Khi Quốc hội là của Đảng

 

Kỳ họp Quốc hội hôm 20/05/2013 tại Hà Nội.  AFP

Quốc hội Việt Nam một lần nữa quyết định giữ chế độ công hữu về đất đai. Câu hỏi đặt ra tại sao những hệ lụy đau buồn của chế độ diễn ra bấy lâu nay, mà những đại biểu quốc hội, người đại diện cho dân lại cương quyết duy trì nó?

Đất đai là của chung?

Luật đất đai ở Việt nam vốn chỉ công nhận một hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân. Trước kia, trong nền kinh tế bao cấp, mọi hoạt động kinh tế đều do nhà nước thực hiện, hình thức sở hữu đất đai đó không bộc lộ vấn đề gì lớn trong một xã hội đơn điệu và một nền kinh tế buồn tẻ. Từ khi chấp nhận nền kinh tế thị trường, trong thực tế đất đai đã trở thành hàng hóa, tức là được mua bán, và khi mua bán thì phải xác định sở hữu chủ.

Thế nhưng từ bấy đến nay, đã hơn một phần tư thế kỷ, đất đai vẫn được mua bán trao đổi trên thị trường nhưng không được chứng thực. Từ đó, với mong muốn giải quyết cái gọi là bất cập ấy, những người cầm quyền ở Việt Nam đã đề ra khái niệm Quyền sử dụng đất, vừa để chứng thực cho thị trường, vừa để duy trì một điểm then chốt của ý thức hệ cộng sản, đó là: đất đai là của chung.

Như vậy, các công dân Việt Nam không phải là chủ của mảnh đất mà mình xây ngôi nhà trên đó, hoặc trồng trọt hoa màu trên đó, mà chỉ là chủ của ngôi nhà và hoa màu.

“Bao nhiêu khổ đau của nhân dân do bị mất đất đều do cái điều sở hữu công cộng về đất đai. Phải công nhận sự đa dạng về sở hữu, khi đó thì sự việc sẽ trở thành thị trường thuận mua vừa bán.

-Ô. Lê Hiếu Đằng”

Vấn đề đầu tiên nảy sinh là nhà nước, người đại diện cho toàn dân, làm chủ tất cả các mảnh đất và có toàn quyền trên mảnh đất ấy, nên khi nhà nước thu hồi mảnh đất thì không biết người công dân Việt nam sẽ mang ngôi nhà đi đâu. Từ đó sinh ra một thuật ngữ ghê gớm là “giải tỏa”, tức là dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa ruộng vườn trên mảnh đất, giao nó lại cho nhà nước quản lý.

Vấn đề thứ hai là dù đất không được công nhận là hàng hóa nhưng nó vẫn có giá, và giá ấy khi lên khi xuống.

Vấn đề thứ ba sinh ra từ vấn đề thứ hai là dù không phải là hàng hóa, nhưng khi đụng tới đất đai thì nó lại có lời, và lời vô cùng nhiều.

Cuối cùng, do món lợi vô cùng đó nên những người đại diện cho nhà nước tha hồ trục lợi, nhất là trong cơ chế gọi là dân chủ tập trung, mọi hệ thống lập pháp, hành pháp, tư pháp đều gom về một mối do Đảng Cộng sản Việt nam đứng đầu. Cách kiếm lợi thường thấy nhất là “giải tỏa”, trả cho người dân một số tiền, rồi bán lại mảnh đất ấy, thường là cho các người giàu có, các công ty, với giá cao hơn gấp nhiều lần.

Nhà nước thì vô hình và ở xa, nhưng cán bộ xã thì hữu hình và ở gần. Quyền sử dụng đất hay nguyên tắc công hữu đất đai nằm trên giấy tờ, nhưng tiền lời của đất lại nằm trên tờ giấy bạc.

Cần công nhận đa sở hữu

Một bức tranh cổ động kêu gọi người dân Phát huy quyền làm chủ, ảnh chụp hôm 19 tháng 05 năm 2011 tại Hà Nội. AFP PHOTO.

Thế là cùng lúc với sự phát triển các khu nhà ở mới đẹp đẽ hoành tráng, các khu công nghiệp sôi động ở các thành phố lớn là hàng đoàn nông dân mất đất lê la ở tất cả các cửa quan, cửa đảng nào mà người ta có hy vọng lấy lại đất đã mất. Thuật ngữ “dân oan” ra đời từ đấy, rất làm phiền lòng cơ quan tuyên giáo của Đảng Cộng sản. Nhưng sự việc không chỉ dừng lại ở sự nhếch nhác khổ đau trước các cơ quan công quyền và trụ sở quyền lực đảng mà đã bùng lên thành tiếng súng và mìn tự tạo ở Tiên Lãng, Hải Phòng, thành gậy gộc và khói lửa ở Văn Giang Hải Dương.

Luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc tại TP HCM, nói với chúng tôi rằng:

Bao nhiêu khổ đau của nhân dân do bị mất đất đều do cái điều sở hữu công cộng về đất đai. Phải công nhận sự đa dạng về sở hữu, khi đó thì sự việc sẽ trở thành thị trường thuận mua vừa bán thôi.”

Ông Lê Hiếu Đằng cho biết thêm là theo thăm dò của nhóm Cùng viết Hiến Pháp của Giáo sư Ngô Bảo Châu thì có đến 80% số người được hỏi ý kiến cho rằng phải công nhận những quyền sở hữu đất đai khác nhau. Ngoài ra nhóm 72 nhân sĩ trí thức trong đó có ông Đằng cũng ký vào một kiến nghị trong đó có yêu cầu sự đa dạng về quyền sở hữu đất đai.

Những ý kiến về cải tổ luật đất đai đã được giới tinh hoa bàn bạc từ lâu, và thực sự biến thành một phong trào mạnh mẽ trong năm vừa qua, khi chính đảng cộng sản kêu gọi mọi người góp ý sửa đổi Hiến Pháp, mà trong đó có điều quy định theo đúng tôn chỉ Công hữu tư liệu sản xuất của chủ nghĩa cộng sản, đó là đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

Nếu cứ lấn cấn các vấn đề chữ nghĩa hay chế độ này khác mà không đặt lợi ích của nhân dân, của tổ quốc lên trên thì sẽ không có đổi mới mang tính đột phá được.

-Ô. Lê Hiếu Đằng”

Ngày 17/6, trong phiên thảo luận về luật đất đai ở Quốc hội, đại đa số các thành viên đồng ý giữ nguyên tắc đất đai là sở hữu toàn dân mà theo họ thì qua cuộc vận động góp ý kiến cho Hiến pháp vừa qua, đại đa số dân chúng đều đồng ý như thế. Chỉ có một người là ông Nguyễn Bá Thuyền từ tỉnh Lâm Đồng lại cho rằng qua tiếp xúc với cử tri ông thấy là người dân mong muốn có sở hữu về mảnh đất mà họ xây nhà trên đó. Điều ngạc nhiên là phát biểu của ông Tuyền không được báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản đăng, khi báo này đưa tin về buổi thảo luận về luật đất đai ở Quốc hội.

Như vậy là sau hơn một phần tư thế kỷ chấp nhận sự vận hành của kinh tế tư bản chủ nghĩa, những người cộng sản cầm quyền ở Việt Nam vẫn muốn kiên định lập trường công hữu tư liệu sản xuất về đất đai, mặc cho bao nhiêu sự rối rắm liên quan đến đất đai mấy năm nay, từ sự lộn xộn của các giấy tờ nửa hồng nửa đỏ, đến những cuộc đụng độ nhau giữa nông dân và lực lượng đại diện công quyền đi “giải tỏa” đất. Dường như khi làm như vậy, những thành viên Quốc hội sẽ tự yên tâm rằng họ vẫn còn màu cộng sản với ý thức hệ cốt lõi rằng phải công hữu tư liệu sản xuất. Mà Quốc hội chính là sự mở rộng của Đảng Cộng sản, như ông Hồ Ngọc Nhuận, dân biểu đối lập trước năm 1975 và nay cũng là thành viên Mặt trận tổ quốc, phát biểu với Thanh Trúc trong một phỏng vấn gần đây:

Quốc hội này là Quốc hội của đảng chứ đâu phải của dân.”

Họ nhất quyết không sửa điều qui định của ý thức hệ ấy mà chỉ loay hoay xung quanh một rừng các thuật ngữ được đưa ra để tu từ, còn trong thực tế, chế độ công hữu đất đai vẫn là mảnh đất màu mỡ cho cái cây tham nhũng mọc um tùm rậm rạp, nhưng che không khuất hàng đoàn dân oan thất thểu từ bắc chí nam. Ông Lê Hiếu Đằng nói:

Phải đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết thì mới có quyết định đúng được. Nếu cứ lấn cấn các vấn đề chữ nghĩa hay chế độ này khác mà không đặt lợi ích của nhân dân, của tổ quốc lên trên thì sẽ không có đổi mới mang tính đột phá được.”

Trong tác phẩm “Giai cấp mới”, tác giả Milovan Djilas, từng là nhân vật số hai của đảng cộng sản Nam Tư có nhận định về hình thức ở hữu dưới chế độ cộng sản là: Việc củng cố hình thức sở hữu tập thể đã trở thành mục đích tự thân của những người cộng sản.

Sự tồn tại của các chữ nghĩa như ông Lê Hiếu Đằng đề cập có lẽ chính là sự tồn tại của chính những người cộng sản chăng?

K. H.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/national-assembly-belongs-the-party-kh-06202013105439.html

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.