Thông tin có đến 292/348 đại biểu Quốc hội đề nghị lùi thời hạn thông qua luật đất đai sửa đổi vào kỳ họp tháng 10 tới, khiến cho một bộ phận cử tri cả nước thấy phấn khởi vì phần nào hiểu được rằng tuy có tới 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên cộng sản nhưng trước những vấn đề bức xúc của nhân dân không phải cứ nhắm mắt làm ngơ bỏ phiếu thông qua là được.
Đứng về góc độ tổ chức và quản lý, việc không thông qua được luật đất đai sửa đổi tại kỳ họp này nhưng cho thấy ý Đảng và lòng dân đã có sự vênh nhau trong việc ban hành, xây dựng chính sách về hiến pháp cũng như pháp luật.
Khi không thống nhất được thì người ta đành chọn giải pháp hoãn binh kiểu như vậy và cuối cùng thì người ta lại đem “nhân dân” ra để bao biện cho việc không thống nhất này, qua đó người ta cũng phỉnh phờ nhân dân rằng “sẽ tiếp tục lấy ý kiến của nhân dân để xem xét thông qua vào kỳ họp sau”.
Không phải bây giờ mới có ý kiến đề nghị sửa đổi Luật đất đai. Nếu tôi nhớ không lầm thì luật đất đai được thông qua năm 2003 và tác giả chính xây dựng nên dự thảo đó đã được phong danh hiệu anh hùng lao động, được giải thưởng nhà nước. Luật đất đai 2003 có hiệu lực từ năm 2004 nhưng vào năm 2006 đã có ý kiến phải sửa đổi. Lần trở ngược về trước ngay từ khi xây dựng luật đất đai 1987 đầu tiên cho đến các lần sửa đổi sau này hầu như lần nào cũng có ý kiến đề nghị nên thừa nhận đa sở hữu đất đai (sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân). Có những ý kiến cảnh báo rất gay gắt nếu không sửa theo hướng này sẽ ra tăng tham nhũng, gia tăng khiếu kiện và thực tế đã xảy ra như vậy ở hầu khắp các địa phương trên toàn quốc trong thời gian thực thi luật đất đai 2003 vừa qua.
Tuy truyền thông nhà nước không có thông tin về nguyên nhân chính không đạt được đồng thuận tại diễn đàn Quốc hội là nguyên nhân gì, nhưng hầu hết người dân cả nước đều cho rằng nguyên nhân chính là các nhà làm luật dù đứng ở góc độ thừa nhận hay không thừa nhận đa sở hữu đất đai trong sửa đổi lần này vẫn thấy là không ổn vì nếu thừa nhận và mạnh dạn phát biểu theo mệnh lệnh trái tim mình về việc thừa nhận đa sở hữu đất đai sẽ trái ý với Đảng lãnh đạo và nếu trái ý thì cái “chức” đại biểu Quốc hội có thể bị đe dọa. Nhưng nếu “uốn lưỡi” để phát biểu không đụng chạm đến sở hữu toàn dân như là hình thức sở hữu duy nhất trong sở hữu đất đai thì luật đất đai mới sửa đổi lại vẫn mắc vào cái lỗi lầm lớn của luật đất đai 2003 và như thế chỉ làm trò hề cho nhân dân mà thôi.
Về phía các nhà làm luật, các chuyên gia pháp lý và trong rất nhiều hội thảo khoa học đã có rất nhiều ý kiến đóng góp chân thành và thẳng thắn là nên thừa nhận nhiều thành phần sở hữu đất đai vào trong hiến pháp và luật, nhưng tiếc thay không hiểu vì lý do chính trị quan trọng đến mức nào (không được giải thích thấu đáo) mà tại lần họp cuối cùng để thông qua theo chương trình nghị sự của Quốc hội lần này người ta vẫn không đưa nội dung “đa sở hữu”vào dự thảo luật đất đai.
Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là nếu Đảng vì mục đích chính trị (nào đó) mà vẫn không thừa nhận đa sở hữu đất đai trong Hiến pháp và Luật đất đai lần này mà không có ý kiến đột phá để giải quyết căn bản những mâu thuẫn về đất đai hiện nay thì liệu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội có vẫn tiếp tục lùi thời hạn thông qua để tìm giải pháp không hay là vẫn nhắm mắt thông qua để phù hợp theo quan điểm của Đảng theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”?
Thực tế cái tư duy làm luật theo kiểu “gọt chân cho vừa giày” của Quốc hội Việt Nam trong quá trình hoạt động của mình chỉ làm lợi cho Đảng cầm quyền và làm tài sản nhà nước bị thất thoát sang túi người khác mà cả hệ thống luật pháp dày như rừng đã được Quốc hội làm ra nhưng vẫn không xử lý được được vụ nào đến nơi đến chốn. Cũng như tài sản của người dân rất cụ thể về “quyền sử dụng đất” lại không được Đảng thừa nhận cho phép nhà nước mua bán, trao đổi hay tối thiểu là phải trưng mua của dân mà lại tự cho mình cái quyền được “thu hồi” tài sản của người khác?!
Do đó để triệt tiêu được những mâu thuẫn về đất đai trong xã hội hiện nay nhất thiết và không còn con đường nào khác là Đảng, Nhà nước nên tôn trọng ý kiến của mọi công dân là thừa nhận đa hình thức sở hữu đất đai trong Hiến pháp và pháp luật. Cần phải tổ chức xây dựng Hiến pháp và pháp luật theo tiêu chí “thửa giày cho chân” để đảm bảo hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội trong từng dự án luật, phục vụ tối đa lợi ích của nhân dân và tổ quốc. Đừng vì lợi ích của một nhóm nhỏ nào đó mà tiêu tốn tiền của của nhân dân lại chẳng xây dựng nên được một dự án luật cho ra hồn.
Đ. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.