Tự kiểm duyệt (hay 2 phiên bản của bài báo của Tống Văn Công)

Bản thân sự đối chiếu sát sóng từng câu chữ bị đục bỏ của phiên bản một bài báo đăng trên TuanVietNamNet so với phiên bản đăng trước một ngày đã là một lời bình luận sắc bén, nên bất kỳ một lời gì thêm vào đây sẽ chỉ làm rườm tai bạn đọc. Điều BVN muốn nói chỉ là một lời thanh minh giùm: sự đục bỏ ở đây chắc hẳn nằm ngoài ý muốn của tác giả, nếu không thì trong lần công bố thứ nhất người viết đã đục bỏ rồi, nên có lẽ gọi là “tự” – Tự kiểm duyệt –  mà không có thêm một động từ bổ trợ “được” – Được tự kiểm duyệt – thì dầu sao vẫn có phần bất nhẫn.

Bauxite Việt Nam

Thời đại internet thật là tuyệt vời. Nhờ internet mà hàng triệu người xa quê như tôi có thể đọc nhiều báo trong nước. Nhưng báo chí trong nước cũng như những nơi khác cũng có những bài “thượng vàng hạ cám”, cũng có những bài viết mang tính nói theo tiếng Anh “sex sells”. Cho nên, bây giờ có vài website chuyên chọn những bài “đọc được” cho độc giả. Cái khổ là những website này không khách quan, họ chỉ chọn những bài theo quan điểm chính trị của họ, theo cái gu thẩm mĩ và văn hóa của họ, cho nên người đọc vẫn phải bỏ thì giờ chọn bài để đọc theo cái gu và quan điểm của mình. Hoan hô cá nhân chủ nghĩa!

Nhưng website chọn lọc bài thường chỉ dẫn đường link đến bài báo, nhưng trong thời kì tế nhị như hiện nay, tôi thấy cách làm này có khi chưa đạt. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, dẫn đường link nhiều khi không chính xác, vì có khi tòa soạn, vì lí do nào đó, sửa đổi nội dung bài báo. Nhất là những bài viết mà nói theo ngôn ngữ thời nay là “nhạy cảm” thường bị/được thay đổi nội dung sau khi xuất bản trực tuyến. Điển hình cho tình trạng này là bài viết của tác giả Tống Văn Công (cựu tổng biên tập báo Lao Động) trên Tuần Việt Nam ngày hôm qua. Câu chuyện chung quanh bài này cũng theo tôi nói lên một phần vấn đề kiểm duyệt báo chí ở VN.

Bài viết đăng ngày hôm qua có tựa đề là “Học hay không học Trung Quốc” (do boxitvn.net đăng lại), nhưng đến chiều thì được đổi thành “Học và không học những gì từ Trung Quốc“.

Thay đổi tựa đề thực ra chỉ là thay đổi kiểu “window dressing”, quan trọng hơn là thay đổi nội dung bài báo. Tôi làm thử một so sánh nội dung hai phiên bản của bài viết thì thấy như sau. Bản gốc có 5488 chữ, còn bản mới có 5384 chữ, giảm 104 chữ. Vậy những chữ hay đoạn nào bị đục bỏ? Qua Microsoft Word, không đầy 5 phút, tôi đã dễ dàng nhận ra những đoạn đó:

1. Dưới tiêu đề “Đàn áp để ổn định và phát triển: Mô hình Trung Quốc”, bản gốc viết:

Đó là tựa đề bài viết của giáo sư Ngô Vĩnh Long. Bài viết nhắc lai nhiều cuộc đàn áp của Trung Quốc, đặc biệt là sự kiện Thiên An Môn đè bẹp cuộc biểu tình của sinh viên đòi dân chủ bằng xe tăng khiến cho cả thế giới kinh hoàng. Bài viết nhận định “Mô hình phát triển của Trung Quốc là dùng tăng trưởng kinh tế để đè bẹp tự do và dân chủ“.

Đoạn này bị cắt hoàn toàn.

2. Đoạn viết về những người bất đồng chính kiến. Bản cũ viết:

Từ năm 2002, Trung Quốc thẳng tay đàn áp người dùng công nghệ truyền thông mới, lập trang web để thảo luận về tự do, dân chủ, bắt giam nhiều nhà bất đồng chính kiến, không cho các giáo sư có quan điểm tiến bộ được giảng dạy.

Bản mới:
Từ năm 2002, Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ người dùng công nghệ truyền thông mới, lập trang web để thảo luận về tự do, dân chủ, không cho các giáo sư có quan điểm tiến bộ được giảng dạy …

Cắt bỏ những chữ như bắt giam, bất đồng chính kiến.

3. Đoạn trích dẫn Verna Yu trên Asia Times, bản cũ viết:

Bài báo “Bắc Kinh đối mặt với cuộc sát hạch mới về tính hợp pháp” của Verna Yu trên Asia Times viết: “Những điều mà Đảng hứa hẹn cách đây 60 năm vẫn chưa thành hiện thực“; “Chính phủ đã thi hành các sách lược nặng tay hơn nhằm vào những người mà Chính phủ cho rằng đó là sự đe dọa, chẳng hạn trừng trị thẳng tay các tổ chức phi chính phủ, khai trừ khỏi luật sư đoàn nhiều luật sư bảo vệ nhân quyền, cũng như bắt bớ các nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi nổi tiếng “. Bài viết nêu ý kiến của một nhà quan sát Trung Quốc kỳ cựu: “Nếu lãnh đạo Trung Quốc không thúc đẩy cải cách chính trị và thực thi dân chủ đích thực thì chẳng bao lâu nữa vốn liếng chính trị sẽ hết“.

Bản mới bỏ mấy chữ màu đỏ:

Bài báo “Bắc Kinh đối mặt với cuộc sát hạch mới về tính hợp pháp” của Verna Yu trên Asia Times viết: “Những điều mà Đảng hứa hẹn cách đây 60 năm vẫn chưa thành hiện thực”, “Chính phủ đã thi hành các sách lược nặng tay hơn nhằm vào những người mà Chính phủ cho rằng đó là sự đe dọa”. Bài viết nêu ý kiến của một nhà quan sát Trung Quốc kỳ cựu: “Nếu lãnh đạo Trung Quốc không thúc đẩy cải cách chính trị và thực thi dân chủ đích thực thì chẳng bao lâu nữa vốn liếng chính trị sẽ hết” .

Nhìn thấy gì qua những đoạn cắt bỏ đó? Toàn là những đoạn liên quan đến sự đàn áp của Trung Quốc đối với giới khoa bảng, trí thức, và bất đồng chính kiến, đến sự tàn bạo gần như mất nhân tính của nhà cầm quyền và quân đội Trung Quốc trong vụ Thiên An Môn.

Tôi thắc mắc là tại sao những đoạn viết về Trung Quốc do báo chí quốc tế đăng mà báo Việt Nam phải tự kiểm duyệt? Có phải người Trung Quốc đang nằm trong các tòa soạn báo chí của ta?

Thời đại internet tuyệt vời. Nhờ internet mà tôi hiểu thêm về cách làm báo và thông cảm cho những khó khăn của giới báo chí trong nước.

NVT

Nguồn: tuanvannguyen.blogspot.com

This entry was posted in báo chí, Trung Quốc and tagged . Bookmark the permalink.