Ngày 7 tháng 9 vừa qua, tàu đánh cá Mân Tấn Ngư của Trung Quốc đã đâm vào hai tàu tuần duyên Nhật Bản, gần quần đảo Senkaku mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đài. Phía Nhật đã bắt giữ ông Chiêm Kỳ Hùng, thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc cùng thủy thủ đoàn trên chiếc tàu này.
Một tuần sau, phía Nhật thả toàn bộ thủy thủ đoàn Trung Quốc cùng với tàu đánh cá của họ nhưng vẫn còn giữ thuyền trưởng tàu Trung Quốc để điều tra vì Nhật nghi ngờ thuyền trưởng Trung Quốc cố tình lái tàu Mân Tấn Ngư đâm vào hai tàu tuần duyên của Nhật.
Nhân sự kiện này, Ngọc Trân đã phỏng vấn ông Đinh Kim Phúc, một trong những người chuyên nghiên cứu về biển Đông, hiện đang làm việc tại Đại học Mở TP.HCM. Mời quý vị cùng nghe.
Nhật Bản cứng rắn hơn
Ngọc Trân: Thưa ông, là một người theo dõi sát các hành động của Trung Quốc, ông nghĩ sao về diễn biến vụ tàu Mân Tấn Ngư và hành động của cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản trong chuỗi sự kiện này?
Đinh Kim Phúc: Trước nhất cần phải nhắc lại rằng, vấn đề chủ quyền không rõ ràng của quần đảo Senkaku là do lịch sử để lại. Theo Tuyên Bố Caire tháng 11 năm 1943 cũng như theo nội dung Hòa ước San Francisco 1951, thì Nhật sẽ từ bỏ chủ quyền đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ nhưng không đá động gì đến quần đảo Senkaku. Kế đến là Hòa ước giữa Trung Hoa Dân Quốc và Nhật Bản, ký kết tại Đài Bắc ngày 28-4-1952 cũng không hề nhắc đến quần đảo Điếu Ngư.
Cho dù quần đảo gọi là Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản hay Điếu Ngư Đài theo cách gọi của Trung Quốc thuộc về bất kỳ bên nào thì hành động tàu đánh cá Trung Quốc đâm vào hai tàu Nhật Bản vẫn không thể chấp nhận được. Luật pháp quốc tế xem đó là hành động khủng bố, có tính chất gây hấn.
Tuy nhiên khác với cách giải quyết vấn đề của Việt Nam, Nhật Bản đã tỏ ra cứng rắn hơn. Họ giữ tàu và bắt thủy thủ đoàn Trung Quốc ngay lập tức để điều tra.
Ô. Đinh Kim Phúc
Giả sử tàu Nhật Bản bị đâm chìm, thủy thủ của Nhật Bản bị thiệt mạng trong tai nạn này thì những công dân Trung Quốc trên tàu Mân Tấn Ngư sẽ trở thành kẻ giết người. Trung Quốc hành động như vậy là bất chấp sự an nguy của con người, coi thường tính mạng của người Nhật giống như họ đã từng làm đối với người Việt trong khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tôi nghĩ, nếu không có sự ủng hộ nào đó từ phía sau thì chẳng có tàu đánh cá nào dám hành xử càn rỡ như vậy trên biển.
Tuy nhiên khác với cách giải quyết vấn đề của Việt Nam, Nhật Bản đã tỏ ra cứng rắn hơn. Họ giữ tàu và bắt thủy thủ đoàn Trung Quốc ngay lập tức để điều tra.
Tuy nhiên khác với cách giải quyết vấn đề của Việt Nam, Nhật Bản đã tỏ ra cứng rắn hơn. Họ giữ tàu và bắt thủy thủ đoàn Trung Quốc ngay lập tức để điều tra. Đã hai lần phía Nhật gia hạn thêm thời gian tạm giam đối với thuyền trưởng tàu Trung Quốc, bất kể điều đó có thể ảnh hưởng đến quan hệ Nhật-Trung.
Ngọc Trân: Thưa ông, không phải là có thể ảnh hưởng mà trên thực tế, vụ bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc và ngư dân Trung Quốc đã cũng như đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Trung-Nhật.
Sau khi tàu Mân Tấn Ngư và thủy thủ đoàn của con tàu này bị giữ, phía Trung Quốc đã hoãn một phiên đàm phán với Nhật Bản về vấn đề biển Hoa Đông.
Chưa kể Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc đến gặp để phản đối. Mức độ phản đối của Trung Quốc đã tăng dần. Khởi đầu chỉ là phát ngôn viên Bộ Ngoại giao phản đối, sau đó đến Thứ trưởng Ngoại giao, rồi Bộ trưởng Ngoại giao, Ủy viên Quốc vụ viện. Mới đây, đích thân ông Ôn Gia Bảo, người đứng đầu chính phủ Trung Quốc đã chính thức răn đe Nhật rằng, Trung Quốc sẽ có biện pháp mạnh nếu Tokyo không thả thuyền trưởng tàu Mân Tấn Ngư.
Theo ông, vì sao Trung Quốc phản ứng quyết liệt như vậy? Có người cho rằng, Trung Quốc làm như vậy là để răn đe các lân bang đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển, ông có nghĩ như vậy không?
Đinh Kim Phúc: Phản ứng của Trung Quốc cho thấy dường như họ có sự chuẩn bị trước về hành động gây hấn đối với tàu Nhật Bản. Mặc dù chỉ có một thuyền trưởng bị phía Nhật Bản bắt giữ để điều tra về một hành vi mà tất cả các quốc gia đều xem là tội hình sự nhưng thái độ của phía Trung Quốc rất khác với đạo lý và tập quán hành xử chung của cộng đồng quốc tế. Cũng vì vậy, chuỗi hành động ấy khiến nhiều người nghĩ rất xấu và rất lo ngại về Trung Quốc.
Cách đây ít ngày, tờ “The New York Times” có một bài nhân sự kiện Thủ tướng Ôn Gia Bảo phản đối vụ hải quân Nhật bắt tàu đánh cá Trung Quốc và giam giữ thuyền trưởng của họ tại quần đảo Senkaku. Khi phát biểu trước cộng đồng Hoa kiều tại New York, ông Ôn Gia Bảo tuyên bố: “Điều này là hoàn toàn bất hợp pháp, không hợp lý và đã gây ra nhiều đau khổ cho gia đình thuyền trưởng”.
Tôi không rõ lúc nói như thế, ông Ôn Gia Bảo có nghĩ đến hàng trăm ngư dân Việt Nam đã bị phía Trung Quốc bắt giữ, đánh đập, tịch thu tàu thuyền, ngư cụ… khi họ kiếm sống ở vùng biển mà cha ông ta bao đời nay đã ra khơi kiếm sống. Sau những hành động như thế của phía Trung Quốc, đã có rất nhiều gia đình tán gia bại sản, mất người thân.
Tàu thì lạ, sự hèn hạ thì quen
Ngọc Trân: Bởi ông vừa nhắc đến lối hành xử của Trung Quốc đối với người Việt trên biển Đông, xin nêu ra thêm một điểm đáng lưu ý khác trong sự kiện tàu Mân Tấn Ngư. Đó là mặc dù Trung Quốc phản ứng quyết liệt nhưng hơn hai tuần sau khi sự cố xảy ra, phía Nhật Bản không những không nhượng bộ mà còn khẳng định sẽ xử lý vụ việc một cách nghiêm túc theo đúng luật lệ của Nhật Bản.
Nếu tôi không lầm thì hình như chưa bao giờ chính phủ Việt Nam triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đến để phản đối. Sự dè dặt trước thái độ có thể gọi là hung hãn của Trung Quốc khiến nhiều người ái ngại.
Ô. Đinh Kim Phúc
So sánh thái độ của chính phủ Nhật Bản và thực tế hành xử của chính phủ Việt Nam đối với những hành động không thể chấp nhận được của Trung Quốc trên các vùng biển quanh họ, hình như phản ứng của chính phủ Việt Nam chưa đúng và chưa đủ mức cần thiết?
Đinh Kim Phúc: Những gì đã xảy ra đối với ngư dân Việt Nam nguy hiểm và đáng lên án hơn nhiều so với những gì mà tàu Mân Tấn Ngư gây ra đối với các thủy thủ Nhật Bản. Tiếc là phản ứng của Việt Nam thường chỉ dừng lại ở mức độ người phát ngôn của Bộ Ngoại giao.
Nếu tôi không lầm thì hình như chưa bao giờ chính phủ Việt Nam triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đến để phản đối. Sự dè dặt trước thái độ có thể gọi là hung hãn của Trung Quốc khiến nhiều người ái ngại. Không phải tự nhiên mà một blogger than rằng: “Tàu thì lạ, sự hèn hạ thì quen”. Số người nhớ và đồng cảm với tiếng than đó của blogger Osin là một chỉ dấu đáng ngẫm nghĩ.
Ngọc Trân: Khi hèn hạ mà thành quen thì rõ ràng là không ổn. Một số người bảo rằng, người Việt ngày nay cần học lại lịch sử để không hổ thẹn với tiền nhân. Ông nghĩ sao về điều đó?
Đinh Kim Phúc: Khi đã có một Đặng Tiểu Bình tuyên bố biển Đông là “chủ quyền thuộc ngã” và khi Trung Quốc tuyên bố biển Đông là khu vực “lợi ích cốt lõi” của họ thì khó dùng tinh thần hiếu hòa của người Việt để ngăn chặn tham vọng của phương Bắc.
Lịch sử Việt Nam có nhiều bài để học. Vấn đề là học như thế nào và hành ra sao để ngăn chặn được nguy cơ không chỉ riêng cho dân tộc mà còn là nguy cơ đối với đảng cầm quyền và những người lãnh đạo đất nước.
Ngọc Trân: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Lesson-for-vietnam-as-island-dispute-between-japan-and-china-qa-ntran-09252010133211.html