Tác giả Hà Văn Thịnh – một giảng viên đại học – bằng giọng điệu thiết tha, đã gióng tiếp hồi chuông cảnh báo về nguy cơ toàn vẹn lãnh thổ khi cho thuê dài hạn rừng đầu nguồn. Cái khác ở chỗ, trong bài viết của mình, đối tượng mà tướng Đồng Sĩ Nguyên và tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nhắm đến trong lời cảnh báo là nhóm quan chức chính quyền đã làm cái việc tày trời mang dáng dấp u muội khi cho người nước ngoài, ở đây là TQ, thuê dài hạn rừng đầu nguồn, thì HVT, mặc dù tự cho mình là dân đen, nhưng với trách nhiệm của một công dân, một trí thức đang làm công việc giảng dạy lịch sử bậc đại học, đối tượng chủ yếu mà tác giả nhắm đến trong lời cảnh báo của mình là “các vị tướng, các nhà khoa học, những bậc thức giả tên tuổi hãy vào cuộc tranh luận công khai với các vị lãnh đạo có trách nhiệm để mổ xẻ rốt ráo tất cả mọi vấn đề liên quan đến hiểm họa này. Buộc họ phải tranh luận chứ không thể vòng vo như lâu nay vẫn vậy”.
Hãy nhớ rằng, sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong một phỏng vấn hiếm hoi với BBC, đã nói: “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả” (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/06/080611_vovankiet_dies.shtml).
BVN hoan nghênh cách đặt vấn đề mà tác giả HVT đã thể hiện trong bài viết rất đỗi xót xa của mình.
Bauxite Việt Nam
Bây giờ là 22h13’ đêm 30 Tết Canh Dần. Tôi vừa đọc xong, đọc kỹ bức tâm thư của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đồng ký tên với Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh về việc kiến nghị không cho Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc thuê đất rừng đầu nguồn với diện tích lớn (264.000 ha), thời hạn dài (50 năm). Số đất đó phân bổ trên địa bàn của 10 tỉnh – tất thảy đều liên quan đến sự xung yếu của biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng, Kon Tum, Bình Dương… Cuối bài, cả hai vị tướng chỉ có thể thở dài: “Trước mắt đề nghị Chính phủ cho đình chỉ ngay việc cho nước ngoài thuê đất đầu nguồn dài hạn với diện tích lớn, dù có phải bồi thường cũng được, để tránh thảm họa cho dân cho nước”.
Khỏi phải nói rằng đây không phải là thời khắc để bàn chuyện chung mà nên nghĩ đến việc riêng. Thế nhưng, giọt nước mắt cuối cùng của năm Kỷ Sửu vẫn phải chảy cho dù chỉ còn chưa đầy 100 phút nữa là nó vĩnh biệt chúng ta. Hai vị tướng – những con người mà khi xưa – thời thơ ấu, tôi chỉ ước ao được chạm vào ống tay áo của họ dẫu chỉ là chút sợt qua, bây giờ, mềm mỏng, nhẹ nhàng, nói như thở than, đau mà không thể diễn đạt, và cầu mong, giống như ai đó đã từng lên chùa rằng, “dù có phải bồi thường cũng được”(!)?
Ở đây, tôi không có ý định góp ý cho hai vị tướng về chuyện bồi thường bởi tôi hoàn toàn đồng ý về nước cờ bí dí tốt này – thà bồi thường lớn còn hơn hậu quả nặng nề. Thế nhưng, tôi rất buồn là đến cả những vị tướng đã từng, vẫn từng hy sinh cả cuộc đời vì dân vì nước mà còn phải nói nhẹ nhàng như thế, thì thử hỏi dân đen hé miệng cách nào? Đau nỗi đau Giao Thừa vì sự ngột ngạt và hiểm họa bi thảm không thể nói đủ thành lời. Cái sai của tập thể hay của bất kỳ cá nhân nào, cần phải được chỉ mặt, đặt tên. Không thể có chuyện sai lầm nghiêm trọng mà lại không hề có tội phạm nghiêm trọng. Đó là nguyên tắc của sự thật. Cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh là những tên tuổi lớn không thể sai lầm trong chuyện quốc gia đại sự.
Rừng đầu nguồn cho “người ta” thuê đến 50 năm, chặt phá tự do và không loại trừ chuyện được chân lấn đầu để di dân thoải mái cũng như chuyện “…để lâu hóa bùn” là lẽ đương nhiên. Ngày xưa Tố Như nghĩ rằng 300 năm sau chẳng ai khóc ông nhưng ngày nay, chưa đến 50 năm sau con cháu phải khóc vì những hệ lụy hôm nay là điều thấy rõ nhãn tiền. Đất rừng đâu đến nỗi không có người để quản lý đầu tư mà phải cho nước ngoài xông vào chiếm cứ? Nên nhớ rằng trước năm 1959, người Hán ở Tây Tạng chỉ có 5% dân số, sau 50 năm, bây giờ là 41%(!). Thậm chí, kinh nghiệm lịch sử cho thấy với tham vọng “bắt Việt Nam quay lại thời Giao Chỉ”, thì những giọt nước mắt bi thảm còn nhanh hơn, nhiều hơn nữa.
Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao hàng chục vị tướng, hàng ngàn, hàng vạn trí thức lại chưa nhìn thấy vấn đề? Bí mật đó chắc chắn không ít người biết nhưng tại sao không ai lên tiếng? Bây giờ là 22h35’ đêm 30 Tết. Tôi muốn lặp lại câu nói của Luther King: “ I Have a Dream – Tôi có một giấc mơ” rằng, trong năm mới, chúng ta hãy cùng nhau nói thật tất cả mọi điều, kể cả phải trả giá, nếu điều đó thực sự cần cho tương lai của cháu con chúng ta. Vì là một dân đen, tiếng nói của tôi không có mấy trọng lượng nên tôi ước ao rằng các vị tướng, các nhà khoa học, những bậc thức giả tên tuổi hãy vào cuộc tranh luận công khai với các vị lãnh đạo có trách nhiệm để mổ xẻ rốt ráo tất cả mọi vấn đề liên quan đến hiểm họa này. Buộc họ phải tranh luận chứ không thể vòng vo như lâu nay vẫn vậy. Nếu chúng ta đồng lòng vì đất nước thì không việc gì phải thở dài, không việc gì phải sợ, bởi tôi cho rằng nếu chúng ta còn tiếp tục sợ hãi sẽ không còn có cả cơ hội để sợ nữa chỉ trong mươi mười lăm năm nữa thôi…
Hãy xem tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc tăng cường tuần tra – bảo vệ quyền lợi ngư dân Trung Quốc (BBC, 12.2.2010) ở Trường Sa; tức là ngang nhiên khẳng định chủ quyền(!), đủ hiểu rõ tham vọng và mục tiêu rất gần của Trung Quốc là thế nào. Đó là “tình hữu nghị lông ngỗng” không hơn, không kém! Không nhìn thấy sự đe dọa mang tính hủy diệt đó là cách nhắm mắt thông đồng với sai lầm và hiểm họa. Rất mong rằng những điều tôi vừa viết không phải là tiếng nghé ọ sau cùng của một con trâu!
22h45’, đêm 30 Tết Canh Dần
H.V.T
HO Mạng Bauxite Việt Nam biên tập