23/9/2010
Các diễn biến gần đây đã chứng thực rằng Trung Quốc phải đối mặt với Nhật Bản và Hoa Kỳ vì tham vọng lãnh thổ của mình. Các quốc gia Châu Á khác thì đang đề cao cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân “ruồi muỗi” khi “trâu bò húc nhau”.
Trung Quốc có một danh sách dài các tranh chấp về đất đai và biển đảo. Bao gồm dải cao nguyên Himalaya tranh chấp với Ấn Độ và các đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa cũng đang tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei.
Khi nền kinh tế chính trị của Bắc Kinh ngày càng lớn, giờ đây nhiều nước láng giềng của Trung Quốc phải tìm chỗ dựa tin cậy để bảo vệ lãnh thổ của mình trước một người khổng lồ mà hiểu theo nghĩa đen, họ không có khả năng “đụng chạm”.
Những lời đe dọa dùng biện pháp mạnh của Trung Quốc đối với Nhật Bản – quốc gia đã từ chối phóng thích một viên thuyền trưởng tàu cá người Trung Quốc bị phía Nhật Bản bắt giam trong sự cố xảy ra tại vùng biển tranh chấp ở Hoa Đông cách đây hai tuần – đã gây rúng động cả khu vực.
Và Bắc Kinh đã cảnh báo Hoa Kỳ không được dính vào một trong các tranh chấp phức tạp nhất hiện nay, chính là Biển Đông, trong cuộc họp giữa Tổng thống Barack Obama và lãnh đạo các nước Đông Nam Á hôm thứ Sáu vừa qua tại New York.
Các quốc gia nhỏ hơn phải bảo đảm họ không trở thành, nói như một câu ngạn ngữ xưa “đám cỏ trong bãi đấu trâu”, ông Simon Tay thuộc Viện Quan hệ quốc tế Singapore nói. Theo ông Tay, nếu các cường quốc đang cạnh tranh với nhau bắt đầu động thái “đẩy, kéo”, thì 10 thành viên khối Đông Nam Á phải xuất hiện như một mặt trận thống nhất, chứ không được phân mảnh kiểu Chiến tranh lạnh.
Trung Quốc kịch liệt phản đối việc “quốc tế hóa” các tranh cãi lãnh thổ của mình. Họ thích đối phó nhẹ nhàng với mỗi nước có tranh chấp trên cơ sở song phương, một cách thức mang lại cho họ nhiều ưu thế hơn.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đề xuất một cách tiếp cận đa phương về Biển Đông tại cuộc hội đàm an ninh tháng Bảy tại Hà Nội, đã gặp phải những lời chỉ trích gắt gao từ phía đại lục.
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo thuật lại các cuộc tranh luận sau đó giữa người đồng nhiệm Trung Quốc và bà Clinton: “Đúng là có một cuộc đấu khẩu khá thú vị và sắc cạnh giữa người Mỹ và người Trung Quốc”. “Tại một số thời điểm, bầu không khí có chút căng thẳng “, ông nói giảm nhẹ theo lối ngoại giao.
Trung Quốc khẳng định hoàn toàn chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông – một khu vực trù phú về sản lượng dầu mỏ, khí đốt, thủy sản, cũng như là một đường thủy chiến lược liên kết khu vực Đông Á với châu Âu và Trung Đông.
Tuy nhiên, bà Clinton cho rằng giải quyết các tranh chấp mới là “mấu chốt” cho vấn đề ổn định khu vực và lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, điều này đã đánh dấu mối quan tâm của người Mỹ đối với mối đe dọa đang hình thành trong thông thương hàng hải.
Trong tháng Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates ra lệnh cho hải quân tiến vào Biển Đông và ám chỉ mối đe dọa bị cáo buộc chống lại các công ty dầu khí Mỹ quan tâm đến hoạt động thăm dò ngoài khơi vùng biển tranh chấp với Việt Nam.
Năm ngoái, các tàu Trung Quốc đã gây hấn với tàu giám sát của hải quân Hoa Kỳ tại khu vực tranh chấp, tức Biển Đông – nơi mà các nhà chỉ trích của Bắc Kinh ví như một cái “hồ Trung Hoa”.
Ấn Độ cũng tỏ ra cảnh giác trước sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn của đại lục tại các cảng đang được xây dựng ở Bangladesh, Sri Lanka và Pakistan – những động thái được xem như một phần của những tham vọng về một hạm đội hải quân hùng hậu trên biển của Trung Hoa.
Một số quốc gia khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam – quốc gia đã dám đối đầu với hải quân Trung Quốc ở Biển Đông trong một trận chiến năm 1988 – hoan nghênh thiện chí mới của Mỹ thể hiện qua các hoạt động gần đây như một đối trọng với Bắc Kinh.
Trung Quốc đã bảo đảm với 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á rằng họ không hề có tham vọng bá quyền và cho đến nay họ cũng chứng tỏ không có dấu hiệu xâm lấn quân sự nào. Nhưng điều người ta vẫn lo ngại là nếu được kiểm soát, Trung Quốc sẽ trở thành một kẻ hay bắt nạt ở khu vực.
Tuy nhiên, Li Mingjiang thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) cho biết, các chính phủ không có tranh chấp thì tỏ ra không hăng hái lắm về những nỗ lực giành lại “miếng bánh cũ” ở châu Á của Washington.
Thái Lan, Campuchia và Singapore “thực sự không muốn nhìn thấy bất kỳ một cuộc đối đầu nào giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bởi trong hoàn cảnh ấy, họ (Thái Lan, Campuchia và Singapore) có thể phải chọn người này, bỏ người kia và đó là điều họ rất miễn cưỡng để làm”.
Một số nhà quan sát nói rằng Trung Quốc đã bị kích động bởi Mỹ và Nhật Bản qua hành động từ chối thả thuyền trưởng tàu cá của Trung Quốc có va chạm với tàu tuần dương Nhật Bản.
Cựu Tổng thư ký ASEAN Rodolfo Severino nói các quốc gia trong khu vực sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng mục tiêu chủ quyền lãnh thổ của họ một cách lâu dài bất chấp sự lớn mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. “Sự quan tâm của khu vực Đông Nam Á trong vấn đề này là không nên làm gián đoạn hòa bình và ổn định cũng như sự tự do thông thương hàng hải”, ông Severino nói. “Đồng thời, Đông Nam Á không muốn Trung Quốc và Nhật Bản đi đến xung đột hoặc tương tự giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc không nên bị kích động vào các biện pháp bạo lực”.
Trước tình huống mới này, “một cơ hội lớn đang nằm trên bàn hoặc không khéo cũng trở thành nguy cơ rất lớn”, Ernest Bower từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington cho biết: “Câu hỏi đặt ra là liệu nghệ thuật ngoại giao và chủ nghĩa khu vực châu Á có thể thành công?” Ông nói: “Thất bại trong nỗ lực này sẽ dẫn đến rủi ro không thể tha thứ đe dọa sự liên tục trong tăng trưởng kinh tế của châu Á, cũng như hòa bình và thịnh vượng trong tương lai”.
Nguồn: http://news.ph.msn.com/regional/article.aspx?cp-documentid=4352771
Quốc Ngọc dịch
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN