Dân tộc ta vốn là một dân tộc bất khuất, không chịu cúi đầu trước bất cứ một trở lực ngoại bang nào. Lịch sử nghìn năm ghi danh các cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước của các thế hệ ông cha ta là minh chứng hùng hồn. Binh pháp dạy rằng “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, chúng ta đã thắng là vì tiền nhân của chúng ta nắm rất vững triết lý này. Tìm hiểu hiện trạng, nội tình, ý đồ và hành xử của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong quá khứ và hiện tại, tự soi lại mình là điều cần thiết để chúng ta không bị động đối với người láng giềng “miệng nam mô, bụng bồ dao găm”. Những phân tích của tác giả Phạm Đình Trọng nằm trong bối cảnh đó, cũng là điều để cho các nhà lãnh đạo Việt Nam và chúng ta suy nghĩ để có những kế sách đối trị. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Bauxite Việt Nam
Dạo ấy, khoảng năm 1984, Xưởng phim Quân đội nơi tôi làm việc có chiếu bộ phim truyền hình 11 tập Khải hoàn lúc nửa đêm của Trung Quốc. Phim truyện truyền hình nhưng mang tính chính luận chính trị về một sự kiện lịch sử vừa xảy ra trong quan hệ Việt – Trung, nên Đại sứ quán ta ở Bắc Kinh đã thu lại từ màn hình ti vi, chuyển về nước để ở nhà tham khảo.
Khải hoàn lúc nửa đêm kể về thân phận những trí thức, những thị dân ở một thành phố Trung Quốc bị đày đọa trần ai trong cách mạng văn hóa. Cách mạng văn hóa đã làm tan hoang đất nước, phân rã xã hội, li tán gia đình. Lại kể rằng biên giới phía Nam Trung Quốc bị Việt Nam quấy nhiễu, lấn chiếm đã thu hút nhiều người trong số họ vào quân đội, Nam tiến bảo vệ biên cương tổ quốc Trung Hoa. Cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979 đã tập hợp những con người khốn cùng ấy bị đánh thức lòng yêu nước, thức tỉnh ý thức dân tộc Đại Hán, được thổi vào một khí thế mới để xông vào trận chiến, chấp nhận những thương tổn to lớn để bảo vệ biên cương. Cuộc chiến kết thúc, giữa đêm tối mịt mù, họ sát cánh bên nhau, trùng trùng đội ngũ trở về xây dựng lại đất nước Trung Hoa.
Chính quyền Bắc Kinh đã đưa hơn nửa triệu quân tràn qua biên giới Việt Nam, bắn giết dân lành, đốt phá nhà cửa, vơ vét của cải của dân ta; rồi phơi xác ngổn ngang trên đất nước ta. Cuộc chiến ấy, ngoài miệng, bằng giọng kẻ cả Đặng Tiểu Bình huênh hoang là dạy cho Việt Nam một bài học, nhưng thực chất cuộc chiến đẫm máu đó hoàn toàn vì nội tình đất nước Trung Hoa, là một kế sách quen thuộc lấy đối ngoại giải quyết đối nội của họ.
Từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, tháng Mười năm 1949 đến cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam, tháng Hai năm 1979, gần ba mươi năm đất nước Trung Hoa liên tục có chiến tranh và đại loạn: chiến tranh thôn tính Tây Tạng năm 1950 – 1951; chiến tranh đối đầu với Mỹ ở Triều Tiên năm 1950 – 1953; cuộc chiến bắn pháo sang đảo Kim Môn, Mả Tổ của Đài Loan kéo dài suốt những năm 1954, 1955 và 1958; chiến tranh biên giới Trung Quốc – Ấn Độ, 1962; chiến tranh biên giới Trung Quốc – Liên Xô năm 1969. Cuộc đại loạn cải cách ruộng đất phân chia người dân Trung Quốc thành những giai cấp đối kháng. Đại loạn toàn dân làm gang thép gây chia rẽ cả giới lãnh đạo Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thời đó, Nguyên soái đầy công trạng Bành Đức Hoài phản đối chương trình điên rồ này đã bị Mao Trạch Đông cách chức và đày ải. Đại loạn Công xã Nhân dân đề cao những giá trị giả, đưa một nông dân ít học, Chủ nhiệm Công xã Đại Trại, Trần Tích Liên lên đến chức Phó Thủ tướng. Đến cuộc Đại cách mạng văn hóa thì cả đất nước Trung Hoa rộng lớn bị biến thành một đấu trường sôi sục và đẫm máu. Những cuộc đại loạn trong lòng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng thực sự là những cuộc chiến tranh tàn phá đất nước này. Cuộc đại loạn cách mạng văn hóa điên rồ còn hơn cả chiến tranh vũ khí vì nó đánh tan rã cả ý chí và niềm tin của gần một tỉ dân Trung Quốc thời đó, đánh cả vào những giá trị đạo đức, luật pháp, trật tự xã hội!
Trong khi những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật liên tiếp đã đưa những nước công nghiệp tới sự phát triển thần kì, thì chiến tranh và đại loạn triền miên ở Trung Quốc thời Mao Trạch Đông đã làm cho nước Trung Hoa khổng lồ dân số đông nhất thế giới thành một trong những nước có số người nghèo đói nhiều nhất thế giới. Hậu quả nặng nề nhất của những cuộc chiến tranh và đại loạn triền miên là sự hoảng loạn, rã rời trong lòng người dân và sự phân rã, chia rẽ trong xã hội. Muốn xây dựng lại đất nước Trung Hoa kiệt quệ và hoảng loạn đó cần có vốn liếng và công nghệ hiện đại, lại càng cần phải có cả khí thế và sự hào hứng trong lòng người dân. Những người lãnh đạo Trung Quốc sau Mao Trạch Đông toan tính giải quyết hai đòi hỏi này bằng cuộc cất quân sang đánh Việt Nam.
Với cuộc chiến tranh “dằn mặt” với Việt Nam năm 1979, Trung Quốc đã gửi tới phương Tây, nơi có sẵn đồng vốn và công nghệ hiện đại mà Trung Quốc đang thèm khát một thông điệp rằng tư tưởng xã hội của Trung Quốc đã thay đổi, Trung Quốc không còn nằm trong khối “Vô sản tất cả các nước liên hiệp lại” nữa. Cuộc chiến đó cũng là món quà cầu thân của Trung Quốc với phương Tây.
Vu cho Việt Nam gây sự quấy nhiễu, lấn chiếm biên cương Trung Quốc và vô ơn bội nghĩa đối với sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, cuộc chiến tranh phi nghĩa Trung Quốc xâm lược Việt Nam đã trở thành cuộc chiến tranh chính nghĩa vì toàn vẹn biên cương, lãnh thổ Trung Hoa và cũng vì đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của người dân Trung Hoa, vì cả uy thế, danh dự Đại Hán nữa! Cuộc chiến tranh được nhà nước Trung Quốc tuyên truyền là chính đáng và cần thiết đó đã đánh thức tinh thần Đại Hán trong lòng người Trung Quốc đang rã rời, hoảng loạn, đã tập hợp họ lại thành một khối đoàn kết Đại Hán hùng hậu, đưa họ vào cuộc chấn hưng đất nước Trung Hoa.
Một đất nước khổng lồ luôn rối ren, hỗn loạn, nội bộ luôn đối kháng, li tán thì kế sách lấy chiến tranh với bên ngoài, lấy sự đe dọa từ bên ngoài để tập hợp nhân dân, củng cố nội bộ là kế sách quen thuộc của nhà nước Trung Quốc. Ngày nay cũng thế, với Việt Nam họ vẫn luôn mồm nói tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp biển Đông sẽ giải quyết bằng đối thoại. Nhưng bằng hành động họ vẫn duy trì tình trạng căng thẳng, nóng bỏng ở biên giới, ở biển Đông. Phong tỏa biển của Việt Nam. Bắn giết dân Việt Nam đang làm ăn trên lãnh thổ Việt Nam. Chống phá Việt Nam khai thác tài nguyên trên biển Việt Nam rồi vu cho Việt Nam gây sự chiếm biển của họ. Đọc những trang mạng tiếng Hoa và cả báo viết, báo nói tiếng Hoa thấy rõ việc làm này của họ đã tập hợp được tinh thần Đại Hán sôi sục như thế nào!
Trong khi những người lãnh đạo Trung Quốc luôn khuấy động sự tranh chấp căng thẳng, nóng bỏng ở biên giới đất liền trước đây và ở biển Đông, ở Trường Sa, Hoàng Sa hiện nay để kích động tinh thần Đại Hán, khơi dậy ý thức dân tộc, tập hợp dân chúng, thì có lẽ sự “giao thiệp” nhu nhược, nhượng bộ, cầu hòa của chúng ta lâu nay đang làm chia rẽ, li tán dân tộc ta! Vì thế, phục hưng tinh thần tự lực tự cường, kêu gọi đề cao cảnh giác, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải, trở lại với truyền thống sẵn sàng giữ gìn biên cương của Tổ quốc vốn rực cháy trong lòng dân tộc từ hàng ngàn năm – hơn bao giờ hết là một yêu cầu vô cùng cấp bách.
P.Đ.T.
ĐN Mạng Bauxite Việt nam biên tập