Nguyễn Xuân Thọ
4. Sức ép của thay đổi
Lần này vợ chồng tôi dành thời gian đi thăm khá nhiều nơi, kể cả lên Trường Sơn để thăm bà con nông dân đã gắn bó với tôi trong nhóm „Vườn rừng Cao Quảng“. Nhóm chúng tôi mừng vì đã giúp được họ về tài chính và khả năng tiếp cận với thị trường. Ngược lại bà con giúp chúng tôi hiểu được giá trị của rừng và các vấn đề liên quan đến „Chứng chỉ carbon“. Tôi sẽ viết về đề tài này sau.
Chúng tôi đi qua Đồng Hới, qua Vĩnh Linh, Quảng Trị, Đông Hà, đến đâu cũng dừng lại cho vợ tôi thăm quan. Những địa danh bão lửa này tôi từng đi qua nhiều lần, nhưng giờ đây dừng lại vẫn thấy bồi hồi. Hai vợ chồng ra chân cầu Hiền Lương chụp ảnh để được sống lại cảnh anh Vận, chị Hoài 65 năm trước [1]. Chiếc loa nén Trung Quốc để gần đó nhắc tôi về cuộc chiến tranh tuyên truyền giữa hai hệ tư tưởng. Nam-Bắc đua nhau lắp hàng trăm chiếc loa nén công suất lớn dọc hai bên bờ sông, chĩa sang nhau, không ai chịu thua. Kết quả là dân ca Bắc bộ và cải lương Nam bộ phát hết công suất chỉ làm khổ lỗ tai dân chúng hai miền. Ngày xưa đánh nhau đành là vậy. Ngày nay cái loa phường đánh ai ?
…
Nếu chỉ quanh quẩn ở Hà Nội hay Sài Gòn, du khách sẽ bức xúc về các vấn nạn ô nhiễm, tiếng ồn, tắc đường… Việc Hà Nội, Sài Gòn luôn đứng đầu danh sách các đô thị ô nhiễm nhất hành tinh là điều khỏi phải bàn cãi. Nhà má tôi dùng một bộ lọc nước máy, kèm thêm vài cái ống lọc với lời khuyên sau 3 tháng thay một lần. Nhưng chỉ sau 4 tuần là máy lọc tắc tịt vì ống lọc bị chất bẩn bịt kín. Còn tắc đường gần như là căn bệnh vô phương cứu chữa. Rất nhiều cầu vượt, đường cao tốc được xây lên, nhưng tốc độ xây cao ốc khủng còn nhanh gấp đôi. Lượng xe máy, ô tô lưu hành cũng tăng nhanh diện tích đường.
Biết rồi khổ lắm nói mãi!
Nông thôn Việt Nam đem lại cho tôi bức tranh khác. Cuộc sống người dân được cải thiện nhiều. Điện và viễn thông về đến mọi nơi. Trước kia tôi về Gò Bồi đi thăm mộ ông bà phải lội ruộng cả cây số rồi leo cầu khỉ. Nay nông dân làm đường đất để chạy máy cày nên chỉ cần đi bộ vài trăm mét là ra đến nơi. Nét mặt các cháu bé ở vùng sâu, vùng xa như Cao Quảng cho thấy các cháu cũng có một tuổi thơ như trẻ em thành thị. Nhiều khu công nghiệp mọc lên tạo cơ cấu mới cho nông thôn. Nông dân ít bị phụ thuộc hơn vào giá nông sản.
Mạng lưới đường cao tốc và quốc lộ cũng được nâng cấp trông thấy. Quốc lộ 1a có nhiều đoạn 2 làn xe mỗi chiều, đó là chưa kể đường „Cao tốc Bắc-Nam“ hơn 2.300,00 km chạy dọc theo Đông Trường Sơn.
Tuy nhiên lượng xe tải lớn trên các quốc lộ cũng như xung quanh các khu chế xuất ở Hà Nội, Sài Gòn chứng tỏ tốc độ công nghiệp hóa cao hiện nay khiến cho qui hoạch luôn chạy theo sau. Cùng với câu chuyện quy hoạch đô thị ( nghe khổ lắm mà cứ nói mãi) thì đây chính là một điểm nghẽn mà người ta nói đến.
Người ta coi qui hoạch lạc hậu là yếu kém của chính quyền, nhưng về cơ bản là sự vắng bóng của tri thức, của tính chuyên nghiệp. Thảo Điền ở Q2 Sài Gòn từ lâu được coi là „miền đất hứa“. Khi đến đó tôi thất vọng vì một khu đô thị mới, nhưng manh mún, chen chúc, ô nhiễm và sẵn sàng chịu ngập úng khi triều lên. Người giàu than phiền vì chỉ đi bộ cũng không tìm ra vỉa hè. Trong khi đó Phú Mỹ Hưng lại khác hẳn, đường ra đường, vỉa hè không bị lấn chiếm, nhà cửa ngăn nắp. Một số khu phố mới ở Quy Nhơn cũng vậy.
Điều này chứng tỏ vẫn có người làm được, chỉ có điều là rất hiếm.
Thiếu người tài một phần là do không có nền giáo dục tự do. Vì thế tự do học thuật, tự do học đường là một đòi hỏi mà đã đến lúc các nhà lãnh đạo kỹ trị không thể bỏ qua.
Nhưng không trọng trí thức, không chịu sử dụng nhân tài mới là nguyên nhân chính cho bệnh chảy máu chất xám. Cũng vì „Cánh cửa đóng sập lại trước mặt một kỹ sư không vào đảng“ mà tôi phải ra nước ngoài lập nghiệp. Đó là thời của sự u muội duy ý chí. Đi dép lốp bay vào vũ trụ, quyết xây bằng được CNXH từ bèo hoa dâu.
40 năm sau, thời thế đã thay đổi. Khi đã chấp nhận xóa bỏ công hữu, phát triển kinh tế tư bản tư doanh, cho phép nhà tư bản lãnh đạo công nhân trong xí nghiệp, hầm mỏ mà vẫn giữ khư khư đặc quyền của đảng viên trong khu vực nhà nước thì quả là mâu thuẫn. Cái quy định vi hiến, bất thành văn nhưng ngự trị xã hội: „Chỉ đảng viên mới được giữ các chức vụ then chốt, mới được thăng tiến“ đã khiến những kẻ có máu tham tìm mọi cách chui vào đó để vụ lợi. Dù không phải tất cả đảng viên đều vụ lợi, nhưng chắc chắn rằng các vị trí để kiếm được lợi, để dễ tham nhũng đều do đảng viên nắm giữ. Việc đốt lò sẽ chỉ là một sự nghiệp vô ích, chừng nào cái hố trũng đạo đức đó không bị lấp.
Một cậu em là bác sỹ giỏi ở Sài Gòn chỉ thích làm chuyên môn, không khoái việc vào Đảng. Bệnh viện nhiều lần muốn kết nạp anh để đưa lên làm chủ nhiệm khoa, vì họ cần trình độ như anh ở vị trí đó. Anh chỉ ừ hữ bỏ ngoài tai. Nhưng khi biết kẻ kém và tệ hơn sẽ lên phụ trách mình thì anh chặc lưỡi cho xong. Năm ngoái anh được phong chủ nhiệm khoa. Mỗi người một cuộc đời, tôi mừng cho anh. Biết tôi về, anh đến thăm. Anh hối hận vì đã nhận làm quan.
– Áp lực quá anh. Mấy năm rồi nhiều người ở viện bị bắt, bị kỷ luật. Giờ ai cũng sợ bị biến thành củi nên không dám quyết gì cả. Vật tư không mua được, bênh nhân ùn tắc. Mình nhảy vô giải quyết. Nhưng mua đồ tốt thì đấu thầu xong bị tố mua đắt, mà mua đồ rẻ thì chỉ hại bệnh nhân.
Nhiều bạn làm doanh nghiệp cũng than phiền về sự đình trệ trong kinh tế ba năm qua, một phần vì hậu quả của Covid, nhưng phần lớn do „ở trên không dám làm gì cả“.
Nhà nước là một cỗ máy từ hàng vạn chi tiết. Nếu tất cả các bánh răng, dây xích, trục chuyền đều có chất lượng cao thì máy sẽ hoạt động tốt trong mọi hoàn cảnh. Nhưng nếu các chi tiết then chốt đều bị chiếm giữ bởi các linh kiện hoen rỉ thì chúng sẽ làm thất thoát năng lượng khi tăng tốc và kìm không cho máy chạy khi vướng mắc.
Khác với thời bao cấp, người tài giỏi như cậu em bác sỹ không việc gì phải bám vào nhà nước nữa. Cuộc cạnh tranh ở bên ngoài nhà nước cũng khốc liệt, nhưng chỉ dựa vào năng lực chuyên môn. Anh sẽ thoát cái bẫy đấu thầu và các cuộc họp hành liên miên. Nhưng nếu người tài luôn bị đào thải khỏi cỗ máy nhà nước đó thì xã hội không bao giờ qua khỏi những chỗ nghẽn.
Bức tranh xã hội Việt Nam mà tôi thấy, không chỉ là màu đen, sáng, tối hay chỉ màu hồng. Có điều chắc chắn là nền kinh tế đã tiến khá xa.
Sau 1975, những sai lầm trong quản lý kinh tế, xã hội và hòa giải dân tộc đã đẩy lùi Việt Nam rất xa về phía sau. Theo Database.Earth [2] thì VN sau chiến tranh có GDP/ đầu người khoảng 200 USD. Năm 1990 con số này thấp hơn 100 USD vì mất toàn bộ viện trợ từ Liên Xô và Đông Âu. So với các nước láng giềng thì năm 1990 Việt Nam thua tất cả (xem đồ họa). Đến 2022 thì mức sống ở Việt Nam đã vượt qua Philippines và Ấn Độ, đang đuổi sát nút Indonexia. Đây là thống kê của các tổ chức quốc tế đưa ra, không bị ai bóp méo có dụng ý.
Việt Nam sau cải cách vẫn tiếp tục mắc các sai lầm về thể chế mà vẫn có tốc độ phát triển cao hơn những nước láng giềng xưa nay vẫn theo chủ nghĩa tư bản. Vậy thì việc gì phải thay đổi?
Câu trả lời là nếu so sánh với Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore thì rõ ràng chúng ta tự kìm hãm nên bỏ mất rất nhiều cơ hội hóa rồng. Điều quan trọng là việc phát triển con người tụt hậu xa. Nếu không phá những yếu tố tự kìm hãm này thì Intel, Nvidia hay ai đó nhảy vào Việt Nam cũng chỉ tìm chỗ có nhân công đóng vỏ giá rẻ mà thôi.
Tôi ngắm nhìn tòa nhà sừng sững ở ngã ba Ngô Văn Sở / Quang Trung Hà Nội mà nghĩ đến một hình ảnh rất là Việt Nam.
Phía trên, thượng tầng của tòa nhà đang ngự trị Nhà Xuất bản Chính Trị Quốc Gia – Sự Thật. Hạ tầng bên dưới là LPBank (NH thương mại cổ phần Lộc Phát). Sòng phẳng ra thì cái NXB phía trên sẽ không đủ nuôi sống nó. Ngân hàng, một cấu thành của CNTB đang nuôi số cán bộ ở tầng trên.
Để cho cả tòa nhà cùng sinh lợi là mục tiêu và cái giá của sự thay đổi. Nhiều người đã thấy rõ.
…
[1] Phim „Chung một dòng sông“ (1959) kể về tình yêu xuyên qua sông Bến Hải.
[2] https://database.earth/economy/viet-nam/gdp-per-capita
Nguồn: FB Tho Nguyen
5. Thay đổi hay là chết
Phản hồi bài trước của tôi, có bạn lạc quan cho rằng: „Việt Nam cứ vững bước tiến lên, ai than thở cứ than thở“. Hoặc ngược lại: „Cải cách gì cũng chằng hóa rồng được“.
Lịch sử không đơn giản chỉ có trắng-đen.
Tình hình thế giới hiện nay đang đặt Việt nam trước những lựa chọn khác hẳn. Cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraina nhằm vẽ lại đường biên giới là một cú sốc. Không chỉ lo ngại một hành động tương tự từ Trung Quốc, mà thái độ đối với Nga, nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Việt Nam cũng thay đổi. Một nhà báo trẻ ở Hà Nội nói: „Việc báo chí thiên vị cho Nga, chỉ đưa tin từ nguồn thân Nga không phải vì họ không biết là ai xâm lăng, mà vì những định kiến xấu với phương Tây ăn sâu lâu nay trong đầu. Nhưng vũ khí phương Tây sẽ dần thay thế hàng Nga và nguyên thủ ta đã bắt tay Zelensky rồi đó“.
Số phận bi thảm của Ukraina là bài học đắt giá cho những nước cùng chung số phận sống bên một đế quốc hung hãn. So với Việt Nam, Ukraina có tiềm lực mạnh hơn nhiều, nhất là công nghiệp quốc phòng, lực lượng trí thức và đội ngũ kỹ sư tin học. Ukraina có một hậu phương nông nghiệp bao la và quan trọng nhất là được cả một liên minh phương Tây hậu thuẫn (Nhóm Ramstein hội tụ 50 nước ủng hộ Kiew).
Bất chấp tất cả những thuận lợi đó, Ukraina vẫn bị tàn phá tan hoang, 1/5 lãnh thổ bị mất, hàng trăm ngàn người chết, hàng triệu người tha hương.
Tổn thất này là do đất nước mạnh thứ hai trong liên bang Xô Viết đã ngủ quên hơn 20 năm, không cải cách kinh tế, xã hội, chỉ sống bám vào quan hệ kinh tế với ông bạn láng giềng. Sau khi tách ra khỏi Liên Xô, Ukraina vẫn copy Nga trong mọi việc, từ nền kinh tế đến cách tổ chức quân đội, công an, thậm chí đã trao vũ khí hạt nhân cho Nga. Còn gián điệp Nga thì nằm ở mọi ngõ ngách.
Có người coi những lỗi lầm đó do các chế độ thân Nga trước năm 2014 gây ra. Nhưng dù là ai thì họ cũng là người Ukraina. Lịch sử sẽ chỉ nói là Ukraina bị mất Crimea và một phần Donbas năm 2014, chứ không nói là Ukraina nào. Trung Quốc cũng đã cướp của Việt Nam quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và Gạc Ma năm 1988, không kể Việt Nam nào.
Nếu không mau chóng có một nền công nghiệp mạnh, một thiết chế xã hội hiệu quả, nếu không có đủ đồng minh tin cậy, nếu không mau chóng thoát khỏi vòng cương tỏa của Nga và Trung thì cơ hội sống sót của Việt Nam khi Bắc Kinh gây hấn là bao nhiêu?
Nước Mỹ sau Trump I và trước Trump 2 đang đẩy thế giới vào trật tự „Cùi chỏ“, „Mạnh nuốt yếu“. Ý đồ nuốt chửng Canada, Panama và Groenland dĩ nhiên khuyến khích Putin khôi phục lại Liên Xô cũ, giúp Tập quyết tâm chiếm Đài Loan và các đảo Biển Đông. Thương mại xuất siêu sang Mỹ, bao năm qua đã góp phần đáng kể cho Việt Nam tăng trưởng, liệu có giữ được trước một tổng thống chỉ thích chơi „Áp thuế“? Đối với MAGA, đồng minh kiểu gì cũng chỉ là gánh nặng.
Cách duy nhất để không bị mạnh nuốt yếu là mình phải mạnh, phải thành một thế lực mà ai nhìn vào cũng phải nể.
Vậy thì không thể cứ rung đùi ca ngợi tốc độ tăng trưởng 5%-6%/năm được mãi nữa. Đã đến lúc phải thoát nhanh khỏi cái cái bẫy „Thu nhập trung bình“ mà mãi mới đạt được. Mục tiêu tăng trưởng 2 con số đã chính thức được đặt ra. Việc Singapore trước kia nghèo hơn Sài Gòn, nay chạy xa tít mù tắp đã trở thành lời than thở chính thức. Thể chế chính trị tắc nghẽn xưa nay thường được gọi chệch là „cơ chế vận hành“, nay đã được thẳng thắn gọi đích danh để cải cách. Cỗ xe kồng kềnh, không hiệu quả, chỉ dựa vào cán bộ chuyên môn „đủ giỏi“ để tiến từ từ, nay trở thành bước cản. Kế hoạch tinh giảm bộ máy nhà nước, cắt bỏ nhiều cơ quan, tổ chức ký sinh, với hàng chục ngàn biên chế đã bắt đầu được thực hiện. Triển lãm „Quốc phòng Việt Nam“ tổ chức ở sân bay Gia Lâm tháng trước là một nỗ lực rõ ràng để quốc tế hóa và nội hóa vũ khí cho quân đội, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga.
Những biểu hiện của nhận thức „Cải tổ hay là chết“ này là chính đáng và tạo hy vọng cho rất nhiều bạn bè mà tôi gặp. Nhưng điều đó không dễ. Sau gần 40 năm „đổi mới“ trong hòa bình, cải cách lần này thực chất là phá bỏ các rào cản do chính mình tạo ra. Vượt qua mình mới khó.
Ai cũng biết giao thông đô thị ở Việt Nam là sự hỗn loạn có một không hai. Bao nhiêu tiền đổ vào các hệ thống đường cao tốc, hầm chui, cầu vượt đều không có kết quả. Vậy mà kỳ diệu thay, chỉ một đêm sau khi ban bố mức phạt 6 triệu VND cho xe máy vượt đèn đỏ, trật tự đã được thiết lập. Nhưng bi kịch mới xuất hiện, nạn ùn tắc! Ùn tắc đến mức kinh hoàng (nguyên văn), nhiều hoạt động đình trệ. Người đi xe bỗng nuối tiếc tình trạng vô luật trước đây.
Thì ra xưa nay ta đi lại được, tuy chậm, là nhờ cái mà du khách nước ngoài gọi là „Sự hỗn loạn hợp lý“. Hợp lý vì trong nền giao thông đó, hỗn loạn như vậy mới được việc. Nay cố gắng lập lại trật tự giao thông mong giảm thời gian chết trên đường, bớt khí thải v.v. mới té ra là hệ thống giao thông hiện hành phù hợp hơn với sự hỗn loạn, vô luật pháp.
Tương tự, người ta chưa tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra trong ngành giáo dục, nếu việc dạy ngoài giờ và lạm thu các loại „Tiền bóng đèn“ bị cấm tiệt. Nhà nước chỉ nuôi giáo viên một phần, kiếm đâu ra phần còn lại từ dân?
Tương tự, đầu tư nhà nước sẽ đình trệ, nếu qui định đấu thầu hiện tại bị xóa bỏ. Dù thất thoát, nhưng luôn có một bên B nào đó đã được A ngầm cam kết cho thắng và dự án vẫn được giải ngân, công trình vẫn hoàn thành.
Các ví dụ trên cho thấy: Lĩnh vực nào cũng vậy, sự „hỗn loạn hợp lý“ đã giúp cỗ máy không hiệu quả này hoạt động.
Giờ đây phải tiến nhanh, phải hiệu quả để khỏi bị tụt hậu, nhưng không đơn giản bỏ cỗ máy đó, mua cỗ máy khác. Đã đến lúc cần những người „rất giỏi“ điều hành, để tháo gỡ những gì các bạn „ít giỏi hơn“ để lại.
Điều này không dễ, vì đầu tiên nó sẽ mâu thuẫn với chính sách cán bộ xưa, vì phải tát cạn cái hố trũng đạo đức mà tôi nêu trong phần trước.
Điều quyết định là xã hội phải sản sinh và đào tạo con người mới. Phạm Thanh Vân, sáng lập viên của „Dự án Đại Sự Ký Biển Đông“ nói với tôi trong một tiệm cà phê nhỏ. „Có nhiều con đường để canh tân đất nước. Nhưng không con đường nào thoát khỏi việc phải tạo ra một tầng lớp trí thức có trình độ sâu sắc, có phương pháp làm việc chuyên nghiệp“.
Tâm đắc vô cùng với Vân. Nhưng tôi băn khoăn một điều. Thanh niên Việt Nam hiện nay có nhiều không gian hơn để hoạt động, có nhiều nguồn thông tin để tìm hiếu hơn chúng tôi. Vậy mà xã hội vẫn thiếu nhân tài. Năm 2010 tôi được vào thăm nhà máy Intel ở Khu công nghệ cao TPHCM cùng một số trí thức Việt kiều khác. Nhà máy này chủ yếu đóng vỏ chíp, kiểm tra và đóng gói chip. Cho đến nay, đầu tư 1,5 tỷ USD này của Intel vẫn không tạo ra kích thích nào khác cho công nghiệp bán dẫn nước nhà. Việt Nam thiếu những trí tuệ đủ sức xây dựng ngành này. Trong các ngành khoa học xã hội, sự thiếu hụt này còn trầm trọng hơn.
Trí tuệ cao cấp chỉ có được trong một nền giáo dục có đẳng cấp, được bảo vệ bằng tự do học thuật. Có bạn tiết lộ rằng: vụ tấn công đại học Fulbright là do tình báo Hoa Nam giật dây [1]. Tôi không dám khẳng định điều đó, nhưng tin rằng dù do ai xui thì trong nước vẫn có rất nhiều kẻ sợ cách mạng mầu, sợ dù vàng nên mới có những bài báo cố tình nhầm lẫn “Tự do học thuật“ với „Diễn biến hòa bình“.
Trở ngại lớn nhất cho những cố gắng cải cách chính là lực lượng âm binh đông như quân Nguyên.
Nhìn tấm hình ông Jensen Huang, chủ tịch Nvidia nhậu với Thủ tướng, tôi thầm mong hai ông tranh thủ lúc bù khú đã giải thích rõ sự nhầm lẫn tai hại nọ.
(Còn tiếp)
[1]https://fulbright.edu.vn/…/thu-ngo-tu-truong-dai-hoc…/
N.X.T.
Nguồn: FB Tho Nguyen