Bùi Mẫn
Kỹ sư cao cấp
Gần nhà tôi là thượng nguồn sông Thames, con sông từ xa xưa đã đưa ghe thuyền ngược xuôi từ Abingdon đến London.
Đầu thế kỷ 17, để đảm bảo đủ nước vào mùa khô, các kỹ sư người Anh đã xây dựng các âu thuyền. Khi nhiều âu thuyền cùng đóng, nước được giữ lại tạo thành sông bậc thang. Âu thuyền Abingdon gần nhà tôi, xây năm 1624, là âu thuyền cổ nhất còn hoạt động.
Mỗi khi đứng đâu đó trên những đoạn sông này, tôi luôn nghĩ đến những con sông chảy trong lòng Hà Nội. Tô Lịch chẳng hạn – cũng từng là dòng sông rộng lớn, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và đậm nét văn hóa. Tuy nhiên, sông dần trở thành “sông chết” do thiếu nguồn nước, do sự xâm lấn của con người, và ô nhiễm nghiêm trọng. Gần đây, chính quyền Hà Nội đã nỗ lực hồi sinh con sông và có những cải thiện. Tuy vậy, do thiếu đồng bộ, nước thải chưa xử lý vẫn xả trực tiếp vào sông. Theo Sở Xây dựng, đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến Láng Hạ có 32 miệng cống xả, khiến sông vẫn đen ngòm và bốc mùi.
Vì thế, giải pháp bơm nước cho sông Tô Lịch từ sông Hồng được đề xuất. Hà Nội dự tính xây trạm bơm lưu lượng 3-5 m3/giây tại bãi sông Hồng. Nước theo đường ống ngầm xuyên qua đê sông Hồng, chạy dọc vỉa hè đường Võ Chí Công (hoặc ngầm dưới Hồ Tây, phương án 2), rồi đổ vào sông Tô Lịch tại vị trí nút giao Hoàng Quốc Việt. Đoạn cống ngầm dài 5,3 km cộng với chi phí lắp đặt và vận hành trạm bơm công suất lớn, dẫn đến kinh phí bổ sung 550 tỷ đồng.
Ngoài phương án trên, theo tôi, có thể xem xét tận dụng chính Hồ Tây làm nơi trung chuyển nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch. Bốn bước thực hiện cụ thể như sau:
Đầu tiên là khảo sát tìm vị trí thích hợp để xây hai hồ A và B sát bãi sông Hồng, lý tưởng là vị trí gần Hồ Tây. Nước từ sông Hồng sẽ được bơm vào hồ A. Chất lượng nước trong hồ A sẽ được quan trắc kiểm tra, và xử lý đảm bảo không ô nhiễm.
Nước hồ A sau khi xử lý sẽ được bơm vào hồ B, sao cho mực nước hồ B luôn cao hơn mực nước tối thiểu được thiết kế (cao hơn mực nước Hồ Tây). Nôm na dễ hiểu, đây là cách các nông dân nuôi tôm sú sử dụng để đảm bảo chất lượng nguồn nước nuôi tôm.
Hồ B nối ngầm với Hồ Tây theo nguyên tắc bình thông nhau, với van thông minh C đóng mở tự động dựa trên quan trắc chênh lệch mực nước giữa hồ B và Hồ Tây.
Sau đó, nước từ Hồ Tây sẽ được máy bơm D, bơm vào thượng nguồn sông Tô Lịch tại vị trí cống ngầm Thụy Khuê (nếu khả thi), hoặc vị trí Hoàng Quốc Việt. Cách tiếp cận này giúp giảm chiều dài cống ngầm 60%-70%, từ đó tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian thi công.
Nước Hồ Tây xưa kia được cấp bởi sông Hồng, phương án này vì vậy mang lại lợi ích kép, không chỉ cải tạo nước sông Tô Lịch mà còn cải tạo nước Hồ Tây.
Giải pháp trên đây là ngắn hạn. Để hồi sinh dòng sông một cách toàn diện, chúng ta cần một chiến lược dài hạn với tầm nhìn tham vọng: Dòng sông trong lành xinh đẹp, thuyền bè có thể ra vào như thời xa xưa, và các giá trị văn hóa truyền thống của dòng sông được khôi phục. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, cần có quy hoạch tổng thể, lộ trình, và từng bước kiên trì thực hiện.
Dòng sông sẽ đẹp hơn rất nhiều nếu tiết diện sông lớn hơn, mặt sông thoáng đãng, đòi hỏi bờ kè bờ sông thẳng đứng, được chống đỡ bởi hệ thống cừ ván thép, cừ bê tông, hoặc các giải pháp kết cấu phù hợp có hiệu quả kinh phí. Tiếp theo, cần nạo vét lòng sông đến độ sâu phù hợp để thuyền bè dễ ra vào. Việc nạo vét bùn hữu cơ cũng góp phần giảm thiểu ô nhiễm.
Có thể đặt hệ thống âu thuyền tại các vị trí thích hợp, hình thành sông bậc thang giữ nước vào mùa khô và xả nước tràn vào mùa mưa. Âu thuyền ngoài hỗ trợ thuyền bè dễ dàng lưu thông trên sông còn phục vụ công tác xử lý ô nhiễm cục bộ và tại chỗ (onsite) cho lòng sông.
Công nghệ Bio-Nanoreactor là một trong các giải pháp xử lý ô nhiễm hiệu quả và từng được các chuyên gia Nhật Bản thử nghiệm năm 2020. Tuy có các tranh cãi tại thời điểm đó, theo tôi, đây là một phương án tin cậy, dễ kiểm chứng và đơn giản về nguyên lý. Công nghệ này tận dụng các loại vi khuẩn có khả năng sinh sản nhanh, tiêu thụ các chất hữu cơ để làm sạch nước. Các vi khuẩn này có thể được nuôi cấy nhanh trong phòng thí nghiệm, với mật độ lớn, và chi phí thấp. Bản thân tôi cũng áp dụng kỹ thuật vi sinh trong nghiên cứu vật liệu xây dựng.
Về lâu dài, toàn bộ nước thải sinh hoạt phải qua xử lý trước khi thải ra sông Tô Lịch. Theo tôi biết, việc này được thực hiện bởi một dự án song song để đảm bảo tính đồng bộ.
Để khôi phục và tôn tạo các giá trị văn hóa, dọc hai bên sông cần xây dựng các bến sông. Nếu cần thêm diện tích thì xem xét đền bù giải tỏa. Đồng thời xây các công trình nghệ thuật, các tiểu cảnh như hòn non bộ, thác nước, đập tràn, vòi phun, tượng đài, bến sông, hồ cá, và bố trí các quảng trường nhỏ để tổ chức hoạt động văn hóa dân gian như quan họ, chèo, múa rối nước, hay biểu diễn đường phố.
Cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ cũng nên được trồng dọc hai bên dòng sông, góp phần tăng mỹ quan. Khi chất lượng nước được cải thiện, các loại thủy sinh có thể được thả nuôi trong dòng sông, tạo nên hệ sinh thái đa dạng.
Khôi phục sông Tô Lịch đòi hỏi một chiến lược dài hạn, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp, các chuyên gia và cộng đồng. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, môi trường và văn hóa một cách hài hòa, sông Tô Lịch sẽ có cơ may được hồi sinh trong xanh, trở thành biểu tượng phát triển bền vững.
B.M.
Nguồn: vnexpress.net