Vài tuần nay, sau khi hoàn thành bản dịch tiểu thuyết Paco’s Story (Chuyện của Paco) của nhà văn cựu chiến binh Mỹ Larry Heinemann, tôi thấy đầu óc thanh thản nhưng xen lẫn hồi hộp. Như đã thỏa thuận trước với Larry trong lần đầu tiên gặp ông tại Hà Nội dạo tháng Ba năm nay, tôi gửi thư điện tử thông báo với ông rằng bản dịch đã xong, đã được nộp cho nhà xuất bản, còn đùa tếu thêm rằng tôi đã giúp anh chàng Paco của ông nhập quốc tịch Việt Nam xong xuôi và nhà văn Bảo Ninh đã bỏ công viết mấy dòng giới thiệu về anh chàng này. Larry hồi âm rằng bức thư của tôi đã khiến ông ấy cứ cười tủm tỉm sung sướng suốt ngày hôm ấy (“Your note brings a smile on my face and makes my day”).
Đùa vậy nhưng vẫn thấy lo. Trong giới dịch sách hiện nay tôi không được xếp vào hàng những dịch giả xuất sắc chứ chưa nói gì tới nổi tiếng. Mọi chuyện cứ xảy đến với tôi theo cách tự nhiên. Nhà Phụ Nữ từ năm 2006 đã dự định dịch cuốn tiểu thuyết này. Một vài dịch giả đã được mời nhưng họ đã từ chối. Tôi nhận dịch cuốn tiểu thuyết này từ năm 2009, nhưng chỉ sau khi gặp Larry Heinemann tại Hà Nội hồi tháng Ba năm nay tôi mới tăng tốc để sách kịp in trước khi ông ấy quay trở lại Hà Nội vào giữa tháng 12 này.
Tôi cũng không có nền tảng kiến thức sách vở vững chắc. Lớp trẻ thuộc thế hệ chúng tôi bị kẹt đủ thứ trong việc học hành. Ở thời chiến tranh, chúng tôi đã đủ trưởng thành nhưng chưa đủ tuổi để đi bộ đội vào Nam (một lần duy nhất xung phong đi bộ đội năm 1979 nhưng đã bị từ chối). Lúc học ở đại học Sư phạm (khoa Pháp) thì chẳng được học cái gì cho ra hồn. Còn nhớ ngày ấy cả lớp phải dùng chung một cuốn từ điển. Sách báo ngoại văn rất khó kiếm. Mãi sau ngày giải phóng miền Nam, trong lần đầu tiên vào Sài Gòn tôi mới mua được một thùng sách Pháp văn (mua ở hiệu sách cũ hoặc gánh hàng đồng nát vỉa hè). Lớp giáo sư dạy chúng tôi thời đó chủ yếu được tận dụng từ những viên chức làm việc cho Pháp hoặc dạy học trước năm 1945 hoặc 1954. Trừ một số rất ít ỏi, trình độ tiếng Pháp của hầu hết chỉ mới ở mức “sạch nước cản” và rất hiếm thầy có khả năng sư phạm.
Tôi chỉ đơn giản đã nhận dịch cuốn tiểu thuyết này. Ý định ban đầu của tôi chỉ có vậy. Cuộc sống có thể có một vài mục đích chính, nhưng có rất nhiều mục tiêu. Mục tiêu giống như một ý định ban đầu. Nhưng trong khi tìm cách để thực hiện ý định ban đầu của mình thì một người đôi khi lại thay đổi luôn cả cái ý định ban đầu. Trên đời này buồn nhất là những ai chỉ biết giữ khăng khăng mãi một ý định ban đầu, không chịu thay đổi bất chấp một điều rằng những phương tiện, những điều kiện để thực hiện cái ý định ban đầu đó đã thay đổi mất rồi!
Tôi mất nhiều ngày để đọc bản tiếng Anh. Với cá nhân tôi thì đây là một cuốn sách khó dịch. Tất nhiên không thể khó như Mort à Crédit mà ông Dương Tường đang dịch. Nhà thơ kiêm dịch giả Nguyễn Bá Chung đã nói với tôi đại ý rằng nếu tôi không hiểu được rất nhiều những từ ngữ hoặc câu cú tiếng Anh trong cuốn sách này thì cũng không phải là điều gì đáng ngạc nhiên bởi vì nhiều cái phải sống lâu năm ở Mỹ mới hiểu hết.
Tôi bắt tay vào dịch cuốn sách giống như thực hiện một hợp đồng dịch thuật thông thường. Tôi mất nhiều thời gian để dịch 19 trang của Chương 1. Larry kể rằng ông tốn nhiều công sức nhất để viết Chương 1. Thậm chí ông từng có ý định tách Chương 1 ra để viết thành riêng một truyện ngắn. Chuyện của Paco tràn ngập tiếng lóng và cách ăn nói của lính tráng, rồi những địa danh do Larry bịa, những từ ngữ không có nghĩa gì hết, chỉ cốt tạo hiệu ứng âm thanh (sound-word). Ngoài ra trong cuốn sách còn có những ám chỉ, những ẩn dụ liên quan đến người da đỏ và Kinh thánh.
Cuốn tiểu thuyết không có nhân vật chính. Hay nói cách khác, câu chuyện về nhân vật được coi là chính – một anh chàng có tên đầy đủ là Paco Sullivan – người duy nhất còn sống sót trong số 93 người lính của Đại đội Alpha trong một trận đánh khủng khiếp tại cứ điểm có tên là Harriette – chỉ được một người nào đó hoặc một nhóm người nào đó kể lại cho một người nào đó có tên là James.
Cuốn tiểu thuyết không kể về các chiến dịch, chiến thuật tác chiến, cục diện chiến trường hoặc cục diện chiến tranh này nọ. Giống như hầu hết các tiểu thuyết chiến tranh của nhà văn Đức Remarque hoặc Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Việt Nam Bảo Ninh, Chuyện của Paco kể lại cuộc sống của một anh lính bộ binh bình thường ngoài mặt trận. “Một cuộc sống của bùn đất bẩn thỉu, sợ hãi, ma túy, rượu, sự tàn bạo, chửi thề tục tĩu, và cái ác.” (The Washington Post Book World viết về Chuyện của Paco).
Cuộc sống ấy chẳng có chi đẹp đẽ cả. Tất cả đều vớ vẩn (bullshit). Cuộc sống hàng ngày chỉ rặt những điều vớ vẩn. Mệt mỏi, sợ hãi, làm những chuyện vớ vẩn để quên đi sự sợ hãi và buồn chán. Hằng đêm ngồi gác trong hầm boong-ke tay mân mê dương vật để khỏi quên cái của nợ ấy, thỉnh thoảng nã súng vào bìa rừng trước mặt chỉ đơn giản vì buồn chán.
Cuộc sống của một gã lính trơn (grunt) từ đầu đến cuối đều vớ vẩn. Trở về nhà anh ta cũng chỉ gặp toàn những điều vớ vẩn. Chỉ toàn làm những công việc vớ vẩn để kiếm sống. Gặp gỡ toàn những con người vớ vẩn. Họ cũng làm những điều vớ vẩn với anh ta. Cô y tá xinh đẹp trong bệnh viện dã chiến đã có những hành động vớ vẩn với Paco (gợi nhớ cô nàng Catherine trong Giã từ vũ khí của Hemingway). Cô hàng xóm xinh đẹp, có người yêu nhưng trong lúc làm tình bao giờ cô ta cũng nghĩ tới anh chàng Paco. Cô ta bí mật theo dõi, ghi nhật ký về Paco. Vớ vẩn. Rồi anh chàng Paco lẻn vào phòng của cô ta, phát hiện thấy cuốn nhật ký. Vớ vẩn. Rồi anh ta bỏ đi. Càng đi xa về phía tây bao nhiêu, càng bớt vớ vẩn bấy nhiêu (“There’s less bullshit the farther west you go”.) Chuyện của Paco kết thúc ở đó.
Larry Heinemann nhìn chiến tranh từ khía cạnh của sự vớ vẩn. Công việc hàng ngày của một người lính trơn là bắn giết và đồng thời tìm cách để không bị bắn giết. Sự vớ vẩn nằm ở chỗ người ta gọi đây là “công việc”. Làm như thể cần phải có kỹ năng để hoàn thành công việc này. Làm như thể có sự thỏa mãn, có sự hài lòng sau khi hoàn thành công việc này! Sự vớ vẩn còn nằm ở chỗ những người ở hậu phương (homefront) chẳng bao giờ hiểu được điều gì thực sự xảy ra ở ngoài mặt trận. Có gã lính bị mảnh đạn pháo cưa cụt cánh tay. Người ta kéo hắn vào hầm và trong lúc bị kéo lê hắn cứ nhìn trân trân vào chỗ cánh tay bị cưa đứt. Đồng đội thấy vẻ mặt của hắn lúc đó rất ngớ ngẩn, rất buồn cười. Đôi khi họ nhìn những chuyện khủng khiếp ngoài mặt trận không giống như những người ở nhà. Họ nhìn những điều khủng khiếp bằng một con mắt khôi hài. Ở bên trong sự trớ trêu đó là cả một nỗi khổ đau. Khổ đau, sợ hãi tột cùng đã khiến họ trở nên khôi hài!
Giống như Giã từ vũ khí của Hemingway, Chuyện của Paco phản kháng chiến tranh bằng cách khai thác chính khía cạnh vớ vẩn của chiến tranh. Larry Heinemann viết Chuyện của Paco giống như thể ông dùng xẻng xúc tất cả những thứ vớ vẩn rồi hất vào mặt những kẻ là nguyên nhân gây ra những sự vớ vẩn đó (Larry Heinemann trả lời phỏng vấn năm 2003).
Nhưng nhà văn là người không được phép nhắm mắt trước sự thật. Sự thật ở bên trong bản thân anh ta và sự thật ở bên ngoài anh ta. Larry có một anh trai và một em trai. Cả ba anh em đều đi lính. Ông và người em trai cùng sang chiến đấu tại Việt Nam năm 1967. Em trai ông sau khi trở về Mỹ đã tự sát. Người anh trai thì bỏ nhà đi biệt tăm, bị coi là mất tích. Larry kể trong cuốn sách mang tính hồi ký Black Virgin Mountain: A Return to Vietnam (Núi Bà Đen: Một lần trở lại Việt Nam) rằng anh em ông hoàn toàn có thể bỏ trốn sang Canada hoặc tuyên bố đào ngũ vì lương tâm (conscientious objector) và chấp nhận làm một công việc dân sự tồi tệ nào đó (bạn ông đã chọn công việc trông coi nhà xác) để tránh đi lính sang Việt Nam. Song những chuyện kiểu như vậy chưa bao giờ được đề cập trong gia đình của ông. Larry Heinemann đã làm tròn bổn phận công dân, nhưng còn có một con người nhà văn ở bên trong ông. Larry Heinemann nói rằng ông chịu ảnh hưởng nhiều từ bà mẹ, “a good storyteller” – một người rất giỏi kể chuyện và người ông, “a wonderful bullshit artist” – một người rất giỏi kể những chuyện vớ vẩn nhưng kể rất hay (Larry Heinemann trả lời phỏng vấn năm 2003).
Và cũng dễ hiểu khi Larry Heinemann trở về Mỹ đã tỏ ra không mặn mà với tổ chức VVAW (Vietnam Veteran Against the War – Cựu chiến binh Việt Nam chống chiến tranh). “Nó được điều hành bởi những gã quan cách” (“It was run by officers”, Larry Heinemann trả lời phỏng vấn năm 2003). Ông chọn con đường viết văn. Ông tự nhận mình có nhiều điểm tương đồng với Bảo Ninh. “He and I share a great deal. He came to writing because he had a story, not the other way around.” (Anh ấy và tôi có rất nhiều điểm chung. Anh ấy đến với nghề viết văn bởi vì anh ấy có một câu chuyện, chứ không phải theo cách ngược lại”, Larry Heinemann trả lời phỏng vấn năm 2003). Và ông không thể làm khác. Ông đứng về phe nạn nhân của chiến tranh, hoặc nạn nhân của lịch sử, nếu dùng lại cách hiểu của nhà văn Albert Camus. “Phải làm một con người nhân đạo. Đó là điều tôi phấn đấu. Tôi cho rằng tất cả những nhà văn lớn, tất cả những người kể chuyện vĩ đại, đều có chung một điều này: biết cách thoát khỏi một cái nhìn thiển cận, tầm thường về những điều vớ vẩn xảy ra trên thế giới này.” (Larry Heinemann trả lời phỏng vấn năm 2006).
Giữa tháng 12 này, Larry Heinemann sẽ tới Hà Nội. Ông là khách mời của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông có vẻ rất háo hức với chuyến sang Hà Nội có lẽ là lần thứ ba hoặc bốn gì đó. Ông viết cho tôi trong mẩu thư gần đây nhất: “Tôi háo hức chờ tới lúc đó hai ta sẽ ngồi chuyện trò cà kê thoải mái với nhau. Tôi sẽ rất vui được chuyện trò cùng cậu về bất cứ điều gì cậu có trong đầu. Chầu rượu đầu tiên sẽ để tôi trả tiền. Nhân nói tới những dịp chuyện trò như vậy, tôi nhớ lại câu nói của Cochise, một thủ lĩnh của bộ tộc da đỏ Chirachua Apache, trước một nhóm lính kỵ binh Hoa Kỳ tới đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột giữa người da trắng Mỹ với bộ lạc của ông: ‘Các ông phải nói chuyện thẳng thắn với chúng tôi, lời nói của các ông phải giống như tia mặt trời đi thẳng vào trái tim của chúng tôi’”( “You must speak straight to us so that your words will go like sunlight to our hearts.”)
Tôi sẽ cố gắng tách ông ra khỏi lịch làm việc hình như đã kín. Cố gắng quấy ông dù chỉ vài tiếng đồng hồ để thực hiện lời hẹn giữa ông và tôi. Lúc trước tôi có ý định hỏi ông một vài câu, nhưng giờ tôi đang đắn đo. Có lẽ tôi sẽ không hỏi gì hết, chỉ ngồi trò chuyện tào lao với ông trong lúc nhâm nhi vài ly. Nhưng nhất định tôi sẽ nói với ông: Thôi nào, Larry, ông khỏi cần phải cảm thấy mình có lỗi chi hết. Ông đã nói chuyện hết sức thẳng thắn. Ở chỗ ông, ông đã làm xong phần việc của mình rồi. Chẳng phải được phép nói chuyện thẳng thắn là điều may mắn nhất của một nhà văn hay sao?
P. A. T.
Hà Nội tháng 11 năm 2010
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN