SGTT.VN – Theo bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất Việt Nam (V-1000), số lượng doanh nghiệp tư nhân đã chiếm tỷ lệ ngang với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất Việt Nam (V-1000) do công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam thực hiện, được công bố hôm qua (23.9) đã gợi lên rất nhiều suy nghĩ về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới. Bởi vì, bất ngờ trong bảng xếp hạng này là số lượng doanh nghiệp tư nhân đã vươn lên chiếm tỷ lệ (khoảng 33%) ngang bằng với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) về đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp (tính cho ba năm: 2007 – 2009)…
Gọi là bất ngờ bởi trong những thống kê trong nhiều năm qua của nhiều cơ quan, tổ chức nghiên cứu kinh tế trong nước đều cho thấy, khối DNNN luôn có tỷ lệ nộp thuế cao nhất, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều đó không lạ bởi ai cũng biết, khu vực DNNN xưa nay nắm giữ hầu hết nguồn lực của nền kinh tế: tài chính, đất đai, khoáng sản…, độc quyền trên nhiều lĩnh vực kinh doanh: điện, xăng dầu, dầu khí. Nhưng với kết quả khảo sát của VNR 500, riêng về thuế thu nhập doanh nghiệp, trong số mười doanh nghiệp nộp nhiều nhất, đứng đầu lại không phải tập đoàn Dầu khí Việt Nam như nhiều người dự đoán mà là công ty Thông tin di động (Mobifone) với số thuế phải nộp 6.000 tỉ đồng. Tập đoàn Dầu khí chỉ đứng thứ 5 và tập đoàn Than – khoáng sản đứng thứ 6. Trong “top ten” này còn có mặt cả công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, công ty TNHH liên doanh Phú Mỹ Hưng…
10 doanh nghiệp đứng đầu trong V-1000:
1. Công ty Thông tin di động (MobiFone)
2. Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel)
3. Tổng công ty khí Việt Nam – Công ty TNHH MTV
4. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)
5. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam)
6. Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam
7. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)
8. Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank)
9. Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam
10. Công ty TNHH liên doanh Phú Mỹ Hưng
Có không ít doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước như tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin)… vì số thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 9 tỉ đồng hay có chuyện nợ đọng thuế, kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả… nên không được nằm trong danh sách.
Tại cuộc toạ đàm “Doanh nghiệp và phát triển” do bộ Khoa học và công nghệ vừa tổ chức tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A nói rằng, dựa trên những thông tin, số liệu chính thức của Nhà nước (tổng cục Thống kê, bộ Kế hoạch và đầu tư, bộ Công thương…) mà ông thu thập được, trước nay, khu vực DNNN đứng số một về sở hữu nguồn lực nhưng luôn đứng “hạng bét” về đóng góp cho GDP (chỉ chiếm 1/3), tạo việc làm, hiệu quả sử dụng vốn, đóng góp cho thương mại nội địa, đóng góp vào sản lượng nông, lâm, ngư nghiệp…
Riêng về thuế, theo tính toán của ông Nguyễn Quang A, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp của khối DNNN hiện chỉ chiếm khoảng 7% tổng thu ngân sách, là con số quá thấp so với những đặc quyền của khu vực kinh tế này được hưởng. Hơn nữa, những DNNN hiện có đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn như tập đoàn Dầu khí, tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam… thì thực chất, thu nhập của các tập đoàn này chủ yếu dựa trên việc moi tài nguyên của đất nước lên bán. Đó không thể coi như một thành tích của doanh nghiệp. Cũng giống như các khoản thuế VAT mà Sabeco, Habeco thu tiền khi bán bia, thực chất là doanh nghiệp đi thu hộ, nộp vào ngân sách.
Nhưng những đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân là những đóng góp thực, từ năng lực sản xuất, kinh doanh của chính họ, không dựa trên những ưu đãi nào cả. Tất cả cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân, dù có nhiều khó khăn như nguồn lực kém, bị phân biệt đối xử trong quyền tiếp cận các nguồn lực tài chính, đất đai, khoáng sản…, trải qua nhiều khó khăn lớn như chịu tác động của đợt lạm phát năm 2007, khủng hoảng tài chính thế giới 2008 – 2009 nhưng có một sức sống mãnh liệt, vẫn đóng góp lớn cho nền kinh tế.
Hiện nay, Nhà nước vẫn xác định khu vực DNNN giữ vai trò chủ đạo. Điều này đang gây lên mối quan ngại là những nguồn lực lớn của đất nước vẫn được tập trung để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện vai trò đó, chèn ép khu vực kinh tế tư nhân. Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan tin rằng, cho dù “vai trò chủ đạo” vẫn cứ được khư khư giữ cho khu vực DNNN, dù còn bị nhiều ràng buộc, đối xử về chính sách thì khối doanh nghiệp dân doanh vẫn lừng lững đi bằng năng lực thực tế, sự linh hoạt, năng động của nó, bằng yêu cầu khách quan của sự phát triển. Mà điều đó, đã thể hiện phần nào qua bảng xếp hạng V-1000.
Qua Bảng xếp hạng V-1000 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang có tính tập trung khá cao và phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp lớn. Cụ thể là 200 doanh nghiệp đứng đầu trong Bảng xếp hạng V-1000 đóng góp tới 80% lượng thuế thu được từ 1.000 doanh nghiệp trong bảng.
Về cơ cấu ngành nghề, ngành viễn thông có tổng lợi nhuận rất lớn so với các ngành kinh tế khác trong 3 năm qua. Sát theo đó, 3 ngành nổi bật chiếm tỷ trọng lớn nộp vào ngân sách Nhà nước trong Bảng xếp hạng V-1000 là các doanh nghiệp ngành xây dựng-vật liệu xây dựng, bất động sản và ngân hàng.
Xếp thứ hạng cao trong bảng xếp hạng là các doanh nghiệp thuộc 2 thành phố đầu tàu của cả nước là Hà Nội và TPHCM với tỷ trọng lần lượt là 22,5% và 37,6%. Đồng Nai và Bình Dương là hai tỉnh phía Nam có nhiều doanh nghiệp lọt vào Bảng xếp hạng V1000, tương ứng là 7,8% và 6,6%. Các tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn hầu như không có doanh nghiệp nằm trong Bảng xếp hạng V1000.
Đây là năm đầu tiên Bảng xếp hạng V-1000 được công bố để ghi nhận và tôn vinh các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, tuân thủ luật pháp, chính sách về thuế và đóng góp thuế thu nhập lớn cho ngân sách quốc gia.
M. Q.
Nguồn: http://sgtt.vn/Goc-nhin/129915/Bat-ngo-voi-vai-tro-chu-dao-cua-kinh-te-ngoai-quoc-doanh.html