Nhân ngày quốc khánh Trung Quốc (1.10.2010), cán bộ gọi tôi lên “làm việc”. Nhìn, nghe, thấy một tập tài liệu (tổng những cái gọi là “điểm đen” trong các bài viết của tôi) dày cộp; những ánh nhìn lạnh lẽo đầy tính chất nghiệp vụ; những giọng nói đều đều như tiếng mưa rơi trong lỗ tai; những âm thanh của bóng gió mập mờ; tôi hiểu ra ngay rằng có lẽ là mình đã và đang sai nhiều quá trong cái phân định đúng – sai khó hiểu của lẽ đời này!
1. Cái sai đầu tiên của tôi là “hay phát tán tài liệu ngoài chuyên môn cho sinh viên”. Dù đã nghiên cứu – đi dạy lịch sử suốt mấy chục năm nay, tôi vẫn không thể hình dung nổi nội hàm của cái gọi là “ngoài chuyên môn”? Chắc các vị lãnh đạo, các vị có trách nhiệm chưa đọc Marx (hoặc giả, họ có đọc những cố tình quên) là đã nói rằng “Chỉ có một khoa học duy nhất là khoa học lịch sử” và, “Lịch sử là tất cả những gì do con người làm ra”. Nếu Marx đúng thì mọi bài viết của tôi chắc chắn là một phần (như những hạt cát nhỏ nhoi) của lịch sử. Không lẽ tôi chưa phải là người, chưa thật sự được làm người? Thường khi viết xong một bài tâm đắc nào đó, tôi liền bỏ tiền túi ra photo bài vở cho sinh viên – mỗi tháng không dưới 500.000 đồng. Tôi chẳng thu tiền của ai, chẳng bắt ai hối lộ; vậy thì, vì sao cộng cả Marx lẫn sự không khuất tất về tiền bạc mà vẫn bị sai? Cũng cần phải nhấn mạnh rằng đất nước ta có nhiều điều tuyệt vời – nhất là cách dùng uyển ngữ thâm đen sì sì: Kinh tế tư bản thì bảo là kinh tế thị trường, thầy photo bài viết cho sinh viên thì gọi là “phát tán”, phản biện thì bảo là “thù địch”…
2. Cái sai thứ hai của tôi là đã “viết nhiều bài để hải ngoại kích động, lợi dụng”, “trả lời phỏng vấn thiếu kiềm chế”. Về cái vế thứ nhất, nói hay viết rồi bị lợi dụng là chuyện đương nhiên. Chẳng hạn, nhà thơ bậc thầy được ca ngợi lên đến tận mây xanh như Tố Hữu mà còn bị lợi dụng nữa là. Điển hình nhất là câu thơ ông viết: Đảng ta đây tim óc dính liền. Tim làm sao dính nổi với óc nếu không thuộc “phạm trù” tai nạn giao thông? Còn vế thứ hai, của đáng tội là tôi viết hay nói đều hơi bị gay gắt. Căn bệnh bẩm sinh của tính gàn xứ Nghệ. Cố gắng sửa nhưng chẳng thể nào sửa được. Vả lại, tôi tin rằng phê phán mà lại nhẹ nhàng thâm thúy quá như các bậc cây đa cây đề hay khuyên thì chắc gì người ta đã hiểu? Tôi có ông bạn giảng viên đại học, kể chuyện tiếu lâm cho ông ấy nghe, một tuần sau ông ấy mới bỗng dưng vỗ đùi đánh đét rồi cười sằng sặc phán rằng “Tổ cha thằng ni đểu”!
3. Cái sai thứ ba là những bài viết phản biện của tôi đã làm cho cơ quan, tổ chức nhức đầu. Cái này thì hẳn rõ rồi, vì trên đời này mấy ai thích nghe rõ ràng về những sự thật đen tối, xấu xa? Chỉ cần phê bình hơi thẳng thắn một đồng chí khác trong cuộc họp là chuốc ngay thù oán. Không tin các bác cứ thử mà xem.
Vì đau trôốc nên cơ quan tôi yêu cầu không nên phát bài cho sinh viên nữa. Tôi ăn lương thì phải chấp hành thôi. Có khi lại càng khỏe vì như thế mỗi tháng “lời” mấy trăm ngàn uống bia đã đời. Riêng chuyện viết bài “cho hải ngoại” thì tôi chịu không tài nào hiểu nổi? Hải ngoại nào? Mới tính đến cuối tháng 10.2010 đã có đến 7,8 tỷ USD Việt kiều gửi về (!). Số tiền đó đâu phải là giấy lộn? Đôi khi tôi nghĩ – đúng sai chưa rõ – nếu không có 8 tỷ tiền rêu ấy thì lạm phát bây giờ đã nhảy như cóc lên ngay giữa bàn ăn rồi. Nếu người ta muốn cho tôi không viết cho hải ngoại (cũng chẳng có xu nào và cho đến nay, tuyệt đối chưa nhận được một đồng nào – kể cả BBC) thì nhất thiết phải có danh mục cấm cụ thể, rõ ràng. Phận phó thường dân thấp cổ bé họng như tôi làm sao phân định nổi thế nào là phản động thực sự, phản động vừa vừa và hơi hơi phản động?
4. Cái sai thứ tư là sai một cách toàn diện, triệt để, vô phương cứu chữa: Không biết bằng cách nào mà ông bà cụ thân sinh của tôi (91 và 86 tuổi) khóc lên rên xuống rằng nếu tôi cứ viết như thế, như thế thì tức là muốn cho ông bà mau đi gặp tổ tiên (!). Vận động, răn đe kiểu gì, của ai, lúc nào tôi không rõ, nhưng hiệu quả thì sâu hiểm vô cùng! Chỉ có Cổ học tinh hoa nước Tàu mới có thể nghĩ ra các chiêu thức quái dị nhưng đơn giản đến khó lường như thế. Nghĩ cho ra cách để viết thế nào đó vừa đóng góp cho đời vài cọng cỏ lại không làm cho cha mẹ phiền lòng, không làm cho lãnh đạo cơ quan khó xử, phiền hà; không bị “hội ý” lên “trao đổi” xuống là bài toán khó nhất trên trần gian này và, e rằng ngay cả GS Ngô Bảo Châu cũng bó tay.com!
5. Cái sai thứ năm – nguy hiểm nhất và đáng chê trách nhất – là những bài tôi viết “làm ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị Việt – Trung”. Trời hỡi trời! Một người làm nghề dạy học như tôi mà có thể tác động đến quan hệ Trung – Việt thì chỉ có họa là mơ giữa ban ngày. Với lại, hữu nghị sao không trả lại Hoàng Sa, Trường Sa? Hữu nghị sao tuyên bố thả ngư dân từ 5.10 mà mãi đến 27.10 mới về đến nhà (tàu hải quân Vùng C đón về)? Khi Trung Quốc bắt, tàu tốt, dầu nhớt đủ. Khi Trung Quốc thả thì máy hư đằng máy, dầu hết đằng dầu. Trên đời này làm gì có loại tình cảm hữu nghị nào vừa vô cảm, vừa tàn nhẫn vừa thiếu lương tâm như thế? Tôi nghe mà thật buồn, vì biết chắc rằng chừng nào còn khối người mơ tưởng đến cái “hữu nghị” xót xa ấy thì chừng đó dân mình vẫn còn đau khổ lâu dài…
Buổi làm việc nói chung là nhẹ nhàng nhưng vô cùng hiệu quả. Tất nhiên là sau đó tôi vẫn viết (bài “Ai khổ cứ khổ, ai chơi cứ chơi”, 6.10.2010) nhưng đau đầu hơn, khó viết hơn. Trận ốm sốt xuất huyết giáng thêm một đòn nữa làm cho sức khỏe te tua; tinh thần thì mệt mỏi, nên nỗi đau lại càng dài hơn. Có một điều rất mừng là cả buổi làm việc không thấy nhắc gì đến những từ như “nội dung sai trái, phản động” và, nhất là, không hề nhắc đến trang boxit! Như thế có nghĩa là boxitvn.net ở ngoài vòng phủ sóng của những điều cần nhắc nhở? Nghĩ vậy, hôm nay, sau khi đã nguôi nguôi phần nào, khoe khỏe lên chút chút, tôi viết bài này gửi cho Thầy Huệ Chi, Thầy Phạm Toàn…
Huế, 16.11.2010
H. V. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN