Lý do Hoàng Xuân Hãn tham gia Nội các Trần Trọng Kim

Hoàng Xuân Hãn đúng là một trí thức hiểu theo nghĩa một nhân cách độc lập và tự do. Nặng lòng yêu nước nhưng rất thức thời, ông đã tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945 rồi sau đó tham gia Phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa dự hội nghị trù bị Đà Lạt, và sau đó nữa ở lại trong thành làm sợi dây liên lạc với Chính phủ kháng chiến một thời gian trước khi sang Pháp tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học để lại những công trình sử học để đời. Ông đúng là người biết coi trọng chữ ĐA NGUYÊN (pluralisme), một lý tưởng chính trị mà nói như Cù Huy Hà Vũ, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chủ trương. Chỉ có Hồ Chí Minh mới đáng là tri kỷ của những người vào cỡ như Hoàng Xuân Hãn, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại, Hoàng Minh Giám, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Xiển, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên, Đỗ Đức Dục, Phan Anh,… nhất là Hoàng Xuân Hãn, một cánh chim bằng trong Trang Tử, đã không chịu vùng vẫy trong một bầu trời nhỏ hẹp mà với con mắt “trông suốt sáu cõi” thì bầu trời ấy lúc bấy giờ dù đẹp, trước sau vẫn chưa thể là bến đỗ thật sự của người trí thức. Hoàng tiên sinh đúng hay sai? Hãy tự chiêm nghiệm bẳng tâm thế thực sự cầu thị chứ đừng vội mất lòng, và có cái nhìn phóng chiếu rất xa cho đến hôm nay, ta sẽ có được lời giải đáp xác đáng cho riêng mình.

Bauxite Việt Nam


Hoàng  Xuân Hãn năm 1972. Ảnh IE

Hoàng Xuân Hãn năm 1972. Ảnh IE

Vị huynh trưởng của lớp trí thức yêu nước Hà Nội

Thời kỳ Thế chiến II trước khi nổ ra cuộc đảo chính Nhật – Pháp (…), ở Hà Nội đã dần dần hình thành một số nhóm trí thức. Các

nhóm này cùng có điểm giống nhau rất quan trọng là: Họ cùng thức tỉnh và có ý thức rõ ràng về vai trò của người trí thức chân chính trước vận mệnh dân tộc, nhưng họ đều rất băn khoăn, không biết ngả theo xu hướng chính trị nào.

Sự khác nhau giữa các nhóm chỉ là khá mong manh, do họ có sự khác nhau về độ tuổi, về sự trưởng thành trong nghề nghiệp hoặc do quy tụ xung quanh những “hạt nhân” khác nhau. Do đó mà họ thường có và dễ có quan hệ khá chặt chẽ với nhau.

Nhóm “trẻ” nhất là nhóm tập trung ở Khu học xá của Đại học Đông Dương, bao gồm nhiều thanh niên sinh viên yêu nước quy tụ xung quanh Dương Đức Hiền, Đặng Ngọc Tốt, Phan Mỹ, Nguyễn Ngọc Minh, Trần Bửu Kiếm, Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ…

Nhóm thứ hai gồm các trí thức trẻ có trình độ cao quy tụ xung quanh Phan Anh, Vũ Đình Hòe, Vũ Văn Hiền, Hoàng Thúc Tấn, Lê Huy Vân…

Nhóm thứ ba gồm “các nhà khoa học đứng tuổi” – theo cách nói của Vũ Đình Hòe, nhưng thực ra là nhóm của các trí thức có danh vọng, uy tín nhất thời đó, như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển, Nguyễn Đình Hào, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Tường Phượng, Đào Duy Anh…

Ba nhóm tri thức nói trên tập trung ở Hà Nội, nhưng có uy tín và tầm ảnh hưởng trong giới tri thức khắp cả ba kỳ. Mỗi nhóm lại có bản sắc riêng của mình trong cách tổ chức hoạt động chung và nhất là trong cách bộc lộ thái độ trước thời cuộc và trước vận mệnh dân tộc.

(…)

Tuy ba nhóm có cách thức bộc lộ thái độ và tổ chức hoạt động mang bản sắc khác nhau nhưng cả ba nhóm đều có những mối liên hệ khăng khít với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau dựa trên sự đồng thuận về động cơ yêu nước và ý thức trách nhiệm với vận mệnh dân tộc.

Quan trọng hơn cả, cả ba nhóm này đều có những “hạt nhân” có uy tín và ảnh hưởng lớn, lại có quan hệ cá nhân hết sức thân thiết, tin cậy. Các hạt nhân gắn kết cả ba nhóm trí thức nói trên chính là Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Vũ Đình Hòe và Dương Đức Hiền.

Trong đó, Hoàng Xuân Hãn nổi lên như một vị huynh trưởng, xét cả về tuổi đời, uy tín và danh vọng. Ảnh hưởng của ông trong cả ba nhóm, đặc biệt là trong nhóm Tri tân và nhóm Thanh nghị là rất lớn, trong khi dường như Phan Anh lại có rất nhiều ảnh hưởng với nhóm sinh viên và nhóm Thanh nghị hơn.

Hoàng Xuân Hãn thuộc vào thế hệ trí thức Tây học mà như ông từng nhận xét là “có đủ tài cán chuyên nghề, nhiều lòng muốn phục vụ Tổ quốc”.

Giống như nhiều trí thức thuộc thế hệ của ông, Hoàng Xuân Hãn có cách yêu nước và phụng sự dân tộc riêng của mình. Ngay sau khi về nước tham gia giảng dạy ở Trường Bưởi, ông đã dốc sức, chuyên tâm vào nghề dạy học và nghề khảo cứu, đồng thời tích cực tham gia vào hoạt động của Hội Truyền bá Quốc ngữ.

Khi Thế chiến II nổ ra, ông và các bạn trí thức tâm giao nặng lòng về đất nước đều nhận thấy “lòng ái quốc nồng nàn của nhân dân, nhất là của thanh niên đã bộc lộ”, nhưng, như đã nói ở trên, Hoàng Xuân Hãn và nhóm trí thức “cao cấp” ở Hà Nội có cách bộc lộ lòng yêu nước và ý thức trước vận mệnh dân tộc riêng của mình.

Thận trọng, có phần do dự nên các ông không hăm hở lao vào các phong trào, các xu hướng yêu nước khác nhau, mà ngược lại, tiếp tục dốc sức vào hoạt động chuyên môn theo sở trường.

Đó không phải là cách các ông tự giấu mình trong “tháp ngà” khoa học, mà là một cách chuẩn bị cho tương lai, tiền đồ dân tộc.

Khi Phan Anh trao đổi với ông về việc một nhóm trí thức ở Hà Nội dự định lập ra tờ báo Thanh nghị, Hoàng Xuân Hãn nói: “Bây giờ trăm mắt đổ xô vào hành động của thanh niên trí thức ta: quốc dân, chính quyền thực dân Pháp và cả quan sát nhân Nhật.

Tuy trong thực tế mình không có quyền chính trị, nhưng hãy cứ tự coi mình như con dân của một nước độc lập. Đối với mọi việc đáng suy nghĩ, thì cứ nêu lên mà bàn với tư tưởng mới, thực tế.

Chắc rằng tòa kiểm duyệt cũng không cấm viết, mà độc giả sẽ dần quen với những suy nghĩ đứng đắn và có trách nhiệm. Ví như tôi, tôi nghĩ một dân tộc độc lập phải có đủ danh từ để biểu diễn mọi ý về văn hóa. Vì lẽ ấy tôi đã soạn một danh từ khoa học và đang bàn với anh em khoa học cho ra đời một tạp chí khoa học”.

Đó là cách lý giải thái độ và lựa chọn của Hoàng Xuân Hãn và nhiều trí thức Việt Nam chân chính trước những diễn biến mau lẹ, phức tạp của tình hình để rèn đúc tâm trí, ý thức phụng sự dân tộc, lại vừa không bị lôi cuốn vào các trào lưu chính trị thân Nhật hay thân Pháp.

Lý do Hoàng Xuân Hãn tham gia Nội các Trần Trọng Kim

Sau cuộc đảo chính Nhật – Pháp, xuất phát từ tính thực dụng, vị kỷ của họ, quân đội Nhật Bản đã quyết định không lựa chọn Hoàng thân Cường Để, Ngô Đình Diệm, Phục Quốc hay bất kỳ lực lượng “dân tộc chủ nghĩa” thân Nhật nào để giao cho nhiệm vụ lập chính phủ bù nhìn thân Nhật ở Việt Nam.

Quân Nhật không muốn có bất kỳ sự đảo lộn nào trong “trật tự bản xứ”, dù vậy, một mặt, tướng Yuchi Tsushihashi cùng các sĩ quan và quan chức Nhật tự mình thay thế người Pháp, đảm đương các chức vụ cai trị trước đây của tập đoàn thống trị  Decoux; mặt khác quân Nhật đề nghị Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố nền độc lập của “Việt Nam đế quốc” và ủng hộ việc nhà vua tiếp tục tại vị.

Sau khi tuyên bố độc lập vào ngày 11/3/1945, Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố tự mình cầm quyền chính với phương châm trị nước an dân mới theo nguyên tắc “dân vi quý”.

Bản thân Bảo Đại lúc đó cũng tỏ ra hiểu rõ vị thế của mình và thời cuộc. Ông từng nói rõ với Trần Trọng Kim về sách lược và phương châm chính trị của mình: “Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta”.

Với suy nghĩ có thể nói là khôn ngoan và thức thời đó, ngày 19/3/1945, Bảo Đại đã giải tán Cơ Mật viện, cho cả 6 vị Thượng thư từ chức và yêu cầu Phạm Khắc Hòe tham vấn ý kiến một số nhân sỹ để khẩn trương mời các nhân tài về Huế lập chính phủ mới, giúp rập Hoàng đế giữa lúc vận nước đứng trước thời khắc đổi thay quan trọng.

Sau khi cân nhắc, Bảo Đại đã cho gửi điện mời 8 người, trong đó có Hoàng Xuân Hãn. Theo Phạm Khắc Hòe – Ngự tiền Văn phòng Đổng lý của Hoàng đế, thì 8 người đó là: 1) Trần Đình Nam, 2) Hồ Tá Khanh, 3) Lưu Văn Lang, 4) Hoàng Trọng Phu, 5) Trần Văn Thông, 6) Hoàng Xuân Hãn, 7) Phan Anh, 8) Vũ Văn Hiền hoặc Trịnh Văn Bính tùy theo sự lựa chọn của Hoàng Xuân Hãn.

Qua cách nói như trên thì có thể thấy Hoàng Xuân Hãn ngay từ đầu đã được Bảo Đại rất coi trọng. Theo Hoàng Xuân Hãn thì ngày 23/3/1945, viên Lãnh sự Nhật ở Hà Nội đã tìm tới ông để chuyển ba bức điện mời của Hoàng đế Bảo Đại. Thay vì chọn Trịnh Văn Bính, Hoàng Xuân Hãn chọn Vũ Văn Hiền, một thành viên của nhóm Thanh nghị.

Sau đó ba người, Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh và Vũ Văn Hiền đã đi Huế. Ngày 27/3/1945, các ông tới Huế, ngày hôm sau thì lần lượt từng người yết kiến Hoàng đế Bảo Đại bàn về việc lập chính phủ mới.

Xung quanh việc Hoàng Xuân Hãn cùng với hai người bạn tâm giao, hai trí thức là Phan Anh và Vũ Văn Hiền nhận lời mời của Bảo Đại ra tham chính vào một thời điểm hết sức nhạy cảm của lịch sử đó còn có nhiều điều tồn nghi chưa bao giờ có được lời giải đáp thỏa đáng.

Về phía người Nhật, vấn đề là tại sao họ không mời thủ lĩnh của những đảng phái thân Nhật từng có “thâm niên” cộng tác với Nhật và hơn nữa, lại có chút lực lượng và kinh nghiệm chính trị đã được chuẩn bị từ trước?

Như các nghiên cứu của Shiraishi Masaya, David. G. Marr, Phạm Hồng Tung và một số học giả khác đã chỉ ra thì điều này bắt nguồn từ việc người Nhật không muốn có bất kỳ sự đảo lộn nào với “trật tự bản xứ”, tránh mọi bất lợi cho việc chiếm đóng và tổ chức phòng thủ, chống quân Đồng minh của Nhật ở Đông Dương.

Về phía Bảo Đại, như trên đã chỉ ra, dù hiểu rõ nền độc lập mà ông ta vừa tuyên bố chỉ là một thứ “độc lập bánh vẽ”, nhưng nhà vua vẫn muốn tranh thủ thời cơ, lập ra một chính phủ mới “tỏ ra có đủ tư cách để độc lập”.

Vì vậy mà Bảo Đại muốn mời cho được các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng, có uy tín và danh vọng mà ông gọi là “nhân tài” ra tham chính. Đây vừa là một chiêu bài chính trị, nhưng có lẽ cũng là cách nhà vua “Tây hóa” Bảo Đại học theo lối “cầu hiền” của các bậc minh quân Việt Nam xưa.

Quan trọng hơn là về phía Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh và một số trí thức vốn chưa từng có bất kỳ hoạt động chính trị gì, nhưng tại sao đã dường như ngay lập tức chấp nhận lời mời của vua Bảo Đại?

Sau này Hoàng Xuân Hãn lý giải như sau: “… Kim (Trần Trọng Kim), Hiền (Vũ Văn Hiền), Anh (Phan Anh) và tôi đồng ý rằng: “Thế Nhật Bản chỉ còn đứng được hơn một năm là cùng. Chính phủ nào bắt đầu từ bây giờ cũng chỉ có chừng này để củng cố thế độc lập của nước ta mà thôi”.

Và ông nói rõ thêm suy tính của mình: “Còn mục tiêu chung thì gấp rút trong khoảng một năm, tập cho quốc dân quen với tính cách độc lập tự tin để đến khi hòa bình trở lại, Đồng minh không có cớ đặt ách ngoại trị nào vào cổ dân ta”.

Để hiểu rõ hơn suy nghĩ của Hoàng Xuân Hãn và nhóm tri thức tham gia vào Nội các Trần Trọng Kim, cần phải dẫn ra ý kiến của Phan Anh trong một cuộc trao đổi với sử gia người Na Uy, ông Stein Tonnnesson vào năm 1989. Trả lời cho câu hỏi thẳng thắn của Tonnnesson: “Vậy các ông nghĩ thế nào mà nhận lời mời của Bảo Đại?”.

Phan Anh cho biết quyết định ra tham chính của các ông không chỉ xuất phát từ lòng yêu nước và ý thức phụng sự dân tộc, mà còn dựa trên sự phân tích tình hình và cân nhắc kỹ càng. Ông cho biết, rằng lúc ấy các trí thức như ông không ai có ảo tưởng gì về người Nhật và nền độc lập mà họ ban cho. Nhưng có hai tình hình buộc các ông phải đứng ra đảm đương nhiệm vụ.

Thứ nhất là “… có một cuộc vận động thân Nhật lăng xăng, lung tung: Nào là chính khách, bọn thả câu nước đục, nào là bọn con buôn, bọn lưu manh, một cuộc vận động không những lung tung mà còn nhơ bẩn, lộn mửa”.

Thứ hai là việc “những công chức người Pháp vẫn tiếp tục làm việc. Nhưng họ có mưu mô”. Mưu mô của họ là nhẫn nhục chờ thời cơ để khôi phục lại chế độ thực dân Pháp.

Vì vậy, Phan Anh giải thích: “Chúng tôi không muốn bị cả người Pháp lẫn người Nhật đánh lừa mình”. Và các ông đã quyết định tham chính: “Chúng tôi tham gia chính phủ là để phụng sự với khẩu hiệu là Đuổi cổ bọn Pháp và nắm lấy độc lập”.

Chúng ta có thể tin chắc vào động cơ yêu nước và phụng sự dân tộc của Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh và một số trí thức khác khi ra tham chính theo lời mời của vua Bảo Đại. Song rõ ràng là sự phân tích của các ông vào thời điểm đó cũng không khỏi có phần ngây thơ và mạo hiểm về mặt chính trị.

Dẫu thế nào đi chăng nữa, một nền chính trị của một Chính phủ được lập ra do sự cho phép và nằm trong tầm kiểm soát của quân Nhật chiếm đóng đều không thoát khỏi địa vị của một chính phủ bù nhìn, và nguy hiểm hơn, bị phe Đồng minh buộc cho tội “hợp tác với phe Trục” và có thể bị trừng phạt sau chiến tranh kết thúc. Đây chính là điều mà Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh và các trí thức khác không tính đến, cho dù các ông biết quân Nhật sắp thua đến nơi.

Trở lại với chuyến đi Huế của Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh và Vũ Văn Hiển cuối tháng 3/1945. Ngay sau khi yết kiến vua Bảo Đại, Hoàng Xuân Hãn đã gặp Trần Trọng Kim, và chính ông là người đề nghị Phạm Khắc Hòe thu xếp để ông Trần yết kiến Hoàng đế Bảo Đại.

Theo hồi ký của Trần Trọng Kim thì Hoàng Xuân Hãn đã đóng một vai trò nhất định trong việc xác định thành phần nhân sự của Nội các do ông đứng đầu. Dựa trên tất cả các nguồn tài liệu mà ông hiện có thì có thể khẳng định  chắc chắn rằng người Nhật đã chuẩn bị cho Trần Trọng Kim như một quân bài bí mật suốt từ mùa thu năm 1943 để sau khi lật đổ thực dân Pháp thì sự lựa chọn đưa về Huế lập ra chính phủ bù nhìn, thực hiện kế hoạch cai trị Việt Nam sau cuộc đảo chính.

Cần phải nhắc lại rằng trước đó Bảo Đại không có ý định chọn Trần Trọng Kim, mà là chọn Ngô Đình Diệm làm người đứng ra thành lập nội các. Việc này được cả Hoàng Xuân Hãn ủng hộ [1]. Nhưng người Nhật đã bố trí để Ngô Đình Diệm không thể ra Huế gặp Bảo Đại.

Cuối cùng Bảo Đại đã buộc phải “mời” Trần Trọng Kim đứng ra thành lập nội các. Tuy nhiên, bản thân Trần Trọng Kim lại hầu như không có được uy tín, danh vọng và đặc biệt là mối quan hệ mật thiết với các trí thức, nhân sĩ nổi tiếng ở cả ba kỳ. Vì vậy, ông đã đem việc lựa chọn nhân sự của Nội các bàn bạc với Hoàng Xuân Hãn.

Đây chính là cơ hội để Hoàng Xuân Hãn giới thiệu những trí thức có tài năng và tâm huyết phụng sự dân tộc ra tham chính.

Vì vậy mà chúng ta thấy trong Nội các, ngoại trừ Trần Trọng Kim là người đã được người Nhật chuẩn bị từ trước, thì đều bao gồm các trí thức, nhân sĩ nổi tiếng, tiêu biểu cả ba kỳ.

Phạm Hồng Tung (Theo Tạp chí Xưa và Nay, số 328, tháng 3/2009)

Nguồn: bee.net.vn

—————————————–

Chú thích của BVN:

[1] Chúng tôi chưa hoàn toàn tin vào kiến giải này vì trong nhiều hồi ký của mình, hoàng Xuân Hãn đã tỏ ra không mấy tin tưởng ở Ngô Đình Diệm – BVN

This entry was posted in Sử Liệu and tagged , , , . Bookmark the permalink.