy, đang phải sống một cuộc sống còn nhiều thiếu thốn đôi khi không có đủ tiền để mua một vỉ thuốc kháng sinh.

TN

Nguồn: http://www.tuanvietnam.net//2010-03-18-ba-chang-ngu-lam-viet-va-nhung-nguoi-chi-nhin-chan-ghe

This entry was posted in biên giới, Môi Trường and tagged , , , . Bookmark the permalink.