Những ngã rẽ của chủ nghĩa xã hội – Kỳ 3: Khi dân chủ là điều kiện tiên quyết

Học trò xét lại thầy

Hoàng Dạ Lan 

Tư tưởng xét lại của Bernstein có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều đảng dân chủ xã hội tại châu Âu, và góp phần quan trọng trong việc định hình mô hình nhà nước phúc lợi tại các quốc gia Bắc Âu.

Eduard Bernstein. Ảnh. Wikipedia Commons, Canva. Đồ họa. V.K / Luật Khoa

Karl Marx và những người ủng hộ ông chủ trương xóa bỏ chủ nghĩa tư bản bằng bạo lực cách mạng, trong khi trường phái xét lại (revisionism), do Eduard Bernstein (1850-1932) khởi xướng, đề xuất cải cách chủ nghĩa tư bản một cách hòa bình. 

Bernstein sinh ra trong một gia đình trung lưu nghèo ở Berlin, Đức, và là con thứ bảy trong số mười lăm anh chị em. Thu nhập từ nghề kỹ sư đường sắt của cha ông chỉ vừa đủ để nuôi sống một gia đình đông đúc.

Ông được sinh ra hai năm sau khi Tuyên ngôn Cộng sản của Marx và Engels được công bố. Cũng trong năm 1848, vua Frederick William IV ban hành một bản hiến pháp mới cho nước Phổ. Bản hiến pháp này vẫn duy trì quyền lực tối cao của nhà vua. Các bộ trưởng chỉ chịu trách nhiệm trước nhà vua, và các sắc lệnh hoàng gia vẫn có giá trị pháp lý bình thường dù không được quốc hội họp để thông qua. Ngoài ra, hệ thống bỏ phiếu được chia thành ba giai cấp, đảm bảo quyền kiểm soát cơ quan lập pháp rơi vào tay tầng lớp tư sản và địa chủ giàu có.

Các tổ chức công nhân sơ khai bị dập tắt một cách tàn bạo. Cuộc cách mạng tháng Ba năm 1848 tại Berlin đã thất bại, dẫn đến một thập niên cai trị khắc nghiệt của chính quyền. Một số lượng lớn công nhân Phổ bị trục xuất khỏi thủ đô và các thành phố khác; các tờ báo dân chủ và cấp tiến bị giám sát chặt chẽ hoặc phải ngừng xuất bản hoàn toàn. [1]

Bernstein gia nhập phong trào dân chủ xã hội khi 22 tuổi và gắn bó với phong trào này trong suốt sáu mươi năm cho đến khi qua đời. 

Trước khi phát triển các quan điểm xét lại chủ nghĩa Marx, Bernstein chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng của Marx và Engels. Ông là học trò và đồng chí thân cận của Engels, đồng thời cộng tác với Engels trong việc biên tập và xuất bản các tác phẩm của Marx. Tuy nhiên, theo thời gian, Bernstein dần hình thành những quan điểm riêng khi nhận thấy nhiều luận điểm của Marx không còn phù hợp với hoàn cảnh thực tế đương thời.

Bernstein đánh giá cao những đóng góp của Marx, cho rằng Marx không chỉ nhận ra xu hướng chung trong sự phát triển của xã hội và vận mệnh chính trị của các giai cấp, mà còn xây dựng một lý thuyết giúp khái quát hóa mối quan hệ này.

Trong một tập san được viết nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất của Marx, Bernstein nhận xét rằng:

Điều quan trọng trong chủ nghĩa xã hội là triết lý lịch sử của nó: nhận thức về mối liên hệ chặt chẽ giữa các yếu tố kinh tế (sự phát triển của lực lượng sản xuất, cấu trúc giai cấp và sự trưởng thành của giai cấp) và các yếu tố chính trị (tổ chức, quyền, quyền lực và hoạt động xã hội của từng giai cấp và các thành viên). Ai không nắm bắt được điều này thì chưa hiểu Marx, bất kể họ có thuyết giảng bao nhiêu công thức Marxist… Chủ nghĩa Marx là một tầm nhìn, không phải là một công thức. [2]

Bernstein thừa nhận rằng Marx đã chỉ ra tầm quan trọng của các yếu tố kinh tế trong việc hình thành các mối quan hệ xã hội và chính trị, cũng như vai trò của đấu tranh giai cấp trong tiến trình phát triển của lịch sử. Dù vậy, ông cho rằng Marx đã phóng đại tầm quan trọng của cả hai yếu tố này, từ đó dẫn đến nhiều nhận định và dự đoán sai lầm. 

So với Marx, tư tưởng của Bernstein nhấn mạnh vào các cải cách dân chủ và sự hợp tác giữa các giai cấp nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Trò cãi thầy

Tác phẩm “Die Voraussetzungen des Sozialismus und die Aufgaben der Sozialdemokratie” (tạm dịch: Những tiền đề của chủ nghĩa xã hội và nhiệm vụ của chủ nghĩa dân chủ xã hội), được xuất bản lần đầu năm 1899, là công trình quan trọng nhất của Bernstein. Tác phẩm này là một lời phê phán sâu sắc đối với các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx, đồng thời đặt nền móng cho cái gọi là “chủ nghĩa xét lại” trong phong trào xã hội chủ nghĩa.

Bernstein nhận định rằng một số tiên đoán của Marx về sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản đã không xảy ra trong thực tế. [3]

Điển hình là dự đoán của Marx về sự bần cùng hóa của tầng lớp lao động trong xã hội tư bản. Trong thực tế, cùng với sự phát triển của xã hội tư bản và sự can thiệp của công đoàn và luật lao động, điều kiện sống của giai cấp công nhân đã được cải thiện đáng kể qua việc tăng lương, giảm giờ làm.

Bernstein bác bỏ quan điểm cho rằng tình cảnh của người lao động trong xã hội tư bản là vô vọng và cần một cuộc cách mạng bạo lực để thay đổi xã hội. 

Bernstein cũng phê phán sự phân chia cứng nhắc xã hội thành hai giai cấp đối lập – giai cấp tư sản và giai cấp vô sản – với những xung đột lợi ích không thể hòa giải. [4] Ông cho rằng sự phát triển của tầng lớp trung lưu, bao gồm các chuyên gia, nhà quản lý, công chức, tiểu thương, lao động có tay nghề, thợ thủ công, v.v. làm xã hội trở nên phức tạp và đa dạng hơn, thách thức dự đoán của Marx về sự phân cực giai cấp. 

Làn sóng công nghiệp hóa lần thứ hai đã cách mạng hóa lĩnh vực thông tin liên lạc và bưu chính tại Đức. Bức ảnh chụp năm 1894 cho thấy các tổng đài điện thoại đường dài ở Berlin, do phụ nữ vận hành dưới sự giám sát của nam giới. Nguồn ảnh: German History Docs.

Ngoài ra, sự xuất hiện của các công ty cổ phần đã mở rộng quyền sở hữu tài sản cho nhiều cổ đông, thay vì tập trung vào một số ít các nhà tư sản lớn. [5] 

Bernstein khẳng định, cùng với sự phát triển của xã hội tư bản, số lượng người sở hữu tài sản ngày càng tăng lên, chứ không giảm đi; nói cách khác, sự gia tăng mạnh mẽ của cải trong xã hội đã dẫn đến sự xuất hiện của nhiều nhà tư sản ở mọi cấp độ. [6]

Đối với quyền tài sản, trong khi Marx chủ trương xóa bỏ chế độ tư hữu và coi đó là nguồn gốc của bất bình đẳng và bóc lột giai cấp, Bernstein khẳng định rằng quyền tư hữu được thông luật (common law) bảo vệ là bất khả xâm phạm và “việc tước đoạt tài sản hợp pháp mà không bồi thường là hành vi tịch thu (confiscation), và điều này chỉ có thể được chấp nhận trong những hoàn cảnh cực đoan (như chiến tranh, dịch bệnh)”. [7]

Ngoài ra, Bernstein cho rằng nền kinh tế công nghiệp hiện đại quá phức tạp để nhà nước hoặc các hợp tác xã có thể sở hữu và điều hành một cách hiệu quả. Ông tin rằng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sẽ không thể thiếu một khu vực tư nhân lớn mạnh và phát triển. [8]

Bernstein chỉ ra rằng các hợp tác xã được thành lập vào thập niên 1860 hầu như thất bại ở khắp mọi nơi, khiến nhiều nhà xã hội chủ nghĩa quay lưng với mô hình này. [9]

Theo ông, các hợp tác xã không thể phát triển bền vững trong nền kinh tế tư bản mà vẫn giữ được các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa, chẳng hạn như quyền làm chủ tập thể và phân phối công bằng. Do phải hoạt động theo cơ chế thị trường và chịu áp lực cạnh tranh, các hợp tác xã dần phải hành xử như những doanh nghiệp tư nhân. Điều này khiến chúng không thể thay thế mô hình kinh tế tư bản.

Bernstein cũng hoài nghi về ý tưởng quốc hữu hóa toàn bộ phương tiện sản xuất và kế hoạch hóa toàn bộ nền kinh tế.

Đối với kế hoạch quốc hữu hóa nền kinh tế như tại Đức, Bernstein viết:

Chúng ta có thể hình dung nhiệm vụ khổng lồ mà nhà nước phải gánh vác khi tiếp quản những doanh nghiệp lớn hơn. Trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, đó sẽ là khoảng vài trăm nghìn doanh nghiệp với năm đến sáu triệu nhân viên, và trong lĩnh vực nông nghiệp là hơn 300.000 cơ sở kinh doanh với năm triệu lao động. Hãy tưởng tượng chính phủ hoặc quốc hội phải có bao nhiêu khả năng phán đoán, kiến thức chuyên môn và tài năng quản lý để có thể điều hành và kiểm soát một cơ cấu khổng lồ như vậy! [10]

Dân chủ là tiền đề của chủ nghĩa xã hội

Trong các tác phẩm của mình, Karl Marx gọi nền dân chủ trong xã hội tư bản là “nền dân chủ tư sản,” và coi đây là công cụ để giai cấp tư sản duy trì và bảo vệ lợi ích của họ. 

Vào năm 1899, khi Eduard Bernstein xuất bản tác phẩm “Những tiền đề của chủ nghĩa xã hội”, phần lớn các quốc gia châu Âu vẫn chưa có nền dân chủ nghị viện hoàn chỉnh. Quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu còn rất hạn chế; chủ yếu chỉ có nam giới sở hữu tài sản hoặc đóng thuế mới được phép tham gia bầu cử. Quyền bầu cử cho phụ nữ và tầng lớp lao động hầu hết vẫn chưa được công nhận.

Trong bối cảnh này, Bernstein nhấn mạnh rằng dân chủ phù hợp với những giá trị mà các nhà xã hội chủ nghĩa theo đuổi và là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội. 

Bernstein lập luận rằng khi giai cấp tư sản độc quyền nắm quyền lực chính trị và giai cấp công nhân không có quyền tham gia chính trị, thì công nhân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành cách mạng để lật đổ giai cấp thống trị.

Tuy nhiên, một khi nền dân chủ được thiết lập và tất cả các giai cấp có quyền chính trị bình đẳng, thì các yêu cầu chính đáng của người lao động có thể được giải quyết thông qua các quy trình chính trị thông thường, từ đó giúp giảm bất bình đẳng và xung đột giai cấp. [11] 

Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của quyền bầu cử trong việc làm thay đổi cán cân quyền lực trong xã hội theo hướng có lợi cho người lao động:

Khi giai cấp công nhân còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, phổ thông đầu phiếu có thể chỉ là quyền chọn ra “kẻ áp bức.” Tuy nhiên, khi số lượng và ý thức của công nhân gia tăng, quyền bầu cử sẽ trở thành công cụ để biến các đại diện dân cử từ những ông chủ thành những người đầy tớ phục vụ nhân dân. [12]

Bernstein khẳng định dân chủ cung cấp cho các nhà xã hội chủ nghĩa một công cụ hiệu quả nhất để tiến hành các cải cách sâu rộng theo từng bước mà không phải đổ máu. Ông nhấn mạnh “quyền bầu cử và nền dân chủ nghị viện là đỉnh cao và hình thức toàn diện nhất của đấu tranh giai cấp.” [13]

Bên cạnh các thiết chế dân chủ, Bernstein cho rằng một xã hội dân sự vững mạnh là nền tảng cốt lõi để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông nhấn mạnh rằng mục tiêu của chủ nghĩa dân chủ xã hội là bảo vệ và mở rộng quyền tự do cho tất cả mọi người, thay vì áp đặt các chính sách có thể dẫn đến sự đàn áp hoặc kiểm soát:

Chủ nghĩa dân chủ xã hội không nhằm mục đích phá vỡ xã hội dân sự và biến tất cả mọi người thành giai cấp vô sản; ngược lại, nó cố gắng nâng cao vị thế của người lao động, giúp họ trở thành công dân với đầy đủ quyền lợi, mục tiêu là đảm bảo quyền công dân phổ quát cho tất cả mọi người. […] Khi một chính sách kinh tế trong chương trình xã hội chủ nghĩa có nguy cơ đe dọa quyền tự do, chủ nghĩa dân chủ xã hội sẽ không ngần ngại phản đối. [14]

Xưởng sản xuất của Công ty Điện lực Tổng hợp (AEG) tại Berlin, khoảng năm 1900. Quá trình sản xuất được tổ chức hợp lý, tận dụng lợi thế quy mô. Công nhân lắp ráp các động cơ nhỏ tại các bàn làm việc dưới ánh đèn. Ảnh: Georg Buxenstein & Co. Nguồn ảnh: German History Docs.

Trong phần kết luận của tác phẩm, Bernstein không ngại chỉ trích mâu thuẫn trong cách nhìn nhận của Marx về giai cấp công nhân.

Đơn cử như chuyện Marx cho rằng giai cấp công nhân chưa đạt đến sự trưởng thành cần thiết và chưa có đủ điều kiện vật chất để tự giải phóng. Tuy nhiên, có những đoạn văn, Marx lại khẳng định “mọi văn hóa, mọi trí tuệ, mọi đức hạnh chỉ có thể được tìm thấy trong giai cấp công nhân,” đồng thời nhấn mạnh họ là giai cấp cách mạng nhất và giao cho họ nhiệm vụ lãnh đạo cuộc cách mạng vô sản. [15] 

Theo Bernstein, công nhân không bị bần cùng hóa đến tận cùng như Marx miêu tả trong “Tuyên ngôn Cộng sản”, nhưng cũng không tránh khỏi những định kiến và khuyết điểm do các điều kiện kinh tế và xã hội mà họ đang sống tạo ra. Ông cho rằng, mặc dù giai cấp công nhân đã đạt được nhiều tiến bộ về trí tuệ, nhận thức chính trị và khả năng tổ chức kể từ thời Marx và Engels viết các tác phẩm của mình, nhưng giai cấp này vẫn chưa đủ trưởng thành để nắm giữ quyền lực chính trị. [16]

Bernstein cũng phê phán quan niệm “công nhân không có Tổ quốc” trong “Tuyên ngôn Cộng sản” của Marx và Engels.

Marx lập luận rằng chủ nghĩa tư bản dựa trên sự bóc lột lao động khắp mọi nơi và có tính toàn cầu. Vì vậy, giai cấp công nhân không nên để các khác biệt về quốc gia hay văn hóa chia rẽ họ, và sự đoàn kết của giai cấp công nhân trên toàn thế giới là yếu tố then chốt để thực hiện một cuộc cách mạng toàn cầu nhằm lật đổ chủ nghĩa tư bản. Vì vậy Marx và Engels đưa ra lời hiệu triệu nổi tiếng: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”

Trái ngược với quan điểm của Marx, Bernstein nhận thấy rằng các cải cách dân chủ cần được thực hiện trong khuôn khổ quốc gia – dân tộc, và vì vậy số phận của người công nhân, và của nhân dân nói chung, gắn chặt với tổ quốc của họ:

Mặc dù quan điểm [công nhân không có tổ quốc] có thể đúng với công nhân của thập niên 1840, khi họ bị tước quyền và bị loại khỏi đời sống công cộng, nhưng ngày nay quan điểm này không còn đúng nữa […] Quan điểm này sẽ càng sai lầm hơn khi công nhân không còn là giai cấp vô sản, mà trở thành công dân thực thụ nhờ phong trào dân chủ xã hội. Khi người công nhân có quyền bỏ phiếu bình đẳng trong các bang và thành phố, được tham gia vào sự thịnh vượng chung của quốc gia, con cái của họ được giáo dục bởi cộng đồng, sức khỏe được bảo vệ, và họ có bảo hiểm chống lại tai nạn; họ sẽ có một tổ quốc mà vẫn là công dân của thế giới. [17]

Tóm lại, Bernstein nhấn mạnh rằng khi một quốc gia phát triển đến mức mà quyền lợi của thiểu số giàu có không còn là trở ngại lớn ngăn cản tiến bộ xã hội thì việc kêu gọi một cuộc cách mạng bạo lực trở thành vô nghĩa. Ông khẳng định:

Người ta có thể lật đổ một chính phủ, một nhóm thiểu số đặc quyền, nhưng không thể lật đổ một dân tộc […] Khi giai cấp công nhân không sở hữu các tổ chức kinh tế vững mạnh của riêng họ và chưa đạt được khả năng tư duy độc lập, thông qua việc đào tạo trong các cơ quan tự quản, thì chuyên chính vô sản chỉ là sự chuyên quyền của những kẻ diễn thuyết và nhà văn. [18] 

Có thể thấy, Bernstein phân biệt giữa việc lật đổ một chính phủ hoặc tầng lớp thiểu số đặc quyền với việc “lật đổ” cả một dân tộc. Ông cho rằng một cuộc cách mạng bạo lực có thể thay đổi chính quyền, nhưng không thể thay đổi bản chất của xã hội. Khi xã hội chưa có sự thay đổi về chất, cách mạng bạo lực chỉ dẫn đến việc thay thế sự chuyên chế của một nhóm người này bằng sự chuyên chế của một nhóm người khác.

Câu nói nổi tiếng nhất của Bernstein: “Phong trào là tất cả, còn mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội không có ý nghĩa gì”. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình cải cách liên tục nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, thay vì theo đuổi ảo ảnh về một xã hội lý tưởng trong tương lai. Việc áp đặt lý thuyết giáo điều về tương lai của một phong trào sẽ dẫn đến chủ nghĩa không tưởng (utopianism) và cản trở tiến bộ thực tế của phong trào đó. [19] Link ảnh.

Bernstein và Lenin có mối quan hệ đối kháng về tư tưởng. Lenin phê phán mạnh mẽ trường phái xét lại của Bernstein. [20][21] Tư tưởng của Lenin và Bernstein đại diện cho hai hướng phát triển chính của phong trào xã hội chủ nghĩa sau khi Marx qua đời: một bên là cách mạng bạo lực dưới sự lãnh đạo của đảng tiên phong do Lenin chủ trương, và bên kia là cải cách dần dần và ôn hòa theo đường lối của Bernstein.

Hai trường phái này đã xung đột với nhau dữ dội trong hàng thập niên tiếp theo.

(Còn nữa)

Chú thích

  1. Gay, P. (1962). The Dilemma of Democratic Socialism: Eduard Bernstein’s Challenge to Marx. Columbia University Press, page 20.
  1. Gay (1962), page 88.
  1. Bernstein, E. (1993). The preconditions of socialism (H. Tudor, Trans). New York: Cambridge University Press. (Original work published 1899) https://www.cambridge.org/core/books/bernstein-the-preconditions-of-socialism/05C495059B399969608FCCD50512B2CD
  1. Bernstein thường chỉ trích “tính nhị nguyên” trong lý thuyết của Marx và Engels, cụ thể là sự đối lập cứng nhắc giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, cũng như giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Theo Bernstein, sở dĩ Marx và Engels tin rằng chủ nghĩa tư bản chắc chắn sẽ sụp đổ và chủ nghĩa xã hội chỉ có thể đạt được thông qua cách mạng, là do họ chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi phép biện chứng của triết gia Hegel, vốn coi mâu thuẫn và xung đột là động lực chính của sự phát triển. Ông cho rằng nếu Marx và Engels không bám chấp vào lối tư duy này, họ có thể đã chấp nhận con đường cải cách ôn hòa thay vì cách mạng. Tham khảo thêm: Bernstein (1993), Introduction & Chapter 2: Marxism and the Hegelian dialectic.
  1. Bernstein (1993), page 58-59.
  1. Bernstein (1993), page 2.
  1. Bernstein (1993), page 182.
  1. Bernstein (1993), page XX.
  1. Bernstein (1993), page 111.
  1. Bernstein (1993), page 101-102.
  1. Bernstein (1993), page 143.
  1. Bernstein (1993), page 144.
  1. Bernstein, E (1906). Political Mass Strike and Romanticizing Revolution, Sozialistische Monatshefte, in Steger, ed., Selected Writings of Eduard Bernstein, 139.
  1. Bernstein (1993), page 146 & 147.
  1. Bernstein (1993), page 203-204.
  1. Bernstein (1993), page 205-206.
  1. Bernstein (1993), page 163-164.
  1. Bernstein (1993), page 205.
  1. Bernstein (1993), page 190-192.
  1. Lenin, V. I. (1902) What is to be done? Burning questions of our movement. Marxists Internet Archive. https://www.marxists.org/archive/lenin/works/1901/witbd/index.htm
  1. Lenin, V. I. (1916). Imperialism, the Highest Stage of Capitalism: A Popular Outline. Marxists Internet Archive. https://www.marxists.org/archive/lenin/works/1916/imp-hsc/imperialism.pdf

H.D.L.

Nguồn: Luatkhoa.com

 

This entry was posted in Hoàng Dạ Lan, Triết học hiện đại. Bookmark the permalink.