Bộ phim 19 tập “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” không được chiếu trong dịp đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, dù đã được chỉnh sửa. Vài lý do được nêu ra để Cục Điện ảnh chưa cho công chiếu là: tập 10 hình và tiếng không khớp nhau, đang có nhiều tranh luận trái chiều về bộ phim. Điển hình là ý kiến của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, thành viên Hội thẩm thẩm định kịch bản phim: “Đây là một bộ phim Trung Quốc, không có gì để tranh cãi. Đạo diễn Trung Quốc, biên kịch Trung Quốc”. Ý kiến ngược lại của GSTS Đinh Xuân Dũng, cố vấn Hội đồng thẩm định: “Bộ phim đã thể hiện sinh động với một tình cảm sâu sắc, một thái độ trân trọng với lịch sử”.
Không cho chiếu dịp đại lễ thì dễ hiểu rồi nhưng quyết định của Cục Điện ảnh yêu cầu tiếp tục chỉnh sửa bộ phim là thế nào nhỉ? Theo giới thiệu ở nhiều nơi, bộ phim do Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành với Giám đốc Trịnh Văn Sơn làm. Ông Sơn còn khẳng định, ông là người chấp bút kịch bản. Công ty tư nhân bỏ tiền làm phim, thành công hay thất bại là việc của Công ty, chỉnh sửa hay không là việc của người làm phim, việc gì cơ quan quản lý văn hóa phải yêu cầu nọ kia?
Vấn đề lại không rạch ròi được như thế. Ngày 14/9/2009, Bộ VH-TT-DL có Công văn số 3055 “Kính gửi đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia 1.000 năm Thăng Long”. Nội dung công văn cho biết, Bộ VH-TT-DL sau khi “giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu thẩm định” thì dự án làm bộ phim “có quy mô và ý nghĩa to lớn, mang tính khả thi cao” và “kịch bản bộ phim được xây dựng trên cơ sở tư liệu lịch sử Việt Nam với sự cố vấn của các chuyên gia, nhà sử học, nhà văn hóa có uy tín của Việt Nam và sự hỗ trợ từ phía đài truyền hình ASEAN-Trung Quốc; các đạo diễn, biên kịch hàng đầu của điện ảnh Trung Quốc về đề tài phim lịch sử”. Nên Bộ VH-TT-DL “kính trình Phó Thủ tướng xem xét, đưa bộ phim vào nội dung chính thức của chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội”.
Ngày 23/9/2009, Văn phòng Chính phủ có công văn số 6599, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng “đồng ý và giao Bộ VH-TT-DL chịu trách nhiệm nội dung tư tưởng của phim”.
Nếu bộ phim vẫn của tư nhân thì Bộ VH-TT-DL đã không hoàn thành nhiệm vụ Phó Thủ tướng giao. Nhưng nếu không hoàn toàn của tư nhân, Bộ VH-TT-DL đã “chịu trách nhiệm nội dung tư tưởng của phim” thì bây giờ quả là khó cho Cục Điện ảnh khi quyết định. Tại sao Bộ VH-TT-DL lại xía vô bộ phim này nhỉ, một bộ phim tầm phào về giá trị nghệ thuật, khiến bây giờ lúng túng như gà mắc tóc? Nếu cứ để cho các hãng phim chủ động làm phim, rồi bộ phim nào đáp ứng các yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, sẽ chọn phục vụ lễ hội, thì vấn đề sẽ thật đơn giản!
Vấn đề còn phức tạp thêm khi xuất hiện cái công văn số 1140 ngày 6/8/2010 do Phó giám đốc Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình (Đài truyền hình Việt Nam) Tạ Sơn Đông ký, mời gọi quảng cáo khi phát sóng bộ phim. Có thông tin cho biết thời lượng quảng cáo mời gọi ấy chính là số tiền 10% dự án làm phim mà Đài truyền hình Việt Nam góp vào. Tóm lại, bộ phim là sự hợp tác giữa Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành, kênh truyền hình ASEAN- Trung Quốc và Đài Truyền hình Việt Nam. Bộ phim… hàng Trung Quốc này, ai có thể cấm nó chiếu trên kênh truyền hình ASEAN- Trung Quốc? Đến đây, câu chuyện về bộ phim được Bộ VH-TT-DL “chịu trách nhiệm nội dung tư tưởng” sẽ trở thành câu chuyện hài hước điển hình trong quản lý văn hóa ở nước ta.
Bàn về quản lý văn hóa, xin nhắc thêm vụ người mẫu Bebe Phạm để lộ ngực vào tối 5-9-2010 tại khách sạn Sheraton (TP Hồ Chí Minh). Buổi tối thời trang ấy, Bebe Phạm mặc chiếc váy màu xanh lá cây khoét ngực khá rộng và khi cô đang trình diễn thì váy tuột xuống, để lộ gần như toàn bộ ngực phải.
VietNamnet cho biết: “Sáng 7/9, ban tổ chức chương trình thời trang đã phải tường trình với Sở VH-TT-DL TP Hồ Chí Minh về sự cố lộ ngực của người mẫu Bebe Phạm. Cơ quan quản lý sẽ xem xét đây là việc vô tình hay cố ý, và bộ trang phục có được duyệt hay chưa. Ông Võ Trọng Nam, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở VH-TT-DL TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu bộ trang phục người mẫu Bebe Phạm trình diễn trong đêm thời trang chưa được kiểm duyệt trước đó thì chắc chắn ban tổ chức chương trình này sẽ bị xử phạt nặng”.
Như thế, việc để lộ ngực không nghiêm trọng bằng việc đã đem cái váy ấy cho Sở VH-TT-DL TP Hồ Chí Minh duyệt hay chưa. Tiếp đó, trong bản tin ngày 10-9, VietNamnet viết: “Đến thời điểm này vụ việc đã đi theo diễn biến khác. Ông Võ Trọng Nam, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở VH-TT-DL TP Hồ Chí Minh cho biết việc hở ngực của Bebe Phạm được xác định là do vô tình, bộ trang phục cũng đã được kiểm duyệt”. Cũng bản tin này của VietNamnet cho biết thêm chuyện để lộ nội y của cô người mẫu Hà Anh và: “Ông Võ Trọng Nam khẳng định tiết mục biểu diễn của người mẫu Hà Anh đã không qua khâu kiểm duyệt. Do đó, vụ lộ nội y của Hà Anh nhiều khả năng bị phạt nặng hơn việc hở ngực của Bebe Phạm”.
Cùng hành vi hở hang trong lúc biểu diễn có ảnh hưởng tới khán giả, được cho là đáng bị phạt hành chính, nhưng mức xử phạt lại tùy thuộc vào thái độ của người biểu diễn đối với cán bộ ngành văn hóa trước đó. Nếu cái váy gây ra hớ hênh, chưa trình cán bộ ngành văn hóa duyệt, tức là cho xem trước để được chấp thuận mặc trình diễn thì sẽ bị phạt nặng, còn nó đã đưa cho cán bộ ngành văn hóa duyệt thì phạt nhẹ hoặc không phạt.
Sau những vụ gọi là “lộ hàng”, một bài báo viết: “Có lẽ, những vụ “lộ hàng” sẽ chẳng xôn xao, ầm ĩ đến thế nếu như bản thân người trong cuộc có trách nghiệm với nghề hơn và thực sự tôn trọng công chúng”. Đúng thế, nhưng vẫn có người muốn “lộ hàng” vì nhiều lý do, và họ sẽ đưa váy cho ngành văn hóa duyệt trước rồi mặc lên sân khấu “lộ hàng”, ngành văn hóa chẳng xử lý được. Nếu ngành văn hóa không lo duyệt váy nữa, chỉ lo duy trì sự chuẩn mực trong biểu diễn chắc sẽ hiệu quả hơn. Mà ngành văn hóa thực ra có cần mất công duyệt váy áo của các cô ca sỹ, người mẫu không nhỉ?
S. N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN