Người sót lại của con tàu MOI

SGTT Xuân 2010 – Hàng xóm chỉ biết ông là ông già Việt Nam giỏi giang, làm thang máy cho vợ, làm xe đạp ba bánh chạy pin mặt trời, giúp láng giềng khi có việc. Chỉ vậy thôi, cho đến ngày ông xuất hiện trên… báo. Tôi biết ông nhiều hơn, bởi ông là bố dượng của chồng tôi. Chúng tôi gọi ông là “chú”, chú Phạm Văn Nhận.

Cuộc ly hương lịch sử

Bác Hồ và Việt kiều ở công viên Bagatelle năm 1946, Phạm Văn Nhận ngồi giữa.

Bác Hồ và Việt kiều ở công viên Bagatelle năm 1946, Phạm Văn Nhận ngồi giữa.

Sau ba năm điều tra, Pierre Daum, nguyên phóng viên báo Le Monde đã tìm được 25 nhân chứng để đưa ra ánh sáng trang sử thuộc địa bị che giấu về những người lao động Việt Nam. Không nhận mình là nhà sử học, tác giả quyển Nhân công Đông Dương – di cư cưỡng bức nói mục tiêu của ông là giữ lại cho các nhà nghiên cứu tương lai một chứng cứ lịch sử của những tác nhân trực tiếp. Lịch sử đó ghi rằng, năm 1934, một chính sách cưỡng bức lao động của Chính phủ Pháp quy định trong trường hợp “mẫu quốc” có nguy cơ bị xâm lược, người lao động thuộc địa có thể được trưng dụng. Năm 1939, Pháp thành lập cơ quan Lao động thuộc địa MOI (Main d’oeuvre indigène) tuyển mộ 20.000 nhân công Việt Nam – phần lớn là bị cưỡng bức – đưa sang Pháp thay thế công nhân nước này phải nhập ngũ trong thế chiến thứ hai. Thú thật, trừ bìa bốn và vài giới thiệu trên báo chí, tôi chưa đọc hết sách của Pierre, bởi tôi có “quyển sách sống” trong nhà.

Phạm Văn Nhận với số hiệu lên tàu

Phạm Văn Nhận với số hiệu lên tàu

Người ta gọi ông là đạo diễn, nhưng cuộc đời ông cũng là cuốn phim chưa kết thúc. Người làng Đông Ngạc, cậu học trò Phạm Văn Nhận luôn ước ao một lần đến Pháp thăm vườn Luxembourg. Mùa thu 1939, chàng trai 19 tuổi tự nguyện bước lên tàu vượt biển. Là phiên dịch, Nhận được cấp riêng một cabin nhưng ông bất nhẫn trước nỗi đau đồng hương, mà như mô tả của một cựu sĩ quan Pháp là “những tên nhà quê bị đối xử như nô lệ”. Nhận không bao giờ quên cảnh hàng loạt nông dân bị nhét trong các khoang hầm chật chội, giường ba tầng san sát. Cảnh người trên say sóng nôn xuống người bên dưới và không ai được tắm rửa. Không bao giờ quên tiếng khóc đàn ông…

Sau một tháng băng biển, chàng trai Hà Nội không tới vườn Luxembourg mà xuống cảng Marseille giá băng. Tất cả bị đưa vào nhà tù Les Baumettes, phân đi khắp nước Pháp làm những công việc nhọc nhằn, nguy hiểm như thợ xẻ, thợ nhồi thuốc súng… Từ nông dân, họ trở thành công nhân không lành nghề ONS (ouvriers non spécialisés), sống trong các trại tập trung được cai quản bởi những tên sĩ quan tham ác. Một lần, Nhận suýt bị đi đày ở Vaucluse do dám mắng Phó giám đốc MOI, Đại tá Decotton là “Đồ ăn cắp”, khi bắt gặp hắn cắt thực phẩm của ONS. Ông kể cuộc sống của nhân công Việt Nam khi đó thật bi đát: không biết tiếng, không được trả lương thoả đáng, đói rét, cộng nỗi nhớ nhà, nỗi nhục bị bêu riếu những điều ghê tởm – như ăn thịt trẻ con… – đã khiến các lực điền Việt Nam suy kiệt. Nhắc lại giai đoạn này, báo Le Soir 18.5.2009 đã không ngần ngại dùng tựa Khi nước Pháp nhập khẩu nô lệ từ Việt Nam.

Lúa Camargue và tự do

Nông dân Việt Nam trên ruộng Camargue. Ảnh: Phạm Văn Nhận

Nông dân Việt Nam trên ruộng Camargue. Ảnh: Phạm Văn Nhận

Là một trong 1.000 người chọn ở lại Pháp sau chiến tranh, Phạm Văn Nhận hiện sống ở miền nam, thị trấn La Grande Motte. Lâu rồi, sau khi chỉ tôi xem bức ảnh dân ta trồng lúa bên tây, ông chở tôi đi thăm ruộng Camargue. Nhìn cánh đồng nước nên thơ, tôi nói vui chỉ cần để vào đây chiếc xuồng ba lá thì có thể quay phim Việt Nam. Ông nói nơi đây không từng nên thơ như con thấy. Nơi đây, như báo La Provence viết: “Nhiều cơ nghiệp lớn đã được xây trên lưng những người nông dân bị đối xử tàn tệ”. Ông nói thổ nhưỡng Camargue tốt nhưng khí hậu khắc nghiệt, dân Pháp do vậy bỏ ruộng hoang. Chính phủ Vichy khi này nảy ra sáng kiến sử dụng tay nghề của nông dân An Nam với đồng lương rẻ mạt. Vụ thu hoạch đầu tiên năm 1941 làm chính quyền Vichy hả dạ. Lúa trở thành đặc sản thứ tư của Camargue sau bò mộng, ngựa trắng, hồng hạc. Thế nhưng, cho đến 9.12.2009, người lao động Đông Dương không hề được nhắc đến.

Tiếng Pháp tốt, Phạm Văn Nhận luôn được giữ làm việc ở văn phòng MOI; nhưng khi ông chụp ảnh tố cáo sự vô nhân trong các trại thì bị đe trừng phạt. Ông trốn nhiệm sở, làm phóng viên tự do. Ông kể sau chiến tranh, năm 1946 – 1952, Pháp tổ chức đưa các ONS về nước. Ngoài 1.000 người chết và 1.000 khác chọn ở lại Pháp theo ước tính, 18.000 nhân công Việt cay đắng quy hương với hai bàn tay trắng và tuổi trẻ bị đánh mất. Phần ông, dù chọn ở lại, nhưng do chứng kiến sự tàn tệ của thực dân, ông và nhiều ONS tích cực tham gia phong trào chống Pháp. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức nước Pháp song song hội nghị Fontainebleau, ông Nhận đã xung phong giúp nhà quay phim Mai Thứ. Đưa tôi bức ảnh Hồ Chủ tịch tiếp Việt kiều tại công viên Bagatelle, ông nói: “Cụ dặn chú và các ONS phải học nghề cho giỏi”.

Trại Bảo Đại dành cho thợ xẻ ở Sennecey le Grand. Ảnh: Phạm Văn Nhận

Trại Bảo Đại dành cho thợ xẻ ở Sennecey le Grand. Ảnh: Phạm Văn Nhận

Từ việc phụ quay và lời khuyên của Bác, ông Nhận theo học điện ảnh, bắt đầu bằng phim tài liệu, sau đó là các phim truyện Một trang nhật ký, Hai thế giới, Giá hạnh phúc, Vì đâu nên nỗi, Lòng nhân đạo, Giọt máu rơi, trong đó Giọt máu rơi bị chính quyền Sài Gòn cấm chiếu. Hiện Viện Tư liệu điện ảnh Việt Nam vẫn lưu hồ sơ sáu phim này. Ông nói ông có duyên điện ảnh: bản thân làm phim, đạo diễn Phạm Kỳ Nam là cháu gọi ông bằng chú. Giờ con dâu cũng làm điện ảnh.

Chờ cuộc quay về

Được mời tiếp xúc bạn đọc cùng Pierre Daum tháng 6.2009, ông già Nhận thao thức nhiều đêm. Không hẳn là nạn nhân nhưng ông rất vui làm nhân chứng cho nỗi thống khổ đồng bào, vui những bức ảnh riêng – chứng cứ duy nhất của giai đoạn này – được sử dụng miễn phí. Giống như người cùng thời Lê Bá Đảng, ông nói muốn quên quá khứ, nhưng khi ông chọn sống gần Camargue, tôi tin quá khứ trong ông chưa ngủ. Không chỉ những con cá đỏ lội trong hồ có tiểu cảnh ngôi chùa nhỏ, không chỉ những chiếc ghế cẩn rồng trong phòng khách, “góc châu Á” của ông, như chữ của báo Midi Libre, còn có nhiều thứ khác: bàn thờ tổ tiên luôn hương khói, dăm ông bạn cùng cảnh, tấm hộ chiếu Việt sau nhiều thập kỷ ly hương…

Chín năm nay, từ khi mẹ chồng tôi mất, ông sống một mình với lọ tro của bà. Đưa tôi những bức hình xưa, ông nói ông muốn lịch sử – không phải của riêng ông – được tiếp tục gìn giữ. Ông mãn nguyện, thanh thản, và luôn hài hước. Là người làm vệ sinh cho vợ lúc lâm chung, nên mỗi lần thấy mệt, ông cố đi tắm rửa, thay quần áo đẹp, nằm yên… Vậy rồi sáng hôm sau, vẫn sống. Lại cười, lại đạp xe ra biển, giúp xóm giềng sửa chữa các hư hóc… Biết tôi đặt tên bài báo là Người sót lại của con tàu MOI, ông nói công nhân MOI ngày xưa vẫn giễu mình là MỌI.

Ngày 9.12.2009, sau hơn nửa thế kỷ làm ngơ, chịu sức ép bởi báo chí Pháp và công luận, trong đó quyển Le petit mandarin của ONS Lê Hữu Thọ và sách của Pierre Daum là giọt nước tràn ly, thị xã Arles thuộc vùng Camargue quyết định tổ chức lễ ghi công những người lao động Đông Dương. Khi được mời tham dự với tư cách một trong mười nhân chứng, Phạm Văn Nhận rất vui. Không phải vui cái huy chương vỗ về trễ muộn, mà vui cho những người đã khuất. Nhưng niềm vui không trọn: ông Lê Hữu Thọ – người xứng đáng được ghi công nhất đã ra đi trước ba tháng. Ông Bùi Văn Diễm ra đi đúng ngày làm lễ!

Năm nay 90 tuổi, ông dặn chúng tôi khi ông mất nhớ mang tro của ông và tro mẹ chồng tôi ra biển thả. Ông nói tro sẽ băng sóng quay về…

VIỆT LINH

Nguồn: sgtt.com.vn

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.