Trên Thanh niên (http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201035/20100829011229.aspx) trong mấy ngày qua có đăng bài viết 5 kỳ của Nguyễn Thế Tường, nhan đề Vị tướng thiên tài và bình dị. Theo cảm quan của cá nhân tôi thì đó là một bài viết đi sâu vào khía cạnh bình dị với những tư liệu không phải ai cũng may mắn có được, dựa trên hàng chục lần, với hàng tháng trời tác giả được đi cùng Đại tướng dịp ông về quê. Sau đó, trên báo CAND đăng bài viết Xung quanh bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của tác giả Nguyễn Thế Tường: Cần có thái độ đúng mực và cẩn trong trong cả khâu viết và khâu biên tập.
Bài viết có nội dung chính như sau:
“Sẽ không có gì phải nói nếu đó là những hồi ức góp phần làm tôn vinh thêm hình ảnh vốn dĩ đã cao cả và tốt đẹp của vị Đại tướng “thiên tài và bình dị”. Đằng này, với giọng văn suồng sã theo kiểu “gần chùa gọi bụt bằng anh” và những chi tiết đời thường không thể ai kiểm chứng được, tác giả Nguyễn Thế Tường đã chủ yếu chỉ kể chuyện anh “đã từng chọc giận ông cụ, chọc quê và cả quát…”.
Có vẻ như tác giả Nguyễn Thế Tường muốn “lấy le” với độc giả bằng thái độ lắm khi cà chớn vì quá chén trong giao tiếp với một danh nhân hơn là để góp phần vào tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp như ông xứng đáng. Ngay cả nếu như trong đời thực những sự việc như thế không may đã xảy ra và Đại tướng với tấm lòng rộng lượng, không chấp nê những kẻ dưới vì những cử chỉ khiếm nhã của họ thì lại càng không nên dương dương tự đắc kể lại những hành vi như thế một cách khoái trá như tác giả Nguyễn Thế Tường đã làm. Vì điều này làm tổn thương nặng nề tình cảm của những người ngưỡng vọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Là một nhà văn từng viết được những truyện ngắn hay như “Hồi ức binh nhì”, tác giả Nguyễn Thế Tường hẳn cũng đã biết câu thơ của thi hào Nga Lermontov: “Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng, Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ”. Đằng này Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã, đang và sẽ mãi mãi là một biểu tượng sống động của trí tuệ và thiên tài quân sự Việt Nam nên chúng ta lại càng không bao giờ được cho phép mình có thái độ vô lễ đối với ông như bằng vai phải lứa…
Thiết nghĩ, khi viết về những danh nhân như Đại tướng Võ Nguyên Giáp cần một thái độ đúng đắn và chuẩn mực hơn những gì mà tác giả Nguyễn Thế Tường đã thể hiện trong chùm bài của mình. Dư luận chung cho rằng, qua sự việc này, những người đã biên tập và cho in chùm bài viết của tác giả Nguyễn Thế Tường cần rút kinh nghiệm một cách nghiêm khắc vì “yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”.
Bài viết trên CAND chủ yếu nhắm vào kỳ thứ 5, đoạn:
“Ngày thứ 21, ngày cuối cùng của chuyến thăm quê lần ấy xảy ra hai chuyện.
Bắt đầu từ việc tôi đi chơi về khuya, ngủ dậy muộn, quýnh quáng nhảy lên xe không kịp điểm tâm. Sáng hôm ấy cụ sẽ nói chuyện với cán bộ và nhân dân Quảng Trạch, nghỉ trưa tại Ba Đồn để chiều chia tay trên đỉnh Đèo Ngang. Mười giờ sáng, đói bụng, tôi ngồi với nhóm sĩ quan tùy tùng lấy bia thay cơm, đến hơn mười một giờ đã say khướt. Có câu chuyện tôi nghe thủng của một Thiếu tá rằng ban đêm anh vẫn phải ngủ trên bàn làm việc cùng với bao nhiêu khó khăn thiếu thốn khác mà quân đội đang phải gánh chịu. Qua bữa cơm trưa, tới hai giờ chiều, khi mọi người ra xe, cơn say của tôi vẫn chưa thuyên giảm. Tôi nhớ lại chuyện viên Thiếu tá ngủ trên bàn rồi tự dưng nổi giận, và, trời phật ơi! Tôi cứ nhè vào cụ mà quát tháo. Thử hỏi các bạn, trên đất nước này, trái đất này, thế kỷ 20, 21 này có ai như tôi dám quát một ông Đại tướng Tổng tư lệnh không?! Đến nay, 18 năm đã trôi qua, nhắc lại chuyện, những người đi theo hồi ấy còn đùa: Binh nhì mà quát Đại tướng! (Số là, tôi có cái truyện ngắn Hồi ức binh nhì một thời cũng râm ran).
Có điều may mắn là nội dung những câu thét lác của tôi nghe ra cũng có lý. Tôi quát như vầy:
– Tại sao bác lại để cho sĩ quan của mình phải ngủ trên bàn?
– Bác có biết (ai chà!) Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói gì khi Yết Kiêu chống sào đứng chờ chủ tướng bằng được trong khi quân Nguyên đang tới rất gần… Bác nhớ không? Than ôi! Chim hồng chim hộc bay cao được là nhờ đôi cánh… vậy mà bác để cho sĩ quan dưới quyền phải ngủ bàn ngủ ghế…
Bộ đội, công an huyện, cán bộ tỉnh đi theo cứ gọi là được phen sợ hãi. Có điều lạ là, cụ có vẻ thúc thủ nói đi nói lại nhiều lần câu: “Tôi không có quyền, việc nhà đất tôi không can thiệp được”. Cả giáo sư Đặng Bích Hà cũng thế, không hề tự ái, nổi giận mà chỉ đơn thuần thanh minh rất nhũn nhặn: “Anh thông cảm, nhà tôi chả có quyền gì đâu”.
May là, cái việc ấy chỉ diễn ra trong vài phút trên đoạn đường từ phòng nghỉ ra xe”.
Tiếp theo, Thế Tường viết:
“Lúc đó tôi cảm thấy ông gần gũi và thân thiết vô cùng. Ba tôi mất đã gần hai năm. Tôi đã đến tuổi tứ thập mà vẫn thấy chống chếnh. Sinh thời của cụ, hai cha con cũng ít khi có tình cảm ủy mị như vậy. Bây giờ gặp cụ già đồng hương Kiến Giang này, sao tôi thấy gần gũi dễ chịu đến thế”.
Cá nhân tôi đọc không có cảm giác Nguyễn Thế Tường “vô lễ” với ông, mà chỉ thấy đó là đoạn rất thật, bởi chính tôi hồi đó làm báo Quảng Bình (và nhiều người) có mặt chứng kiến, vì thế càng quý trọng Đại tướng hơn. Thấy ông lúc đó như là ông của mình. Chỉ có điều lâu nay ít ai viết như thế nên báo CAND mới bình như trên.
Cần nói thêm: Loạt tài liệu ghi chép của Nguyễn Thế Tường (nhiều và dài hơn) đã được Đại tướng đọc và bút phê: “Tư liệu đúng, đồng ý”. Một phần tư liệu (có đoạn này) đã đăng trên báo Văn nghệ và tác giả đã đến tận nhà biếu tờ báo cho Đại tướng và phu nhân. Tại sao Đại tướng đồng ý mà ông CAND thì viện dẫn “ông dư luận” không đồng tình để “răn dạy”? Ông nói “rút kinh nghiệm” là ai rút kinh nghiệm? Người viết, người đăng hay Đại tướng? Ông nói làm tôi liên tưởng đến đoạn phim tư liệu Bác Hồ ở trần, cầm cái cây phơi áo. Cảnh đó chỉ làm cho Bác vĩ đại hơn mà thôi! Thế mà bao nhiêu người cứ sợ làm hình ảnh Bác xấu đi. Dân ta cần được thấy những hình ảnh lãnh tụ chân thật và giản dị như thế!
N. T. T.
Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/thinhbabel/article?mid=8035&prev=-1&next=8027