Hư cấu lịch sử ở Phú Lương, Hà Nội: Nhà thờ Nguyễn Thiếp, bài thơ “Bình Thanh Tự Sự” và chuông chùa Chúc Thánh

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ

Nguyễn Thiếp là một bậc hiền triết của Việt Nam ở thế kỷ 18. Ông được dân gian và bản thân Hoàng đế Quang Trung tôn xưng là “Phụ Tử” (Thầy) (1).

Sử liệu ghi nhận rằng Nguyễn Thiếp, trong tư cách một quân sư của Quang Trung trên đường tiến quân ra Thăng Long, đã góp công lớn trong việc đại phá 29 vạn quân xâm lược Thanh vào dịp Tết Kỷ Dậu năm 1789. Tuy nhiên, tại xã Phú Lương, huyện Thanh Oai, Hà Nội, tồn tại một thông tin theo đó Nguyễn Thiếp cùng ba người con trai của ông đã trực tiếp đóng góp vào chiến thắng lẫy lừng này trong vai trò các chỉ huy quân sự.

Tượng đồng La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp trong đền thờ ông tại xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

Vậy, phải chăng lịch sử đã bỏ sót vai trò của La Sơn Phu Tử và gia đình ông trong chiến công hiển hách bậc nhất thế giới này?

Bài viết sau đây sẽ phân tích và làm rõ vấn đề, nhằm cung cấp góc nhìn toàn diện hơn về nhân vật lịch sử Nguyễn Thiếp cũng như những câu chuyện xung quanh ông.

Nhà thờ Nguyễn Thiếp, bài thơ “Bình Thanh Tự Sự” và chuông chùa Chúc Thánh 

Trong bài viết “Quả chuông đền Chúc Thánh và bài thơ Bình Thanh tự sự, nhà thờ Nguyễn Thiếp” (2), tác giả Trần Quốc Thường cho biết tại làng Phú Lương, huyện Thanh Oai (thực ra là xã Phú Lương, nay là phường Phú Lương, quận Hà Đông), Hà Nội, có ba vật thể liên quan đến La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp: một nhà thờ, bài thơ “Bình Thanh Tự Sự” và một quả chuông ở đền Chúc Thánh (thực ra là chùa Chúc Thánh, hay Trúc Thánh Tự, tên Hán  Việt của chùa Nhân Trạch (3).

Nhà thờ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp ở thôn Văn Nội, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội. Ông Nguyễn Vân Liên, tộc trưởng họ Nguyễn (thứ hai từ phải sang)

Nhà thờ là nơi thờ Quảng Oai Hầu La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp và ba bà vợ cùng năm người con đẻ và một người con nuôi của ông.

Ba bà vợ của ông gồm:

– Bà đầu hiệu Từ Đạt (em vua Hiển Tông, cô ruột của Ngọc Hân công chúa);

– Bà thứ hai hiệu Từ Niệm;

– Bà thứ ba hiệu Thục Thịnh (Đặng Thị Nghi).

Năm người con đẻ của Nguyễn Thiếp gồm:

  1. Đại Đô đốc Đông Lĩnh hầu Nguyễn Văn Long (con trai cả);
  2. Đại Đô đốc Phong Đức hầu Nguyễn Văn Hổ;
  3. Thiếu bảo Hương Quận công Nguyễn Nhẫn;
  4. Đại Đô đốc Phó đề lĩnh Nhật Đức hầu Nguyễn Văn Lộc;
  5. Đại Đô đốc Thanh Lĩnh Thái Hòa hầu Nguyễn Văn Tuyết.

Người con nuôi của ông là Tả quản lý Trịnh Tiệp.

Về bài thơ “Bình Thanh tự sự”, nó được ghi trong cuốn Thu tập, được cho là ghi chép các sự kiện, các bài viết từ năm 1802 (Thời Gia Long) đến 1907 (thời vua Thành Thái), hiện do ông Nguyễn Vân Liên là tộc trưởng dòng đích họ Nguyễn ở Phú Lương lưu giữ. Theo ông Liên, bài thơ này được La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp viết sau chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa xuân Kỷ Dậu 1789,

Bài thơ “Bình Thanh Tự Sự” do ông Nguyễn Văn Liên, tộc trưởng dòng đích họ Nguyễn ở Phú Lương lưu giữ

Nguyên văn bài thơ như sau:

平清自事
曰我從征初一冬
扶王討賊出先洚
清兵千萬尸留在
父子王師載職屯
軍行想自天而降
賊種相忘恐失魂
自今而後當辭逆
古來侵略幾人存
廣威侯羅山夫子阮浹

KỂ CHUYỆN ĐÁNH QUÂN THANH

Ta ra trận chớm một mùa đông

Giúp Vua dẹp giặc ấn tiên phong

Quân Thanh nghìn vạn thây lưu lại

Phụ tử quân Vua đánh chiếm đồn

Hành binh như tự trên trời xuống

Lũ giặc thương vong sợ mất hồn

Từ giờ bay phải chừa làm loạn

Xưa nay xâm lược mấy tên còn

Quảng Oai hầu La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp

(Bản dịch của Cù Huy Hà Vũ)

Về quả chuông chùa Chúc Thánh, phần đầu bài minh khắc trên đó ghi: 

“Người cùng huyện, cùng làng, cùng xã hằng tâm, hằng sản góp tiền công đức đúc chuông:

– Đại đô đốc Quảng Oai hầu tiền cổ năm quan.

– Đại đô đốc Đông Lĩnh hầu tiền cổ năm quan.

– Đại đô đốc Phong Đức hầu tiền cổ năm quan.

– Đại đô đốc Phó đề lĩnh Nhật Đức hầu tiền cổ năm quan

– Đại đô đốc Tham Lĩnh -Thái Hoà hầu tiền cổ năm quan

– Đô ty Đạt Ngọc hầu tiền cổ năm quan.

– Trưởng cơ Trấn Vũ hầu tiền cổ năm quan.

– Tả quản lý Trịnh Tiệp tiền cổ năm quan.”

Quả chuông chùa Chúc Thánh trên có ghi công đức của “Quảng Oai Hầu” và các con

Có thể thấy giữa nhà thờ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, bài thơ “Bình Thanh Tự Sự,” và quả chuông chùa Chúc Thánh tồn tại một mối liên hệ chặt chẽ, khi cả ba đều tôn vinh Nguyễn Thiếp và các con của ông như những chỉ huy quân sự trong cuộc đại phá quân Thanh. Mối liên hệ này càng được củng cố bởi thực tế rằng cả ba vật thể đều hiện diện trên địa bàn phường Phú Lương. Tuy nhiên, để biết được tính xác thực của chúng, việc nghiên cứu và đối chiếu các sử liệu liên quan đến La Sơn Phu Tử là điều không thể thiếu.

”La Sơn Phu Tử” của học giả Hoàng Xuân Hãn 

Cho đến nay, công trình nghiên cứu đồ sộ nhất và có giá trị nhất về Nguyễn Thiếp là cuốn La Sơn Phu tử (4) của Hoàng Xuân Hãn. Bản thân ông là một học giả lớn, và là người đồng huyện La Sơn với Phu tử. Hoàng Xuân Hãn bắt đầu sưu tầm tư liệu và nghiên cứu về nhà hiền triết đất Lam Hồng từ năm 1939, với một số bài nghiên cứu được đăng trên báo Thanh Nghị trong nhng năm 19441945. Ông đã dự định cho in công trình của mình thành sách, nhưng Cách mạng Tháng Tám 1945 đã khiến kế hoạch này bị trì hoãn. Mãi đến năm 1952, khi đã định cư tại Paris (Pháp) cùng gia đình, ông mới có thể cho ra mắt cuốn sách, do Minh Tân xuất bản.

La Sơn Phu Tử của Hoàng Xuân HãnMinh Tân xuất bn năm 1952

Trong lời giới thiệu “La Sơn phu tử”, Hoàng Xuân Hãn đã cho ta biết việc sưu tầm tài liệu và biên soạn cuốn sách công phu như thế nào.

Năm 1939, sau khi viếng thăm mộ và đền thờ Nguyễn Thiếp ở núi Bùi Phong thuộc dãy Thiên Nhẫn (nay thuộc xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), nơi Phu tử từng ở ẩn, Hoàng Xuân Hãn đã tìm đến nhà thờ họ Nguyễn ở làng Nguyệt Ao, gặp gỡ người trưởng tộc và họ hàng thân thuộc  của Phu tử. Tại đây, ông phát hiện khoảng 20 tư liệu quý, gồm chiếu, thư, tờ truyền, đạo sắc với các niên hiệu Cảnh Hưng, Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, cũng như gia phổ, thơ văn và thư từ trao đổi của Nguyễn Thiếp. Trên cơ sở này, Hoàng Xuân Hãn sưu tầm thêm các tài liệu khác về Phu Tử. Tổng hợp lại, tài liệu đến từ bốn nguồn chính:

1. Tác phẩm của Phu tử, trong đó có “Hạnh am thi cảo”, và giấy tờ giao thiệp của Phu tử gồm 32 thư, chiếu, chỉ, truyền, biểu lưu giữ tại nhà thờ họ Nguyễn ở Nguyệt Ao.

2. Gia phổ họ Nguyễn ở Nguyệt Ao và các hành trạng và tiểu sử của Phu tử do người đời sau soạn như Lê Mạt Tiết Nghĩa Lục, Lịch Triều Hiến Chương, Sơn Cư Tạp Thuật, Mẫn Hiên Thiết Thoại, Vịnh Sử.

3. Những sách sử hay ký sự ghi chép về đời của Phu tử, như Đại Nam liệt truyện, Lê sử toàn yếu, Lê Quý ký sự, Hoàng Lê nhất thống chí, Hoàng Lê triều kỷ, Lê triều dã sử, Đại Nam nhất thống chí, Thối thực ký văn, Vân Nang tiểu sử, Dã sử nhật ký.

4. Các sách sử hay ký sự chép lịch sử của nước nhà liên quan đến Phu tử, như Lê sử toàn yếu, Lê sử tục biên, Lịch triều tạp kỷ, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam thực lục.

Như vậy, có thể nói Hoàng Xuân Hãn đã có trong tay những tài liệu gốc và quan trọng nhất, nếu không muốn nói hầu hết tài liệu về Nguyễn Thiếp, mà ông sẽ khai thác một cách cực kỳ khoa học. Bởi lẽ này, có thể nói không ngoa rằng “La Sơn Phu tử” của học giả họ Hoàng là một cuốn từ điển về Nguyễn Thiếp. 

Khu Lăng mộ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và vợ là bà Đặng Thị Nghi trên núi Bùi Phong (thuộc dãy Thiên Nhận) ở xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Đền La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ở thôn Lũy, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

Cũng cần nhắc lại rằng Hoàng Xuân Hãn là một trong số rất ít bác học Việt Nam thời hiện đại. Ông đồng thời là kỹ sư, nhà toán học, nhà sử học, nhà ngôn ngữ học, nhà văn hóa, và nhà giáo dục. Ông chính là người soạn thảo và ban hành Chương trình Trung học Việt Nam đầu tiên và tác giả sách “Danh từ khoa học” với hơn 6000 từ mục, đặt nền tảng cho thuật ngữ khoa học Việt Nam. Điều này giải thích vì sao Thủ tướng Trần Trọng Kim của Đế quốc Việt Nam (từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1945), một học giả nổi tiếng khác của đất Lam Hồng, đã chọn Hoàng Xuân Hãn làm Bộ trưởng Giáo dục  Mỹ thuật trong Nội các của mình.

“Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư” 

Như đã đề cập, trong quá trình biên soạn “La Sơn Phu Tử”, học giả Hoàng Xuân Hãn đã có trong tay khá đủ tài liệu về Nguyễn Thiếp. Đó là: Gia phổ họ Nguyễn ở Nguyệt Ao và các hành trạng và tiểu sử của Phu tử do người đời sau soạn như Lê Mạt Tiết Nghĩa Lục, Lịch Triều Hiến Chương, Sơn Cư Tạp Thuật, Mẫn Hiên Thiết Thoại và Vịnh Sử. Tuy nhiên, không có tài liệu nào trong số này ghi nhận rằng Nguyễn Thiếp từng sinh sống tại thôn Văn Nội, xã Phú Lương, huyện Thanh Oai (nay thuộc Hà Nội). Vậy, lý giải thế nào sự tồn tại của nhà thờ Nguyễn Thiếp tại đây?

Cần khẳng định rằng tất cả các nhà thờ dòng họ ở Việt Nam đều được thiết lập dựa trên tộc phả. Trong trường hợp này, nhà thờ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp tại Văn Nội được xây dựng dựa trên “Tự thuật” được cho là của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp có trong “Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư”, một tài liệu bằng chữ Hán, hiện do ông Nguyễn Văn Liên, tộc trưởng dòng đích của họ Nguyễn ở xã Phú Lương lưu giữ. 

“Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư”, do ông Nguyễn Văn Liên, tộc trưởng dòng đích của họ Nguyễn ở Phú Lương lưu giữ

Tài liệu này ghi: “Quảng Oai Hầu La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp vâng lệnh vua Quang Trung sao – Hương Quận Công vâng sao, Nguyễn Văn Nhẫn”.

Thời điểm “Hương Quận Công Nguyễn Văn Nhẫn vâng sao” được ghi là “Tự Đức nguyên niên, chính nguyệt, thập ngũ nhật” (ngày 15 tháng Giêng, năm đầu tiên triều Tự Đức, tức năm 1848).

Tuy nhiên, để đánh giá tính xác thực của “Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư”, cần thiết điểm qua lịch sử hình thành và phát triển của gia phả tại Việt Nam.

Bộ gia phả đầu tiên ở Việt Nam là Hoàng Triều Ngọc Điệp, được biên soạn vào năm Thuận Thiên thứ 17 (1026) theo lệnh vua Lý Thái Tổ. Đến năm 1267, vua Trần Thánh Tông cho biên soạn Hoàng Tông Ngọc Điệp. Sau đó, vua Lê Hiển Tông (1740–1786) cũng giao cho các gia thần như Trịnh Viêm và Nguyễn Hải biên soạn Hoàng Lê Ngọc Phả.

Trong lời đề tựa Hoàng Lê Ngọc Phả, vua Lê Hiển Tông viết:

“Ta nghĩ xưa kia Thánh Tổ tích đức làm nghĩa nối nhau nhiều đời nên mới dọn dẹp giặc giã để có nước nhà. Các triều vua sau nhờ có công nghiệp sẵn, sửa sang mọi việc, khôi phục đất xưa, để có ngày nay là nhờ công đức ấy. Ta nối nghiệp ông cha, nghĩ đến việc nghĩa của các triều trước, không ngày nào quên, đã từng biên chép thành sách, để hàng ngày xem đọc. Gần đây thấy bản chép cũ của các hương thân, so với những điều trong bản chép của ta thì thấy có hơi khác nhau, nên ta giao cho bọn gia thần khảo cứu, biên chép lại, cốt cho đầy đủ hoàn toàn, ngõ hầu làm cho ơn sâu của tổ tông gây dựng vun đắp, nghĩa lớn của ông cha truyền nối trước sau, càng thêm rõ rệt. Nay đã làm xong, dâng lên ta xem, càng thấy cơ nghiệp lớn lao khó khăn, tổ tiên lo lắng giữ gìn, hẳn không phải ngẫu nhiên mà được thế. Ta nghĩ theo đòi mà còn sợ không kịp, đâu dám chơi vui, lúc nào cũng cố gắng giữ gìn noi theo đức tốt của tổ tiên. Lễ ký nói: “Ví đức với ngọc”, vì ta quý trọng câu ấy, nên đặt sách là Ngọc phả và dùng tứ bửu để viết tựa” (5).

Noi theo hoàng tộc, các quan làm phả của gia đình, dòng họ mình. Dần dần, việc làm gia phả lan tỏa ra dân, trở thành nét văn hóa phổ biến trong đời sống của người Việt.

Trở lại với “Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư”, đây không phải là một gia phả có thật. Điều này xuất phát từ việc La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp không phải là người sao chép tài liệu này.

Như trên đã dẫn, tài liệu này ghi: “Quản Uy Hầu La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp vâng lệnh vua Quang Trung sao”. Tuy nhiên, trong các thư từ và chiếu chỉ của vua Quang Trung gửi Nguyễn Thiếp, không có bất kỳ dòng nào đề cập đến việc sao chép tài liệu này. Ngược lại, các sử liệu chính thống ghi nhận rằng Nguyễn Thiếp được giao những trọng trách mang tầm quốc gia, hoàn toàn không liên quan đến công việc sao chép gia phả hay tài liệu nào khác.

Trong chiếu ngày 20 tháng 8, năm Quang Trung thứ 4 (1791) giao Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng Sùng Chính thư viện, vua Quang Trung khẳng định:

“Ông tuổi đức đều cao, tất cả sĩ phu đều trông ngóng như núi Thái Sơn, Sao Bắc Đẩu. Nay trong nước đã yên. Trẫm toan hưng khởi chính học. Ông đã lấy học thuật biện số bên tà bên chính trong phép học. Trẫm rất vui lòng. Trẫm định đặt Sùng chính thư viện ở Vĩnh kinh, tại núi Nam Hoa; ban cho ông chức Sùng Chính Viện trưởng. Cho ông hiệu La Sơn Tiên sinh và giao cho ông chuyên coi việc dạy. Nhất định theo phép học Chu tử, khiến cho nhân tài có thể thành tựu, phong tục trở lại tốt đẹp. Từ rày, phàm trong các viên Tư nghiệp, Đốc học, mỗi năm nếu có ai học hay, hạnh tốt, thì sẽ kê quê quán, tên họ, đạt đến thư viện, giao cho ông khảo xét đức nghiệp và hạnh nghệ, tâu lên Triều để chọn mà dùng. Ông nên giảng rõ đạo học, rèn đúc nhân tâm, để cho xứng với ý trẫm khen chuộng kẻ tuổi cao đức lớn”.

Ngoài trách nhiệm trên, Nguyễn Thiếp còn được vua Quang Trung giao tổ chức dịch và giải nghĩa sang chữ Nôm các bộ sách quan trọng của Nho giáo như Tiểu Học, Tứ Thư (32 tập), Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch… nhằm “Nôm hóa” giáo dục. Trong chiếu ngày 1 tháng 6 năm Quang Trung thứ 5 (1792), vua Quang Trung viết:

“Trẫm đã từng xem.  Tiên sinh giảng bàn, phu diễn, kể đã chăm chỉ. Những viên giúp việc là Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch đều có công. Vậy đặc ban thưởng cỗ tiền một trăm quan do trấn quan chiểu theo mà cấp, lĩnh để chung hưởng ân tứ”.

Học giả Hoàng Xuân Hãn đã ví nhiệm vụ của Nguyễn Thiếp như công việc của một Học bộ Thượng thư (“Tuy ở ẩn mà Cụ lại nghiễm nhiên thành một ông Học bộ Thượng thư”). Với khối lượng công việc quan trọng và cấp bách như vậy, chắc chắn Nguyễn Thiếp không có thời gian để thực hiện việc sao chép tài liệu như “Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư” ghi lại.

Nếu “Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư” thực sự tồn tại và được Quang Trung coi trọng, thì bản sao của tài liệu này hẳn đã được vị hoàng đế giao cho Ngô Thì Nhậm để tham khảo trong quá trình biên soạn quốc sử. Thực vậy, việc biên soạn sử thời Lê  Trịnh và Tây Sơn là do cha con Ngô Thì Sĩ (17261780) và Ngô Thì Nhậm (17461803) đảm nhiệm.

Ngô Thì Sĩ đã biên soạn “Đại Việt Sử Ký Tiền Biên” bằng chữ Hán, ghi chép lịch sử từ thời Hồng Bàng đến hết thời thuộc Minh. Sau khi ông qua đời, Ngô Thì Nhậm tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện bộ sử này, cũng bằng chữ Hán. Đến năm 1800, vua Cảnh Thịnh cho in “Đại Việt Sử Ký Tiền Biên” sau khi được Ngô Thì Nhậm dâng lên.

Hơn nữa, việc sao chép sử liệu ở Việt Nam thời phong kiến thường được giao cho các viên chức cấp thấp, chứ không phải là nhiệm vụ dành cho quan chức cấp cao, càng không thể là trách nhiệm của một bậc quốc sư như Nguyễn Thiếp.

Chẳng hạn, dưới triều Nguyễn, những người làm công việc sao chép sử liệu trong Quốc Sử Quán được gọi là Bút thiếp thức. Họ thường được tuyển chọn từ các quan bát, cửu phẩm  những cấp bậc thấp nhất trong hệ thống quan chế phong kiến  với yêu cầu có chữ viết đẹp. Ngoài nhiệm vụ sao chép, các viên quan này còn tham gia biên soạn, hiệu đính, tập hợp và lưu trữ tài liệu, đảm bảo sự chính xác và toàn vẹn của các sử liệu được biên chép.

Tóm lại, công việc sao chép tài liệu là không tương xứng với vị trí và phẩm giá của một người như Nguyễn Thiếp, người được xem là bậc hiền triết và cố vấn cấp cao của triều đình.

Ngoài ra, ở cuối mỗi bài phả trong “Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư” có dòng chữ “Bất dụng tha nhân, biệt ngoại truyền”, nghĩa là “cấm truyền ra ngoài dòng họ”. Liệu có thể tin rằng Nguyễn Thiếp, một người đức cao vọng trọng, được vua Quang Trung kính trọng và tôn xưng là “Thầy”, lại làm điều phi đạo đức và trái với gia phong của chính mình, mà ở đây là vi phạm điều tổ tiên mình cấm khi sao chép gia phả để truyền bá cho người ngoài dòng họ? 

“Tự thuật” của “Quảng Oai Hầu La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp”

Điều thú vị là chính phần “Tự thuật” của “Quảng Oai Hầu La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp” trong Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư, với nội dung không khớp với các sự kiện đã được ghi nhận trong sử sách, đã bóc trần tính hư cấu của tài liệu này.

Nhà nghiên cứu Phan Duy Kha đã cho thấy rõ điều này trong bài viết “Về cái gọi là “tự thuật của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp” (6). Sau đây là một số bằng chứng:

       “Tự thuật” chép: “Thờì Lê Thánh Tông vua sáng tôi hiền, thế nhưng dòng họ ta có ông tổ Hoằng Tín hầu cùng em ruột của ông là Thám hoa Nguyễn Ban đã chửi Lê Nghi Dân (mất 6/6/1460), do đó vua Lê đã cấm chỉ bọn ta thi Đình (!)… Đến thời ta vẫn còn lệ ấy nên sĩ phu bọn ta muốn đi thi phải tha phương lập nghiệp, đổi tên, đổi họ. Vì lẽ đó ta phải tìm đường vào xứ Nghệ dạy học, đổi tên là Nguyễn Thiệp, còn tên cha mẹ đặt cho là Thiếp”Thế nhưng, ghi chép này hoàn toàn mâu thuẫn với các tài liệu đáng tin cậy về nguồn gốc Hà Tĩnh của Nguyễn Thiếp.

Theo gia phả họ Nguyễn của Nguyễn Thiếp tại Can Lộc, Hà Tĩnh, một vọng tộc ở địa phương, thì đến Nguyễn Thiếp đã có 10 đời lập nghiệp tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, huyện La Sơn (nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc). Ông tổ đời thứ 3 là Nguyễn Bật Lượng, đỗ Hoàng giáp vào năm 1554, chú ruột là Nguyễn Hành (đời thứ 9), đỗ Tiến sỹ vào năm 1733. 

Cũng như vậy, gia phả họ Nguyễn ở Trường Lưu, họ Phan ở Vĩnh Gia, những dòng họ lớn ở Can Lộc, Hà Tĩnh, ghi lại những quan hệ thông gia giữa các dòng họ này và dòng họ của Nguyễn Thiếp. Ví dụ: em gái Nguyễn Thiếp lấy Nguyễn Huy Cẩn (Trường Lưu), em trai là Quang Dật lại lấy em gái Phan Kính (Vĩnh Gia). Vợ Phan Kính là chị họ (con ông bác) của Nguyễn Thiếp, v.v.

Nguồn gốc Hà Tĩnh của Nguyễn Thiếp còn được xác nhận bởi Nguyễn Nghiễm, cũng là một người Hà Tĩnh, thân phụ của thi hào Nguyễn Du, bạn học của Nguyễn Hành, từng giữ chức Thái Tử Thái Bảo, được phong tước Xuân Quận Công và đảm nhiệm chức bồi tụng (tể tướng) dưới thời Chúa Trịnh Sâm. Ông đã viết về ông nội của Nguyễn Thiếp, Hoàng Giáp Nguyễn Bật Xuân, với những lời trân trọng: “Ngài Bật Xuân tính tình hào phóng, lỗi lạc, khác hẳn người thường, lấy bà Nguyễn Thị Chiêm, người làng Nguyễn trong xã (Nguyệt Ao)”.

       “Tự thuật” chép: “Ở xứ Nghệ ta xin một mảnh đất để lập trường dạy học. Con cái các hào trưởng đến học khá đông. Họ rất tin yêu và kính trọng ta. Các gia đình ở xa đến làm nhà cho con để theo học, ta lấy chữ La Sơn để đặt tên cho làng này”. Tuy nhiên, ở xứ Nghệ không có làng nào tên là La Sơn cả. Ngược lại, La Sơn là tên huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, thời Lê. 

       Vẫn theo “Tự thuật”, khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai (tháng 4 năm 1788) để làm lễ tang vua Lê Hiển Tông, Nguyễn Huệ đến nhà Nguyễn Thiếp để nhận họ, và theo thứ bậc trong họ thì Nguyễn Thiếp là bác họ của Nguyễn Huệ. Trên thực tế, vua Lê Hiển Tông mất năm 1786, khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất với danh nghĩa “phò Lê diệt Trịnh” và Nguyễn Huệ gốc họ Hồ ở Hưng Nguyên, Nghệ An nên không thể nhận họ với Nguyễn Thiếp.

       “Tự thuật” chép: “Ta về quê (tức Văn Nội, Thanh Oai) hội các tộc biểu, bàn cách đưa trai tráng theo ta lánh nạn vào đàng trong. Chẳng bao lâu trong tay ta đã có 20 vạn quân, Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm ở Thăng Long đều không biết”. Đây là sự bịa đặt trắng trợn, vì không thể có chuyện Nguyễn Thiếp tổ chức được đạo quân đông đến 20 vạn ở Thăng Long chỉ trong vài ngày. Hơn nữa, cũng không có lý do gì để Nguyễn Thiếp giữ bí mật về đạo quân này với Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm cùng là quân Tây Sơn. 

       “Tự thuật” còn cho biết đạo quân 20 vạn này đã áp sát Thăng Long từ 30 Tết và là lực lượng chủ yếu đánh quân Thanh, do đích thân Nguyễn Thiếp và bốn người con trai của ông là Đô đốc Long, Đô đốc Lộc, Đô đốc Hổ và Đô đốc Tuyết chỉ huy. Còn quân của Quang Trung tập trung ở Tam Điệp chỉ là để nghi binh (!). Tóm lại, chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa hoàn toàn là công lao của năm cha con Nguyễn Thiếp (!). Tuy nhiên, không có bất kỳ sử liệu đáng tin cậy nào ghi nhận câu chuyện này.

       “Tự thuật” chép: “Sau ngày chiến thắng (tức chiến thắng Đống Đa, 1789) ta làm biểu xin vua cho về vui thú điền viên… Quang Trung biết không thể nài ép ta được, bèn cho ta về hưu trí, lại ban cho ta ruộng đất ở quê nhà (tức Văn Nội, Thanh Oai) và cho ta nhiều vàng bạc”. Tuy nhiên, nội dung này hoàn toàn trái ngược với thực tế lịch sử. Sau đại phá quân Thanh, Nguyễn Thiếp nhận chức Viện trưởng Sùng Chính do Quang Trung ban, và viện này được đặt tại Nam Hoa (Nam Đàn, Nghệ An), rất gần nơi ông từng ở ẩn. Cũng cần nói thêm rằng sau khi Quang Trung qua đời (1792), Nguyễn Thiếp đã từ chức Viện trưởng Sùng Chính, trả lại bổng lộc cho triều đình và lui về ở ẩn cho đến khi mất.

       Vẫn trong “Tự thuật”, Nguyễn Thiếp tự xưng là tộc trưởng họ Nguyễn. Tuy nhiên, thông tin này mâu thuẫn với gia phả họ Nguyễn ở Mật Thôn do chính Nguyễn Thiếp biên soạn. Theo gia phả, thân phụ ông, Nguyễn Quang Trạch, là con trai thứ, và bản thân Nguyễn Thiếp chỉ là con thứ ba trong gia đình. 

Tán thành ý kiến của Phan Duy Kha, tôi còn thấy trong “Tự thuật” một loạt phi lý khác:

       Hoàng Lê Nhất Thống Chí (7), còn gọi An Nam Nhất Thống Chí, hay Lê Quý Ngoại Sử, là cuốn tiểu thuyết lịch sử bằng chữ Hán, nằm trong bộ Ngô Gia Văn Phái Tùng Thư, mà tác giả là dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai (nay thuộc Hà Nội). Như vậy, nếu tin theo “Tự thuật,” dòng họ Ngô Thì và Nguyễn Thiếp là người cùng quê. Thế nhưng, Hoàng Lê Nhất Thống Chí không hề ghi nhận Nguyễn Thiếp là người huyện Thanh Oai. Trái lại, tác phẩm này ghi nhận ông là người huyện La Sơn (nay thuộc Hà Tĩnh) khi viết: “Vua Quang Trung tự mình đốc suất đại binh, cả thuỷ lẫn bộ cùng ra đi. Ngày 29 đến Nghệ An, vua Quang Trung cho vời người cống sĩ ở huyện La Sơn là Nguyễn Thiếp vào dinh và hỏi…”.

Tóm lại, một dòng họ danh tiếng ở Thanh Oai như Ngô Thì còn không nhận Nguyễn Thiếp, một tên tuổi lớn, là người đồng huyện thì câu chuyện Phu Tử quê ở Vân Nội trong “Tự thuật” chỉ có thể là một sự hư cấu.  

       Nguyễn Thiếp về quê (tức Văn Nội, Thanh Oai) hội các tộc biểu, bàn cách đưa trai tráng theo Nguyễn Thiếp lánh nạn vào đàng trong. Thế rồi “Chẳng bao lâu trong tay ta đã có 20 vạn quân”. Tuy nhiên, điều này dẫn đến nhiều câu hỏi không thể giải đáp: Nếu mục đích là đưa người ở quê đi lánh chiến tranh thì tại sao Nguyễn Thiếp lại chỉ chọn trai tráng, tức bỏ rơi người già, phụ nữ và trẻ em – những đối tượng đáng được ưu tiên bảo vệ nhất? Và nếu đã đưa người đi lánh chiến tranh thì tại sao Nguyễn Thiếp lại tổ chức họ thành đội quân để tham gia chiến tranh?

       Ngay cả trong trường hợp không được Nguyễn Thiếp thông báo về “đạo quân 20 vạn” của ông, Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm, với vai trò là những nhà lãnh đạo quân sự chủ chốt của Quang Trung, không thể không nhận biết được sự hiện diện của một lực lượng quân sự lớn đến như vậy. Đạo quân này, nếu có thật, sẽ không thể vận hành mà không gây sự chú ý, từ hoạt động tuyển mộ quân cho đến di chuyển, hậu cần.

       Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (8), do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn dưới sự chỉ đạo của vua Tự Đức – người luôn coi nhà Tây Sơn là “ngụy triều” và Quang Trung là “giặc” – vẫn ghi nhận sự kiện Quang Trung tiến quân ra Bắc và đánh bại quân xâm lược Thanh. Bộ sử này chép:

“Ngay ngày hôm ấy (xưng Hoàng đế), Văn Huệ lùa hết quân sĩ ở tế đàn vượt sông ra Bắc. Khi qua Nghệ An và Thanh Hóa, lấy thêm quân lính đến 8 vạn người”.

Như vậy, đến Hoàng đế như Quang Trung cũng chỉ mộ được 8 vạn quân thì làm sao Nguyễn Thiếp, người không có trong tay bất cứ quyền lực cũng như nguồn tài chính nào lại có thể tổ chức được đạo quân đông đến 20 vạn người! Sự phi lý càng được củng cố khi xét đến số dân quê ông, tức Thanh Oai. Vào năm 1789, dân số huyện này chắc chắn không thể đến 20 vạn, bởi ngay cả hiện nay, theo số liệu thống kê trên Wikipedia, dân số Thanh Oai (9) cũng chỉ tầm 21 vạn người.

Hoàng đế Quang Trung, tranh dân gian Đông Hồ

Hơn thế nữa, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục còn mô tả một cách rất chi tiết và sống động cuộc đại phá quân Thanh của Quang Trung – Nguyễn Huệ, đặc biệt trận Ngọc Hồi – Đống Đa: 

“Hồi trống canh năm sớm hôm sau. Văn Huệ xắn tay áo đứng dậy, đốc thúc bản bộ lùa quân rầm rộ tiến lên. Chính Văn Huệ tự mình đốc chiến, cho hơn trăm voi khỏe đi trước. Tờ mờ sáng, quân Thanh lùa toán quân kỵ tinh nhuệ ồ ạt tiến. Chợt thấy bầy voi, ngựa quân Thanh đều sợ hãi, hí lên, té chạy, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau. Giặc lại lùa voi xông đến: quân Thanh, trong cơn gấp rút, không cứu nhau được, ai nấy rút vào trong lũy cố thủ. Bốn mặt đồn lũy quân Thanh đều cắm chông sắt, súng và tên bắn ra như mưa. Giặc dùng những bó rơm to lớn để che đõ mà lăn xã vào, rồi quân tinh nhuệ tiến theo sau. Kẻ trước ngã, người sau nối, thảy đều trổ sức liều chết mà chiến đấu. Các lũy quân Thanh đồng thời tan vỡ và quân Thanh đều chạy. Giặc đuổi đến đồn Nam Đồng, thừa thắng, ập lại giết chết. Quân Thanh bị chết và bị thương đến quá nửa. Thế Hanh, tiên phong Trương Sĩ Long và tả dực Thượng Duy Thăng đều chết trận. Sầm Nghi Đống đóng đồn ở Loa sơn (tục gọi Đống Đa), bị một tướng khác của giặc đánh. Quân cứu không có, Nghi Đống phải tự thắt cổ chết. Toán thân binh của Nghi Đống cũng tự ải chết theo đến vài trăm người. Bấy giờ, đương ở nơi màn tướng, thình lình được tin quân giặc đã bức bách gần Thăng Long. Sĩ Nghị không biết xoay sở ra sao, bèn nhổ đồn lũy, vượt qua sông chạy. Cầu gãy, người bị chết vô kể”.

Từ đoạn sử liệu trên, rõ ràng Nguyễn Thiếp và các con ông không hề xuất hiện trong bất kỳ vai trò nào trong các trận đánh Tết Kỷ Dậu 1789. 

       Vẫn theo “Tự thuật”, Nguyễn Thiếp cuối đời chọn sống ở Văn Nội. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn mâu thuẫn với thực tế là ông được an táng trên núi Bùi Phong (thuộc dãy núi Thiên Nhận), nay thuộc xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi vẫn còn chứng tích là ngôi mộ của ông.

       Cuối cùng, không có bất kỳ lễ hội nào ở Văn Nội tôn vinh Nguyễn Thiếp và các con của ông như những chỉ huy quân sự trong đại phá quân Thanh, bất chấp sự tồn tại của Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư và nhà thờ thờ ông cùng vợ con. 

Ngược lại, hằng năm, vào các ngày 11 và 12 tháng Giêng, tại nơi đây lại diễn ra các nghi thức tôn vinh tướng quân Chu Bá (10), một vị tướng văn võ song toàn dưới thời Hai Bà Trưng trong cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Hán (40 – 43 sau Công nguyên). Các nghi thức này bao gồm phụng nghênh nhà thánh, lễ rước kiệu, lễ giã đám, và hóa mã tại lăng mộ Chu Tướng quân.

Kết luận lại, “Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư” là một tài liệu hoàn toàn hư cấu. Điều này đồng nghĩa với việc nhà thờ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, cùng hai vật thể liên quan chặt chẽ đến nhà thờ là bài thơ “Bình Thanh Tự Sự” và quả chuông chùa Chúc Thánh, đều là những sản phẩm của sự hư cấu lịch sử.

Vì đâu nên nỗi 

Việc làm giả gia phả có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả động cơ cá nhân, gia đình, hoặc xã hội. Dưới đây là các nguyên nhân chính:

       Mong muốn nâng cao vị thế, danh tiếng của gia đình hoặc dòng họ bằng cách gắn kết với các nhân vật lịch sử nổi tiếng. Thực tế này, vốn phổ biến trong xã hội Việt Nam, đã được đúc kết trong thành ngữ “Thấy người sang bắt quàng làm họ”.

       Làm giả gia phả để thừa hưởng di sản, đất đai, tài sản, hoặc các quyền lợi khác mà một dòng họ danh giá có thể mang lại.

       Tạo dựng hoặc duy trì vị thế trong cộng đồng bằng cách tuyên bố có gốc gác quý tộc hoặc liên quan đến các gia đình danh giá.

       Gia phả giả mạo có thể được tạo ra để củng cố quyền lực hoặc tính chính danh của một cá nhân, gia đình, hoặc chế độ bằng cách liên hệ họ với các nhân vật lịch sử quan trọng.

       Tạo ra các câu chuyện gia phả giả để thao túng cách nhìn nhận về lịch sử, phục vụ mục đích chính trị hoặc ý thức hệ.

       Làm giả gia phả để xác lập quyền thờ cúng tổ tiên hoặc thần linh liên quan, qua đó thu hút sự tôn kính và các khoản đóng góp từ cộng đồng.

       Trong một số trường hợp, việc làm giả gia phả có thể xuất phát từ nhu cầu tâm lý muốn tìm về cội nguồn, đặc biệt khi nguồn gốc thực sự đã bị thất lạc hoặc không rõ ràng.

       Lãnh mạn và lý tưởng hóa quá khứ hoặc tạo ra các câu chuyện hấp dẫn về tổ tiên để làm phong phú di sản gia tộc.

       Gia phả giả mạo đôi khi là kết quả của việc sao chép sai lệch hoặc thêm thắt thông tin không chính xác qua các thế hệ mà không có ý định làm giả ban đầu.

       Trong bối cảnh tài liệu lịch sử không đầy đủ hoặc bị thất lạc, các gia đình có thể dựa vào lời kể truyền miệng hoặc tự sáng tác gia phả mà không kiểm chứng được độ xác thực.

       Làm giả gia phả để bán cho những người muốn nhận mình có dòng dõi quý tộc hoặc liên quan đến các nhân vật lịch sử, hoặc đơn giản là để bán cho các nhà sưu tầm và nghiên cứu.

Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên (mong muốn nâng cao vị thế, danh tiếng của gia đình hoặc dòng họ bằng cách gắn kết với các nhân vật lịch sử nổi tiếng) và nguyên nhân cuối cùng (làm giả gia phả để bán cho những người muốn nhận mình có dòng dõi quý tộc hoặc liên quan đến các nhân vật lịch sử, hoặc đơn giản là để bán cho các nhà sưu tầm và nghiên cứu) – hoặc cả hai kết hợp – có thể giải thích rõ nhất trường hợp của “Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư”. Cụ thể, gia phả giả mạo này có khả năng được tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu của Trường Viễn Đông Bác Cổ (École française d’Extrême-Orient – EFEO).

Trường Viễn Đông bác cổ (École française d’Extrême-Orient – EFEO) tại Hà Nội

EFEO được thành lập tại Hà Nội vào ngày 20/1/1900, với nhiệm vụ chính là khai quật khảo cổ, thu thập tài liệu viết tay, bảo tồn công trình, và nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ, lịch sử các nước châu Á, từ Ấn Độ đến Nhật Bản. Trường đã tiến hành thu thập và sao chép một lượng lớn sách Hán – Nôm, bao gồm các văn bản chưa xuất bản của các địa phương và gia đình, các tư liệu về đền chùa, làng xã, và các dòng họ. Bên cạnh việc sưu tầm và sao chép sách Hán – Nôm, EFEO còn thực hiện việc in rập các tư liệu văn khắc Hán – Nôm trên bia đá (bi ký), chuông đồng, biển gỗ, v.v. và tiến hành điều tra về thần tích, hương ước, địa bạ, v.v. trên toàn quốc. Các công việc này đều được thực hiện với ngân sách do chính quyền thuộc địa phân bổ cho Trường. Lợi dụng chính sách của EFEO, một số nho sĩ đã làm giả các tư liệu hoặc làm giả niên đại các bi ký để bán cho Trường.

Một trong những tài liệu giả mạo nổi tiếng, mà người xưa gọi là “ngụy thư”, là “Tây Hồ Chí” của tác giả khuyết danh (11). Tài liệu này kể về sự tích “Đền Cầu Nhi” (Đền Chó con) trên gò nổi giữa hồ Trúc Bạch ở Hà Nội, điều đã làm giới nghiên cứu, trong đó có tôi, tốn không ít mực. 

Sách “Tây Hồ Chí”, bị nghi được làm giả để bán cho Trường Viễn Đông Bác Cổ (École française d’Extrême-Orient – EFEO)

Trong bài viết Quanh chuyện dự án 3 tỷ đồng cho đền thờ “Chó con, đăng trên báo Tiền Phong năm 2005 (12), tôi đã khẳng định rằng trên gò nổi này chỉ có Đền Cá hay “Thủy Trung Tiên Từ” (tên bác học hóa của Đền Cá), chứ không hề có đền thờ chó con. Tôi viết:

“Theo các thư tịch cổ, trong và quanh Thăng Long – Hà Nội có tới hàng trăm ngôi đền thờ Thủy Thần với tính chất và phong cách đa dạng: đền Voi Phục thờ Linh Lang (giao long, con của rồng xuất xứ từ Dâm Đàm (Hồ Tây) đã có công đánh thắng giặc Tống, đền Bái Ân thờ vợ chồng ông Võ Phục hy sinh làm đồ tế Thủy Thần…

Bên cạnh việc thờ cúng để tránh tai ương, còn có việc thờ Thủy Thần để công việc làm ăn, trước hết là ngư nghiệp, được phát đạt. Tôn vinh và thờ Cá chính là nằm trong mạch tín ngưỡng này. Không loại trừ đảo Cá Vàng (Vàng ở đây mang nghĩa được tôn làm Thần, như Kim Ngưu là Trâu Thần) trước khi được nhiều đời vua chọn làm hành cung (Cung Thúy Hoa đời Lý, Điện Hàm Nguyên đời Trần) và chùa Trấn Quốc được dời đến vào năm 1615 khi đất bên kia đê bị sạt lở, đã là nơi thờ Thủy Thần của dân chài lưới vùng hồ Tây.

Đền thờ Cá ở hồ Trúc Bạch chính là sự tiếp nối tinh thần của đảo Cá Vàng, nhất là  trong bối cảnh hồ Trúc Bạch được kiến tạo để chặn giữ và nuôi cá. Vì là công trình của dân lao động nên thoạt kỳ thủy có thể chỉ là một ngôi đền nhỏ, đơn sơ, thậm chí không có tên nhưng ai ai cũng hiểu và nôm na gọi là đền Cá.

Cái tên Thủy Trung Tiên Tự (đền thờ Tiên trong nước – hán học hóa tên nôm “Cá”) rõ ràng đậm chất bác học nên chỉ có thể xuất hiện khi đền được tầng lớp khá giả “nâng cấp” để mở rộng phạm vi thờ cúng mà ở đây là Tam Phủ Thánh Mẫu. Cứ đó mà suy thì rất có thể Thủy Trung Tiên Từ do một người Hoa tên Trần Gia Mỹ chủ trì thực hiện vào năm 1900, cùng lúc với công cuộc trùng tu chùa Châu Long mà ông là người khởi xướng và cầm trịch.

Vậy thì hãy trả “đền thờ Thần Cẩu Nhi” về đúng chỗ của nó, trong Tây Hồ chí! Còn cái chuyện nhập nhằng “sắc sắc không không” để tạo nên những “hiện thực mới” thì đời nào mà chả có, cha đẻ của các Thần Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi hẳn đã có thể ngậm cười vì chẳng phải hậu duệ của người mới rồi đã làm thiên hạ phải lác mắt bởi một thiên “Trò chuyện với nhà thơ Tố Hữu tại 76 Phan Đình Phùng” đấy ư!

Còn các vị hữu quan, chớ vội thất vọng mà hãy thấy “trong rủi có may”, phục hồi di tích đền Cá gắn với tục thờ Thủy Thần chính là tôn vinh công cuộc chống thiên tai – địch họa và nghề cá hồ Tây (gồm cả hồ Trúc Bạch) vốn đã trở thành những di sản văn hóa phi vật thể của ngàn năm Thăng Long – Hà Nội. Chẳng đáng lắm ru?”.

Cuối cùng thì 12 năm sau, vào năm 2017, đền đã được chính quyền Hà Nội phục dựng và đặt tên là “Đền Thủy Trung Tiên” (Thủy Trung Tiên Từ) thay vì tên “Đền Cẩu Nhi” như trong “Tây Hồ Chí” (13).

Bia đền Thủy Trung Tiên sau khi đền được phục dựng trên gò hồ Trúc Bạch, Hà Nội vào năm 2017

Trong bài “Thần tích, bi ký với sự kiện và nhân vật lịch sử”, nhà nghiên cứu Hán Nôm Đinh Khắc Thuân đã đưa ra những bằng chứng về bi ký giả được bán cho EFEO. Ông viết: “… trong kho tàng văn bia đã có không ít trường hợp giả niên đại, do cố ý và không cố ý tạo ra. Sự không cố ý là chép lại văn bản theo truyền ngôn, như dựng bia thần tích vào thời Nguyễn, nhưng vẫn ghi niên đại là Hồng Phúc nguyên niên (1572) – thời Lê. Sự cố ý là muốn “cổ hóa” văn bản, tự ghép cho một niên đại sớm. Điều này còn gặp trên thác bản bia tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm do Học viện Viễn Đông bác cổ sưu tập trước đây. Cụ thể là bản dập của văn bia có niên đại thời Nguyễn được ghép cho niên hiệu nhà Lê  Mạc, vì người sưu tập khi đó muốn được thanh toán tiền thù lao với giá cao hơn, như các niên hiệu Tự Đức (1848  1883) thành Long Đức (1732  1735), Thiệu Trị (1841  1847) thành Hưng Trị (1588  1590), Thành Thái (1880  1907) thành Phúc Thái (1643  1649)…”.

Tóm lại, “Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư” hiện do ông Nguyễn Văn Liên lưu giữ có thể là bản sao của bản đã được bán cho EFEO, cũng có thể là bản duy nhất khi tính đến khả năng nó chưa kịp được đem bán. 

Kết luận

Việc xây dựng một chuỗi những câu chuyện không có thực về nhân vật lịch sử La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp và vật thể hóa chúng – như nhà thờ tại Văn Nội, bài thơ “Bình Thanh Tự Sự,” và quả chuông chùa Chúc Thánh – có thể được xem là một chiến lược tinh vi, mang tính “lộng giả thành chân” (Làm cho cái hư thành ra cái thực) (15). Tuy nhiên, hành động hư cấu lịch sử này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng sau đây:

  1. Làm méo mó nhận thức lịch sửThay vì nhận thức đúng về vai trò và đóng góp thực sự của Nguyễn Thiếp, công chúng có nguy cơ bị nhầm lẫn hoặc thậm chí tôn sùng những thành tựu không có thực. Điều này không chỉ dẫn đến việc hiểu sai về lịch sử mà còn làm lu mờ hoặc hạ thấp những đóng góp chân chính của ông. Hệ quả là ý nghĩa và tầm vóc của Nguyễn Thiếp, với tư cách một nhân vật lịch sử quan trọng, bị suy giảm trong nhận thức cộng đồng.
  2. Làm mất giá trị chân thực của lịch sử. Hư cấu lịch sử không chỉ bóp méo sự thật mà còn làm mất đi giá trị của những nghiên cứu lịch sử nghiêm túc dựa trên bằng chứng và tư liệu xác thực. Điều này khiến lịch sử trở nên mơ hồ, khó phân biệt giữa thực và hư, làm giảm uy tín của các nhà nghiên cứu và hệ thống giáo dục lịch sử.
  3. Làm tổn hại hình ảnh của các nhân vật lịch sử khác. Việc thổi phồng hoặc hư cấu vai trò của Nguyễn Thiếp trong đại phá quân Thanh có thể làm lu mờ hoặc bóp méo những đóng góp thực sự của các nhân vật lịch sử khác, đặc biệt là vua Quang Trung  Nguyễn Huệ. Điều này không chỉ không công bằng với các nhân vật lịch sử này mà còn làm suy giảm sự tôn kính đúng mức đối với những người đã thực sự cống hiến cho dân tộc.
  4. Phá hoại lòng tin của công chúng. Khi sự hư cấu bị phát hiện, lòng tin của xã hội vào tính khách quan và sự trung thực của công tác nghiên cứu lịch sử sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Điều này chẳng những làm tổn hại đến uy tín của các nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý văn hóa, giáo dục, mà còn làm giảm độ tin cậy của báo chí và xuất bản. Quan trọng hơn, nó có thể gây ra sự hoài nghi về ý nghĩa và giá trị của di sản văn hóa, làm xói mòn sự gắn kết của cộng đồng đối với lịch sử và truyền thống dân tộc.
  5. Gây chia rẽ và tranh cãi trong cộng đồng. Những câu chuyện hư cấu thường gây ra các cuộc tranh luận gay gắt và không hồi kết giữa các bên có những quan điểm trái ngược, đặc biệt trong các cộng đồng có nhận thức lịch sử sâu sắc. Điều này có thể làm suy yếu sự đoàn kết và làm phân tán sự tập trung của xã hội vào những vấn đề quan trọng hơn.
  6. Ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục và thế hệ trẻ. Khi lịch sử được giảng dạy dựa trên những thông tin sai lệch, thế hệ trẻ sẽ tiếp thu một nhận thức méo mó về quá khứ, dẫn đến sự thiếu hiểu biết chính xác về cội nguồn và giá trị dân tộc. Điều này không chỉ làm suy giảm khả năng phản biện, mà còn làm phai nhạt ý thức lịch sử và lòng tự hào dân tộc. Hậu quả là, nền tảng tri thức của thế hệ trẻ bị tổn hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình xây dựng nhân cách, trách nhiệm công dân và lòng tự hào dân tộc, cũng như khả năng đối mặt và giải quyết các thách thức của hiện tại và tương lai.
  7. Lợi ích cá nhân hoặc nhóm lấn át giá trị chung. Các nỗ lực hư cấu lịch sử thường xuất phát từ mục đích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, chẳng hạn như mong muốn nâng cao danh tiếng cho gia đình, dòng họ hoặc địa phương. Điều này không chỉ làm sai lệch sự thật lịch sử mà còn làm giảm giá trị của lịch sử như một tài sản chung của toàn dân tộc. Khi lịch sử bị lợi dụng để phục vụ cho những mục tiêu nhỏ hẹp, nó sẽ làm mất đi ý nghĩa sâu sắc của lịch sử, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự đoàn kết và lòng tự hào dân tộc.

Những hậu quả có thể có này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ sự thật lịch sử thông qua nghiên cứu khách quan, minh bạch và có trách nhiệm. Việc này không chỉ giúp duy trì giá trị bền vững của di sản văn hóa mà còn đảm bảo rằng lịch sử được truyền đạt đúng đắn, góp phần vào việc xây dựng một nền tảng vững chắc cho nhận thức và tự hào dân tộc trong tương lai.

Làm gì để khắc phục hiện tượng hư cấu lịch sử 

Để khắc phục việc hư cấu về nhân vật lịch sử La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

1.    Tăng cường nghiên cứu lịch sử khách quan và khoa họcCần đẩy mạnh nghiên cứu lịch sử dựa trên tài liệu gốc, chứng cứ xác thực và phương pháp luận khoa học, đồng thời hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước để so sánh, phân tích và đối chiếu các nguồn tư liệu, đặc biệt là nhằm phát hiện và làm rõ những sự kiện lịch sử bị hư cấu. Kết quả nghiên cứu nên được công khai để đảm bảo tính minh bạch, từ đó nhận được sự đóng góp ý kiến từ cộng đồng khoa học và tạo ra một cơ chế phản biện hiệu quả.

2.    Kiểm tra và xử lý các hiện tượng hư cấu lịch sử. Các cơ quan quản lý văn hóa cần tiến hành rà soát và kiểm tra tính xác thực của các di tích, hiện vật, và tài liệu liên quan đến nhân vật lịch sử, như nhà thờ, bài thơ và chuông chùa liên quan đến Nguyễn Thiếp. Nếu phát hiện hành vi thêu dệt hoặc hư cấu, cần có biện pháp xử lý cụ thể, từ việc chỉnh sửa hoặc gỡ bỏ thông tin sai lệch, thu hồi các xuất bản phẩm, đến việc xử phạt nếu có vi phạm pháp luật.

3.    Giáo dục lịch sử trung thực và toàn diện. Cần cải cách chương trình giáo dục lịch sử để đảm bảo nội dung được truyền tải một cách trung thực, chính xác và không bị bóp méo, đồng thời khuyến khích học sinh, sinh viên tìm hiểu lịch sử qua nhiều nguồn tài liệu đáng tin cậy nhằm phát triển tư duy phản biện.

4.    Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức lịch sử đúng đắn. Cần sử dụng các phương tiện truyền thông như sách, báo, phim tài liệu và mạng xã hội để lan tỏa những thông tin lịch sử chính xác về Nguyễn Thiếp cũng như các nhân vật lịch sử khác, đồng thời chống lại thông tin sai lệch bằng cách phản biện dựa trên tư liệu khoa học.

5.    Tôn vinh giá trị thực sự của lịch sử và nhân vật lịch sử. Thay vì dựng nên những câu chuyện không có thực, cần tôn vinh những đóng góp thật sự của Nguyễn Thiếp, đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và tư tưởng, cùng những nhân vật lịch sử khác. Đồng thời, cần nhấn mạnh vai trò quyết định và thành tựu của vua Quang Trung  Nguyễn Huệ trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh, không để các câu chuyện hư cấu làm lu mờ công lao của vị anh hùng dân tộc này.

6.    Huy động sự tham gia của cộng đồng. Cần khuyến khích sự tham gia của các nhà nghiên cứu độc lập, cộng đồng địa phương và người dân trong việc bảo vệ sự thật lịch sử. Đồng thời, tổ chức các diễn đàn, hội thảo để trao đổi thông tin, qua đó nâng cao nhận thức của công chúng về lịch sử, giúp mọi người hiểu rõ và bảo vệ giá trị chân thật của di sản lịch sử.

7.    Hoàn thiện khung pháp lý về bảo tồn di sản văn hóa và lịch sử. Cần xây dựng và thực thi các quy định chặt chẽ hơn về việc xác định, công nhận và bảo vệ di sản văn hóa, lịch sử, đồng thời quy định rõ trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi thêu dệt, hư cấu lịch sử. Điều này sẽ giúp bảo vệ sự thật lịch sử và ngăn chặn các hành vi làm sai lệch di sản văn hóa của dân tộc.

8.    Khuyến khích sáng tạo văn học, nghệ thuật dựa trên sự thật lịch sử. Cần hỗ trợ các dự án văn học, phim ảnh và các sản phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ lịch sử, nhưng phải tuân thủ sự thật lịch sử. Đồng thời, cần phân biệt rõ ràng giữa các tác phẩm hư cấu nghệ thuật và nghiên cứu lịch sử chính thống để tránh gây nhầm lẫn cho công chúng và đảm bảo tính chính xác trong việc truyền tải thông tin lịch sử.

9.    Xây dựng ý thức trách nhiệm trong công tác nghiên cứu và bảo tồn, truyền tải di sản lịch sử. Các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục và các cơ quan quản lý cần nhận thức rằng lịch sử không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là nền tảng quan trọng để xây dựng tương lai. Do đó, việc bảo tồn và truyền tải lịch sử phải đảm bảo tính trung thực, khách quan, vì đây là yếu tố quyết định lòng tin của xã hội vào những giá trị cốt lõi của dân tộc.

Những giải pháp trên sẽ góp phần khôi phục và bảo vệ giá trị đích thực của lịch sử Việt Nam, giúp thế hệ hiện tại và tương lai hiểu đúng và tự hào về quá khứ của dân tộc. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, với những đóng góp to lớn trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, tư tưởng và binh pháp, là một biểu tượng sáng ngời của trí tuệ và lòng yêu nước, từ đó truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp theo trong công cuộc bảo vệ và phát triển quốc gia Việt Nam.

C.H.H.V.

Garden Grove, California, Hoa Kỳ

 

CHÚ THÍCH

1.    Kiến nghị tổ chức kỷ niệm 300 năm năm sinh danh nhân Nguyễn ThiếpBauxite Việt Nam, 30/8/2023

2.    Quả chuông đền Chúc Thánh và bài thơ Bình Thanh tự sự, nhà thờ Nguyễn Thiếp”, Trần Quốc Thường, Tạp chí Hồng Lĩnh số 181 (tháng 9/2021), Văn Nghệ Hà Tĩnh ngày 03/10/2021.

3.    Chùa Nhân Trạch (Trúc Thánh Tự), Tonkin Delta

4.    La Sơn Phu tử, Hoàng Xuân Hãn, Nhà xuất bản Minh Tân, 1932.

5.    Lịch triều Hiến chương loại chí, Phan Huy Chú, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2007

6.    Về cái gọi là “tự thuật của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Phan Duy Kha, Tạp chí Xưa và Nay số 111, ra tháng 3-2002, in lại trong sách “Lịch sử và sự ngộ nhận” của cùng tác giả, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa và Trung tâm văn hóa Tràng An, 2008.

7.    Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Ngô Gia Văn Phái, Ngô Tất Tố dịch, Mai Lĩnh xuất bản.

8.    Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Nhà xuất bản Giáo dục, 1998.

9.    Thanh Oai, Wikipedia

10. Lễ hội cổ truyền làng Văn Nội (Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội): Nghi thức rước lửa thiêng lấy may độc nhất vô nhị, Cổng thông tin điện tử phương Phú Lương – quận Hà Đông – Hà Nội.

11. Tây Hồ chí, Trần Thanh Đạm dịch, Nhà xuất bản Bộ Giáo dục, 1962. 

12. Quanh chuyện dự án 3 tỷ đồng cho đền thờ “Chó conTiền Phong ngày 06/08/2005,

13. Ngắm đền Thủy Trung Tiên soi bóng hồ Trúc Bạch, Hà Nội mới, 18/02/2018

14. Thần tích, bi ký với sự kiện và nhân vật lịch sử, Đinh Khắc Thuân, dsvh.gov.vn

15. Hán – Việt Tử Điển, Đào Duy Anh, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in cù huy hà vũ, Lịch sử Việt Nam. Bookmark the permalink.