05-12-2010
BẮC KINH – Những người quen đã nói với các nhà ngoại giao Mỹ rằng các cuộc tấn công chống lại Google đã được cơ quan cầm quyền hàng đầu ở Trung Quốc và một nhà lãnh đạo cấp cao ra lệnh, yêu cầu hành động sau khi tìm thấy các kết quả tìm kiếm đã chỉ trích ông ta, các bản ghi nhớ bị rò rỉ của chính phủ Mỹ cho thấy.
Một bản ghi nhớ đã được Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh gửi tới Washington cho biết, một “người ở vị trí có lợi thế” nói với các nhà ngoại giao, chính phủ Trung Quốc phối hợp các cuộc tấn công cuối năm ngoái vào Google Inc. dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, nhóm quyền lực tối cao của Đảng Cộng sản.
Các chi tiết trong bản ghi nhớ, được biết theo cách nói ngoại giao là điện tín, không thể xác minh. Các cơ quan chính phủ Trung Quốc hoặc là từ chối bình luận hoặc là không thể liên lạc được. Nếu đúng như vậy, các công hàm này cho thấy những áp lực chính trị đang phải đối mặt với Google khi Google quyết định đóng cửa công cụ tìm kiếm có trụ sở ở Trung Quốc hồi tháng Ba.
Bức điện về các cuộc tấn công chống lại Google, được Phó Đại sứ [Mỹ], ông Robert Goldberg phân loại ‘bí mật’, đã được Wikileaks tung ra.
Báo New York Times nói rằng, bức điện có ngày khoảng đầu năm nay, dẫn lời người quen nói rằng, Trưởng ban Tuyên truyền Lý Trường Xuân, nhân vật đứng hàng thứ năm ở Trung Quốc, và viên chức an ninh hàng đầu, ông Chu Vĩnh Khang đã giám sát việc tấn công vào Google. Cả hai nhân vật này đều là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Bức điện tín lưu ý rằng, không rõ Chủ tịch Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo có nhận biết các hành động đã được báo cáo trước khi Google đưa ra công chúng về các cuộc tấn công hồi tháng Giêng hay không.
Tuy nhiên, báo The Times nói nghi ngờ về cáo buộc đã phát sinh sau khi tờ báo này phỏng vấn người được dẫn lời trong bức điện tín, người này phủ nhận đã biết được người nào chỉ đạo các vụ tấn công hack vào Google. Báo The Times không tiết lộ người được phỏng vấn đó.
Một người liên hệ khác đã được trích dẫn trong bức điện nói, ông ta tin rằng một quan chức thuộc bộ phận chính trị hàng đầu đã “làm việc tích cực với Baidu, [công ty] công cụ tìm kiếm Internet của Trung Quốc, chống lại lợi ích của Google tại Trung Quốc.”
Các mối quan hệ giữa Google với Bắc Kinh căng thẳng kể từ khi công ty công cụ tìm kiếm khổng lồ có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết hồi tháng Giêng rằng, Google không còn muốn hợp tác với sự kiểm duyệt Web của Trung Quốc, theo sau các vụ tấn công vào các mã máy tính của Google và các nỗ lực để đột nhập vào các tài khoản e-mail của các nhà hoạt động nhân quyền. Google đóng cửa công cụ tìm kiếm của họ ở Trung Quốc đại lục vào ngày 22 tháng 3 và bắt đầu chuyển hướng người sử dụng tới trang web của họ không bị kiểm duyệt ở Hồng Kông.
Người phát ngôn của Google tại Tokyo, bà Jessica Powell cho biết, công ty không có bình luận gì về các bức điện tín do Wikileaks đưa ra, và về các cuộc tấn công, đã nhắc đến một tuyên bố hồi tháng Giêng nói rằng, họ có bằng chứng các cuộc tấn công đến từ Trung Quốc. Vào thời điểm đó, Google từ chối bình luận liệu chính phủ có tham gia [vào các cuộc tấn công này hay không].
Một người đàn ông trả lời điện thoại tại văn phòng người phát ngôn của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin cho biết, không ai sẵn sàng trả lời hôm Chủ Nhật. Các cuộc gọi đến Bộ Ngoại giao và Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước, nơi chịu trách nhiệm về liên hệ quy định Internet, điện thoại đổ chuông nhưng không ai trả lời.
Cuộc tấn công đã làm cho Google tức giận và đã đánh vào hàng chục doanh nghiệp khác, là một phần của các cuộc tấn công lan rộng nhắm vào hàng loạt các mục tiêu, từ một nhà thầu quân sự Anh cho đến các ngân hàng. Các chuyên gia lúc đó cho biết, các cuộc tấn công có tay nghề cao cho thấy quân đội và các cơ quan chính phủ khác có thể đột nhập vào máy tính để ăn cắp công nghệ và bí mật thương mại để giúp các công ty chính phủ.
Hồi tháng 2, ông Peng Bo, một quan chức cấp cao thuộc phòng Internet của Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước, cho biết, chính phủ Trung Quốc không tham gia hoặc hỗ trợ các cuộc tấn công mạng, và gọi các lời cáo buộc như thế là “hoàn toàn vô lý“.
Một bức điện tín khác do WikiLeaks đưa ra, cho thấy, một ủy viên Bộ Chính trị yêu cầu hành động chống lại Google sau khi tìm kiếm tên mình trên công cụ tìm kiếm và tìm thấy lời chỉ trích về ông.
Phiên bản ngày 18 tháng 5 năm 2009, do Wikileaks đưa ra, nhận diện về viên chức đã bị xóa bỏ. Nhưng báo The Times đưa tin, đó là ông Lý, Trưởng ban Tuyên truyền.
Bức điện tín được xếp loại mật, trích dẫn một nguồn tin nói rằng, viên chức Trung Quốc này đã nhận ra rằng trang mạng toàn thế giới của Google bị kiểm duyệt, có khả năng các cuộc tìm kiếm bằng tiếng Trung và các kết quả tìm kiếm, và rằng có một link từ trang chủ ở Trung Quốc của nó, google.cn, tới google.com.
Viên chức này “được cho là đã nhập tên của mình và tìm thấy các kết quả chỉ trích ông ta“, và đã yêu cầu ba bộ của chính phủ viết báo cáo về Google và “yêu cầu công ty này chấm dứt các hoạt động ‘bất hợp pháp’ của họ, trong đó bao gồm kết nối với google.com”, bức điện tín cho biết.
Bức điện tín cũng cho biết, các viên chức Mỹ đã không xác nhận cũng không phủ nhận các chi tiết do những người liên hệ đưa ra về hành động của lãnh đạo Trung Quốc.
Một người quen cũng nói rằng Trung Quốc đã yêu cầu ba công ty viễn thông chính phủ ngưng làm việc với công ty tìm kiếm khổng lồ (tức Google), bức điện tín cho biết. Các hãng cung cấp điện thoại chính của chính phủ Trung Quốc là: China Mobile, China Unicom và China Telecom.
Ngọc Thu dịch từ http://news.yahoo.com/s/ap/20101205/ap_on_hi_te/as_china_wikileaks
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN