Trước hết, tôi thành thật hoan nghênh việc báo Giáo dục Việt Nam và ông Trần Công Trục đã đồng ý mở cuộc trao đổi ý kiến xung quanh chủ đề Thác Bản Giốc nói riêng và biên giới Việt – Trung nói chung. Có thể nói đây là lần đầu tiên có sự cộng tác giữa một bên là một tờ báo hợp pháp được chính quyền cấp giấy phép và bên kia là hai trang mạng xã hội lâu nay vẫn bị xem là “ngoài lề” để mở cuộc “trao đổi ý kiến” về một chủ đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với vận mệnh của đất nước. Trước khi có ý kiến phản hồi đối với bài trả lời của ông Trần Công Trục đăng trên báo Giáo dục Việt Nam ngày 10-9-2013, tôi mạn phép nhường lời cho một người phản biện độc lập lâu nay vốn là chỗ thân thiết, nhưng chưa có dịp xuất hiện công khai:
Nếu độc giả đọc kỹ bài “Sự thật về Thác Bản Giốc” của tôi, sẽ thấy có một nhân vật ký bút danh là Hàn Vĩnh Diệp và tự nhận là một đảng viên cộng sản. Tôi đã dựa vào tài liệu của ông để thiết lập một chứng cứ như sau:
[3] Trong bài viết “Tấc đất tấc vàng” được công bố vào năm 2005, ông Hàn Vĩnh Diệp – một đảng viên ĐCS, cán bộ hưu trí, người đã từng nhiều năm công tác ở vùng Cao Bằng trước năm 1975, kể lại: “… Năm 1965 chúng tôi được tham gia đoàn khảo sát thực tế để biên soạn sách giáo khoa – Tập đọc cấp I của Khu giáo dục Khu tự trị Việt Bắc. Hai khu giáo dục ngoài nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa vỡ lòng – cấp I tiếng Thái, Mèo, Tày – Nùng, còn phải soạn cả sách giáo khoa Tập đọc tiếng Việt. Một trong những điểm khảo sát đợt ấy là Kênh Copáo và thác Bản Giốc thuộc huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng. Kênh Copáo lấy nguồn nước từ một đầm trũng bên kia biên giới Trung Quốc (huyện Tỉnh Tây, Quảng Tây) cho các cánh đồng phía Bắc huyện Trùng Khánh. (…) Đến thác Bản Giốc, chúng tôi sang cả bên bờ Bắc sông Quây Sơn, vào sâu hơn một cây số vẫn là làng bản dân ta.”
[Trích mục 3 – Ai là chủ nhân thật sự của Thác Bản Giốc]
Trong bài viết này, có một vài sai sót nhỏ. Vd: cây cột mốc nằm trên đỉnh núi dựa theo “trí nhớ” của một số bô lão ở địa phương. Thật ra, nếu căn cứ vào bản đồ thì không có cột mốc nào nằm trên đỉnh núi (kể cả cột số 54 và cột số 53). Nhưng những sai sót này có thể hiểu được, vì vào thời điểm công bố bài viết (2005), chưa có ai tìm ra được bản đồ chi tiết về vùng này, nên tác giả chỉ có thể ghi nhận, suy đoán chứ chưa thể kiểm chứng.
Tuy nhiên, ngoài những sai sót nhỏ đó, phần lớn những điều trong lời chứng của tác giả Hàn Vĩnh Diệp có giá trị rất cao. Lời chứng đó cho thấy “toàn bộ Thác Bản Giốc thuộc về Việt Nam” từ trước khi quan hệ Việt-Trung trở nên căng thẳng, vì vậy nó bác bỏ ý kiến mà ông Trần Công Trục đã nêu ra trong bài trả lời vừa qua:
“Mọi người đều biết rằng, hệ thống tài liệu tuyên truyền chính thức của cả 2 phía Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn này, trong đó có những nội dung đề cập đến đường biên giới trên bộ giữa 2 nước đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi xu thế chính trị của cả xã hội thời kỳ đó. Hai nước giao tranh, việc phát hành tài liệu liên quan đến đường biên giới, chủ quyền trong các tài liệu tuyên truyền ít nhiều đã mất đi tính khách quan, lại được tuyên truyền thường xuyên và rộng rãi nên những thông tin trong đó ăn sâu vào tiềm thức người dân. Điển hình là việc ta luôn luôn nghĩ toàn bộ thác Bản Giốc là của Việt Nam trong khi người Trung Quốc họ nghĩ toàn bộ thác Bản Giốc mà họ gọi là thác Đức Thiên là của họ.” (Trích lời ông Trần Công Trục)
Có thể nói giá trị lớn nhất của các bài viết của Hàn Vĩnh Diệp là ở chỗ: ông chính là một “nhân chứng sống” – một người đã từng công tác ở Cao Bằng ngay từ khi quan hệ Việt-Trung vẫn còn hữu hảo, và sau khi hiệp định biên giới đã được ký kết, ông vẫn còn trở lại nơi đó vài lần để chứng kiến một cách đau lòng cảnh “thương hải biến vi tang điền” (biển xanh biến thành ruộng dâu).
Trước đây, khi công bố các bài viết của ông, do hoàn cảnh khó khăn của cuộc đấu tranh trong nước, chúng tôi chưa tiện công bố tên thật của tác giả. Nay nhân dịp chủ đề “Thác Bản Giốc” được công khai hóa trước dư luận trong và ngoài nước, chúng tôi xin trân trọng đăng lại bài viết này cùng với lời giới thiệu của Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, để chúng ta hiểu thêm về tấm lòng của một đảng viên cộng sản yêu nước.
MAI THÁI LĨNH
Đôi lời về tác giả Hàn Vĩnh Diệp
Hàn Vĩnh Diệp tên thật là Diệp Đình Huyên, cán bộ hưu trí, nguyên Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng, nguyên Giám đốc đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Lâm Đồng.
Ông sống bình dị và thanh bạch, hình ảnh một ông già tóc bạc phơ, cọc cạch đạp chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ rích đi trên đường phố đến thăm hỏi bạn bè đã trở nên quen thuộc với nhiều cư dân Đà Lạt.
Ông đã viết nhiều bài về Thác Bản Giốc bởi gia đình ông vốn ở Cao Bằng, thường qua lại vùng biên giới Việt Trung như đi chợ. Chỉ từ 1958 đến 2006 ông đã từng 7 lần đến thăm Bản Giốc, và có lần từng ở lại một ngày một đêm ở bờ bắc của sông Quây Sơn.
Nhân có cuộc trao đổi rất bổ ích giữa ông Trần Công Trục với nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh về ranh giới Việt Trung tại thác Bản Giốc, tôi thấy nên đọc lại mấy bài viết của ông Diệp Đình Huyên – Hàn Vĩnh Diệp liên quan trực tiếp đến chủ đề này. Những lời mộc mạc và những hình vẽ ghi trong sổ tay của ông là những bằng chứng sống mà những người có trách nhiệm và quan tâm đến thác Bản Giốc có thể tham khảo, về một nơi vừa là nơi biên cương tổ quốc vừa là thắng cảnh, là di sản thiên nhiên tuyệt vời của tổ tiên ta để lại.
Dưới những bài viết này thường ghi thêm “CLB Phan Tây Hồ”, bởi đó là phôi thai cho ước mong chung của chúng tôi, hình thành một “góc dân sự” con con để cùng nhau chia sẻ những nỗi riêng chung, vừa như nghiên cứu vừa như tâm sự của những thân hữu Đà Lạt chúng tôi.
Xin trân trọng giới thiệu tác giả Diệp Đình Huyên-Hàn Vĩnh Diệp với bạn đọc.
Hà Sĩ Phu
Hình 1: Hà Sĩ Phu và Diệp Đình Huyên
Hình 2 : Ông Diệp Đình Huyên (tức Hàn Vĩnh Diệp)
|
Năm 1999 một người bạn ở Cao Bằng đến chơi và tặng một bức hình lớn (60 x 40cm). Ngắm bức hình chúng tôi thắc mắc, hỏi : “Đây là thác Bản Giốc ư ? Ông có nhầm không ?” Ngọn thác trong bức hình là ba dòng chảy từ trên cao xuống vụng nước hẹp (Hình 1). Người bạn bảo : “Không nhầm đâu, đây là phần thác của ta, còn phần thác ba tầng đổ xuống dòng sông Quây Sơn thuộc đất Tàu rồi!” Ra thế, phần thác đẹp nhất, hùng vĩ nhất, nên thơ nhất đã nằm trong đất của người ta rồi. Tại sao lại như vậy?
Hình 3: Thực trạng thác Bản Giốc (phần thuộc lãnh thổ ngày nay của nước ta)
Từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường tiểu học, cấp II, cấp III thế hệ chúng tôi vẫn ghi đậm trong ký ức lời dạy của các thầy cô giáo: “thác Bản Giốc ở Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng là một trong những danh thắng bậc nhất nước ta”. Thầy giáo còn cho chúng tôi xem tấm ảnh thác Bản Giốc (đoạn thác ba tầng) trong một cuốn sách tiếng Pháp. Sách giáo khoa Địa lý tự nhiên lớp 7 (hệ 10 năm) do giáo sư Nguyễn Dược biên soạn, Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1956 ở miền Bắc cũng in tấm hình đoạn thác Bản Giốc ba tầng này (hình 4). Sách giáo khoa Địa lý lớp 8 (hệ 12 năm) do giáo sư Nguyễn Trọng Lân biên soạn, Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1988 cũng in tấm hình thác Bản Giốc như sách giáo khoa lớp 7 năm 1956.
Hình 4: Hình Thác Bản Giốc trong sách giáo khoa Địa lý tự nhiên lớp 7 (hệ 10 năm) – 1956
và Địa lý tự nhiên lớp 8 (hệ 12 năm) – năm 1988.
Năm 1965 chúng tôi được tham gia đoàn khảo sát thực tế để biên soạn sách giáo khoa – Tập đọc cấp I của Khu giáo dục Khu tự trị Việt Bắc[1]. Hai khu giáo dục ngoài nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa vỡ lòng – cấp I tiếng Thái, Mèo, Tày – Nùng, còn phải soạn cả sách giáo khoa Tập đọc tiếng Việt. Một trong những điểm khảo sát đợt ấy là Kênh Copáo và thác Bản Giốc thuộc huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng. Kênh Copáo lấy nguồn nước từ một đầm trũng bên kia biên giới Trung Quốc (huyện Tỉnh Tây, Quảng Tây) cho các cánh đồng phía Bắc huyện Trùng Khánh. Người Trung Quốc đã đục hòn núi đá để đưa nước vào kênh. Nhờ nguồn nước này mà các cánh ruộng một vụ bên ta đã có thể làm 2,3 vụ. Bài tập đọc có đầu đề “Con kênh hữu nghị”. Đáng tiếc về sau khi “tình sơ nghĩa cạn”, vào mùa khô thì họ chặn nước lại, mùa mưa họ tháo nước đổ sang, ruộng của ta một vụ còn khi được khi mất, huống là 2, 3 vụ. Đến thác Bản Giốc, chúng tôi sang cả bên bờ Bắc sông Quây Sơn, vào sâu hơn một cây số vẫn là làng bản dân ta. Bài tập đọc có đầu đề: “Thác đẹp: Bản Giốc” (sách Tập đọc tiếng Việt, tiếng Tày – Nùng do Khu giáo dục Khu tự trị Việt Bắc biên soạn – Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành).
Gần đây, trong chuyên mục Dư địa Chí của đài truyền hình Việt Nam – Kênh VTV1 buổi phát sóng 23 giờ 30 ngày 27/4/2005 giới thiệu về tỉnh Cao Bằng, đề cập đến danh thắng nổi tiếng nhất của tỉnh Cao Bằng (đồng thời cũng là của cả nước ta), các tác giả chuyên mục đã trình bày hình ảnh thác Bản Giốc – đoạn thác ba tầng phía Bắc và mặt sông Quây Sơn trải rộng dưới chân thác.
Các tác phẩm về địa lý, cảnh quan… của nước ta cũng đều khẳng định: thác Bản Giốc là thuộc lãnh thổ Việt Nam. Xin được trích dẫn một số tác phẩm lớn.
1. Thiên nhiên Việt Nam của giáo sư Lê Bá Thảo. “Giáo sư Lê Bá Thảo là nhà địa lý đầu ngành, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển của khoa học địa lý nước ta” (Lời Nhà xuất bản Giáo dục – lần tái bản năm 2003). Tác phẩm “Thiên nhiên Việt Nam” được xuất bản năm 1974, tái bản các năm 1976, 1989, 1990, 1993. Về thác Bản Giốc, giáo sư viết: “Sông Quây Sơn ở phía Bắc Thượng Lang, sau khi chảy qua một vùng đá vôi rộng lớn đến Bản Giốc thì đổ vào khu vực đá phiến tạo thành ba bậc thác nước chênh nhau đến 34m. Vào mùa lũ (từ tháng 5 đến tháng 9) nước từ các hốc ngầm đá vôi ở thượng lưu tuôn đến đổ xuống các bậc tung bọt nước trắng xoá, làm đoạn sông ở phía dưới thác mở ra rất rộng. Đứng trên bãi cát ven sườn thung lũng, người ta có cảm tưởng như bị vây quanh bởi những tường nước đồ sộ nhưng chúng không hề cho chúng ta cảm giác sợ hãi. Trái lại, phong cảnh thật bình dị và ngoạn mục” (Hình 5)
Hình 5: Thác Bản Giốc – ảnh trong sách “Thiên nhiên Việt Nam”
của giáo sư Lê Bá Thảo (ấn hành năm 2003).
2. Hương sắc mọi miền đất nước của Lê Trọng Túc (Nhà xuất bản Giáo dục – 1997). Mục Thác Bản Giốc – trang 20, 21 tác giả viết: “Thác Bản Giốc nằm trên dòng sông Quây Sơn, một nhánh của sông Bằng Giang, bắt nguồn từ vùng Tỉnh Tây – Trung Quốc. Ở Bản Giốc phần trên thác, sông chảy êm đềm giữa một vùng đá vôi cứng, còn vùng dưới thác là vùng đá phiến dễ bị dòng chảy phá huỷ, do đó dòng sông đã tạo nơi tiếp xúc hai loại đá rắn, mềm khác nhau một thác ba bậc chênh nhau tới 34m. Vào mùa mưa, lũ ở thượng nguồn đổ về, nước ở các hang đá vôi tuôn ra, đổ xuống các bậc thác làm cho nước tung bọt trắng xoá. Đứng xa khoảng 100m, các hạt nước nhỏ bắn vào người tựa như mưa phùn. Thác đổ xuống ầm ầm như sóng rền, cách xa hàng ki lô mét vẫn nghe thấy.
Thác Bản Giốc là một điểm du lịch khá hấp dẫn vì phong cảnh quanh vùng thác có nhiều ngọn núi đá vôi cao thấp hình thù muôn hình muôn vẻ nằm rải rác khắp vùng, trông tựa như một Vịnh Hạ Long trên cạn…”
3. Kể chuyện đất nước – Nguyễn Khắc Viện (Nhà xuất bản Thanh niên). Nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện, sinh thời ông đã dành nhiều thời gian đi thăm mọi miền đất nước. Những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử… nổi tiếng của nước ta đều in dấu chân ông. “Kể chuyện đất nước” được ông hoàn thành, xuất bản lần thứ nhất năm 1993; tái bản có sửa chữa lần thứ hai năm 1999. Về thác Bản Giốc, tác giả viết: “Thác Bản Giốc (Cao Bằng) cũng là một thắng cảnh nổi tiếng của Việt Bắc, có người còn gọi là kỳ quan thiên nhiên. Thác nằm trên sông Quy Thuận (một tên khác của sông Quây Sơn). Con sông nhỏ chảy đến đây bỗng sụp xuống 34m tạo thành một thác cao và rộng. Thác phía Nam đổ xuống thành ba dòng, một dòng toả những hạt nước nom như một tấm the mỏng, hai dòng kia nước đổ ào ào, chân thác có hang. Thác phía Bắc đổ xuống ba bậc, trải ra rất rộng. Từ xa nhìn tới, màu nước bạc lẫn vào màu cây xanh, màu hồ lục thẩm, màu núi tím, tạo thành một bức tranh lồng lộng giữa trời. Thác Bản Giốc từng đi vào nghệ thuật tạo hình với những tác phẩm hội hoạ và nhiếp ảnh đặc sắc của nước ta.”
Như vậy, phần chính của thác Bản Giốc được các tác giả miêu tả là đoạn thác ba tầng phía Bắc. Nếu đó là thác thuộc Trung Quốc chắc chắn các tác giả sẽ không viết như trên mà chỉ mô tả phần thác phía Nam: ba dòng đổ từ trên cao xuống. Dạng thác (phần phía Nam) này không hiếm ở các vùng miền núi nước ta.
Năm 2003, theo đoàn tham quan của cơ quan cũ đi các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, chúng tôi đã trở lại thăm thác Bản Giốc (Cao Bằng). Trên thực địa, thác đẹp nổi tiếng nhất nước ta đã bị cắt đôi; phần chính của thác – đoạn tạo nên nét đặc sắc kì vĩ của Bản Giốc, đã nằm gọn trong lãnh thổ nước bạn. Phần của ta chỉ còn đoạn “Ba dòng thác” phía Nam như hình 1. Con sông Quây Sơn mặc nhiên trở thành đường biên giới tự nhiên giữa hai nước thuộc một phần địa phận hai huyện Trùng Khánh – Hạ Lang (Cao Bằng) và huyện Tỉnh Tây (Quảng Tây). Đồng bào địa phương cho biết: Thời kỳ tranh chấp biên giới căng thẳng, trước sự chứng kiến của quan chức đôi bên và nhân dân địa phương ở phía Nam – Bắc, họ chỉ cho ta thấy cột mốc đang nằm ở phía trên dòng thác chỗ nước sâu nhất giữa đoạn phía Bắc và phía Nam. Các cụ già ở các bản hai bờ Nam, Bắc thác Bản Giốc bảo: thời Pháp, đồn Tây đóng trên đỉnh ngọn núi phía bờ Bắc của thác Bản Giốc. Những lần đi phu cho Tây, họ vẫn thấy ngay cạnh đồn có một cột mốc biên giới như cái cột đang nằm giữa sông này.
Ngày nay đứng trên đường cạnh trạm biên phòng Bản Giốc của ta vẫn có thể nhìn thấy rất rõ nền của đồn Tây trước đây vì ngọn núi được san bằng để xây dựng đồn (Hình 6). Ký ức của các cụ chắc không nhầm lẫn, bởi nếu cột mốc biên giới ở trên đỉnh núi cạnh đồn Tây ấy thì các làng bản từ bờ sông Quây Sơn chiếu thẳng về phía Bắc khoảng 2km những năm 70 trở về trước mới thuộc lãnh thổ nước ta (?)
Hình 6: Toàn cảnh thác Bản Giốc. Dấu (x) trên đỉnh núi là nền đồn binh Pháp, nơi có cột mốc biên giới theo trí nhớ của dân địa phương từng đi phu tải đồ tiếp tế cho binh lính biên phòng Pháp.
Theo một chị giáo viên cấp I ở Bản Giốc, chúng tôi qua sông đến thăm lại bản người Nùng mà chúng tôi đã đến năm 1965. Nhiều người vẫn còn nhớ chúng tôi, bởi lần ấy đoàn chúng tôi lưu lại với bà con hai đêm một ngày và là đoàn cán bộ của khu, tỉnh đến thăm bà con, tặng các cháu nhiều sách vở giấy bút. Chúng tôi thắc mắc: sao năm trước chúng tôi đến đây bản ta vẫn còn là đất Việt Nam; giờ lại thuộc đất Trung Quốc? Các cụ già đáp : “Người Trung Quốc bảo là đất của Trung Quốc thì là đất của Trung Quốc thôi vớ! Ông bà ta vẫn là người Việt Nam đấy!” Bên bờ Bắc thác Bản Giốc người ta xây dựng khá nhiều khách sạn, nhà nghỉ lớn, bé; các thuỷ đình, nhà hàng nổi trên sông dưới ngọn thác ba tầng. Với cơ sở dịch vụ như vậy, chứng tỏ lượng khách tham quan nghỉ dưỡng thường niên của họ phải rất đông (Hình 7). Đường biên giới hai nước ở khu vực này nằm giữa sông Quây Sơn. Phía bờ Bắc, từ dưới thác Bản Giốc đổ về hạ lưu xuôi theo dòng sông, họ xây kè đá, trồng cây cối để bảo vệ bờ khỏi xói lở. Đi từ Bản Giốc đến thị trấn Bằng Ca (huyện Hạ Lang) khoảng hơn hai mươi cây số, quan sát bên bờ Bắc chúng tôi thấy có chuyện hơi lạ: từng đoạn khoảng năm, bảy cây số họ lại xây một cái đê lửng chiếm khoảng gần một nửa giòng chảy phía họ, có lẽ các đê lửng này để ngăn ngọn nước không xói được vào bờ chăng? Nhưng, không đâm vào bờ Bắc thì ngọn nước lại chĩa thẳng vào bờ Nam. Năm tháng trôi qua, bờ bên Bắc sẽ được bồi lắng thành soi bãi, dòng sông Quây Sơn sẽ chuyển dịch về phía Nam; đoạn biên giới thiên nhiên này chắc chắn cũng sẽ được uyển chuyển đổi thay theo dòng nước!
Hình 7 : Các cơ sở dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng (khách sạn, nhà nghỉ, thuỷ đình, nhà nổi, …)
bên bờ Bắc. Các bè tự tạo là dịch vụ ở bờ Nam do dân địa phương tự tạo …
Cũng trong chuyến đi khảo sát thực tế năm 1965 ấy, chúng tôi đến thăm hang Pắc Pó và được nghe đ/c Dương Đại Lâm – một trong những chiến sỹ cận vệ của Bác Hồ những năm trước cách mạng tháng 8 và sau này là phó chính ủy quân khu Việt Bắc, kể: năm 1941 Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Đến cột mốc 108 trên đỉnh đèo, Bác Hồ đặt tay lên cột mốc, đứng lặng hồi lâu, rơm rớm nước mắt, đoạn Bác nói với đ/c Lê Quảng Ba, Dương Đại Lâm và các đ/c cùng đi: “Đây là đất đai của tổ tiên để lại, chúng ta phải đem hết sức mình để gìn giữ…”. Trộm nghĩ cột mốc 108 có cùng cảnh ngộ với chiếc cột mốc ở đỉnh núi Bản Giốc? Lịch sử đương đại của dân tộc ta liệu có lặp lại một sự kiện của thế kỷ thứ 16 dưới triều đại Mạc Đăng Dung ?
Hàn Vĩnh Diệp – Câu lạc bộ Phan Tây Hồ (*)
Bài do ông Mai Thái Lĩnh trực tiếp gửi đến BVN
(*): Ghi chú của mạng Ý Kiến: ông Hàn Vĩnh Diệp là một đảng viên cộng sản kỳ cựu.
Nguồn: Mạng Ý Kiến, 2005 (Trang mạng này bị tin tặc phá hoại nên mất hết dữ liệu, hiện nay không còn tồn tại)
[1] Khoảng năm 1956 đến 1970, nhà nước ta thành lập hai khu vực tự trị: Thái – Mèo (sau đổi thành Tây Bắc) và Việt Bắc.