Mở cửa Cam Ranh: Tính toán chiến lược dưới vỏ bọc thương mại

Cảng Cam Ranh theo bản đồ Google

Cảng Cam Ranh theo bản đồ Google

Việt Nam đã quyết định sẽ mở cửa cảng Cam Ranh cho tàu hải quân nước ngoài, và xây dựng cơ sở này thành Trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp. Theo các nhà quan sát, trong bối cảnh Hà Nội bị Bắc Kinh chèn ép tại Biển Đông, đây là một tính toán chiến lược mới trong nỗ lực của Việt Nam, nhằm hạn chế mối đe dọa đến từ Trung Quốc.

Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2010, nhân dịp kết thúc các Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Hà Nội, Việt Nam đã loan báo một quyết định bất ngờ: đó là sẽ mở cửa cảng Cam Ranh cho tàu hải quân nước ngoài, và xây dựng cơ sở này thành Trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp. Thoạt nhìn thông tin không liên quan gì đến nội dung các cuộc thảo luận giữa 18 nước Châu Á Thái Bình Dương tham gia hội nghị tại Hà Nội vì mang tính chất nội bộ của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, trong bối cảnh Hà Nội bị Bắc Kinh chèn ép tại Biển Đông, quyết định mở cửa Cam Ranh là một tính toán chiến lược mới trong nỗ lực của Việt Nam, nhằm hạn chế mối đe dọa đến từ phương Bắc. Sự kiện chính thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo quyết định này, rồi sau đó được bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh làm rõ thêm, chứng tỏ tầm mức quan trọng của động thái này.

Phải nói là khi loan báo thông tin về Cam Ranh, các nhân vật lãnh đạo Việt Nam đều nhấn mạnh đến tính chất thương mại của quyết định. Trong cuộc họp báo chiều 30/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xác định: Việt Nam sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân của tất cả các quốc gia, kể cả tàu ngầm, tại cảng Cam Ranh khi có yêu cầu”.

Sau đó, trả lời phỏng vấn của báo chí, Bộ Trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã cho biết thêm chi tiết về dự án này, mà theo ông hoàn toàn nhằm mục tiêu kinh tế, thương mại. Theo tướng Thanh, lẽ dĩ nhiên ở Cam Ranh cũng có quân cảng của Việt Nam, nhưng tách biệt với khu Trung tâm dịch vụ quốc tế.

Theo trích dẫn của báo Sài Gòn Tiếp thị đầu tháng 11, Bộ Trưởng Quốc phòng Việt Nam xác định: “Tôi muốn lưu ý, căn cứ dành cho tàu nổi và t:àu ngầm của Việt Nam là riêng, còn khu vực làm dịch vụ kỹ thuật hậu cần là riêng không liên quan gì đến nhau, nên không sợ lẫn lộn. Vì thế nó không ảnh hưởng gì đến vấn đề bí mật quân sự của Việt Nam”.

Về các hoạt động tương lai của khu dịch vụ Cam Ranh, Tướng Thanh không loại trừ việc phục vụ các hàng không mẫu hạm: “Căn cứ này sửa chữa cả tàu ngầm, tàu mặt nước, tàu quân sự, tàu dân sự. Nhưng tàu sân bay là kỹ thuật đặc biệt, chúng ta chưa có khả năng làm được, tuy nhiên không loại trừ việc tiếp dầu”.

Vế các đối tượng phục vụ, ông Phùng Quang Thanh xác định là bất kỳ nước nào cũng có thể vào cảng, nhưng phải được phép của Việt Nam. Ông nói: “Đây là khu vực chủ quyền của chúng ta. Việt Nam là chủ đầu tư, là quản lý, làm chủ và nếu chúng ta không cho phép thì tàu nước ngoài không thể ra vào được. Các nước đều có thể vào cảng nhưng với điều kiện phải xin phép Việt Nam và làm hợp đồng kinh tế với Việt Nam. Những nước có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, chúng ta có thể xem xét vẫn cho tàu vào”.

Tóm lại, đối với bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, việc mở cửa Cam Ranh là một vấn đề thuần túy thương mại. Một lần nữa ông xác định là không có vấn đề Việt Nam cho nước ngoài thuê Cam Ranh để đặt căn cứ quân sự:
Đây là căn cứ làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới, với tinh thần bình đẳng… Đồng thời nó không phải là một căn cứ quân sự nước ngoài, hay là cho nước ngoài thuê để làm căn cứ hậu cần kỹ thuật”.

Bất chấp các tuyên bố chính thức của giới lãnh đạo Việt Nam, hầu hết các quan sát viên quốc tế đều ghi nhận nhân tố chiến lược trong quyết định mở cửa cảng Cam Ranh cho hải quân ngoại quốc. Hãng tin Mỹ AP (02/11) đã lồng quyết định của Việt Nam vào bối cảnh các nước Đông Nam Á ngày càng lo ngại trước các hành động hung hăng của Trung Quốc ở vùng Biển Đông.

Việt Nam chia sẻ cảng Cam Ranh để ngăn chặn Trung Quốc

Tạp chí trên mạng The Diplomat (01/11) nhận định là quyết định của Việt Nam chắc chắn sẽ không làm cho Trung Quốc thích thú. Đối với tác giả Jason Miks, trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội bị các tranh chấp chủ quyền khác nhau với Trung Quốc chi phối, quyết định của Việt Nam về cảng Cam Ranh gần như chắc chắn là một phần trong cách phản ứng chống lại thái độ càng lúc càng quyết đoán của Trung Quốc vốn sẵn sàng dùng biện pháp mạnh để áp đặt đòi hỏi chủ quyền của họ trong vùng Biển Đông.

Riêng Greg Torode, thuộc nhật báo Hồng Kông South China Morning Post (01/11), một người quan tâm theo dõi hồ sơ Cam Ranh từ nhiều năm nay, nhận xét thẳng thắn: “Việt Nam chia sẻ (cảng Cam Ranh) để ngăn chặn Trung Quốc”. Đây là động thái tự vệ mới nhất của Hà Nội nhằm chống lại đà gia tăng sức mạnh quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông. Greg Torode trích dẵn các nhà phân tích quân sự để dự đoán: “Một khi công việc sửa chữa được hoàn thành ở Vịnh Cam Ranh, Mỹ và các cường quốc khu vực khác, vốn là những khắc tinh của Trung Quốc, sẽ là những khách thường xuyên”.

Đối với tác giả bài báo trên tờ South China Morning Post, Việt Nam từ lâu nay đã khẳng định là sẽ không bao giờ cho phép một lực lượng nước ngoài nào đóng quân hay mở căn cứ trên đất của mình hòng tấn công nước khác. Đây là cam kết được lặp đi lặp lại trong các cuộc gặp gỡ với Bắc Kinh. Tuy nhiên gần đây, Việt Nam đã mở rộng hợp tác quân sự với một loạt các cường quốc, những động thái được xem như chống lại sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Và “tương lai của Cam Ranh sẽ là trung tâm của các cuộc đàm phán tương tự”.

Giá trị chiến lược của Cam Ranh đã được nhà báo nêu bật như sau: Đây là quân cảng lớn nằm gần các tuyến đường biển chiến lược trên Biển Đông và quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Liên Xô đã từng biến Cam Ranh thành thành nơi trú ẩn cho tàu bè của họ, bảo vệ các tàu ngầm nguyên tử và xây dựng một trung tâm nghe trộm điện tử tại đây. Theo một tùy viên hải quân châu Á có quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ: “Cam Ranh là tài sản hải quân hấp dẫn nhất có thể có trong trường hợp hợp tác hải quân trong khu vực là nhằm gia tăng sức mạnh để đối mặt với sự bành trướng của Trung Quốc”.

Theo ghi nhận của Báo Thanh Niên tại Việt Nam, giá trị chiến lược của Cam Ranh nằm ở vị trí địa dư, chỉ cách các đường hàng hải quốc tế 1 giờ tàu biển, trong lúc cảng Hải Phòng cách đến 18 tiếng đồng hồ. Được coi là cảng nước sâu tốt nhất Đông Nam Á, phần lớn vịnh Cam Ranh có độ sâu từ 18-32m, đáy vịnh gần như bằng phẳng, thuận tiện cho việc thả neo, tàu trên 3 vạn tấn có thể vào bất cứ lúc nào. Vịnh còn có khả năng đón nhận nhiều hạm đội cùng lúc, bao gồm cả tàu chiến, tàu ngầm.

Thu hút các lực lượng có thể kềm hăm tham vọng của hải quân Trung Quốc

Nhận xét của giới báo chí về việc Việt Nam sẵn sàng mở cửa cho hải quân quóc tế cùng không khác gì với quan điểm của các chuyên gia nghiên cứu. Trong bài phỏng vấn dành riêng cho RFI qua thư điện tử, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam và Châu Á tại Học viên Quốc phòng Úc đã đánh giá cao quyết định của Việt Nam.

“Việc Việt Nam cho phép tàu hải quân nước ngoài ghé Vịnh Cam Ranh là một động thái khôn ngoan, vì có hình thức như là một biện pháp công bằng về địa chiến lược, xem mọi nước như nhau, nhưng kết quả thực tế sẽ là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga và các nước khu vực khác như Úc có nhiều khả năng ghé cảng hơn là Trung Quốc. Chiến hạm Trung Quốc đã từng ghé thăm Việt Nam rồi, nhưng để khỏi bị bỏ qua một bên, Hải quân Trung Quốc cũng có thể ghé vịnh Cam Ranh để ngăn không cho các cơ sở ở đấy bị lực lượng hải quân các nước khác độc quyền”.

Việc mở cửa vịnh Cam Ranh cho lực lượng hải quân nước ngoài là một ngón đòn ‘’bậc thầy’’ trong chính sách đối ngoại “đa phương” của Việt Nam. Nó sẽ thu hút chính những lực lượng hải quân có thể kềm hãm được tham vọng hải quân của Trung Quốc, bằng cách duy trì một sự hiện diện thường xuyên và tuần tra trong vùng biển Đông. Việc được ghé vịnh Cam Ranh để nghỉ ngơi và sửa chữa là một phần hỗ trợ thêm.”

Cam Ranh: chiến lược đi trước, kinh tế theo sau

Đối với giáo sư Thayer, ý nghĩa quan trọng đầu tiên của quyết định liên quan đến Cam Ranh là vấn đề chiến lược, sau đó mới đến khía cạnh kinh tế: “Quyết định của Việt Nam trước tiên mang tính chất địa lý chiến lược, sau đó mới là lợi ích thương mại. Việt Nam đã đề nghị sửa chữa tàu ngầm nhưng không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Khi Việt Nam ký một hợp đồng vũ khí với Nga để mua sáu tàu ngầm loại Kilo, hầu hết các bình luận phương tiện truyền thông đều không chú ý tới điều khoản là sẽ cho Nga thiết lập một cơ sở để tiếp nhận, bảo trì và sửa chữa các tàu ngầm. Vì vậy, Việt Nam phải mất một thời gian mới có được những kỹ năng để sửa chữa tàu ngầm.

Đối với tàu trên mặt nước thì lại là một vấn đề khác. Các mối quan hệ mới sẽ hà hơi tiếp sức cho tập đoàn đóng tàu Vinashin đang gặp khó khăn. Việt Nam đã thực hiện một số sửa chữa nhỏ cho hạm đội tàu phụ trợ của Mỹ (loại mang ký hiệu USNS) tại thành phố Hồ Chí Minh và vịnh Vân Phong. Bây giờ thì cánh cửa đã rộng mở cho các hợp đồng sửa chữa một cách thường xuyên. Có rất nhiều khả năng là Hải quân Mỹ sẽ tận dụng cơ hội này.

Nhiều cơ sở ở vịnh Cam Ranh đã bị hư hại sau khi Nga rút đi. Bằng cách tính chi phí cho các dịch vụ mà mình cung cấp, Việt Nam có thể thu lại vốn đầu tư bỏ ra để nâng cấp căn cứ này. Vịnh Cam Ranh là một trong cảng được che chở thuộc loại tốt nhất ở Đông Nam Á. Nếu được phát triển một cách nghiêm túc, Cam Ranh có thể trở thành một trong những cảng dịch vụ tốt nhất trong khu vực trong những năm sắp tới đây”.

Sẽ khó có căn cứ quân sự nước ngoài tại Việt Nam

Về khả năng thường được nhiều nhà quan sát nêu lên là Hoa Kỳ có thể đề nghị tái lập căn cứ của họ ở Cam Ranh, giáo sư Thayer cho rằng điều đó khó có thể xẩy ra:

“Mỹ sẽ không thiết lập một căn cứ tại Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam sẽ không cho phép điều đó. Thứ hai, căn cứ cố định thường rất tốn kém để duy trì, và Hoa Kỳ không tìm cách tiêu tiền trong lĩnh vực này. Thứ ba, căn cứ cố định là mục tiêu dễ dàng bị tên lửa đạn đạo và máy bay tấn công”.

Dẫu sao thì sự hiện diện của hải quân các nước trong vùng Biển Đông, được sự tiếp trợ hậu cần từ cảng Cam Ranh của Việt Nam có thể có tác dụng phần nào trong việc ngăn chặn một hành vi lấn chiếm thô bạo của Hải quân Trung Quốc như họ đã từng làm đối với Việt Nam vào năm 1988, hay với Philippines vào năm 1995.

Điều này cần thiết vào lúc Trung Quốc đang rốt ráo tăng cường hạm đội của họ phụ trách Biển Đông và đặt bản doanh tại căn cứ ngay trên đảo Hải Nam. Giáo sư Thayer đã phân tích vấn đề này trong tham luận mà ông vừa trình bày tại hội nghị khoa học quốc tế lần thứ hai về Biển Đông vào tuần trước tại Sài Gòn.

“Hạm đội Nam Hải đang được hiện đại hóa với việc lần đầu tiên một tàu ngầm nguyên tử thuộc hạng Jin và tàu đổ bộ được triển khai tại căn cứ Ngọc Lâm trên đảo Hải Nam. Nơi này hiện đã là căn cứ của các chiến hạm trên mặt nước và tàu ngầm thông thường. Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai thêm tàu ngầm hạt nhân đến Ngọc Lâm.

Các cuộc tập trận hải quân rầm rộ của Trung Quốc trong thời gian qua, theo một chuyên gia phân tích hải quân đã cho thấy: “Hải quân Trung Quốc đã có được năng lực cao về phương diện tác chiến linh hoạt, có thể triển khai lực lượng một cách đồng thời dưới mặt nước, trên mặt nước và trên không. Họ cũng đồng thời có được thái độ tự tin để triến khai lực lượng ra xa hơn trước đây, để hậu thuẫn mạnh mẽ cho các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại vùng Biển Đông.”

Các ý nghĩa rất rõ ràng: Trung Quốc đang phát triển năng lực để có thể duy trì được trong một thời gian lâu dài các chiến dịch triển khai hải quân rầm rộ xuống vùng quần đảo Trường Sa và sâu xuống phía nam.”

T. N.

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20101115-quoc-te-hoa-cang-cam-ranh-tinh-toan-chien-luoc-cua-viet-nam-duoi-vo-boc-thuong-mai

This entry was posted in Biển Đông, Trung Quốc and tagged . Bookmark the permalink.