Phản ứng về chuyến thăm của tàu chiến Mỹ

Tạm biệt sau cuộc thăm viếng giữa các sỹ quan quân đội Việt Nam với phía hải quân Mỹ, tại sân bay Đà Nẵng chiều 8/8/2010.

Tạm biệt sau cuộc thăm viếng giữa các sỹ quan quân đội Việt Nam với phía hải quân Mỹ, tại sân bay Đà Nẵng chiều 8/8/2010.

Nhật báo chính bằng tiếng Anh của Trung Quốc, China Daily, xem sự kiện tàu Mỹ USS George Washington thăm Việt Nam là thêm bằng chứng “Hà Nội một lần nữa thách thức chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa [Hoàng Sa]”.

Tàu sân bay thuộc biên chế Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ có căn cứ tại Nhật Bản đang ở ngoài khơi Việt Nam, trong một phần hoạt động kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam xác nhận một “đoàn cán bộ liên ngành” đã lên thăm con tàu vào hôm 08/08.

Bài báo đăng trên trang nhà của China Daily ghi nhận sự có mặt của tàu sân bay và nhắc lại chỉ mới tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc tiến hành khảo sát địa chấn, san lấp và mở rộng đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Một ngày sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói nước này phản đối mọi bình luận và hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và vùng biển kế cận ở Biển Đông.

China Daily dẫn lời ông Su Hao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản lý xung đột và chiến lược thuộc Đại học Ngoại giao của Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc “là nước đầu tiên phát hiện và đặt tên cho Tây Sa ở Nam Hải và cũng là nước đầu tiên chính thức đặt Nam Hàn dưới quyền quản lý của Chính phủ”.

Tiếp lời, ông Xu Liping của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhắc lại rằng khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, thì không thấy nhắc chủ quyền Trung Quốc ở Tây Sa và vùng biển lân cận.

Ông này cáo buộc Việt Nam “nay đang thách thức nguyên trạng lâu nay mà chẳng có bằng chứng lịch sử và pháp lý, và bình luận của nước này trùng khớp với quan điểm của Mỹ”.

Ông Su Hao cho rằng Việt Nam đã “cố tình” đưa ra vấn đề Biển Đông ở Diễn đàn Khu vực Asean tại Hà Nội, nơi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Mỹ quan tâm giải quyết tranh chấp biển đảo.

Ông Su Hao nói Việt Nam “định quốc tế hóa vấn đề, để họ có thể là đối trọng mạnh hơn trước Trung Quốc, nhờ sự yểm trợ của Mỹ”.

Nhưng ông này cho rằng hai nước Mỹ – Việt “sẽ chẳng quá thân thiết, hiện tại họ chỉ lấy của nhau những gì họ đang cần mà thôi”.

‘Cân bằng’

Tàu USS George Washington tập trận cùng Nam Hàn hồi tháng Bảy

Tàu USS George Washington tập trận cùng Nam Hàn hồi tháng Bảy

Các chiến lược gia Trung Quốc không phải là người duy nhất đặt chuyến thăm của tàu USS George Washington nằm trong một phần chiến lược lớn hơn của Mỹ tại Đông Nam Á.

Cây bút Margie Mason của hãng tin AP, khi thăm con tàu ở Đà Nẵng hôm 08/08, đã viết rằng siêu hàng không mẫu hạm của Mỹ đến đây để gửi đi thông điệp rằng “Trung Quốc không phải là tay chơi lớn duy nhất trong vùng”.

Bài của AP dẫn lời Đại úy Ross Myers, tư lệnh phi đội chiến đấu trên tàu sân bay, nói: “Ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng của Biển Đông, và quyền tự do hàng hải là điều quan trọng đối với cả Việt Nam và Mỹ”.

Các viên chức hải quân Mỹ, theo AP, nói khi con tàu USS George Washington đi vào Biển Đông trong mấy ngày qua, họ đã thấy tàu hải quân Trung Quốc đi theo và giữ khoảng cách với tàu của Mỹ.

Ký giả Margie Mason dẫn lời Giáo sư lâu năm về Việt Nam, Carlyle Thayer, nói: “Việt Nam không ủng hộ kiềm chế Trung Quốc, nhưng giống như phần lớn các nước ASEAN khác, họ muốn thấy có các siêu cường khác hiện diện cân bằng lẫn nhau”.

Ông nói thêm: “Không phải tinh tế lắm cũng nhìn thấy Việt Nam muốn Hoa Kỳ hiện diện trong khu vực để cân bằng lực lượng với Trung Quốc”.

Tin cho hay tàu khu trục USS John McCain cũng sẽ cập cảng Việt Nam trong tuần này, và có các hoạt động luyện tập và trao đổi văn hóa.

Tập trận

Con tàu USS George Washington mới đây cũng là một phần trong sự chỉ trích của Trung Quốc, khi diễn ra cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Nam Hàn.

Hồi tháng Bảy, ban đầu Mỹ định gửi con tàu này ra Hoàng Hải – biển nằm giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên – tham dự cuộc tập trận nhằm cảnh cáo Bắc Hàn.

Nhưng Trung Quốc phản đối. Tướng Mã Hiểu Thiên, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, nói Trung Quốc phản đối cuộc tập trận gần lãnh hải nước này.

Điều này khiến Lầu Năm Góc phải đồng ý tiến hành cuộc tập trận ở Biển Nhật Bản, ở phía Đông bán đảo Triều Tiên.

Nhưng tuần rồi, trong một diễn biến khiến Trung Quốc bất mãn, Lầu Năm Góc tuyên bố phần hai của cuộc tập trận sẽ lại được chuyển về Hoàng Hải.

Người ta dự đoán cuộc diễn tập mới sẽ diễn ra từ 16 tới 26 tháng Tám.

Các bài bình luận trên báo chí Mỹ những ngày vừa qua nghiêng về quan điểm rằng Chính phủ Barack Obama, sau thời gian đầu lấy lòng Trung Quốc, thì nay cảm thấy chiến lược đó không hiệu quả.

Viết trên tạp chí Forbes, nhà nghiên cứu Gordon Chang nói lãnh đạo Trung Quốc dạo gần đây “đòi hỏi thêm bằng chứng vâng lời từ Washington”.

Ông này nói việc chuyển cuộc tập trận ra Hoàng Hải là cách người Mỹ nói rằng: “Chúng tôi hy vọng quý ngài hiểu là chúng tôi đã chán ngấy đòi hỏi không ngừng nghỉ của quý ngài.”

Trong khi đó, một bài ra hôm nay của Nhân dân nhật báo tiếp tục phản đối việc Mỹ dự định tập trận ở Hoàng Hải.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/08/100809_uss_carrier_reax.shtml

This entry was posted in Hoa Kỳ. Bookmark the permalink.