Làm chính trị thì đôi khi cũng phải lươn lẹo một tí, nhưng lươn lẹo mà phải để cho thế giới nhìn vào thấy mình vẫn đàng hoàng, người lớn, chứ không phải cái trò lừa gạt nhau từng miếng như ở thời kỳ Đông Chu liệt quốc. Dân tộc ta vốn đâu có phải đớn hèn. Thời nhà Trần bên ngoài tiếp các vị Đạt-lỗ-hoa-xích của thiên triều rất nhũn nhặn nhưng bên trong vẫn để cho dân tự do khắc hai chữ “Sát Thát” lên cánh tay kia mà. Đành rằng không ai liều lĩnh đánh canh bạc mà phần thua cầm chắc như Thái tử Đan nhưng ít ra thì ông Thái tử ấy cũng ngày đêm sục sôi vì vận mệnh của nước Yên. Còn chúng ta? Ngư dân bị tàu Ngư chính xua đuổi và bắt ngay trên hải phận nước mình: nín lặng, hoặc chỉ có một “cái loa” lên tiếng yếu ớt. Thanh niên muốn biểu tình bày tỏ lòng yêu nước: bắt. Sinh viên chia nhau đi sơn mấy chữ HS-TS-VN: xóa. Các nhà khoa học muốn tham dự các Hội thảo quốc tế chứng minh chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của mình: đừng đi. Các nhà khoa học địa lý muốn đẩy mạnh việc nghiên cứu chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa: không khuyến khích. Những ký kết bước đầu về hạt nhân với Hoa Kỳ mà chính Hoa Kỳ xác nhận: chối bỏ. Chả bù với Trung Quốc, họ cứ để cho hàng trăm tờ báo mạng cùng lên tiếng đòi thanh toán Việt Nam ngay lập tức. Các viện khoa học địa lý, lịch sử, khảo cổ của họ cùng cấp tập nghiên cứu lịch sử cái gọi là Tây Sa và Nam Sa công bố lên hết báo này đến báo khác và ưu tiên cho 200 nghiên cứu sinh làm luận án về đề tài này… Rốt cục thì thế nào, có đoán được không nhỉ? Hay đây là chiến thuật mà người xưa gọi là: “dĩ dật đãi lao”, cứ nhàn nhã cho dân nghỉ khỏe – dân khí hăng lên biết đâu lại chẳng hỏng việc. Hãy cả tin vào ngón “ngoại giao con thoi” của lãnh đạo, ngón “nói khéo giữa hội nghị”, những cách dàn xếp nhún bên này nhượng bên kia thật “uyển chuyển”, hoặc cứ để cho dư luận quốc tế làm ầm ỹ lên còn mình đánh bài mần thinh… cuối cùng thì tự khắc đâu có đó?
Bauxite Việt Nam
Sau khi báo Wall Street Journal và phát ngôn viên Philip Crowley của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận thông tin về thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Mỹ và Việt Nam thì phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam lại bác bỏ thông tin này.
Tại sao cùng sự việc nhưng có hai cách thông tin khác khau? Mặc Lâm tìm hiểu thêm vấn đề này.
Trái thông lệ phát ngôn
Giới chức Việt Nam thường lầm lẫn về chức năng phát ngôn vì vậy đôi khi có những phát ngôn mâu thuẫn khó giải thích, khiến cho vấn đề bang giao quốc tế của Việt Nam trở nên phức tạp, khác với thông lệ phát ngôn của nhiều nước trên thế giới.
Và theo hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân thì các nước có quyền theo đuổi việc làm giàu uranium vì mục đích dân sự.
Ô. Philip Crowley
Gần đây là vụ Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh trong chuyến công du Singapore đã phát biểu về vấn đề Biển Đông rằng ông là người theo dõi quốc phòng hàng ngày và ông xác minh rằng Trung Quốc chưa bao giờ dùng vũ lực với Việt Nam. Ông còn tán dương Trung Quốc đang theo đuổi chính sách hòa bình tại Biển Đông và mọi thông tin nói khác đi đều có âm mưu gây chia rẽ Việt Nam – Trung Quốc.
Ông Phùng Quang Thanh cố tình phớt lờ việc Trung Quốc liên tiếp bắt giữ tàu đánh cá Việt Nam trước đó nhiều lần, và tuy không dùng đến vũ khí nhưng liệu hành vi này có được xem là Trung Quốc đang theo đuổi chính sách hòa bình tại Biển Đông hay không?
Sau đó hai tháng, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam là Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh lại phạm vào một sai lầm khác. Lần này ông cảnh báo nước lớn một cách gián tiếp khi tuyên bố với tờ nhật báo South China Morning Post, ông Vịnh nói rằng Việt Nam đủ sức chống trả mọi cuộc tấn công vào Việt Nam, tuy nhiên Việt Nam theo đuổi chính sách đàm phán và không bao giờ chủ trương sử dụng vũ lực.
Ngay lập tức các tờ báo tại đại lục lên tít lớn câu tuyên bố này và những trang mạng của Trung Quốc đua nhau viết lời bình không mấy có lợi cho Việt Nam.
Hai lần phát ngôn của hai người đứng đầu quân đội Việt Nam trong một thời gian ngắn lại khác nhau rất xa khiến giới quan sát chính trị quốc tế không hiểu phải nghe theo ai, và ai là người có thẩm quyền hơn trong lúc phát ngôn bên ngoài đất nước Việt Nam!
Một chuyện khác có ý nghĩa lớn hơn nhiều vừa mới xảy ra cách đây vài ngày. Hôm thứ Năm ngày 05 tháng 08 vừa qua, tờ Wall Street Journal, dẫn lời một số quan chức Mỹ, tiết lộ sự kiện Mỹ – Việt đã thỏa thuận trên nguyên tắc về hợp tác hạt nhân dân sự. Thỏa thuận này tuy đã có từ năm 2009 nhưng lần này có tiến triển khá xa, có thể kết thúc từ nay đến cuối năm.
Đối với giới quan sát chính trị thì thỏa thuận này là tiền đề cho thấy mối quan hệ Mỹ – Việt đã cải thiện một bước rất dài và biểu hiện mạnh mẽ sự mong muốn hiện diện của Mỹ trong vùng Đông Nam Á và Đông Á. Dĩ nhiên nước được lợi nhiều nhất vẫn là Việt Nam vì sẽ tận dụng được sự hợp tác của nhiều nước có thế mạnh về hạt nhân trong đó có cả Mỹ lẫn Trung Quốc.
Có một điểm đáng chú ý là báo chí ngoại quốc cho biết thỏa thuận này không cấm Việt Nam tự làm giàu uranium.
Ngay sau đó, vào cùng ngày, trong buổi tiếp xúc với báo chí tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Philip Crowley đã xác nhận thông tin về cuộc đàm phán Mỹ – Việt trong địa hạt hạt nhân, nhưng từ chối không cho biết là liệu Việt Nam có được phép làm giàu uranium hay không, ông nói:
Đây là đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam, nó không có liên quan đến Trung Quốc.
Ô. Philip Crowley
Philip Crowley: “Hoa Kỳ đang đàm phán từng giai đoạn với Việt Nam. Cũng bởi vì đang trong quá trình đàm phán nên tôi không thể đưa ra nhận xét gì về cách thức cũng như kết quả của các cuộc đàm phán. Và theo Hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân thì các nước có quyền theo đuổi việc làm giàu uranium vì mục đích dân sự”.
Hãng tin Mỹ AP vào hôm 06 tháng 8 tiết lộ rằng chính quyền Obama mới đây đã cho các Nghị sĩ Mỹ biết là thỏa thuận hạt nhân dự trù với Việt Nam rất có thể sẽ không bao hàm điều khoản, theo đó Hà Nội cam kết không tự làm giàu uranium.
Một ngày sau khi tin tức loan ra bên ngoài, tờ nhật báo Anh ngữ China Daily cho rằng việc Washington và Hà Nội chia sẻ nhiên liệu và công nghệ hạt nhân sẽ nhanh chóng tiến tới làm tan vỡ ổn định thế giới.
Ông Đằng Kiến Quần, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kiểm soát và Giải trừ Vũ khí của Trung Quốc, lên tiếng cho rằng “Hoa Kỳ có chính sách không công bằng đối với các quốc gia khác nhau. Là nước chủ trương và kêu gọi các nước khác phi hạt nhân hóa nhưng Mỹ đã xem thường dư luận bằng việc thỏa thuận với Việt Nam khi cho phép nước này làm giàu uranium”.
Sợ mất lòng Trung Quốc?
Những tin tức này loan đi trên tất cả các phương tiện truyền thông thế giới một cách công khai. Từ Reuters, AFP cho tới AP đều chạy tin này. Tuy nhiên không tờ báo nào tại Việt Nam đăng lại tin tức khá nóng mà đa số người dân chờ được nghe. Đáng ngạc nhiên hơn, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng làm như không hề hay biết, và hai ngày, sau khi tin tức thỏa thuận hạt nhân tung ra khắp thế giới, người phát ngôn Nguyễn Phương Nga của Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức công bố phủ nhận rằng Việt Nam chưa có một thỏa thuận nào với Hoa Kỳ về vấn đề hạt nhân.
Nếu Hoa Kỳ không có thỏa thuận hạt nhân nào với Việt Nam như bà Nguyễn Phương Nga công bố thì câu trả lời của ông Philip Crowley, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không lẽ là giả dối hay sao? Khi được báo chí hỏi liệu Hoa Kỳ đàm phán với Việt Nam về hạt nhân có sợ sự phản ứng của Trung Quốc hay không, ông Crowley nói:
Philip Crowley: “Đây là đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam, nó không có liên quan đến Trung Quốc”.
Ông Bùi Diễm, nguyên Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Washington DC cho biết cách phát ngôn thông thường của tất cả các nước theo quy trình sau:
“Thật ra thì ở đâu cũng thế, không riêng gì Việt Nam Cộng hòa. Trước hết những người phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao thì riêng và phát ngôn viên của Phủ Tổng thống cũng riêng. Thí dụ như ở Mỹ thì phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và phát ngôn viên Nhà trắng là riêng. Phải nên coi lại phát ngôn của họ từ đâu hay chỉ theo báo chí thôi?”.
Giới quan sát quốc tế cho rằng nếu Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận hạt nhân thì Trung Quốc sẽ trở thành cô thế ngay trên sân sau của nhà mình, và đây là điều mà Trung Quốc khó thể chấp nhận. Hà Nội và Bắc Kinh từng có thỏa thuận hợp tác về nguyên tử từ năm 2000, và gần đây đã ký với nhau một biên bản ghi nhớ về hợp tác trong các đề án năng lượng hạt nhân giữa hai nước.
Bản ghi nhớ này cho phép Việt Nam trao đổi công nghệ nguyên tử với Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Quảng Đông do Nhà nước Trung Quốc điều hành và tin mới nhất cho biết có thể Trung Quốc sẽ thắng thầu trong dự án Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Giới thạo tin Việt Nam cho rằng việc Bộ Ngoại giao Việt Nam cho phát ngôn trái với sự thật đang xảy ra có hai nguyên nhân, thứ nhất có thể vì bị Trung Quốc áp lực, thứ hai [có thể do] Bộ Chính trị chưa nhất trí hoàn toàn với phương án kéo Mỹ vào cuộc vì vẫn còn nghi ngại sức mạnh quá lớn của Trung Quốc, nên chủ trương bắt tay với Mỹ càng âm thầm càng tốt.
Việt Nam bây giờ thì họ vẫn né nhiều chuyện lắm, coi như đu dây bên này bên kia. Nếu cái gì họ thấy mạnh quá thì họ lại tránh, nhất là chuyện dính tới anh Trung Cộng thì họ phải rụt rè.
Ô. Bùi Diễm
Cựu Đại sứ Bùi Diễm cho rằng việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tránh né không phải là mới, ông nói:
“Anh Việt Nam bây giờ thì họ vẫn né nhiều chuyện lắm, coi như đu dây bên này bên kia. Nếu cái gì họ thấy mạnh quá thì họ lại tránh, nhất là chuyện dính tới anh Trung Cộng thì họ phải rụt rè đôi chút. Nếu hiểu rõ thì mình thấy như vậy”.
Điều người mà giới quan sát ngạc nhiên là tại sao Việt Nam lại không xem xét kỹ một sự kiện quan trọng như vậy trước khi công bố. Trước những lời phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì không thể cho rằng thông tin của người phát ngôn đưa ra là thiếu chính xác hay bị bóp méo. Lời tránh né của Bộ Ngoại giao Việt Nam nếu được lòng Trung Quốc thì sẽ bị thế giới xem thường, vừa xem thường vừa thiếu tin tưởng những phát ngôn về sau của cơ quan này.
Việt Nam còn phải đối đầu rất nhiều với Trung Quốc trong lĩnh vực ngoại giao, vì suy cho cùng, vũ khí duy nhất của Việt nam có thể mang ra đối đầu với Trung Quốc chỉ là vũ khí ngoại giao mà không là gì khác.
Từ phát ngôn của Bộ Quốc phòng cho đến phát ngôn của Bộ Ngoại giao đều có vấn đề khiến người ta tự hỏi rằng, với cách phát ngôn tùy hoàn cảnh như vậy, liệu Việt Nam có tranh thủ được cộng đồng quốc tế hay không, khi mà thế giới ngày nay đã quá quen vào những phát ngôn lấy sự thật làm chuẩn mực.
Dư luận cho rằng cách phát ngôn “mềm giẻo” như từ trước đến nay của Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn thường sử dụng khi có yếu tố Trung Quốc xuất hiện liệu có còn hợp thời nữa hay không? Nhất là khi Hoa Kỳ ngày một dấn sâu hơn vào Biển Đông như tin tức trong những ngày qua cho thấy, nhất là hôm Chủ nhật ngày 8 tháng 8, hàng không mẫu hạm USS George Washington chính thức ghé thăm Việt Nam ngoài khơi Đà Nẵng?
Tin của hãng thông tấn AP cho biết một phái đoàn sĩ quan cao cấp của Việt Nam được máy bay Mỹ đưa ra thăm chiến hạm, vào lúc chiếc hàng không mẫu hạm lớn nhất thế giới của Mỹ xuất hiện trong hải phận Việt Nam giữa Đà Nẵng với Hoàng Sa, sau bốn ngày tập trận chung với hải quân Hàn Quốc.
Lần này thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao sẽ nói gì để tránh phật lòng người láng giềng phương Bắc?
ML
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Why-Vietnam-denies-the-news-about-nuclear-deal-with-America-MLam-08092010204931.html