Những ngã rẽ của chủ nghĩa xã hội – Kỳ 2: Marx – Lenin và cách mạng bạo lực

Hoàng Dạ Lan 

Từ ước mơ xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, vì sao cách mạng xã hội chủ nghĩa lại dẫn đến chế độ độc tài, toàn trị?

Vladimir Lenin và Hồ Chí Minh. Ảnh gốc: Britanica, snl.no. Đồ họa: V.K / Luật Khoa.

Trong các tác phẩm của mình, Karl Marx nhận định rằng cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ xuất hiện trước tiên ở các quốc gia tư bản tiên tiến như Anh, nơi có lực lượng sản xuất phát triển ở trình độ cao, trong khi quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trở thành rào cản cho sự phát triển.

Marx cho rằng quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa sẽ giúp giai cấp công nhân gia tăng nhận thức giai cấp và khả năng tổ chức, từ đó thúc đẩy cách mạng bùng phát để lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản và “kẻ chiếm đoạt sẽ bị tước đoạt” [1]. Và như vậy, sau khi cách mạng thành công, chủ nghĩa xã hội sẽ được kế thừa một nền công nghiệp sản xuất quy mô lớn và hiện đại [2][3][4].

Tuy nhiên, thực tế cho thấy những dự đoán này của Marx đã không diễn ra. 

Nhà kinh tế học Kornai János liệt kê 14 quốc gia đã nổ ra cách mạng xã hội chủ nghĩa, chủ yếu do lực lượng cộng sản trong nước lãnh đạo, bao gồm Liên Xô, Albania, Nam Tư, Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Congo, Somalia, Nam Yemen, Benin, Ethiopia, Mozambique, Nicaragua, và Zimbabwe [5].

Về mặt kinh tế, hầu hết các quốc gia này đều nghèo, kém phát triển và có mức độ bất bình đẳng cao. Về mặt chính trị, không nước nào trong số này có một nền dân chủ nghị viện hoàn chỉnh. Phần lớn là nước thuộc địa hoặc bán thuộc địa, hoặc phải phụ thuộc về kinh tế và chính trị vào một quốc gia phát triển hơn.

Do đó, độc lập dân tộc trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình hành động của các lực lượng cộng sản.

Ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx – Lenin đến phong trào giải phóng thuộc địa

Tại sao chủ nghĩa Marx – Lenin lại lan tỏa mạnh mẽ và góp phần vào sự thành công của các cuộc cách mạng vô sản tại các quốc gia thuộc địa kém phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin?

Chủ nghĩa Marx – Lenin đã cung cấp cho người dân các nước này một công cụ để phân tích bất bình đẳng và lý giải nguồn gốc của sự áp bức thuộc địa.

Lenin cho rằng chủ nghĩa đế quốc là hình thái phát triển cao nhất của chủ nghĩa tư bản, trong đó các quốc gia tư bản phát triển không chỉ bóc lột lao động trong nước, mà còn thông qua các tập đoàn và ngân hàng lớn để khai thác nguyên liệu thô và nhân công giá rẻ từ các nước thuộc địa nhằm tối đa hóa lợi nhuận. [6]

Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công và nhà nước cộng sản đầu tiên ra đời.

Lý thuyết của Lenin về tầm quan trọng của một đảng tiên phong dẫn dắt phong trào cách mạng, cùng với thành công của Cách mạng Tháng Mười đã truyền cảm hứng cho một thế hệ những người cộng sản.

Các nhà cách mạng như Mao Trạch Đông, Che Guevara, Georg Lukács tin rằng chủ nghĩa cộng sản có thể phát triển ở bất kỳ quốc gia nào, ngay cả khi các điều kiện kinh tế và xã hội chưa chín muồi như lý thuyết của Marx đề ra  [7].

Tại Đại hội lần thứ hai của Quốc tế Cộng sản (Comintern) vào năm 1920, Lenin viết Luận cương sơ thảo về vấn đề dân tộc và thuộc địa nhằm làm rõ lập trường của những người Bolshevik về chủ nghĩa thực dân và quyền tự quyết dân tộc.

Lenin nhận thấy các phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa có thể làm suy yếu các thế lực đế quốc. Trong luận cương, ông đã khéo léo gắn kết phong trào này với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản toàn cầu, coi đây là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc.

Lenin cũng vạch ra kế hoạch để cộng đồng cộng sản quốc tế hỗ trợ phong trào giải phóng dân tộc tại thuộc địa, từ đó thúc đẩy cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết của các dân tộc này [8].

Tại các quốc gia thuộc địa hoặc bán thuộc địa, phong trào cách mạng thường khởi nguồn từ sự đối kháng với chế độ thực dân hơn là từ mâu thuẫn giai cấp. Sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa dân tộc đóng vai trò quan trọng trong tiến trình cách mạng ở các quốc gia này [9].

Trong bài báo “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Hồ Chí Minh viết rằng:

Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác – Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ [10].

Đối với người dân thuộc địa, lý tưởng cộng sản về một xã hội bình đẳng, không phân chia giai cấp, không còn áp bức bóc lột mang lại hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Đối với các lực lượng cộng sản, việc lật đổ ách thống trị thực dân không chỉ nhằm giành độc lập dân tộc mà còn khởi đầu cho cuộc cách mạng xã hội toàn diện, hướng tới xây dựng một xã hội công bằng, nơi quyền lợi của giai cấp công – nông được bảo vệ.

Mô hình nhà nước cộng sản Bolshevik được áp đặt ở Đông Âu sau Thế chiến II, được chấp nhận ở Trung Quốc sau khi kết thúc cuộc nội chiến Quốc – Cộng vào năm 1949 và tiếp tục lan rộng đến Triều Tiên, Việt Nam, Cuba cùng nhiều quốc gia khác.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa dẫn tới chế độ độc tài

Chủ nghĩa cộng sản có lý tưởng cao đẹp về việc xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, nơi người dân có quyền tự do để theo đuổi các đam mê và sở thích, theo nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.

Tuy nhiên, con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa thường dẫn đến chế độ độc tài toàn trị, chẳng hạn như thời kỳ cai trị của Stalin ở Liên Xô, Mao Trạch Đông ở Trung Quốc, Kim Nhật Thành ở Triều Tiên và Pol Pot ở Campuchia.

Tại sao lại như vậy? 

Có một số lý do cho thực tế lịch sử này.

Trước hết, các đảng cộng sản thường hình thành trong môi trường thù địch, đối mặt với nhiều mối đe dọa từ cả bên trong lẫn bên ngoài.

Cuộc họp của các đảng viên cộng sản tại Nhà Công đoàn ở Moscow thời Stalin, với chân dung các lãnh tụ Marx, Engels, Lenin, và Stalin cùng các áp-phích đa ngôn ngữ. Nguồn ảnh: neodemocracy.blogspot.com.

Để tồn tại và phát triển, các đảng này áp dụng cấu trúc tổ chức tương tự quân đội, dựa trên lòng trung thành, tập trung quyền lực và kỷ luật nghiêm ngặt. Cấu trúc này được duy trì sau khi Đảng Cộng sản giành được quyền lực.

Thứ hai, khi những người Bolshevik giành được chính quyền vào năm 1917, họ coi Đảng Cộng sản là đại diện duy nhất cho lợi ích của giai cấp vô sản, trong khi các đảng đối lập bị xem là đại diện cho các giai cấp thù địch, đặc biệt là giai cấp tư sản. Để bảo vệ “nền chuyên chính vô sản” và thành quả của cách mạng, họ đã đàn áp mọi đảng phái khác. Đến năm 1920, Nga đã trở thành quốc gia độc đảng [11]. Mô hình này sau đó lan rộng tới các quốc gia chịu ảnh hưởng của Bolshevik.

Thứ ba, việc sử dụng bạo lực để giành chính quyền khiến các lãnh đạo cách mạng coi bạo lực là một công cụ chính đáng để duy trì và củng cố quyền lực. Mao Trạch Đông từng nhận xét: “Quyền lực chính trị phát ra từ nòng súng”.

Sau khi lên nắm quyền, các nhà lãnh đạo cách mạng ưu tiên củng cố vị thế của mình bằng cách đàn áp những tiếng nói đối lập cũng như loại bỏ các cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực. Hệ quả là không còn không gian cho các cơ chế dân chủ phát triển.

Thứ tư, cách mạng xã hội chủ nghĩa xuất hiện và thành công ở các xã hội kém phát triển, lạc hậu và thiếu truyền thống dân chủ.

Tại Liên Xô, chế độ sa hoàng có bản chất chuyên chế. Trong khi đó, tại Trung Quốc, sự sụp đổ của triều đại nhà Thanh vào năm 1912 đánh dấu sự kết thúc của chế độ phong kiến hàng nghìn năm, sau đó là nhiều thập niên bất ổn chính trị và chiến tranh giữa các lực lượng khác nhau. Sau khi đảng cộng sản giành được chính quyền, quá trình tập trung quyền lực vào đảng và lãnh đạo đảng có thể xem như sự tiếp nối của các chế độ chuyên chế trước đó và không gặp phải sự kháng cự đáng kể từ xã hội.

Cuối cùng, cách mạng xã hội chủ nghĩa cho phép nhà cầm quyền xóa bỏ hoàn toàn cấu trúc xã hội cũ và xây dựng một xã hội mới theo lý tưởng của đảng cộng sản.

Sau khi giành chính quyền, nhà nước thường tiến hành cải tổ triệt để xã hội, bao gồm quốc hữu hóa nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và cải cách ruộng đất [12].

Những cải cách này đòi hỏi đảng – nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ xã hội, hạn chế quyền tự do cá nhân và quyền tự do ngôn luận.

Hệ tư tưởng chính thống chỉ công nhận sở hữu nhà nước và sở hữu hợp tác xã, và hạn chế mọi loại hình sở hữu tư nhân và hoạt động kinh tế tư nhân.

Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nhà hoạch định không chỉ phải quyết định mỗi người dân nên tiêu thụ bao nhiêu lít sữa, bao nhiêu mét vải, hay khẩu phần thịt ra sao, mà còn phải xác định thứ tự ưu tiên giữa các sản phẩm như sữa, vải và thịt, xem cái nào quan trọng hơn và nhà nước nên tập trung sản xuất cái gì.

Chưa xét đến các khó khăn trong việc thực hiện khối lượng tính toán khổng lồ cho toàn bộ dân số, việc tạo ra một “siêu bộ” lập kế hoạch và điều phối nền kinh tế đã tước đi quyền tự quyết và tự do lựa chọn của người dân đối với cuộc sống của chính họ.

Khi bàn về mối quan hệ giữa nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và dân chủ, nhà kinh tế và triết học người Áo Friedrich von Hayek đưa ra nhận xét: 

Kế hoạch hóa dẫn đến độc tài vì độc tài là công cụ hiệu quả nhất để áp đặt và thực thi các lý tưởng, và điều này là cần thiết nếu muốn thực hiện kế hoạch hóa tập trung trên quy mô lớn. Mâu thuẫn giữa kế hoạch hóa và dân chủ phát sinh vì dân chủ ngăn không cho tự do bị đàn áp, trong khi sự đàn áp này là cần thiết để kiểm soát nền kinh tế […] Một “nền chuyên chính vô sản” đúng nghĩa, ngay cả khi có hình thức dân chủ, nếu kiểm soát toàn bộ nền kinh tế từ trung ương, rất có thể sẽ hủy hoại tự do cá nhân một cách triệt để không khác bất kỳ chế độ chuyên chế nào trong lịch sử [13].

Đối với nông nghiệp, lãnh đạo Đảng Cộng sản tin rằng nền nông nghiệp xã hội chủ nghĩa quy mô lớn vượt trội hơn về năng suất so với chủ nghĩa tư bản. Việc xóa bỏ kinh tế nông hộ manh mún, buộc nông dân giao nộp đất đai, tư liệu sản xuất và tham gia vào các hợp tác xã được cho là sẽ giúp năng suất nông nghiệp tăng lên nhanh chóng. Nông dân nào không chịu từ bỏ quyền độc lập canh tác sẽ bị cho là lạc hậu, thiển cận và cần phải bị cưỡng chế.

Ở Liên Xô dưới thời Joseph Stalin, những người nông dân giàu có (kulak) còn bị coi là kẻ thù giai cấp và bị tước đoạt tài sản hoặc lưu đày. 

Chính sách tập thể hóa cưỡng ép và việc quản lý kém hiệu quả đã phá hủy nền kinh tế nông nghiệp truyền thống, khiến nông dân mất động lực làm việc và gây ra nhiều thảm họa lớn về kinh tế, xã hội và nhân đạo, tiêu biểu là nạn đói Holodomor (1932-1933) tại Ukraine và nhiều khu vực khác ở Liên Xô, khiến hàng triệu người chết đói.

Nhìn chung, việc đảng cộng sản tập trung quyền lực, đàn áp mọi lực lượng đối lập và kiểm soát toàn diện mọi khía cạnh của xã hội đã hình thành nên một chế độ độc tài toàn trị.

Hệ thống kế hoạch hóa tập trung và quản lý quan liêu dẫn đến lãng phí tài nguyên, nền kinh tế thiếu hụt kinh niên, thiếu động lực sản xuất, và thiếu đổi mới sáng tạo. Chính điều này đã làm gia tăng sự bất mãn của dân chúng đối với chính quyền và tạo ra áp lực cải cách hệ thống [14].

Tại Liên Xô, các chính sách “glasnost” (cởi mở chính trị) và “perestroika” (cải cách kinh tế) của Bí thư Đảng Cộng sản Mikhail Gorbachev, mặc dù được thiết kế để cải thiện tình hình, lại dẫn đến việc lộ rõ những vấn đề nghiêm trọng của hệ thống, làm gia tăng bất mãn trong xã hội và sự chia rẽ trong chính phủ.

Ảnh: Người dân xếp hàng tại một cửa hàng tạp hóa ở Vilnius, thủ đô Lithuania (Liên Xô) vào năm 1990. Nguồn ảnh: AP Photo / Dusan Vranic.

Sự kiện bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 được coi là dấu hiệu của sự thất bại của hệ thống xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu.

Các quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Romania và Bulgaria đều trải qua các cuộc cách mạng và thay đổi chế độ.

Sau khi các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết tuyên bố độc lập, khối này chính thức tan rã vào ngày 26/12/1991. 

Ngày nay, Đảng Cộng sản vẫn nắm quyền ở Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Cuba, Lào và Trung Quốc.

Trong khi Triều Tiên vẫn kiên trì giữ vững các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội cổ điển trong cấu trúc chính trị – kinh tế của mình, các nước Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Cuba đã có những bước chuyển mình từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang mô hình kinh tế thị trường, giảm bớt vai trò của nhà nước trong việc điều hành nền kinh tế. Các nước này cũng có mức độ bảo vệ quyền tư hữu và khuyến khích tự do cạnh tranh khác nhau, tùy thuộc vào tốc độ cải cách của từng nước.

Dù vậy, những quốc gia này đều phải đối mặt với nhiều thách thức để duy trì ổn định chính trị và phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và áp lực từ các phong trào dân chủ.

Trong kỳ tới, chúng ta sẽ xem xét những tư tưởng chính của Eduard Bernstein, cha đẻ của “chủ nghĩa xã hội dân chủ” (democratic socialism), và so sánh chúng với chủ nghĩa cộng sản của Marx.

(Còn nữa)

Chú thích

1.    Câu nguyên văn trong bản tiếng Anh của bộ Tư bản là: “the expropriators are expropriated”.

2.    Marx, K. & Engels,  F. (1848). The Communist Manifesto. Marx/Engels Internet Archive (marxists.org) 1987, 2000. https://www.marxists.org/archive/marx/works/1848/communist-manifesto/index.htm

3.    Marx, K. (1875). Critique of the Gotha program, reprinted in Robert Tucker, ed., The Marx-Engels Reader (New York: W. W. Norton, 1978).

4.    Marx, K. (1867). Capital, Volume One, reprinted in Robert Tucker, ed., The Marx-Engels Reader (New York: W. W. Norton, 1978).

5.    Kornai, J. (2002). The Socialist System: The Political Economy of Communism. Princeton University Press. Bản Việt ngữ của dịch giả Nguyễn Quang A có tựa đề Hệ thống xã hội chủ nghĩa: Chính trị học phê phán & Tổng quan kinh tế xã hội chủ nghĩa. 

6.    Lenin, V. I. (1916). Imperialism, the highest stage of capitalism. Lenin Internet Archive 2005. https://www.marxists.org/archive/lenin/works/1916/imp-hsc/

7.    Berman, S. (2006). The primacy of politiccs: Social democracy and the making of Europe’s twentieth century. Cambridge University Press, page 67. 

8.    Lenin, V. I. (1920). Drafts theses on national and colonial questions for the second congress of the communist international. V. I. Lenin internet Archive (www.marx.org) 2002. https://www.marxists.org/archive/lenin/works/1920/jun/05.htm

9.    Vu, T. (2016). Vietnam’s Communist Revolution: The power and limits of ideology. Cambridge University Press. 

10.  Hồ Chí Minh. (1960, April 22). Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin. Nhân dân, số 2226.

11.  Heywood, A. (2021). Political ideologies: An introduction (seventh edition). Bloomsbury Publishing, page 92.

12.  Marx và Engels ủng hộ xoá bỏ quyền tư hữu và cho rằng tài sản nên được sở hữu tập thể và sử dụng vì lợi ích chung của nhân loại. Tuy nhiên, hai ông ít đề cập đến cách hiện thực hoá mục tiêu này trong thực tế. Khi Lenin và Đảng Bolshevik nắm quyền ở Nga vào năm 1917, họ tin rằng chủ nghĩa xã hội có thể được xây dựng thông qua việc quốc hữu hoá. Quá trình quốc hữu hoá và tập thể hoá này được hoàn thành vào thập niên 1930 dưới sự lãnh đạo của Stalin. Quá trình này đã biến “sở hữu chung” (common ownership) thành “sở hữu nhà nước” (state ownership). Tham khảo: Heywood (2021), trang 86. 

13.  Hayek, F. A. (2001). The Road to Serfdom (2nd edition). Routledge Classics, page 74.

14.  Kornai (2002).     

H.D.L.

Nguồn: Luatkhoa.com

 

This entry was posted in Hoàng Dạ Lan, Triết học hiện đại. Bookmark the permalink.