Lần đầu tiên một kiến nghị có tính nhân bản được trình lên Quốc hội xin đại xá toàn bộ các cán bộ viên chức chế độ VNCH cũng như đề nghị lấy tên nước là Việt Nam thay vì Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mặc Lâm phỏng vấn TS luật Cù Huy Hà Vũ người viết kiến nghị này mời quý vị theo dõi sau đây.
Tại sao phải “tẩy não”?
Mặc Lâm: Xin cảm ơn TS Cù Huy Hà Vũ đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn đặc biệt ngày hôm nay. Thưa ông, chúng tôi vừa nhận được cái tin là ông đã đưa ra một bản kiến nghị lên Quốc hội Việt Nam để mong muốn rằng Quốc hội Việt Nam làm hai việc: Một là lấy tên Việt Nam làm quốc hiệu thay cho Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và hai là xin ân xá cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa, theo Khoản 10 của Điều 84 Hiến pháp. Xin Tiến Sĩ cho biết thêm về những chi tiết trong kiến nghị này.
Bản thân tôi rất đau xót và thậm chí là căm giận khi Việt Nam hiện nay vẫn còn cái bầu không khí “chống các thế lực thù địch”.
TS Cù Huy Hà Vũ
TS Cù Huy Hà Vũ: Bản thân tôi rất đau xót và thậm chí là căm giận khi Việt Nam hiện nay vẫn còn cái bầu không khí “chống các thế lực thù địch”, coi cuộc chiến kết thúc vào ngày 30-4-1975 như là một thắng lợi có thể gọi là đúng đắn còn người bị đánh bại ở miền Nam thì coi là cái “thế lực xấu xa” và cần phải loại trừ vĩnh viễn ra khỏi cuộc sống của người dân Việt Nam, thì tôi cho chuyện đấy là vô cùng bậy bạ bởi vì đúng là trong cuộc sống có những tranh chấp, ngay cả trong một gia đình cũng vậy thôi.
Người ta có thể cãi nhau, thậm chí lúc nóng lên có thể đánh nhau, nhưng đến khi mâu thuẫn, đến khi xung đột được giải quyết bằng một bên thắng chẳng hạn và một bên thua thì tất cả đều là anh em cũng một nhà cả, hà cớ chi lại lấy sự khác biệt về mặt tư tưởng gọi là cộng sản với tư tưởng gọi là không cộng sản, trong khi cộng sản bây giờ không còn tồn tại trên thế giới nữa và đó là cái của dởm, thì hà cớ gì lại lấy cái của dởm ấy để khẳng định tiếp tục cái cuộc chiến mà đã kết thúc vào 30-4-1975?
Việc nhà cầm quyền Việt Nam sau năm 1975 lại đưa đi cả trăm nghìn người gồm các quân nhân và viên chức chính thể Việt Nam Cộng hòa vào tập trung cải tạo thì tôi thấy cái chuyện đấy nó là quá bất bình thường. Bởi vì khi đánh nhau trên chiến trường thì một bên thắng một bên thua, một bên hạ vũ khí rồi, một bên giành chiến thắng về mặt quân sự rồi, bây giờ lại còn phải “tẩy não”, phải buộc người ta từ bỏ cái chính kiến của họ, thì tôi cho rằng cái chuyện đấy là cái chuyện bất công, vì con người sinh ra đều có quyền tự do, đó là một trong những nguyên tắc cơ bản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 đã nói tới, và thực ra điều này là nhắc lại nguyên tắc đã được Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ nêu ra.
Ngay ở trong Hiến pháp Việt Nam hiện thời thì cũng quy định là công dân có quyền tự do ngôn luận,ví dụ là như thế, hoặc có quyền tự do hội họp hay là lập hội. Tất cả những cái đó nó phản ánh là công dân có quyền bày tỏ những quan điểm hoàn toàn khác biệt với quan điểm của chính thể hiện nay ở Việt Nam. Thế thì cái chuyện bắt và đưa đi cải tạo hay là giam một cách trá hình như thế rất nhiều quân nhân và viên chức của chính quyền Sài Gòn thì tôi cho đấy là hành vi phản lại dân tộc. Bởi vì dân tộc Việt Nam chúng ta vẫn nói là anh em, đồng bào, tức cùng một mẹ đẻ ra, cùng là người Việt, cùng một nguồn gốc. Đánh thắng rồi mà lại muốn tiếp tục tiêu diệt người ta sau khi chiến thắng thì tôi cho đấy là một tội ác.
Cấm kỳ thị người chế độ cũ?
Mặc Lâm: Có phải đó là lý do mà ông đề nghị Quốc hội đưa ý kiến của ông làm thành một đạo luật hẳn hoi là cấm tuyệt đối không được phân biệt, kỳ thị những người của chế độ cũ, phải không ạ?
Kiến nghị này, cụ thể là tôi đề nghị Quốc hội đại xá tức là trả tự do không điều kiện, nó khác với đặc xá, đặc xá là trả tự do có diều kiện.
TS Cù Huy Hà Vũ
TS Cù Huy Hà Vũ: Hoàn toàn chính xác là như vậy. Kiến nghị này, cụ thể là tôi đề nghị Quốc hội đại xá tức là trả tự do không điều kiện, nó khác với đặc xá, đặc xá là trả tự do có diều kiện, ví dụ những người tù phải thấy là mình cải tạo tốt này, theo quan điểm này theo quan điểm kia của nhà cầm quyền, nhưng đại xá là xem xét lập tức vấn đề trên tinh thần dân tộc, trên tinh thần những người anh em, đồng bào mà trả tự do không điều kiện cho người đang bị cầm tù. Vậy nếu sau đây Quốc hội vận dụng được cái điều khoản đại xá đấy mà trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân vốn là quân nhân và viên chức của chính thể Việt Nam Cộng hòa thì tôi cho đó là một bước hòa giải dân tộc quan trọng để đi đến những bước khác nữa là cái quyền được bày tỏ chính kiến, là cái quyền tất cả người Việt Nam có quyền yêu nước và có quyền đóng góp vào cơ đồ của đất nước. Và tất cả mọi người Việt Nam đều có quyền tham gia chống lại những cuộc xâm lăng từ bên ngoài xâm phạm chủ quyền và độc lập của đất nước Việt Nam.
Mặc Lâm: Thưa ông, cho tới bây giờ thì những người bị bắt vào khoảng 1975 đã được thả hết rồi, tuy nhiên cũng có một vài người trong chế độ cũ đã hành động như một sự phản kháng lại chế độ bằng cách rải truyền đơn hay là chống đối theo cách mà Chính phủ [Cộng hòa xã hội chủ nghĩa] Việt Nam gọi là “chống phá Nhà nước”, như vậy ông có bao gồm cả những thành phần đó vào trong [nội dung kiến nghị xin] được đại xá hay không, thưa ông?
TS Cù Huy Hà Vũ: Chính xác là tôi muốn như vậy. Ở trong kiến nghị tôi đã nói rõ lẽ ra nhà cầm quyền cộng sản sau năm 1975 biết hòa giải dân tộc, tạo điều kiện cho tất cả những người thuộc về chế độ cũ hòa nhập với gia đình, hòa nhập với xã hội, người nào có tài thì mời người ta đóng góp, thậm chí nếu thực sự có tài thì sẽ bổ nhiệm theo quy định pháp luật bình thường vào các cơ quan công quyền. Lẽ ra thì nó phải thế, nhưng ngược lại thì nhà cầm quyền lại “tập trung cải tạo” tức là tiếp tục đẩy những người đó vào đường hầm không lối thoát, và điều đó dẫn đến một số người vũ trang, tham gia rải truyền đơn, là người thuộc chính quyền Sài Gòn đấy.
Tôi cho rằng sở dĩ họ có hành động này là do chính thể hiện nay không thể hiện sự bao dung, dồn người ta vào chỗ không còn có thể sống như như một người tự do bình thường, thì tất cả những cái đấy do cấm đoán làm cho tức nước vỡ bờ, làm cho một số người này người nọ thuộc chính quyền cũ cảm thấy cần phải có những hành động mạnh mẽ, và vì vậy là họ bị nhà cầm quyền hiện nay bắt giam và đưa vào những tội gọi là xâm phạm an ninh quốc gia. Thế thì quan niệm của tôi là tất cả những người đó cần phải được trả tự do ngay tức khắc bởi vì suy cho đến cùng thì những hành vi đó có thể nói là nó không quá hơn cuộc chiến tranh mà hai bên anh em cùng một nhà ở Việt Nam đã giết nhau trong 30 năm.
Việt Nam
Mặc Lâm: Thưa Tiến sĩ, một câu hỏi nữa là ông cũng có đề nghị Quốc hội lấy tên Việt Nam làm quốc hiệu thay cho Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thưa ông, ông có thể giải thích tại sao ông lại đề nghị như vậy ạ?
TS Cù Huy Hà Vũ: Rất là đơn giản! Cha ông ta trước đây lấy Việt Nam làm quốc hiệu, ngoài ra không có thêm những từ gì nữa. Thế thì tại sao bây giờ chúng ta lại không thể bắt chước cha ông mà lấy Việt Nam làm quốc hiệu?
Điều thứ hai, tất cả những từ ví dụ như là Cộng hòa kèm theo chữ Việt Nam thì giai đoạn đầu ai cũng hiểu rằng khi lật đổ xong chế độ quân chủ vào ngày 2 tháng 9 và trước đó nữa để đi đến Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 thì chữ Cộng hòa được ghép bên cạnh chữ Việt Nam là để phân biệt từ nay trở đi mọi người dân Việt Nam sống trong chính thể cộng hòa chứ không phải là còn trong chính thể quân chủ nữa. Vậy chữ Cộng hòa nó mang ý nghĩa phân biệt giữa quân chủ và cộng hòa. 65 năm đã trôi qua, tôi cho rằng mọi người trên thế giới cũng như ở Việt Nam nhiều thế hệ đều hiểu rằng không còn chế độ quân chủ ở Việt Nam nữa, cho nên không cần thiết phải thêm chữ Cộng hòa.
Đó là điểm thứ nhất, điểm thứ hai là nước Việt Nam sẽ trường tồn vĩnh viễn, chế độ chính trị có thể thay đổi, có thể kế tục nhau nhưng Việt Nam trường tồn vĩnh viễn. Cho nên tôi cho rằng cái việc mà các chính thể chính trị lại lấy cái tiêu chí của mình để ghép vào Việt Nam thì cái đấy không đúng với sự trường tồn của Việt Nam. Ngay cả ở trong chính thể cộng sản thôi, từ năm 1945 cho tới năm 1975 lấy quốc hiệu là Việt Nam dân chủ cộng hòa, thế nhưng cũng vẫn chính thể cộng sản đấy, vẫn do Hồ Chí Minh sáng lập đấy, mà đến sau năm 1975, tức năm 1976, thì lại đổi thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thành ra bản thân tôi ngay với tư cách là một người sống trong chính thể cộng sản, tôi cũng căm phẫn, bởi vì cái việc dùng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để thay thế Việt nam dân chủ cộng hòa thì đó là một sự phản bội, đó là một sự đảo chính của những người cầm quyền sau năm 1975 đối với ngay chính thể của Hồ Chí Minh.
Ý nghĩa thứ hai của Việt Nam là chỉ cần Việt Nam thôi là nó có thể áp dụng cho tất cả các triều đại của Việt Nam từ phong kiến cho đến cộng hòa. Và tôi cho rằng cái đó là cái trường tồn vĩnh viễn. Không được ghép bất kỳ một quan điểm chính trị nào với Việt Nam, vào Việt Nam!
Mặc Lâm: Một lần nữa xin cảm ơn TS Cù Huy Hà Vũ đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Dr-Cu-Huy-Ha-Vu-proposes-to-National-Assembly-to-grant-amnesty-for-former-officer-regime-MLam-08312010220823.html