Chết dưới tay Trung Quốc (Kỳ 2)

ĐỐI ĐẦU VỚI CON RỒNG TRUNG QUỐC – LỜI KÊU GỌI HÀNH ĐỘNG TOÀN CẦU

Peter Navarro & Greg Autry

Dịch giả: Nhóm dịch thuật cựu học sinh AIT 

Kỳ 2 – Lời mở đầu của Baiqiao Tang

[Baiqiao Tang, người biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn và là đồng tác giả của cuốn “Hai nước China của tôi: Hồi ký của một tên phản cách mạng Trung Quốc”].

Vào cuối những năm 1980, Trung Quốc ở trong tình trạng đầy phấn khích và đầy khả năng khi mà các luồng tư tưởng mới, quyền tự do cá nhân, và các cơ hội kinh tế chảy mạnh vào từ phương Tây như một dòng sông cuốn đi những rác rưởi của cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao khởi xướng.

Trong những năm đầy hy vọng này, tôi là thành viên của một nhóm các lãnh đạo sinh viên trẻ đứng ra kêu gọi cải cách chính trị để hợp với tư duy mới và đưa Trung Quốc vào thế giới hiện đại với tư cách đường hoàng. Chúng tôi đã tổ chức các cuộc biểu tình và đọc diễn văn tại các trường học và các quảng trường trên khắp đất nước, và chúng tôi nhiệt thành tin rằng giới lãnh đạo cao cấp nhất của đảng Cộng sản trung Quốc sẽ lắng nghe. Nhưng thay vào đó, phong trào của chúng tôi đã bị nghiền nát bằng hàng đoàn xe tăng và những sự kiện bi thảm ngày 4 tháng Sáu năm 1989 tại quảng trường Thiên An Môn, mà đa phần trong các bạn đã có dịp xem trên tivi với niềm kinh hãi.

Cái ngày đó đã làm mất đi rất nhiều thứ – và đó không chỉ là mạng sống của rất nhiều người Trung Quốc dũng cảm mà chúng ta vẫn hằng khóc thương. Nó còn làm mất đi cơ hội chỉ xảy ra một lần cho mỗi thế hệ để được sống tự do trong một đất nước Trung Quốc dân chủ với tương lai tốt đẹp nhất.

Không lâu sau cuộc tàn sát quảng trường Thiên An Môn, tôi bị bắt và tống vào ngục, và cùng với hàng ngàn người biểu tình khác, đã phải chịu nhiều năm tháng tra tấn và ngược đãi. Trong thời kỳ đen tối này, phải chịu đựng trong nhiều nơi cực kỳ đen tối khác nhau, nhiều bạn bè tôi đã chết; và cho đến hôm nay, một số nạn nhân Thiên An Môn còn sống sót vẫn đang còn bị lưu đày trong tù ngục hay trong các trại cải tạo lao động.

Buồn thay, cả một thế hệ mới của thanh niên Trung Quốc chẳng biết gì về điều đã xảy ra tại Thiên An Môn. Trong khi chúng ta sống ở phương Tây có thể tự do truy cập vào các đoạn video và hình ảnh trên mạng Internet liên quan đến vụ thảm sát, thì toàn bộ nội dung đó đã bị “tẩy rửa” một cách đẹp đẽ khỏi mạng Internet ở Trung Quốc bằng một đội quân kiểm duyệt hùng hậu.

Cho đến nay tôi đã dùng nửa đời người chiến đấu chống lại sự kiểm duyệt đó và đấu tranh cho tự do và dân chủ ở Trung Quốc. Hơn lúc nào hết, tôi chân thành tin rằng bất cứ ai có lý trí ở bên ngoài Trung Quốc phải hiểu rõ được điều này:

Hơn hai thập kỷ sau sự kiện Thiên An Môn, con hổ toàn trị vẫn không hề thay đổi các sọc vằn của nó. Thực tế, không giống các quốc gia ổn định hơn khác, sự chi tiêu của Trung Quốc cho cảnh sát và kiểm soát xã hội hiện đang ngày càng tăng nhanh hơn cả ngân sách quốc phòng vốn đã tăng vùn vụt của Trung Quốc!

Tôi không hề định mỉa mai hay vì tức giận mà nhấn mạnh rằng chính nhiều quan chức đảng Cộng sản ngày xưa đã giám sát việc đánh đập, bỏ tù, và giết chết các bạn sinh viên của tôi trong sự kiện Thiên An Môn nay lại đạo diễn sự bức hại không thương xót đối với các tín đồ tôn giáo như Pháp Luân Công và sự đàn áp tàn nhẫn các dân tộc thiểu số hòa bình như người Tây Tạng hay người Uyghur ở Tây Tạng. Cũng chính đảng Cộng sản China đã hành động quá nhanh trong việc đàn áp mọi phong trào đối kháng chính trị như bản tuyên ngôn Hiến chương 08 và Phong trào Cách mạng Hoa nhài đang lên; và chỉ có một thay đổi đó là bè lũ cầm quyền của thế kỷ mới này lại chưa bao giờ xảo quyệt hơn thế, bất minh hơn thế, và tinh vi về mặt công nghệ hơn thế.

Ngày nay, khi tôi đang sống một cách tiện nghi, an toàn, và tự do ở thành phố New York, tôi có thể hiểu được tại sao lại khó đến thế cho những người phương Tây để có thể nhìn nhận rõ ràng về đảng Cộng Sản Trung Quốc như là kẻ thù nguy hiểm – cả cho nhân dân Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Xét cho cùng, các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh trông có vẻ rất dễ mến trên tivi, và ngày nay theo một chiến lược định sẵn họ cố gắng kiềm chế dùng những lời đao to búa lớn mang tính đe dọa chống phương Tây như thời của Mao.

Nhưng sự thật là sự thật, và chân lý vẫn là chân lý. Và khi lần lượt các trang của cuốn sách đầy tính chiến đấu này được mở ra, bạn sẽ đối mặt với sự thật này đến sự thật rành rành khác rằng các nhà cai trị ở Bắc Kinh tiếp tục đàn áp hung bạo những tiếng nói của chính người dân Trung Quốc ngay cả khi họ – một cách có hệ thống – làm tràn ngập thế giới bằng các hàng hóa nguy hiểm, sử dụng một kho đầy uy lực các vũ khí của chủ nghĩa con buôn và chủ nghĩa bảo hộ để hủy hoại nền kinh tế của Mỹ và phương Tây, và nhanh chóng tự vũ trang bằng những hệ thống vũ khí chiến tranh tốt nhất mà mạng lưới gián điệp tinh vi của họ có thể ăn cắp được từ Lầu Năm Góc.

Tôi cũng có thể hiểu tại sao những sự thật nghiêm túc và những chân lý thô ráp này lại có thể mâu thuẫn đối với kinh nghiệm cá nhân của bạn. Như một khách du lịch đến China, bạn có thể đã có một chuyến đi vui thích xuôi dòng Dương Tử, bị quyến rũ bởi đạo quân đất nung của Tần Thủy Hoàng, bách bộ hồ hởi dọc Vạn Lý Trường Thành, hay bị hoàn toàn mê hoặc bởi Tử Cấm Thành. Hoặc thậm chí bạn có thể là một giám đốc kinh doanh người Mỹ ở Thượng Hải hay Thâm Quyến kiếm được bộn tiền và được thết đãi các bữa tiệc thịnh soạn mà chẳng có lý do để ngắm cái gì trừ bầu trời trong xanh và một con đường gạch vàng trước mặt. Không may là, hầu hết người Mỹ chưa bao giờ nhìn thấy một mặt khác của China và người dân Trung Quốc đã phải trả giá như thế nào cho tất cả sự “tiến bộ” này với một hệ thống sinh thái bị hủy hoại tàn khốc, sự tham nhũng, bất công xã hội, mất quyền con người, thực phẩm độc, và đau đớn tồi tệ nhất là sự tha hóa của tâm hồn con người.

Mặc dù tôi nhớ Trung Quốc, nhưng nước Mỹ đã trở thành mái nhà thân yêu thứ hai của tôi; và sự giúp đỡ của người vợ đẹp thương của tôi cho tôi thấy hằng ngày rằng tại sao nước Mỹ lại là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Tôi cũng thấy sức mạnh này ở rất nhiều điều nhỏ bé ở Mỹ, như dòng chữ viết trên giấy dán trên ba đờ sốc của ôtô: “Tự do Không hề được Cho không”.

Cá nhân tôi biết rất rõ tuyên ngôn trên là thật đến thế nào. Tôi cũng biết rằng cái giá của tự do không phải lúc nào cũng là quyết đấu một trận chiến quân sự. Mà nó còn bao gồm những sự hy sinh về cá nhân, về chính trị và kinh tế để tranh đấu một cách hòa bình cho các quyền con người và dám đứng dậy vì những nguyên tắc tự do và dân chủ.

Sẽ không bao giờ là một sự lựa chọn sai lầm khi đòi hỏi rằng chúng ta phải sống xứng đáng với những nguyên tắc ấy mà hai tác giả Peter Navarro và Greg Autry đã làm trong cuốn sách gây xúc động sâu xa này; và điều đó giải thích tại sao đã đến lúc các công dân của thế giới phải chân thành đứng bên cạnh nhân dân Trung Quốc – chứ không phải là bên cạnh chế độ hà khắc và lỗi thời dã man đang cai trị họ. Nếu có một sự thật vĩnh viễn còn lại trên đời sau sự kiện Thiên An Môn, thì đó là chỉ có một nước Trung Quốc tự do và dân chủ mới có thể làm lợi cho thế giới.

Viết tại New York

Ngày 23/03/2011

B.T.

Nhóm dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Chết dưới tay Trung Quốc (Kỳ 2)

 

 

This entry was posted in Hoa Kỳ, Trung Quốc. Bookmark the permalink.