Ông Lưu Đức Hải – Chủ nhiệm khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, bày tỏ quan điểm với Bee.net.vn về đề nghị hoãn xây dựng 11 con đập thuỷ điện trên sông Mê Kông của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF).
Việt Nam, Campuchia chịu ảnh hưởng nhiều nhất
Mực nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, theo ông nguyên nhân vì sao?
Mực nước ở ĐB SCL năm nay có thể thấp hơn các năm trước là do nhiều yếu tố, trong đó có các nhân tố cơ bản sau:
– Lượng mưa thay đổi thất thường theo từng năm là một trong những tác nhân cơ bản khiến cho mực nước các dòng sông không ổn định. Yếu tố này liên quan đến thời tiết, khí hậu, nhiệt độ… Trong giai đoạn biến đổi khí hậu mạnh mẽ như hiện nay, thì lượng mưa thay đổi là điều đã được dự báo từ trước.
– Mực nước thủy triều ở cửa biển cũng ảnh hưởng đến mực nước dòng sông lên xuống trên các con sông ở BĐ SCL.
– Các công trình nhân tạo xây dựng trên các dòng sông chính cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến lượng nước có nguy cơ giảm đi đáng kể. Các đập thủy điện giữ vai trò rất quan trọng trong việc vận hành dòng chảy của các con sông.
Chúng ta có thể thấy phần lãnh thổ Trung Quốc xây dựng rất nhiều đập thủy điện. Nước này dự kiến sẽ xây dựng hơn 200 đập, trong đó có 20 con đập đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các quốc gia như Lào, Thái Lan… cũng xây dựng rất nhiều đập thủy điện trên phụ lưu của sông Mê Kông.
Chính việc xây dựng hàng loạt con đập ở phía thượng nguồn con sông khiến cho nguồn nước bị ngăn lại tại các hồ chứa. Do đó, phần hạ lưu sông Cửu Long bị cạn kiệt nước là điều khó tránh khỏi.
Hiện 11 đập thủy điện sẽ được đề xuất xây dựng ở phần hạ lưu sông Mê Kông, đoạn chảy qua Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Nếu những con đập này được vận hành, ảnh hưởng của chúng tới mực nước ĐBSCL như thế nào?
Đó là một cuộc khủng hoảng thực sự về môi trường đối với các nước ở vùng hạ lưu sông Mê Kông. Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là Việt Nam và Campuchia.
Mỗi quốc gia đều có cách vận hành và sử dụng đập thủy điện phục vụ cho nhu cầu và lợi ích của dân tộc mình. Do đó, việc tích trữ nước ở các hồ chứa sẽ tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đến mực nước ở phía hạ lưu, kéo theo lượng phù sa cũng giảm đi đáng kể.
Hiện nay, lưu lượng nước sông Mê Kông chảy vào lãnh thổ Việt Nam là khoảng 500 km3 nước/ năm, chở theo gần 500 triệu tấn phù sa bồi đắp. Khi xây dựng các con đập, lượng nước bị giữ lại ở phía thượng nguồn, kéo theo lượng phù sa cũng bị lắng đọng ở các hồ chứa, chỉ còn 1 lượng rất nhỏ có thể tràn qua đập vào Việt Nam và Campuchia.
Do đó, người dân sẽ phải bón thêm phân hữu cơ và vô cơ cho đất canh tác, gây ô nhiễm môi trường. Không những thế, hàng loạt loài tôm cá ở các con sông cũng bị tiêu diệt vì mất nơi sinh sản đầu nguồn.
Ngoài ra, nó còn kéo theo những hệ lụy về chức năng giao thông ở hạ lưu, tài nguyên ven bờ và quanh lưu vực các con đập, an toàn của các con đập đối với cuộc sống của người dân và sự thiếu hụt phù sa, gây biến động vùng bờ đối với vùng hạ lưu sông…
Nghiên cứu kỹ cả những đập ở phụ lưu nhánh sông
Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) đã lên tiếng đề nghị hoãn xây dựng 11 con đập trên các dòng chảy chính của sông Mê Kông để nghiên cứu kỹ hơn những tác động của việc xây dựng và vận hành chúng. Ông nghĩ thế nào về đề nghị này của WWF?
Ý kiến của WWF là rất đúng và cần thiết cho giai đoạn hiện nay. Trong tương lai, nên chấm dứt hoàn toàn ý tưởng xây dựng các con đập để bảo vệ tài nguyên môi trường và sinh thái xung quanh khu vực sông Mê Kông.
Việc xây dựng các con đập có thể nhìn thấy trước được hậu quả, tác hại của nó. Trong đó, Việt Nam và Campuchia được coi là hai quốc gia sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Theo ông, Việt Nam nên làm gì trong giai đoạn hiện nay?
VN nên cùng các nước trong tổ chức UB các nước sông Mê Kông ngồi lại bàn bạc, hợp tác về quản lý và nghiên cứu một cách thấu đáo hơn nữa những vấn đề liên quan đến lưu vực sông Mê Kông.
Các công trình thủy điện trên sông cần phải được xem xét và đánh giá kỹ từ quy hoạch đến vận hành hoạt động, kể cả các công trình ở phụ lưu các nhánh sông. Các đập ở sông chính thì tuyệt đối không nên xây dựng. Chúng ta cũng cần xây dựng một cơ chế, biện pháp để quản lý các tài nguyên trên dòng sông như nước, rừng, cá tôm, và các loài sinh vật học.
Yến Nhung (thực hiện)
Nguồn: http://bee.net.vn/channel/3724/201009/WWF-de-nghi-hoan-xay-11-con-dap-y-kien-rat-dung-1769762/