Hà Nội bị nạn úng ngập đe dọa thường trực. Nếu 4 km đường hầm ngập là hệ thống thiết bị hàng trăm triệu USD “vứt đi”…
Thử thách phía trước…
Tháng 12/2006, tuyến đường đã tổ chức khởi công lần đầu tiên tại Mai Dịch. Sau 4 năm, ngày 25/9 đã được khởi công lần thứ 2 tại địa điểm sẽ xây dựng trạm trung chuyển (depot) Nhổn – diện tích 15ha. Trên toàn bộ tuyến, lựa chọn đi trên cao 8,5km từ Nhổn về đến công viên Thủ Lệ, sau đó chui ngầm 4 km từ đầu khách sạn Deawoo qua Kim Mã, rẽ chéo qua Núi Trúc dọc theo Cát Linh – Quốc Tử Giám dừng lại tại Ga Hà Nội.
Theo ý kiến chuyên gia: Vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD thu xếp được…, khó khăn nhất hiện nay là công tác quản lý dự án, quan trọng là phải làm thế nào để quản lý tất cả các bước của dự án. Căn cứ vào các thông tin đã được công bố thì còn nhiều khó khăn nữa các nhà quản lý dự án phải đối mặt.
Cho dù là tuyến đường sắt đô thị hiện đại đầu tiên xây dựng tại Hà Nội, nhưng đoạn đường đi trên cao với các đoạn vượt đường, vượt sông… không quá phức tạp, về cơ bản lực lượng chuyên môn ngành xây dựng, giao thông trong nước đáp ứng được.
Thách thức lớn nhất là 4 km đi ngầm dưới lòng đường. Thông thường thi công đường ngầm thường gặp phải khó khăn như sụt lún, cát chảy và nước ngầm (kèm theo sụt lút cường độ cao). Trong tài liệu trình bày của tư vấn Pháp trước đây: Đường (tunnel) ngầm dưới ga Hà Nội sâu gần -20m (so với mặt đất). Đoạn sâu hơn -25m ở Văn Miếu– Cát Linh. Hà Nội trên nền sông hồ cũ, dưới độ sâu này phổ biến là cát chặt, chặt vừa hay cát pha sét và nước ngầm phong phú. Tất nhiên là các số liệu khảo sát sẽ chính xác thông tin hơn nhiều, nhưng những khó khăn này là có thể thấy trước .
Hà Nội bị nạn úng ngập đe dọa thường trực. Mưa to ngập, mưa nhỏ cũng ngập. Ngập trên mặt đường, xe máy ô tô lội nước “vô tư”, hỏng của ai người ấy phải sửa. Nhưng nếu 4km tunnel ngập là hệ thống thiết bị hàng trăm triệu USD “vứt đi”. Tầu chạy điện, thiết bị điều khiển tự động điện tử, ẩm ướt là trục trặc ngập nước là tê liệt .Nếu 4km ngập thì bơm 120.000m3 nước đi đâu khi mưa ngập thì hồ nội thành nào cũng đã đầy ứ?
Phương án chống úng ngập tư vấn đề xuất là lối vào xây bậc cao để ngăn nước tràn vào. Tunnel có mặt cắt hình tròn đường kính 6,3m, vừa khít toa tầu – thoát nước trong tunnel không đề cập.
Đường ngầm các nước có gặp úng ngập?
Tại Nhật để chống úng ngập cho hệ thống đường ngầm và 97 ga ngầm dầy đặc dưới lòng đất, họ làm hệ thống “G-cans”. Có 5 giếng sâu 65m, đường kính 32m. Nối 5 giếng này là sông ngầm bằng bê tông đường kính 50m, dài 6,3km. Tất cả đổ dồn về bể chứa khổng lồ dung tích hơn 20 triệu m3. Hệ thống bơm cực mạnh bơm ra sông Edogawa.
Chống ngập đường ngầm New York bằng hệ thống bơm thoát nước 48 triệu m3 / ngày đêm. (11/2008, trạm Yên Sở bơm 23 triệu m3 nước ra sông Hồng hết 4 ngày). Vậy 4 km đường ngầm Hà Nội chống ngập bằng xây bậc cao lối xuống có đảm bảo an toàn? Nếu không thì sẽ bằng cách nào? Các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam có cao kiến gì đây? Các trường Đại học có hướng dẫn sinh viên nghiên cứu đề tài này không…? Hy vọng sẽ có rất nhiều sáng kiến đóng góp.
Khi gặp nền đất tơi xốp sẽ gây khó khăn cho việc thi công bằng máy đào TBM (Tunnel Boring Machines), có thể thay các tunnel ngầm sâu bằng cách đi sát mặt đất. Chọn kích thước nào co mặt cắt tunnel để có thể khai thác đa mục đích và đồng bộ hóa thiết bị đào chung cho các tuyến tunnel ngầm cả thành phố? Dẫn đến chọn một chuẩn chung cho kích thước tàu, đường ray, công nghệ động lực, điều khiển… thuận lợi cho công tác duy tu bảo dưỡng sau này.
Tuyến metro đầu tiên Hà Nội đã khởi động, đây là cơ hội cho các nhà kỹ thuật chuyên môn Việt Nam rèn luyện và trưởng thành (đặc biệt là các bạn trẻ). Trước tiên chúng ta cùng tìm ra lời giải cho những câu hỏi đơn giản đã đặt ra trong bài viết này.
(Nguồn ảnh: Hanoidata ST&BT, VNE)
T. H. A.
Nguồn: http://bee.net.vn/channel/1983/201009/Tuyen-metro-Nhon-Ga-Ha-Noi-4km-di-ngam-va-ung-ngap-1769744/