Lo lắng về sự lớn mạnh của Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang

09-8-2010

Các quốc gia Đông Nam Á đang gia tăng xây dựng quân đội của mình, mua tàu ngầm và máy bay phản lực với một tốc độ kỷ lục và đang xích lại gần hơn về chiến lược với Hoa Kỳ, được coi như là một thứ phên giậu nhằm chống lại sự lớn mạnh của Trung Quốc và tuyên bố chủ quyền của nước này đối toàn bộ vùng Biển Đông [nguyên văn: Biển Nam Trung Hoa].

Những cuộc mua bán vũ khí trong khu vực tăng gần gấp đôi kể từ năm 2005 đến 2009 so với năm năm trước, theo số liệu được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm công bố năm nay.

“Có một nhận thức trong một số các quốc gia ở Đông Nam Á về mối đe dọa”, ông Siemon Wezeman, thành viên cao cấp tại Viện này nhận xét “Mà ở đó, Trung Quốc là một vấn đề”.

Việc mua sắm giành cho các cuộc giao tranh được tiếp tục, với các báo cáo cho biết rằng Việt Nam đã đồng ý trả 2,4 tỉ USD để mua sáu tàu ngầm loại Kilo của Nga và một tá máy bay chiến đấu phản lực Su-30MKK được trang bị cho chiến tranh trên biển. Điều này bổ sung thêm cho cam kết được tuyên bố rõ của Úc mua hoặc tự đóng thêm chín tàu ngầm và tăng cường lực lượng không quân với 100 phi cơ F-35 do Hoa Kỳ sản xuất. Malaysia cũng đã chi ra hơn $ 1 tỷ USD cho hai tàu ngầm diesel từ Pháp, và Indonesia gần đây cũng đã thông báo sẽ mua những tàu ngầm mới.

Những mối quan ngại ở Đông Nam Á về gia tăng tiềm lực của Trung Quốc được phô bày tại Hà Nội vào giữa tháng Bảy trong một diễn đàn an ninh khu vực bao gồm Hiệp hội các nước Đông Nam Á, Hoa Kỳ, Trung Quốc và các cường quốc châu Á khác. Trong cuộc họp, Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton lần đầu tiên trên thực tế đã bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ vùng biển rộng 1,3 triệu dặm vuông. Mười một quốc gia khác, trong đó Việt Nam đóng vai trò chính, đã được Hoa Kỳ hậu thuẫn, để lại Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì mất bình tĩnh một cách đáng lưu tâm trước những đòn công kích, các nhà ngoại giao nhận xét.

Theo các quan chức Mỹ và ASEAN, nước này cùng Đông Nam Á đã nhất định đưa vấn đề Trung Quốc ra một phần là do  hành vi của Trung Quốc đã tỏ ra hung hăng hơn trong khu vực.

Trung Quốc đã chuyển đổi một số tàu chiến để sử dụng cho các dịch vụ hàng hải của mình và gửi chúng đến khu vực. Ngày 23 Tháng 6, một tàu hải quân Indonesia bị đẩy ra khỏi vùng biển mà Indonesia tuyên bố chủ quyền sau khi một con tàu từ cơ quan quản lý nghề cá của Trung Quốc – một trong những tàu chiến cũ – đã chĩa súng máy hạng nặng vào chiếc tàu Indonesia. Trong một năm qua, đội tàu hàng hải của Trung Quốc đã bắt giữ ít nhất 22 tàu đánh cá Việt Nam, theo các bản tin từ cơ quan truyền thông Việt Nam cho hay. Trung Quốc cũng đã đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá cho các vùng biển đang tranh chấp.

Hôm thứ Năm, Việt Nam đã tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền của mình bằng cách tiến hành thăm dò địa chấn ở gần các quần đảo tranh chấp ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho biết các tàu Trung Quốc đã và đang tiến hành hoạt động thăm dò địa chấn kể từ cuối tháng Năm, gần một hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, cũng như tại các lô dầu khí trên thềm lục địa của nước này.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay và không để tái diễn những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam”, bà tuyên bố.

Trong nhiều năm, các chuyên gia đã dự đoán rằng “quyền lực mềm” và nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc sẽ cho phép nước này thống trị khu vực. Tuy nhiên, trong lúc ngoại giao của Trung Quốc chuyển thế hung hăng hơn, khu vực này đã bất chấp những dự đoán trước đây và đã tìm đến Washington để nhận được sự giúp đỡ.

“Thay vì sử dụng sự nổi lên của Trung Quốc như một đối trọng chiến lược trước vị thế đứng đầu của Mỹ, thì hầu hết các nước ở châu Á dường như lặng lẽ cùng nhau kết thân [bandwagon] với Hoa Kỳ để làm đối trọng chống lại sức mạnh tiềm tàng trong tương lai của Trung Quốc”. Đó là kết luận trong một báo cáo năm nay của Viện Chính sách Quốc tế Úc Lowy.

Trong năm 2009, khi được hỏi để chọn một quốc gia sẽ là khởi nguồn to lớn nhất của hòa bình và ổn định trong khu vực trong 10 năm tới, theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế ở Washington, thì “giới tinh hoa chuyên về chiến lược” trong khu vực đã chọn Hoa Kỳ với số ý kiến áp đảo. Cũng theo cuộc khảo sát này, thì quốc gia tạo ra mối đe dọa lớn nhất đối với khu vực, không phải Bắc Triều Tiên, mà là Trung Quốc.

Các chuyên gia nói chung đều đồng ý rằng chương trình mua sắm vũ khí của Việt Nam là có ý nghĩa nhất bởi vì điều đó xem ra được tập trung một cách khác thường vào việc ngăn chặn Trung Quốc. Thực chất, Việt Nam đang cố gắng xây dựng các hệ thống phòng thủ bờ biển của mình sao cho đủ mạnh để Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ đến hai lần mỗi khi đẩy tới những đòi hỏi chủ quyền  của họ.

“Việt Nam đang chi tiêu rất nhiều và đang tập trung vào vấn đề biển đảo với tàu ngầm và máy bay chiến đấu và thậm chí cả tên lửa”, ông Carl Thayer, một Giáo sư tại Học viện Quốc phòng Úc nhận xét.

Việt Nam đã với tay đến một loạt các đối tác. Họ có một mối quan hệ vững chắc với Ấn Độ, một trong những đối thủ cạnh tranh chính của Trung Quốc trong khu vực. Lực lượng quân sự Ấn Độ, cũng có triển khai tại Nga – đã đóng những chiếc tàu ngầm thế hệ Kilo, được cho là có đào tạo thủy thủ Việt Nam cho những hoạt động trên tàu ngầm. Song Việt Nam cũng đang ngày càng gia tăng mức độ gần gũi hơn với Hoa Kỳ.

Các quan chức quân sự và chính phủ Mỹ và Việt Nam thường xuyên có các cuộc gặp gỡ. Họ trao đổi về một quan hệ chiến lược. Các cuộc họp cấp cao bàn về việc chính thức hóa một mối quan hệ quân sự dự kiến được tổ chức trong năm nay. Thương mại giữa hai nước đang bùng nổ, tăng từ 2,91 tỷ USD năm 2002 lên 15,4 tỉ USD năm 2009.

Sau khi tham gia các hoạt động quân sự với Hàn Quốc vào giữa tháng Bảy, chiếc tàu sân bay USS George Washington đã tới vùng biển của Việt Nam tuần trước, và đã tiếp đón long trọng các quan chức cao cấp của Việt Nam. Trung Quốc đã chỉ trích Hoa Kỳ về những hoạt động diễn tập quân sự với Hàn Quốc. Mặc dù vậy, Việt Nam lại vẫn hoan nghênh sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ cũng đang đề nghị giúp đỡ ngành công nghiệp điện hạt nhân của Việt Nam. Theo xác nhận trước Quốc hội tháng Năm của ông Vann H. Văn Diepen,Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân, hai nước đã ký một biên bản ghi nhớ về hợp tác hạt nhân dân sự vào tháng Ba. Hai nước cũng đang cùng làm việc cho những dàn xếp để cho phép Việt Nam làm giàu uranium của riêng mình cho sản xuất năng lượng. Trong tháng Mmười một năm ngoái, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Nước này còn có kế hoạch xây dựng thêm từ 8 đến 10 nhà máy.

Bản dịch của blog Anh Ba Sàm

Nguồn: http://anhbasam.com/11-8-2010

This entry was posted in Quân Đội, Trung Quốc. Bookmark the permalink.