Đỗ Kim Thêm
Bối cảnh
Kể từ năm 2011 nội chiến đã bắt đầu bộc phát tại Syria và kết quả cuối cùng là chế độ độc tài của Tổng thống Bashar al-Assad đã bị Liên minh Hồi giáo do Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo lật đổ vào ngày 8/12.
Đầu tiên, liên minh HTS đã đánh chiếm thành phố Aleppo, cuộc chiến diễn ra vô cùng nhanh chóng, quân nổi dậy cũng đã giành quyền kiểm soát các thành phố chiến lược quan trọng Hama và Homs. Cuối cùng, họ tiến chiếm thủ đô Damascus và dinh tổng thống. Gần như ở khắp nơi, họ không gặp một cuộc giao tranh nào đáng kể. Tổng thống Syria và gia quyến đã bỏ trốn Damacus sang tỵ nạn ở Moscow.
Liên minh HTS đang sử dụng mạng xã hội để thông tin cho hàng triệu người di tản khắp thế giới là bạo chúa Bashar al-Assad đã bỏ trốn và Syria tự do đang chờ đợi mọi người hồi hương để tái thiết xứ sở.
Hình ảnh trên mạng cho thấy người dân Syria đang hân hoan mừng ngày chế độ sụp đổ, hô hào cổ vũ chiến thắng; họ leo lên xe tăng, ca hát và hét to mừng chiến thắng và một Syria mới đang hồi sinh.
Cuộc nội chiến đã diễn ra từ năm 2011 và chế độ Assad đã mang đến quá nhiều bất hạnh cho người dân Syria. Sau hơn 54 năm nắm quyền, chế độ sụp đổ nhanh như một ngôi nhà xây bằng các quân bài.
HTS là ai? Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là các nước trực tiếp tham gia vào cuộc nội chiến Syria sẽ phải thay đổi chiến lược như thế nào để thích nghi trước những biến động trong khu vực.
Hayat Tahrir al-Sham (HTS) và tương lai Syria
Liên minh của quân nổi dậy chiến đấu chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad bao gồm nhiều phe nhóm khác nhau, ít nhất là có bốn đội quân công khai thù địch với Assad. Ví dụ, ít nhất là có hai nhóm khác nhau cùng ra sức chiếm giữ thủ đô Damascus. Cuộc tấn công được dẫn đầu bởi nhóm Hayat Tahrir al-Sham dưới sự lãnh đạo của Abu Mohammed al-Julani, nhóm này đã cai trị một phần lãnh thổ miền Bắc Syria trong nhiều năm và tỏ ra “tương đối thành công” trong việc thiết lập một loại nhà nước có quy mô nhỏ.
HTS là hậu thân của Mặt trận al-Nusra, một chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Syria. Theo các nguồn tin khác nhau, HTS đã tách ra khỏi al-Qaeda kể từ năm 2016, nhưng vẫn theo đuổi lý tưởng thánh chiến Salafist, họ không hẳn là những người mang đến một thế giới thế tục tốt đẹp hơn, mà là hy sinh cho cuộc thánh chiến. Tất nhiên, lý tưởng của họ mang màu sắc tôn giáo, nhưng phải đánh giá hành động thực tế của họ, và cho đến nay, họ vẫn chưa gây ra vụ thảm sát nào nhằm vào những người không theo tông phái Sunni.
Giới lãnh đạo HTS cũng cam kết chủ trương là một tương lai Syria sẽ đa dạng, nhờ thế mà các tông phái dị biệt có thể hy vọng là hoà hợp trong hoàn cảnh mới. Bằng chứng là ngày 9/12/2024, Abu Mohamed al-Julani, nhà lãnh đạo của HTS đã gặp các lãnh đạo của chế độ cũ để thảo luận về việc chuyển giao quyền lực. Thủ tướng, đảng Baas và Quốc hội của chế độ Assad tán thành tiến trình này. Các biện pháp bảo vệ các cơ sở công quyền và tư nhân đang được tiến hành. Kết quả nổi bật nhất là vị Thủ tướng của chế độ Assad đã được giao nhiệm vụ thành lập một chính phủ chuyển tiếp, một dấu hiệu chứng tỏ là tương lai của Syria rất rộng mở.
Việc hôi của tại các cơ sở thương mại vẫn còn hoành hành, nên các biện pháp giới nghiêm ban đêm được nghiêm nhặt ban hành.
Thời điểm đảo chính
Chế độ Syria có hai đồng minh hùng mạnh là Nga và Iran. Nhờ đó, Assad đẩy lùi các nổi dậy của nhóm quân dân.
Tuy nhiên, cả hai nước hiện nay đang suy yếu; Nga đang cạn kiệt nguồn lực khi phải tiếp tục chiến đấu ở Ukraine, trong khi Iran trực tiếp can dự quân sự trong cuộc xung đột của Hezbollah ở Lebanon với Israel. Thời điểm mà HTS và các lực lượng dân quân phát động tấn công có thể đã được xem là thuận lợi và được lựa chọn có chủ ý.
Ảnh hưởng địa chính trị
Với sự sụp đổ của chế độ độc tài Assad, chính sách tham gia của các nước Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang thay đổi. Lý do chính là vì dù không có nguồn tài nguyên riêng, nhưng Syria có một tuyến đường trung chuyển chủ yếu trong khu vực, nên có tầm quan trọng địa chiến lược. Tương lai chính sách đối ngoại của chính quyền mới tại Syria sẽ là chủ đề chính cho các chuyên gia chiến lược.
Đối với Iran, Syria là tuyến cung cấp đáng kể của Hezbollah tới Lebanon. Nga cũng có một căn cứ hải quân quan trọng nằm tại Tartus thuộc Địa Trung Hải ở Syria. Có những giả định cho rằng chính phủ mới của Syria sẽ phải chống Iran, nghĩa là, sẽ biến mất một trụ cột rất quan trọng của trục phản kháng do Iran lãnh đạo chống lại Israel.
Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ
Nhìn chung, về mặt chính thức, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không liên quan đến hoạt động của phiến quân ở Syria, nhưng trong thực tế, hai bên có mối quan hệ rất tốt và có thể là Thổ đã bật đèn xanh cho cuộc tấn công.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang chiếm đóng các khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria, đây là là kết quả của một số hoạt động quân sự nhằm chống lại Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) do người Kurd thống trị.
Thổ Nhĩ Kỳ có thực hỗ trợ cho các chiến binh thánh chiến không? Nếu có, thì điều này không mâu thuẫn, vì Thổ Nhĩ Kỳ coi liên minh nổi dậy này là “những kẻ ngốc hữu ích” nhằm mục đích giúp cho Thổ kiểm soát người Kurd ở miền Bắc Syria, giáp biên giới với Thổ. Cuộc tấn công như vậy được xem như là một kiểu trả thù.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã nhiều lần muốn đàm phán với Assad để hồi hương ba triệu người Syria đang tị nạn mà Thổ xem là gánh nặng lớn về an ninh và ngân sách. Assad luôn từ chối những cuộc đàm phán như vậy và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải rút hoàn toàn ra khỏi miền Bắc Syria. Sau khi chế độ Assad sụp đổ, Erdogan hy vọng rằng người tị nạn Syria có thể tự nguyện hồi hương hoặc tìm cách trục xuất.
Tương lai của người Kurd ở Syria
Nhóm thiểu số người Kurd ở Syria không có nhiều hy vọng tốt đẹp cho tương lai. Một mặt, họ lo sợ các hành động trả thù tàn bạo của liên minh thánh chiến, mặt khác họ không tiên đoán được khu vực tự trị của mình ở phía Bắc đất nước sẽ thay đổi như thế nào.
Hiện nay, khu tự trị của người Kurd sẽ bị suy yếu do cuộc đảo chính hay không, đó là mối quan tâm chính. Cho đến nay, quân nổi dậy tuyên bố rằng các nhóm tự trị có thể tiếp tục tự quản lý khu vực. Đó là lý do tại sao giao tranh giữa cái gọi là Quân đội Quốc gia Syria – một nhóm nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát – và người Kurd ở miền Bắc Syria vẫn có thể tiếp tục xảy ra và sẽ ảnh hưởng đến đời sống của dân chúng trong vùng.
Tương lai của Syria
Còn quá sớm để tiên đoán về tương lai của Syria. Giới lạc quan cho là Syria đã thực sự bắt đầu mở ra một trang sử mới, nhất là việc thay đổi chế độ xảy ra cực kỳ nhanh chóng mà không có một trận tắm máu trả thù nào. Bây giờ là lúc người Syria tị nạn khắp thế giới có thể hồi hương để tái thiết một đất nước hoang tàn.
Giới bi quan cho là Syria chưa có điều kiện đủ để xây dựng đất nước. Tình hình an ninh không thể đảm bảo cho tưong lai của Syria, vì Israel vẫn còn tiếp tục không kích Syria.
Mục đích của Israel là ngăn ngăn chận vũ khí sẽ rơi vào tay những kẻ Hồi giáo cực đoan. Một mặt, Israel cho rằng không can thiệp về nội chính của Syria; mặt khác, Israel đã thực hiện trên 250 vụ oanh kích vào các cơ sở quân sự của chế độ cũ của Syria. Xung đột còn tiếp diễn.
Con đường xây dựng cho Syria thành một quốc gia thế tục dân chủ, thịnh vượng và pháp quyền sẽ càng xa vời hơn.
Cuối cùng, chế độ độc tài Assad sụp đổ có một giá trị cảnh báo tới các chế độ độc tài khác đang còn sống sót trên thế giới: không có gì tồn tại bất tử, với thời gian, phép lạ Syria sẽ thành hiện thực khắp mọi nơi.
Đ. K. T.
Tác giả gửi BVN.