Michael C. Horowitz, “Battles of Precise Mass”, Foreign Affairs, 22/10/2024
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu vào năm 2022, quân đội Ukraine đã triển khai một số lượng nhỏ drone Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất để tấn công các mục tiêu Nga. Những cuộc tấn công bằng drone chính xác đó là dấu hiệu của những gì sắp đến. Sau hơn hai năm chiến tranh, TB2 vẫn là một thiết bị cố định trong kho vũ khí của Ukraine, nhưng nó đã được bổ sung bởi một loạt các hệ thống không người lái khác. Công nghệ tương tự xuất hiện trong các cuộc xung đột hiện tại ở Trung Đông. Iran, Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen phóng các hệ thống tấn công một chiều (drone được trang bị chất nổ lao vào mục tiêu của chúng) và tên lửa vào Israel, tàu vận tải thương mại và Hải quân Mỹ. Về phần mình, Israel đang sử dụng một loạt các phương tiện không người lái trong cuộc chiến ở Gaza. Trung Quốc đang tìm cách sử dụng các hệ thống không người lái để phong tỏa Đài Loan và ngăn chặn các cường quốc bên ngoài giúp đỡ hòn đảo này trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Và Mỹ đã khởi động một số sáng kiến để giúp họ nhanh chóng triển khai các hệ thống không người lái giá cả phải chăng với quy mô lớn hơn. Trong tất cả những trường hợp này, những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo và hệ thống tự động, kết hợp với các công nghệ thương mại thế hệ mới có sẵn với chi phí sản xuất ngày càng giảm, đang cho phép các quân đội và nhóm vũ trang đưa “số lượng” trở lại chiến trường.
Trong nhiều thiên niên kỷ, các chỉ huy coi “số lượng” – nghĩa là có lực lượng đông hơn về số lượng và vật chất hơn bên kia – là yếu tố quan trọng để giành chiến thắng trong trận chiến. Một đội quân có nhiều khả năng đánh bại kẻ thù nếu nó có thể triển khai một số lượng lớn hơn quân đội, dù được trang bị giáo, cung, súng trường hay ngồi trong xe tăng. Nguyên tắc này đã chi phối cách thức các quân đội, đặc biệt là các quân đội của các cường quốc, theo đuổi và đạt được chiến thắng, từ các đội quân La Mã ở Gaul đến Hồng quân trên mặt trận phía đông của CTTG II. Việc sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất cho phép đế quốc Anh thống trị biển cả, và việc có nhiều máy bay hơn đã trao quyền cho Đồng minh ném bom các cường quốc phe Trục đến tan nát. Số lượng chưa bao giờ là tất cả – các quân đội chuẩn bị tốt hơn, nhỏ hơn vẫn có thể đánh bại các quân đội lớn hơn và có vẻ mạnh hơn – nhưng từ lâu nó đã thiết lập khả năng chiến thắng trong các cuộc chiến.
Tuy nhiên, 50 năm qua đã chứng kiến sự chuyển hướng từ số lượng sang độ chính xác, một xu hướng được thúc đẩy bởi sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh. Các quân đội như quân đội Mỹ đã trở nên hiệu quả hơn thông qua việc sử dụng vũ khí tiên tiến đắt tiền có thể tấn công chính xác các mục tiêu trên toàn thế giới. Các nhà lãnh đạo chọn giảm quy mô lực lượng của họ và tập trung vào việc trau dồi lợi thế công nghệ.
Những cuộc chiến ngày nay và các khoản đầu tư nghiêm túc mà Mỹ và Trung Quốc thực hiện cho thấy “số lượng” đang quay trở lại, nhưng không phải là đánh đổi với tính chính xác. Thật vậy, thời đại chiến tranh hiện tại đã xóa bỏ sự lựa chọn nhị phân giữa số lượng và độ chính xác, giữa quy mô và sự tinh vi. Hãy gọi đây là thời đại của “số lượng chính xác” (precise mass). Các lực lượng quân đội nhận thấy bản thân đang ở một kỷ nguyên mới, trong đó ngày càng có nhiều chủ thể có thể huy động các hệ thống không người lái và tên lửa, cũng như tiếp cận vệ tinh giá rẻ và công nghệ thương mại tiên tiến. Với những công cụ này, họ có thể dễ dàng thực hiện giám sát hơn cũng như tiến hành các cuộc tấn công chính xác và tàn khốc. Những đòi hỏi của tình hình mới đã định hình chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông, ảnh hưởng đến các xung lực ở eo biển Đài Loan và tác động tới quá trình lập kế hoạch và mua sắm tại Lầu Năm Góc.
Trong thời đại của số lượng chính xác, chiến tranh sẽ được định nghĩa phần lớn bởi việc triển khai một số lượng lớn các hệ thống không người lái, dù hoàn toàn tự động và được cung cấp bởi trí tuệ nhân tạo hay điều khiển từ xa, từ không gian bên ngoài đến dưới biển. Quân đội Mỹ đã định vị mình ở vị thế dẫn đầu trong việc thích ứng với những thay đổi này trong tính chất của chiến tranh, nhưng quân đội Mỹ phải sẵn sàng áp dụng đổi mới một cách nhanh chóng và với quy mô đủ lớn. Những bước đột phá tiên phong rõ ràng trong các cuộc xung đột ngày nay chỉ là dấu hiệu báo trước cách thức tiến hành chiến tranh trong những năm và thập kỷ tới khi các quân đội vật lộn với những đòi hỏi của cả số lượng và độ chính xác.
Nỗ lực hướng tới sự chính xác
Các quốc gia từ lâu tin rằng họ có thể đạt được thành công trên chiến trường bằng cách sở hữu nhiều binh lính, thiết bị và hậu cần hơn đối thủ của họ. Theo đó, sức nặng của số lượng sẽ mang lại chiến thắng. Nhưng vào cuối những năm 1960, lý thuyết đó bắt đầu thay đổi. Quân đội Mỹ bắt đầu nhìn thấy giá trị trong độ chính xác hơn là số lượng tuyệt đối. Lực lượng Mỹ tìm cách xác định, theo dõi và tấn công các mục tiêu với độ chính xác ngày càng cao hơn. Sự nhấn mạnh đó đã làm giảm số lượng nền tảng và vũ khí cần thiết cho các chiến dịch quân sự đồng thời cũng giúp Mỹ tuân thủ luật nhân đạo quốc tế bằng cách hạn chế thiệt hại ngoài ý muốn có thể xảy ra từ các cuộc tấn công.
Vào những năm 1970, Mỹ và các đồng minh châu Âu phải đối mặt với lực lượng Liên Xô đông hơn về số lượng. Họ không thể đối đầu với số lượng xe tăng vượt trội của Liên Xô. Các nhà phân tích quân sự hàng đầu của Mỹ lo ngại rằng Moscow sẽ giành chiến thắng trong một cuộc chiến ở châu Âu với lợi thế về số lượng. Để giải quyết những mối lo ngại này, Mỹ đã giới thiệu một chương trình có tên là Assault Breaker để tích hợp các công nghệ mới vào việc lập kế hoạch quân sự, với ý định sử dụng tên lửa và bom chính xác để tàn phá lực lượng Liên Xô. Ngay cả khi Liên Xô đạt được một bước đột phá ban đầu trong một cuộc tấn công vào Trung Âu, họ sẽ không thể tiến hành đột phá thọc sâu xuyên qua các phòng tuyến phương Tây. Với các loại cảm biến, các phiên bản ban đầu của hệ thống dẫn đường và vũ khí tầm xa, Mỹ đã xây dựng khả năng tiêu diệt làn sóng tấn công thứ hai, thứ ba và tiếp theo của lực lượng Liên Xô ở châu Âu.
Chiến tranh Lạnh chưa bao giờ trở nên nóng ở châu Âu, nhưng khả năng tấn công chính xác đã ra mắt công chúng trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất vào năm 1991. Người dân trên khắp thế giới theo dõi những thước phim về bom dẫn đường bằng laser lao vào xe tăng Iraq. Sự suy giảm cạnh tranh giữa các cường quốc – với việc thế giới tập trung vào các cuộc xung đột nhỏ hơn như ở Bosnia và Kosovo, và sau đó là chống khủng bố và chống nổi dậy ở Afghanistan và Iraq – đã tạo ra làn sóng đầu tư khổng lồ vào khả năng tấn công chính xác, vì hầu hết các chiến dịch quân sự liên quan tới sự đối đầu giữa các lực lượng có quy mô nhỏ hơn trong khu vực đông dân cư.
Trong suốt giai đoạn đầu thế kỷ 21, Mỹ duy trì vị trí dẫn đầu về khả năng tấn công chính xác. Vào thời điểm Lầu Năm Góc phải đối mặt với chi phí tăng vọt cho các phương tiện mặt đất, máy bay chiến đấu, tàu ngầm, tàu chiến và vũ khí, lợi thế đó đã thuyết phục quân đội Mỹ rằng họ có thể chiến thắng bằng cách giảm bớt và ưu tiên hiệu quả và độ chính xác hơn là số lượng tuyệt đối. Mỹ đã có ý thức lựa chọn giảm quy mô quân đội của mình và dựa vào độ chính xác. Tổng kho vũ khí của không quân và quy mô hạm đội của hải quân chỉ bằng khoảng một phần ba so với năm 1965, nhưng sức mạnh tấn công của từng máy bay và từng tàu chiến hoặc tàu ngầm là lớn hơn rất nhiều.
Lựa chọn nhị nguyên sai lầm
Tình hình đảo ngược trở lại một lần nữa. Mỹ không còn duy trì ưu thế tuyệt đối về khả năng tấn công chính xác như trước đây. Công nghệ nền tảng của những khả năng đó – đạn dược thông thường, cảm biến và hệ thống dẫn đường – đã trở nên rẻ hơn theo thời gian và có thể tiếp cận được với nhiều quốc gia và nhóm vũ trang bên ngoài nước Mỹ. Từ Azerbaijan đến Triều Tiên, các lực lượng khác có thể tấn công một số mục tiêu với độ chính xác, sức mạnh và ở khoảng cách rất xa, những đặc điểm mà quân đội Mỹ từng nắm độc quyền. Họ đã được hưởng lợi từ những tiến bộ trong lĩnh vực tư nhân về trí tuệ nhân tạo và sự sẵn có của các nền tảng cảm biến và truyền thông, chẳng hạn như hệ thống định vị toàn cầu. Với sự phổ biến của kiến thức chuyên môn, công nghệ và vũ khí này, chiến tranh đang thay đổi. Điều quan trọng là những tiến bộ trong sản xuất và phần mềm đã làm giảm giá của thiết bị chính. Một drone thương mại rẻ tiền được trang bị vũ khí, được dẫn đường bởi một drone rẻ tiền khác chứa đầy cảm biến, có thể tấn công các mục tiêu cụ thể ở xa hoặc thực hiện các hoạt động giám sát. Và vì chúng tương đối rẻ tiền nên những máy bay như vậy có thể được triển khai với quy mô lớn. Các quân đội đang bắt đầu nhận ra rằng họ không phải lựa chọn giữa độ chính xác và khối lượng; họ có thể có cả hai.
Các hệ thống loại này, theo ngôn ngữ quân sự, là “có thể tiêu hao được” (attritable) – nghĩa là chi phí tương đối thấp của chúng làm cho việc mất đi bất kỳ hệ thống nào cũng có tác động không đáng kể. Chúng kém hơn so với các vũ khí tiên tiến nhất được triển khai bởi quân đội Mỹ hoặc Trung Quốc – chẳng hạn như máy bay chiến đấu tàng hình F-35 hoặc tên lửa chống tàu tầm xa – nhưng các hệ thống này có thể được triển khai với quy mô lớn hơn nhiều so với các đối thủ đắt tiền hơn của chúng. Chi phí của từng đơn vị đủ thấp để khả năng tổng hợp của chúng có thể dễ được chi trả hơn.
Có một điều chắc chắn rằng, những hệ thống rẻ tiền và chính xác này không làm cho xe tăng, pháo binh và các yếu tố khác của chiến tranh hiện đại trở nên lỗi thời. Chúng bổ sung cho những gì đã xảy ra trước đó, giống như những đổi mới trong quá khứ; sự ra đời của chiến tranh trên không, chẳng hạn, không đánh dấu sự kết thúc của việc sử dụng bộ binh trong chiến đấu. Các chiến trường tương lai sẽ được đặc trưng bởi sự kết hợp của các hệ thống cao cấp được triển khai với số lượng nhỏ hơn, với các hệ thống có khả năng tiêu hao được triển khai với số lượng lớn hơn nhiều.
Những xu hướng và công nghệ mới này đã biến cuộc chiến ở Ukraine thành một “phòng thí nghiệm chiến đấu” như Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã nói vào năm 2023. Cả hai bên đã sử dụng hàng loạt drone tương đối rẻ tiền để giám sát và tấn công đối phương. Trên biển, các tàu robot của Ukraine đã giáng những đòn chí mạng vào hải quân Nga như một phần của một chiến dịch đã làm hư hại hoặc phá hủy một phần ba Hạm đội Biển Đen của Nga, theo ước tính của Ukraine. Nga hiện đang cố gắng tiêu diệt những tàu không người lái của Ukraine này bằng drone điều khiển từ xa được dẫn đường bằng cách lái và nhắm mục tiêu theo góc nhìn thứ nhất.
Điều khác biệt ngày nay, so với hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21, là quy mô mà các loại năng lực này được sử dụng – chính là số lượng không thể phủ nhận của chúng. Cả Ukraine và Nga đều sử dụng và đôi khi mất hàng nghìn drone mỗi tuần cho các nhiệm vụ bao gồm giám sát và chiến đấu. Một số drone này có thể thu hồi được, trong khi những chiếc khác được thiết kế cho các nhiệm vụ một chiều ở khoảng cách hàng trăm dặm. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố vào tháng 12 năm 2023 rằng đất nước ông sẽ sản xuất hơn một triệu drone vào năm 2024 và đã thành lập một nhánh riêng của quân đội tập trung vào lực lượng không người lái, được biết đến một cách không chính thức là “quân đội drone” của Ukraine.
Tấn công hàng loạt
Sự thay đổi trong tính chất của chiến tranh đang xảy ra do những lợi thế tiềm năng của nó trên chiến trường, không chỉ vì khả năng kỹ thuật. Mọi chủ thể, không chỉ các quốc gia nhỏ hơn hoặc chủ thể phi nhà nước, có thể tạo ra sức mạnh tấn công khổng lồ bằng cách triển khai các hệ thống rẻ hơn với quy mô lớn. Ví dụ, Ukraine có thể chi từ vài trăm USD cho một drone chiến thuật để giúp một đơn vị nhỏ tiến hành giám sát đến tối đa 30.000 USD cho các hệ thống tấn công tầm xa có thể tấn công các mục tiêu cách xa hơn 500 dặm. Nga sử dụng một số lượng lớn hệ thống tấn công một chiều Shahed-136 do Iran sản xuất, có tầm hoạt động khoảng 1.500 dặm và có giá từ 10.000 đến 50.000 USD. Với những vũ khí như thế này, một đội quân có thể cần vài phát bắn để hạ gục một mục tiêu nhất định, nhưng tổng chi phí để tiêu diệt mỗi mục tiêu sẽ thấp hơn so với sử dụng các hệ thống vũ khí đắt tiền hơn. Để so sánh, hãy xem xét loại tên lửa tấn công không đối đất tầm xa (JASSM) tinh vi và rất có khả năng của Mỹ. Loại tên lửa này chắc chắn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng ước tính công khai đặt chi phí của mỗi quả tên lửa trong khoảng từ 1 triệu đến 2 triệu USD.
Hiện tại, để phòng thủ chống lại các cuộc tấn công như vậy cũng đắt hơn nhiều hơn là sử dụng chúng để tấn công. Vào tháng tư, Iran đã phóng hơn 300 vũ khí, bao gồm drone tự sát, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, vào Israel. Với sự hỗ trợ của Mỹ và một số quốc gia Trung Đông, Israel đã đẩy lùi hầu hết các vũ khí này. Nhưng với giá nào? Một báo cáo cho thấy chi phí của cuộc tấn công vào khoảng 80 triệu USD, nhưng để phòng thủ thì cái giá lên đến 1 tỷ USD. Một quốc gia giàu có và các đồng minh của quốc gia đó có thể đủ khả năng chi tiêu như vậy một vài lần – nhưng không thể là 20 lần, 30 lần hoặc 100 lần. Chống lại hình thức tấn công kiểu này không chỉ đắt tiền mà còn khó khăn. Một kẻ tấn công có thể tấn công đối thủ với nhiều hệ thống khác nhau; đối thủ đó có thể có khả năng đẩy lùi một hệ thống cụ thể nhưng gặp khó khăn trong việc đối phó với những hệ thống khác. Các chỉ huy và nhà phân tích chỉ mới bắt đầu tìm ra cách chống lại khối lượng chính xác ở quy mô lớn.
Từ quan điểm của kẻ tấn công, các quân đội không còn có thể cho rằng một số lượng nhỏ vũ khí cao cấp sẽ mang lại chiến thắng. Ví dụ, một số vũ khí tiên tiến nhất của Ukraine, bao gồm Hệ thống Pháo phản lực Độ cơ động Cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp và đạn pháo dẫn đường GPS, đã phải đối mặt với những thách thức trên chiến trường vì Nga đã phát triển khả năng gây nhiễu hệ thống định vị và điều hướng của chúng. Đó là lý do tại sao Ukraine cũng cần quy mô được cung cấp bởi các hệ thống vũ khí rẻ hơn để áp đảo phòng thủ của Nga.
Việc sử dụng một số lượng lớn các hệ thống vũ khí rẻ hơn có thể giúp làm cho các hệ thống đắt tiền, cao cấp hơn trở nên hiệu quả hơn. Một cuộc tấn công khối lượng chính xác có thể làm cạn kiệt hệ thống phòng không của đối thủ, cho phép các hệ thống tinh vi hơn nhưng có số lượng ít hơn có cơ hội tốt hơn để tấn công các mục tiêu của chúng. Ví dụ, Nga đã trộn lẫn việc sử dụng các loại vũ khí giá rẻ với các loại tên lửa hành trình đắt tiền hơn, bao gồm cả tên lửa siêu thanh, chống lại Ukraine.
Cuộc chiến đã diễn ra hơn hai năm ở Ukraine cho thấy các cuộc xung đột giữa các quốc gia có thể vẫn tàn khốc và thô bạo, nhưng chúng không phải lúc nào cũng diễn ra trong thời gian ngắn. Các quốc gia có cơ hội tốt hơn để tồn tại trong một cuộc chiến kéo dài như vậy với nguồn dự trữ sâu các hệ thống vũ khí rẻ hơn, vì cố gắng duy trì đầy đủ kho dự trữ các hệ thống đắt tiền hơn sẽ khó khăn hơn nhiều. Tập trung vào khối lượng chính xác cho phép các quân đội chuẩn bị cho khả năng một cuộc chiến sẽ không có kết thúc nhanh chóng và nhiều năm chiến đấu kéo dài phía trước.
Nâng cao lợi thế cạnh tranh
Bộ Quốc phòng Mỹ thường bị cáo buộc là chậm đổi mới và áp dụng đổi mới, một cuộc vật lộn được thừa nhận bởi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kathleen Hicks. Tuy nhiên, một số sáng kiến và chương trình gần đây cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của Bộ Quốc phòng đối với khối lượng chính xác và việc áp dụng các công nghệ đang phát triển này. Ví dụ, Không quân đang tìm cách mua máy bay chiến đấu không người lái có chi phí thấp hơn có thể bay cùng với các nền tảng như máy bay chiến đấu F-35. Họ dự định mua những drone này vào cuối thập kỷ này và triển khai hàng nghìn chiếc. Bộ trưởng Không quân, Frank Kendall, thậm chí đã đi trên một chiếc F-16 được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo để nhấn mạnh việc quân chủng của ông đang nắm bắt các công nghệ mới. Không quân cũng đang hợp tác với khu vực tư nhân để sản xuất các loại tên lửa hành trình có giá chỉ 150.000 USD mỗi chiếc, chỉ bằng một phần chi phí hiện tại từ 1 triệu đến 3 triệu USD. Về phần mình, hải quân đã bắt đầu thuê chuyên gia về chiến tranh robot, thành lập một phi đội mới tập trung vào các tàu mặt nước không người lái và thử nghiệm một số lượng lớn các nền tảng không người lái ở Trung Đông.
Đầu tư quân sự nổi bật nhất của Mỹ vào khối lượng chính xác là sáng kiến Replicator, tập trung vào việc đẩy nhanh việc áp dụng các đổi mới mà quân đội Mỹ cần ngay bây giờ, không phải trong năm hoặc mười năm tới. Lĩnh vực trọng tâm đầu tiên của chương trình là mở rộng quy mô các hệ thống “tự động có thể tiêu hao trong mọi môi trường tác chiến” – các nền tảng giá cả phải chăng giúp định nghĩa thời đại chiến tranh mới – có thể hoạt động ở mọi nơi từ trên không đến dưới nước, với mục tiêu triển khai nhiều nghìn hệ thống vào tháng 8 năm 2025. Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố rằng các khoản đầu tư Replicator đầu tiên bao gồm Switchblade 600, một drone tấn công một chiều, cùng với các tàu mặt nước không người lái và các hệ thống có thể chống lại drone. Thông qua Replicator, Bộ Quốc phòng đã đạt được tiến bộ trong việc phát triển khả năng trong chưa đầy một năm, điều thường mất nhiều năm để hoàn thành – dẫn đến việc Hicks tuyên bố rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang trên đà đạt được mục tiêu năm 2025 của Replicator cho các hệ thống tự động có khả năng tiêu hao.
Ngoài các khoản đầu tư cụ thể vào khối lượng chính xác, quân đội Mỹ đang thực hiện các điều chỉnh tổ chức để giúp các lực lượng vũ trang thích ứng và áp dụng các công nghệ mới, tinh chỉnh cách thức tổ chức, đào tạo, trang bị và triển khai các lực lượng Mỹ. Các đơn vị Thủy quân Lục chiến đang thử nghiệm các cảm biến được hỗ trợ bởi AI giúp binh sĩ hiểu rõ môi trường xung quanh và theo dõi các tàu của đối thủ. Lục quân đã thành lập các lực lượng đặc nhiệm làm việc trên nhiều lĩnh vực để thử nghiệm các khả năng mới nổi trên không, trên bộ, trên biển, trên không gian và trong không gian mạng và xem cách chúng có thể được sử dụng hiệu quả trên chiến trường. Việc nâng cấp Đơn vị Đổi mới Quốc phòng – một tổ chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ có nhiệm vụ đẩy nhanh việc phát triển và triển khai công nghệ thương mại có sẵn – để báo cáo trực tiếp cho Bộ trưởng Quốc phòng và sự gia tăng đáng kể ngân sách mà nó nhận được từ Quốc hội năm 2024, chứng minh rằng cả Lầu Năm Góc và Điện Capitol đều coi trọng những thay đổi này trong chiến tranh.
Cuối cùng, Quỹ Thử nghiệm Quốc phòng Cấp tốc (Rapid Defense Experimentation Reserve) tài trợ cho việc thử nghiệm các khả năng mà quân đội Mỹ coi là quan trọng nhất để giải quyết các thách thức trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và tại các chiến trường khác. Đã có ba dự án từ các hoạt động ban đầu của Quỹ đang được áp dụng trong quân đội Mỹ, bao gồm việc đẩy nhanh quá trình cải tiến kéo dài 5 năm nhằm tăng cường khả năng thực hiện các hoạt động tấn công của Thủy quân Lục chiến trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng những tiến bộ này chứng tỏ rằng Mỹ đã đặt nền tảng không chỉ để tận dụng khối lượng chính xác mà còn chuẩn bị cho bất cứ điều gì diễn ra tiếp theo.
Tương lai mơ hồ
Những dấu hiệu về những thay đổi lớn trong cách thức tiến hành chiến tranh là không thể nhầm lẫn. Những chiếc drone nhỏ, rẻ tiền được triển khai hàng loạt ở Ukraine trong hai năm qua chỉ là một thoáng nhìn về những gì mà những cuộc chiến như vậy có thể xảy ra trong tương lai. Các quân đội sẽ phải tìm ra cách để đánh bại một chiến lược khối lượng chính xác, và nỗ lực đó sẽ dẫn đến những thay đổi lớn hơn nữa. Ví dụ, vũ khí năng lượng định hướng – vũ khí sử dụng năng lượng tập trung cao, chẳng hạn như laser hoặc chùm hạt, thay vì sử dụng đầu đạn rắn – có thể làm giảm chi phí mỗi phát bắn để phòng thủ chống lại các bầy đàn drone. Quân đội Mỹ và Anh gần đây đã thử nghiệm và triển khai các hệ thống năng lượng định hướng được thiết kế để phòng thủ chống lại drone trên không, bao gồm cả ở Trung Đông. Để chắc chắn, năng lượng định hướng đã được tưởng tượng như công nghệ của tương lai trong ít nhất bốn thập kỷ. Nhưng những vũ khí như vậy thực sự có thể tìm thấy một vị trí trong những cuộc chiến sắp tới.
Điều chắc chắn là đứng yên có nghĩa là tụt hậu. Trung Quốc, Nga, Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Iran, cũng như một loạt các chủ thể khác không hề ngần ngại trong việc theo đuổi khối lượng chính xác và những lợi ích hữu hình của nó trên chiến trường. Các nhà hoạch định chính sách ở Washington nên đặc biệt lo ngại về những tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong mọi thứ, từ tàu chiến đến tên lửa siêu thanh đến tên lửa chống tàu, kết hợp với những khoản đầu tư khổng lồ của họ vào trí tuệ nhân tạo, quan tâm đến các khái niệm khối lượng chính xác và khả năng sản xuất hệ thống nhanh hơn nhiều so với Mỹ hiện nay.
Quân đội Mỹ phải tiến về phía trước nhanh hơn; những đổi mới và nguyên mẫu ở hiện tại phải trở thành sức mạnh quân sự thông thường của ngày mai nếu Mỹ muốn duy trì vị trí lãnh đạo toàn cầu. Những bằng chứng ngày càng tăng về hiệu quả của các hệ thống khối lượng chính xác không chỉ nên kích hoạt các cuộc thảo luận về những thay đổi trong tương lai mà còn cả những thay đổi thực sự trong các khoản đầu tư ở hiện tại – những khoản chi sẽ ảnh hưởng đến một loạt các quyết định, từ những con tàu mà hải quân chế tạo đến các loại tên lửa được mua bởi lục quân, đến cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo mà mọi quân chủng sẽ sử dụng. Vì các loại công nghệ lõi thúc đẩy những tiến bộ trong lĩnh vực khối lượng chính xác đến từ khu vực thương mại, các nhà chiến lược sẽ cần phải suy nghĩ về hậu quả của sự phổ biến quy mô lớn của những khả năng như vậy. Sự tiếp cận tương đối của các hệ thống khối lượng chính xác sẽ định hình cách thức mọi quốc gia, không chỉ Mỹ và Trung Quốc, chuẩn bị cho tương lai.
M.H.
—
MICHAEL C. HOROWITZ là Giáo sư và Giám đốc Perry World House tại Đại học Pennsylvania. Từ năm 2022 đến năm 2024, ông giữ chức Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Phát triển Lực lượng và Năng lực Mới nổi.
Nguồn bản dịch: Nghiencuuquocte.org