Biến đổi khí hậu và nông dân đồng bằng sông Cửu Long

Matthias Müller, NZZ Thụy Sĩ

Der Klimawandel zwingt Landwirte im Mekong-Delta zum Umdenken. Sie produzieren nun Crevetten – und zahlen LehrgeldNeue Zürcher Zeitung; Matthias Müller, Ca Mau; 21.04.2023

Người dịch: Ninh Dương

Biến đổi khí hậu buộc nông dân đồng bằng sông Cửu Long phải thay đổi suy nghĩ. Giờ đây họ sản xuất tôm – và trả giá đắt cho bài học.

Từ nghìn năm nay, sông Mekong là huyết mạch của Đông Nam Á. Thế nhưng, ở vùng đồng bằng châu thổ dòng sông hùng vĩ, biến đổi khí hậu đã có mặt ở khắp mọi nơi. Việc canh tác lúa bị hạn chế một cách đáng kể vì lý do đất bị nhiễm mặn.

Nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long có thể kiếm được thu nhập từ nuôi tôm cao hơn là trồng lúa. Tuy nhiên, do thiếu chuyên môn về ngành này nên họ phải trả giá đắt cho bài học. [Roberto Schmidt/AFP]

Trịnh Hoàng Cung chèo thuyền trên một cái hồ nhỏ với nhịp gõ đều đặn vào chiếc gậy nhô lên khỏi mặt nước. Ông ta kéo lưới lên và bỏ mẻ tôm đánh bắt được vào thùng chứa. Những con tôm sú và một con cua đang giãy giụa trong xô. Hoàng[*] quan sát mớ thu hoạch, cười mãn nguyện nói: “Mẻ này được đấy”.

Nguồn hy vọng đã trở lại. Trước đây, Hoàng  và gia đình trồng mía và trồng lúa quanh năm để mưu sinh. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã phá vỡ chu trình khiến Hoàng rơi vào tình trạng quẫn bách. Ông không bỏ cuộc. Trong tình thế nguy cấp, ông đã cùng với những người đồng cảnh ngộ đánh liều làm một cái gì mới và chuyển sang nghề nuôi tôm trong mùa khô và trồng lúa vào mùa mưa.

Nhà máy thủy điện ở thượng nguồn như một lời nguyền

Ông (Hoàng) sống trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Tỉnh này nằm ở cực nam của Việt Nam, bên rìa đồng bằng sông Cửu Long, nơi con sông phân nhánh và đổ ra Biển Đông sau một hành trình dài 4300 km qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Cơ sở bản đồ: © Openstreetmap© Maptiler (NZZ/Mue)

Từ hàng ngàn năm, Mekong là huyết mạch của Đông Nam Á. Thế nhưng, con người đang gây thiệt hại cho dòng chảy khổng lồ này. Hệ sinh thái phức tạp đang đối mặt với áp lực. Bộ Nông nghiệp Việt Nam ước tính rằng, hằng năm có khoảng 500 ha đất, tương đương với 700 sân bóng đá, bị mất đi do xói mòn vì mực nước biển dâng cao ở đồng bằng sông Cửu Long. Tình hình tương lai không sáng sủa gì hơn, ngược lại là đằng khác.

Xem video: 4000 km nước – Mê Kông nguồn sống của Đông Nam Á

Mê Kông là huyết mạch của Đông Nam Á.

Hậu quả của việc mực nước biển dâng cao trở nên trầm trọng hơn vì một xu hướng khác. Theo Ngân hàng Thế giới, đồng bằng sông Cửu Long, trung bình chỉ cao hơn mực nước biển 80 cm, đang chìm xuống 1,1 cm mỗi năm. Có nhiều nguyên nhân cho hiện tượng xảy ra: Khu vực này tương đối “trẻ”, đó là lý do tại sao các lớp đất vẫn đang chìm lắng. Nước ngầm được bơm lên để tưới cho đất nông nghiệp. Mặt đất đang lún xuống.

Thêm vào đó, còn có rất nhiều nhà máy thủy điện ở thượng nguồn. Chúng được xây dựng để ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi cách xa hàng nghìn km, những nhà máy này gây ra thiệt hại lớn. Chúng làm hậu quả của biến đổi khí hậu thêm phần trầm trọng.

Các nhà máy thủy điện làm thay đổi dòng chảy. Nguồn nước ở hạ lưu sông Mekong đang suy giảm. Và số trầm tích đổ về đồng bằng, vốn bồi đắp và ổn định bờ và các cửa sông hàng nghìn năm qua, nay cũng thuyên giảm. Điều này làm tình trạng xói mòn trở nên xấu hẳn đi. Các dự báo cũng thật là ảm đạm. Đến cuối thế kỷ này, hơn một nửa đồng bằng sông Cửu Long có thể chìm dưới mặt nước.

Nông dân ĐBSCL bơm nước mặn vào đồng vào mùa khô để nuôi tôm.

Hoa lợi sút giảm, thu nhập tụt dốc thảm hại

Nhưng, thật ra không phải chờ lâu đến như vậy. Ngay hôm nay, những người nông dân như Hoàng đã ghi nhận những tác động của mực nước biển dâng cao và đồng bằng sông Cửu Long đang chìm xuống. Nước mặn ngày càng xâm nhập sâu hơn vào đất liền. Các lối canh tác truyền thống không còn hiệu quả. Trái cây, rau, gạo đều không thích nghi với muối. Hoa lợi sút giảm. Thu nhập tụt dốc thảm hại.

Christoph Klinnert, đến từ Hiệp hội hợp tác quốc tế (Gesellschaft für internationale Zusammenarbeit, viết tắt là GIZ)  phụ trách hợp tác xã Dân Phát (HTX), nơi Hoàng đang hoạt động, từ hai năm nay. “Cách đây 25 năm, vùng này quanh năm vẫn trồng mía và lúa. Tuy nhiên, vào khoảng tám năm trở lại, điều này không còn thực hiện được. Vào mùa khô, không có đủ nước ngọt để tưới cho đồng ruộng”. Cần phải có giải pháp thay thế.

Hợp tác xã chuyển đổi cách sản xuất nông nghiệp: Vào mùa khô giữa tháng Giêng và tháng Tám, ruộng lúa được cải tạo thành các hồ nước lợ nhỏ để nuôi tôm sú, loài chịu được độ mặn cao trong nước.

Cuối tháng Tám, khi bắt đầu mùa mưa, nước được rút từ đồng ruộng chảy vào các kênh rạch. Những cơn mưa đầu mùa sẽ bắt đầu xả muối ra khỏi các cánh đồng. Sau đó, ruộng đồng sẽ ngập tràn nước ngọt. Lúa sẽ được gieo và ấu trùng của tôm Rosenberg, loài thích hợp với nước ngọt, sẽ được thả vào đó. Thu hoạch sẽ được diễn ra vào tháng Mười Hai.

Hợp tác xã Dân Phát có đôi bàn tay khéo léo khi trồng lúa. Thế nhưng, ở bước đầu trong việc nuôi tôm HTX đã gặp phải khó khăn. Thiếu kỹ năng chuyên môn. Klinnert nói: “Họ đã mua ấu trùng mà không hề để ý đến chất lượng, họ thả chúng vào nước để rồi hầu như không còn bận tâm đến việc nuôi dưỡng trong hai, ba tháng cho đến khi thu hoạch. Kết quả thật tồi, thu nhập ít ỏi.

Thêm một khó khăn trong khu vực là các trang trại khác cũng thay đổi chiến lược và trồng lúa vào mùa mưa cũng như nuôi tôm vào mùa khô. Thật ra, vùng này như đã được định sẵn, thích hợp cho lựa chọn này. Nó được đan chéo bởi các con sông và kênh rạch với nguồn từ các nhánh phụ của sông Mê Kông.

Tuy nhiên, mạng lưới sông ngòi chằng chịt này vừa là một phước lành vừa là một lời nguyền. Nếu dịch bệnh bùng phát tại một trang trại thì nó sẽ lây lan rất nhanh qua ngõ đường sông và kênh rạch. Một phản ứng dây chuyền xảy ra, từ đó tất cả nông dân đều phải gánh chịu hậu quả. Thuốc kháng sinh, cái mà nông dân sử dụng để ngăn chặn bệnh tật thủy sản, lại chính là chất độc cho nước, đất, tôm và đa dạng sinh học theo nghĩa chân thực nhất của từ này.

Ngân hàng Thế giới ước tính mỗi năm có 3,3 tỷ mét khối nước thải từ các trang trại nuôi tôm đổ vào sông và kênh rạch đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn nước ô nhiễm này được sử dụng bởi tất cả các nông trại trong vùng. Đây chính là vòng luẩn quẩn do chính con người tạo ra.

Hai năm trước, với sự giúp đỡ của GiZ, hợp tác xã Dân Phát bắt đầu thay đổi tư duy. Rời hồ lên bờ, nông dân Hoàng đổ một lít nước và nước mía vào một cái thùng, bỏ hỗn hợp men vi sinh vào, cộng thêm vào đó 2 kg bột gạo. Sau đó, anh trộn các thành phần này với nhau. Hoàng liếc nhìn thùng chứa với cặp mắt lão luyện: “Hỗn hợp đã xong xuôi”. Ông ta đi đến hồ và đổ tất vào đó.

Hỗn hợp này nhằm cải thiện chất lượng nước và thúc đẩy sự phát triển của tảo và sinh vật phù du theo cách tự nhiên. Nhờ đó, tôm có thêm thức ăn và chế độ ăn lành mạnh hơn. Ngoài ra, chế phẩm sinh học còn phá hủy các hợp chất độc hại như nitrat ở nồng độ cao. Điều kiện sống cho động vật sẽ được cải thiện.

Hợp tác xã đã trở nên thận trọng hơn sau khi trải qua những kinh nghiệm trong quá khứ. Trước khi mở cửa đập để tưới ruộng, họ đo lường chất lượng nước. Chỉ khi nào các thử nghiệm cho thấy nước đủ sạch thì họ mới cho nước chảy ngập mặt ruộng.

Một nữ nông dân đang canh tác một cánh đồng ở đồng bằng sông Cửu Long. Gần 25 triệu tấn gạo đã được thu hoạch trong khu vực này vào năm ngoái.

Sẵn sàng học hỏi và có đầu óc kinh doanh

Sự hợp tác giữa HTX và GiZ đang có hiệu quả. Klinnert nói: “Người Việt Nam rất sẵn lòng học hỏi và cởi mở với những cái mới ngay khi họ nhận ra rằng họ có thể kiếm tiền từ đó. Năng suất đã tăng một cách đáng kể kể từ năm 2021. Trước 2021, nông dân thu hoạch trung bình 200 kg tôm/ha. Năm đầu tiên sau khi bắt đầu hợp tác, nó đã tăng lên đến 250 kg/ha; mỗi hộ trong hợp tác xã sở hữu từ 2 đến 2,5 ha.

Thu nhập gia tăng khoảng 30%. Sự tăng trưởng được hình thành bởi hai yếu tố: Một là, nửa số ấu trùng trong hồ sống sót thay vì một phần ba. Mặt khác, khi thu hoạch, tôm có lớn hơn trước.

Bước tiếp theo là việc nhân giống tôm sẽ được chứng nhận. Để đạt được điều này, HTX phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định như minh bạch, sản xuất bền vững và truy xuất nguồn gốc. Có như vậy, nó mới phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng ở châu Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ và ngày càng gia tăng, ở Trung Quốc, là các nơi chiếm phần lớn lượng xuất khẩu. Người tiêu dùng muốn biết tôm đến từ đâu, chúng được nuôi trồng trong điều kiện nào và liệu các tiêu chuẩn nhất định có được tuân thủ hay không. Bù lại, họ sẵn sàng trả giá cao hơn.

Đến cuối năm, HTX muốn hoàn tất quy trình và nhận được giấy chứng nhận. Việc làm này sẽ được trả công xứng đáng: Công ty tư nhân mua tôm đồng ý trả thêm 20% cho mỗi con tôm sau khi có giấy chứng nhận.

Một nghị quyết chống lại cuộc di dân ra khỏi nông thôn

Nuôi trồng thủy sản ngày càng trở nên quan trọng đối với nguồn protein toàn cầu. Vai trò kinh tế của các sản phẩm này được thể hiện qua số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc. Theo đó, năm 2020, toàn thế giới nuôi trồng 122,6 triệu tấn tảo và động vật thủy sinh; tăng 57,3% so với một thập kỷ trước. Ngành này có doanh thu khoảng 280 tỷ đô la trong năm 2020. Cũng năm 2020, doanh số bán tôm và cua từ nuôi trồng thủy sản đạt gần 25 tỷ đô la. Đây là một tăng trưởng vượt bậc. Năm 1976, con số này chỉ là 1,2 tỷ USD.

Những người cộng sản Việt Nam đã để mắt đến những con số thống kê. Hơn nữa, họ bị thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu. Năm 2017, chính quyền Hà Nội thông qua nghị quyết 120 với chủ đề “Phát triển đồng bằng sông Cửu Long bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Một trọng tâm của nghị quyết này là mở rộng việc nuôi trồng thủy sản trong khu vực.

Theo tài liệu này, đến năm 2030, diện tích nuôi tôm hoặc cá trong mùa khô và trồng lúa trong mùa mưa ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng gấp đôi. Thông điệp của nghị quyết rất rõ ràng và nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu đã hiện diện khắp nơi tại đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam muốn tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu trước khi quá muộn.

Tại Việt Nam, ngành nuôi trồng thủy sản đang nhanh chóng phát triển (tính bằng triệu tấn). Nguồn: Our World in Data

Những người cầm quyền Việt Nam đang thể hiện tầm nhìn xa với chiến lược của họ. Mặc dù mực nước biển dâng cao và nước mặn xâm nhập, họ muốn mang lại cho những người nông dân như Hoàng một triển vọng ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà 17 triệu người đang sinh sống. Không phải tất cả người Việt Nam đều có thể chạy trốn đến các đô thị triệu dân như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này mà xảy ra, chúng sẽ vỡ tung.

M.M.

Ghi chú của người dịch:

[*] Tác giả gọi tên nhân vật là Hoàng, thực ra Cung mới đúng là tên của ông Trịnh Hoàng Cung.

Nguồn bản dịch:  DienDanKhaiPhong.Org

 

This entry was posted in Đồng bằng sông Cửu Long, Matthias Müller, Ninh Dương. Bookmark the permalink.