Điều gì ám ảnh Donald Trump trong chặng cuối cuộc đua?

Kalynh Ngô 

04/11/2024
Nếu mãi cho đến tận hôm nay, Donald Trump vẫn không thừa nhận mình đã thua đối thủ Joe Biden trong cuộc tranh cử 2020, thì sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Trump loan báo “Tôi là người chiến thắng” trong ngày mai. Cả hai bên, Dân chủ và Cộng hòa đều chuẩn bị cho một hồi kịch “màn hai cảnh cũ” hoàn toàn có thể xảy ra.

Có một điều cần lưu ý, đó là Donald Trump của những ngày cuối cùng của cuộc đua, đặc biệt là sáng Chủ nhật 3/11 ở Lititz, Pennsylvania. Trump cố gắng tận dụng hết sức có thể toàn bộ thời gian còn lại để tiếp tục chuỗi tấn công kéo dài một thập kỷ của ông ta: đánh vào truyền thông – kẻ thù truyền kiếp của Trump. Cuộc tấn công này chỉ xoay quanh một vấn đề gần như đã ám ảnh Trump ngần ấy thời gian: thất bại trong bầu cử 2020. Việc phải làm người thua cuộc, mang “giấc mộng Nam Kha” rời khỏi tòa nhà màu trắng đã ám ảnh tâm trí của Donald Trump đến mức Trump có thể biến sự thù hận thành tội ác trong bất kỳ suy nghĩ nào chạy ngang qua tâm trí ông ta, mà nội dung đó không xuất hiện trên máy nhắc chữ trước mặt. 

Vẫn là một Donald Trump hùng hổ của bốn năm trước khi kêu gọi những kẻ bạo loạn tấn công vào Capitol Hill, nhưng giờ đây, già hơn, khập khiễng hơn, và mất tự chủ hơn. Sự hung hăng chuyển hóa vào một cơ thể già nua, kiệt sức sau những cuộc di chuyển nhiều tiểu bang trong một ngày, suốt nhiều tháng, khiến cho lời nói của Trump trong những ngày cuối trở nên rối loạn hơn. Những lời lảm nhảm lập đi lập lại, những hành động khác thường xảy ra thường xuyên trong các cuộc vận động.

Trong gần 1 giờ 30 phút, tại cuộc vận động sáng Chủ nhật, Trump hầu như không nhìn vào máy nhắc chữ. Ông ta liên tục nói về gian lận bầu cử, chỉ trích các cuộc thăm dò gần đây cho thấy Trump đang thất bại, và chỉ trích dữ dội những người Trump gọi là “con đỉa hút máu trong giới truyền thông”, nói rằng ông ta sẽ không quan tâm nếu các cơ quan tin tức giả mạo chịu một viên đạn ám sát thay cho mình.

Những tông đồ của Trump ngồi bên dưới bật cười thoải mái, vô tư. Một người trong chiến dịch tranh cử của Trump nói với ký giả Marc A. Puto của The Bulwark, người chuyên thực hiện các phóng sự về MAGA và Donald Trump: “Các nhân viên của ông ta kêu than vì những lời phát biểu ngoài kịch bản đó. Ông ta chỉ nhận ra mình đã mắc sai lầm khi rời sân khấu”.

“Tôi có một mảnh kính ở đây, và tôi không có mảnh kính nào ở đó, và tôi có mảnh kính này ở đây”, Trump nói, chỉ vào tấm kính cường lực đặc biệt bao quanh bục phát biểu, một thứ đã trở nên quen thuộc kể từ khi Trump “thoát chết” sau hai vụ “được cho” trong cuộc vận động tranh cử ở Butler, PA tháng trước.

Trump nói về tấm kính chống đạn và viên đạn đã bắn ông ta nhưng bất thành: “Một tay súng sẽ phải bắn xuyên qua ‘tin tức giả mạo’ và tôi không quan tâm đến điều đó nhiều lắm”.

Càng vào những ngày cuối của cuộc tranh cử, sự tàn nhẫn Trump dành cho người không ủng hộ mình càng tăng lên, nâng cấp thành ngôn ngữ của bạo lực. Trump gọi Đảng Dân chủ là “nội thù”; đòi tướng Mark Milley phải đối mặt án tử hình; kêu gọi bắn chết ngay tại chỗ những kẻ trộm vặt ở California; đòi chĩa súng vào đầu cựu dân biểu Cộng hòa Liz Cheney.

Và cuối cùng, Trump đổ lỗi cho tất cả những gì đang diễn ra, đúng hơn là những gì ông ta đang phải chịu, từ việc ra khỏi Tòa Bạch Ốc đến các cuộc thăm dò bầu cử mới nhất, đều là “do truyền thông giả mà ra”.

CNN và MSNBC quanh co như địa ngục. Nhìn vào CBS. Hãy nhìn những gì CBS đã làm”, Trump nói. “ABC, ABC, tin giả, CBS, ABC, NBC. Đây là, theo ý kiến của tôi, theo ý kiến của tôi, đây là những người tham nhũng nghiêm trọng”.

Có lẽ mối thù của Trump đối với truyền thông khó mà xóa bỏ được. Nhưng ngược lại, thì truyền thông đã dành cho Trump rất nhiều ưu ái. Vì nếu không nhờ truyền thông, thì có lẽ Trump đã không có cơ hội làm phình trướng sự ám ảnh bại trận trong cuộc bầu cử 2020. Và đến hôm nay, nó trở thành một u nhọt cho cả nước Mỹ phải gánh vác. Để bây giờ, cả hai đảng, Dân chủ và Cộng hòa đang dồn sức chuẩn bị cả cho kịch bản thất bại lần hai của Donald Trump.

Trong bất kỳ cuộc vận động ở tiểu bang nào, Trump cũng hô to “chúng ta đang chiến thắng, và thắng rất lớn”. Không cần biết đó là lời nói dối có chủ ý hay từ căn bệnh ái kỷ, ám ảnh sự thất bại mà ra, nhưng nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến những cử tri vốn là tông đồ của Trump. Mặt khác, một số bình luận viên của các đài truyền hình đã cảnh báo “đó là chiến lược của Donald Trump”. 

Tờ The Hill hôm nay cho biết Đảng Cộng hòa hiện đang sẵn sàng ủng hộ Donald Trump nếu ông ta phản đối kết quả bầu cử năm 2024, khi đã thất bại trước những nỗ lực nhằm lật ngược chiến thắng của Tổng thống Biden tại tòa án và quốc hội.

Nước chảy thì đá mòn. Những tuyên bố bất di bất dịch của Trump về hệ thống bầu cử quốc gia bị “gian lận” đã dần dần “thấm nhuần” vào tư tưởng các cử tri Cộng hòa trong bốn năm qua. Ngoài ra, các đồng minh của Trump trên khắp nước đã nỗ lực để có thêm ảnh hưởng từ các hội đồng bầu cử cấp tiểu bang và địa phương, những nơi sẽ chịu trách nhiệm kiểm phiếu và xác nhận kết quả.

Đảng Cộng hòa ngày càng lạc quan rằng Trump sẽ thắng cử, nhưng họ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến dữ dội nếu Phó Tổng thống Harris được tuyên bố là người chiến thắng. Và ngược lại, Đảng Dân chủ cũng như thế. Đối thủ “không cân xứng” với Donald Trump lần này là Kamala Harris, chứ không phải Joe Biden.

Trong cuộc phỏng vấn với ABC hôm thứ Tư tuần rồi, bà Harris đã nói: “Nếu ông ấy tự tuyên bố chiến thắng và nếu chúng tôi biết rằng ông ta thực sự đang thao túng báo chí và cố gắng thao túng sự đồng thuận của người dân Mỹ… chúng tôi đã chuẩn bị để đối phó”.

Reuters dẫn lời một nhân viên cấp cao của chiến dịch Harris cho biết hôm thứ Sáu rằng họ “hoàn toàn dự đoán được Trump sẽ tự tuyên bố một chiến thắng không đúng luật vào đêm thứ Ba, trước khi tất cả các phiếu bầu được kiểm đếm đầy đủ”.

“Ông ta đã làm điều này trước khi nó thất bại. Nếu ông ấy làm lại, nó sẽ thất bại”.

Chính Steve Bannon, một đồng minh chủ chốt của Trump, đề nghị Trump nên nhanh chóng tuyên bố chiến thắng.

“Ông ta nên đứng lên và nói, Này, tôi đã thắng rồi”, Bannon nói trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, ngày được thả khỏi nhà tù liên bang, nơi ông đã thụ án bốn tháng vì bất chấp lệnh triệu tập của Quốc hội về vụ tấn công vào Điện Capitol Hill của Hoa Kỳ vào ngày 6/1/2021.

Donald Trump đang bị kẹt trong một cuộc đua “không cân xứng”, với một đối thủ quá cách biệt về kinh nghiệm chính trường và sự ủng hộ của người dân. Cho đến hôm nay, chỉ còn 24 tiếng đồng hồ nữa, Trump vẫn lặn ngụp trong sự ám ảnh của giấc mộng Nam Kha tám năm trước và mang nó vào cho chiến thắng hão huyền của bốn năm sau. Trong khi đó, những nhân vật tinh hoa nhất của nước Mỹ, trong mọi lĩnh vực, chính trị, điện ảnh, ca nhạc, kinh tế, ngân hàng… đang tỏa ra khắp các tiểu bang, kêu gọi những lá phiếu dành cho Kamala Harris. 

K.N.

Nguồn: Vietbao.com

 

 

This entry was posted in bầu cử Mỹ, Kalynh Ngô, Vietbao. Bookmark the permalink.