Một buổi toạ đàm cởi mở: Góp ý với lãnh đạo TP HCM – Làm sao thu hút nhân tài?

Mạc Văn Trang và Hoàng Hưng 

Từ trái qua: PGS. TS. Mạc Văn Trang; Nữ luật gia/doanh nhân Nguyễn Thị Sơn; Nhà thơ/Dịch giả Hoàng Hưng; GS.TS. Trình Quang Phú, GS. Nguyễn Đăng Hưng, ông Lâm Minh Chánh, Nhà văn/Nhà báo Lưu Trọng Văn (Gã); Nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt.

PGS. TS. Mạc Văn Trang: 

Sáng 28/9/2024 Viện nghiên cứu Phát triển Phương Đông của thành phố HCM mời tọa đàm về đề tài: “Phương cách nào để TP. Hồ Chí Minh thu hút được nhân tài”?

Phòng họp có chừng hơn 20 người, thấy mấy người quen: GS Nguyễn Đăng Hưng, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, nhà văn, nhà báo Lưu Trọng Văn … Viện trưởng GS. TS. Trình Quang Phú chủ trì.

Thực ra vấn đề này cũng đã được bàn đi, bàn lại nhiều rồi; cái MỚI là mọi người đều nói thẳng, nói thật.

Tôi phát biểu hai ý: Để phát triển xã hội, cần nhiều loại người tài giỏi. Mỗi loại ấy lại cần có những phương cách khác nhau để thu hút, sử dụng hiệu quả.

I.               Cần nhiều loại nhân tài 

1. Người tài lãnh đạo quản trị xã hội (Quan trọng nhất), cần cả từ cơ sở như Tổ trưởng dân phố, Chủ tịch xã/phường đến trung ương, HĐND các cấp đến quốc hội. Có cạnh tranh, sàng lọc được những người tốt, giỏi vào hệ thống, rồi dần dần mới xuất hiện những người TÀI. Người lãnh đạo, quản trị xã hội (từ cơ sở trở lên) mà kém lại hư thì hỏng hết mọi chuyện.

2. Cần có chuyên gia giải quyết từng vấn đề/dự án lớn, ví dụ như: Giải pháp chống ngập lụt;  Giải pháp giao thông; Phát triển Trí tuệ nhân tạo; Xử lý rác, v.v.

3. Cần có những cá nhân xuất sắc, nghiên cứu phát minh đóng góp cho nhân loại ở các lĩnh vực có tiềm năng. Ví dụ Toán có Ngô Bảo Châu… 

4. Cần có các nhân tài cho từng ngành nghề, lĩnh vực chuyên môn KHCN, nghiên cứu ứng dụng, sáng tạo, kinh doanh, giáo viên, bác sỹ, kỹ sư, văn nghệ sĩ …

II.             Phương pháp để có và phát huy người tài 

1. Để có người TÀI LÃNH ĐẠO, QUẢN TRỊ XÃ HỘI, phải tuyển chọn bằng con đường DÂN CHỦ HOÁ, tự do ứng cử bầu cử từ cơ sở. Phải có môi trường pháp lý đảm bảo công minh. Bắt đầu từ Trưởng thôn/Tổ trưởng dân phố; HĐND, Chủ tịch xã, huyện, tỉnh, Quốc hội … (Năm 1946, dân trí thấp, tại sao Việt Nam DCCH đã làm được, bây giờ lại không?).

Nếu không có tự do ứng cử, bầu cử tự do, dân ta sẽ ngày càng vô cảm chính trị, liệt kháng với chính trị, không còn tính tích cực chính trị, xã hội; không còn ham thích tự nguyện cống hiến cho xã hội nữa. Nhân tài sẽ thui chột! (Tất cả sẽ là Đảng bảo sao làm vậy, trên bảo gì dưới làm nấy: Lấy phiếu tín nhiệm bà bí thư 100% tín nhiệm; mấy bữa sau phế truất bà ấy, cũng 100% nhất trí! Dân nào còn tin vào HĐND, Quốc hội nữa?).

2. Về chuyên gia 

Tuỳ từng lĩnh vực, tìm đúng người TÀI, trọng dụng, tạo môi trường để họ hoàn thành tốt công việc theo yêu cầu cam kết.

Ví dụ, về Nhà máy xử lý rác, tôi sang Áo, anh bạn dẫn đi xem Nhà máy xử lý rác ở thủ đô Wien, ngắm nhà máy như Cung văn hoá ở trung tâm thành phố. Anh giải thích, nhà máy ở trung tâm để cả thành phố (2,8 triệu dân) đưa rác về thuận tiện. Nhà máy này biến Rác thành Điện năng, mà làm xanh, sạch, đẹp thành phố, như một công trình nghệ thuật.

Còn đài Phát thanh, Truyền hình thì mãi ngoại vi, bên kia sông Danube, cần gì ở trung tâm thêm gây ô nhiễm…

Điều đáng nói là năm 2001, người Nhật đã mời kỹ sư người Áo Friedensreich Hundertwasser từng xây dựng nhà máy rác ở Wien, xây dựng nên nhà máy Maishima ở thành phố Osaka mong muốn nó sẽ trở thành biểu tượng tiêu biểu cho sự kết hợp tuyệt vời giữa môi trường, công nghệ và nghệ thuật. Và thành phẩm ra đời đúng như những gì mọi người mong đợi. Nơi đây thành điểm tham quan tấp nập…

(https://www.miraihuman.com/…/khong-o-dau-giong-nhu-nhat…).

Trong khí nhà máy xử lý rác của Cần Thơ không biết ai xây dựng (2018), nay “Cần Thơ phát sinh 14.000 tấn tro bay từ nhà máy đốt rác phát điện”… “Ngoài ra, hiện có thêm 12-15 tấn tro bay phát sinh mỗi ngày”…

(https://thesaigontimes.vn/can-tho-phat-sinh-14-000-tan…/).

Cho nên người tài CHUYÊN GIA phải mời người biết rõ vào việc đích đáng.

3. Nhân tài xuất sắc nghiên cứu phát minh  (như Ngô Bảo Châu), với họ quan trọng là phải có môi trường tự do học thuật, có các cộng sự làm việc, các điều kiện làm việc phù hợp, đảm bảo cho họ nghiên cứu, làm việc lâu dài, kết nối với thế giới, được tôn trọng, bảo vệ như vốn quý của quốc gia… 

4. Nhân tài CHUYÊN MÔN, NGÀNH NGHỀ

Không khó đào tạo, thu hút, nhưng muốn phát huy được tài năng, giữ họ say sưa cống hiến lâu dài, phải thay đổi căn bản cái cơ chế quản trị hiện nay

Tóm lại, được mời, ai cũng nói thẳng, nói thật, dẫn ra rất nhiều ví dụ đã từng thu hút được người tài nhưng rồi không mấy thành công, do cơ chế này họ không phát huy được. 

Một câu hỏi đặt ra là, tại sao cùng thể chế giống ta mà Trung Quốc thu hút, phát huy được nhân tài, phát triển khoa học công nghệ rất mạnh, còn ta thì yếu kém?

Dù sao những điều chia sẻ cũng vui vui và có chút hy vọng đổi mới chăng?

29/9/2024

M.V.T.

*

Nhà thơ/Dịch giả Hoàng Hưng:

Sáng 28/9/2024 tôi được mời gặp mặt để góp ý cho lãnh đạo TP.HCM. Người mời là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông. Viện này giờ tôi mới biết, đã thành lập và hoạt động từ ít năm nay. Một số tên tuổi thành viên chủ chốt của Viện như Viện trưởng GS.TS. Trình Quang Phú (ông cũng là Hội viên Hội Nhà văn VN), TS. Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Phó ban Tuyên huấn TW ĐCS, TS. Nguyễn Văn Hưởng – nguyên Thứ trưởng Bộ Công an (ông là người đã trực tiếp mời tôi lên gặp và quyết định bằng chữ viết tay cho tôi đi Pháp năm 2000, kết thúc thời kỳ dài tôi bị A25 – Cục An ninh tư tưởng văn hoá cấm xuất cảnh), GS.TS. Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (đã quá cố), nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (vừa quá cố)…

Điều khá lạ lùng, có thể chưa từng có: trong số mươi người được mời, có những người lâu nay là đối tượng “chăm sóc” của an ninh, những nhà “phản biện”, những cây bút FB được coi là có chút ảnh hưởng như PGS. TS. Mạc Văn Trang, “Gã” Lưu Trọng Văn, GS. Nguyễn Đăng Hưng, nhà khởi nghiệp Lâm Minh Chánh, nhà nghiên cứu (Biển Đông) Hoàng Việt, luật gia  doanh nhân Nguyễn Thị Sơn … 

Được đề nghị nói thẳng, nói thật, nhiều người đã “trút bầu tâm sự” lâu nay, đã nêu lên những sai lầm, bất cập trong chính sách, cơ chế, tổ chức… cản trở việc thu hút nhân tài. Có những ý kiến khẳng định: CHỈ NGƯỜI LÃNH ĐẠO CÓ TÀI MỚI THU HÚT ĐƯỢC NHÂN TÀI! 

Riêng tôi, phát biểu hạn chế trong 2 lĩnh vực mà mình theo đuổi suốt một đời: làm văn nghệ và viết báo về văn hoá văn nghệ, dạy học và viết báo – nghiên cứu dịch thuật về khoa học giáo dục. 

Xin lược thuật một số ý chính trong 2 lần phát biểu của tôi:

1/ Sài Gòn  TP.HCM có ưu thế cực lớn về nhân tài văn hoá – giáo dục: từng là trung tâm văn hoá giáo dục lớn nhất nước trước 1975, được cập nhật với những thành tựu của thế giới; từng có thời kỳ nở rộ về báo chí, văn nghệ sau Đổi mới; có lực lượng hùng hậu những người trẻ được học hỏi và giao lưu quốc tế; có mối quan hệ ruột thịt với hàng triệu người Việt trên thế giới trong đó không ít nhân tài có tầm quốc tế; có kinh tế giàu mạnh nhất nước là cơ sở vật chất thuận lợi cho nhân tài hoạt động. 

2/ Vấn đề trở ngại nhất cho các nhân tài về khoa học xã hội nhân văn (KHXHNV) và văn hoá văn nghệ (VHVN) là: “QUAN ĐIỂM”. Đã có sự nhầm lẫn kéo dài giữa cái được gọi là QUAN ĐIỂM ĐÚNG ĐƯỜNG LỐI (POLITICALLY CORRECT) với sự LẠC HẬU, KHÔNG CẬP NHẬT ĐƯỢC NHỮNG THÀNH TỰU MỚI CỦA NHÂN LOẠI (thường bị coi là “tư sản”, “phản động”!).

Không cần nhắc đến những ví dụ trong quá khứ (tranh luận về tư pháp độc lập, phong trào Nhân văn – Giai phẩm, vụ án “Về Kinh Bắc”…) , chỉ nêu một ví dụ nổi bật gần đây mà bản thân đã trải nghiệm về khoa học giáo dục: Năm 2013 tôi dịch cuốn “Sự ra đời trí khôn ở trẻ em” mở đầu tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm của NXB Tri Thức. Sách của Jean Piaget nhà Tâm lý học hàng đầu thế giới của thế kỷ XX, ra đời từ 1947. Chính lý thuyết của Piaget đã đưa đến cuộc cách mạng vĩ đại của giáo dục thế giới, chuyển từ lối dạy áp đặt, nhồi sọ bao đời sang phương pháp thầy hướng dẫn trò tự học, tự xây dựng kiến thức. Năm 1954, bà Đỗ Thị Xuân, sinh viên của chính thầy Piaget đã tình nguyện về Hà Nội để góp sức cho giáo dục nước nhà, nhưng bị coi là đem về “quan điểm tư sản, phản động”!!! Bà phải im tiếng suốt đời, lo kiếm sống bằng việc dạy thêm tiếng Pháp (tôi may mắn được học tiếng Pháp từ bà!). Và cả ngành giáo dục không hề biết đến những lý thuyết về tâm lý giáo dục đã phổ biến trên thế giới từ rất lâu! 

Hậu quả là giáo dục Việt Nam lạc hậu hàng nửa thế kỷ so với thế giới, đi đến khủng hoảng, mãi đến năm 2019 mới dứt khoát cải cách toàn diện, triệt để, nhằm xoá bỏ lối dạy nhồi sọ kiến thức!

Như vậy, nếu người lãnh đạo biết lắng nghe, trân trọng những quan điểm thường bị coi là “bên lề”, “không chính thống” (nhạc sĩ Văn Cao và các bạn ông hay dùng từ “bàng thống”), thì đất nước sẽ tránh được sự lạc hậu kéo dài đáng buồn! 

3/ Trở ngại thứ hai là CẢ HỆ THỐNG TỔ CHỨC (cơ quan, đoàn thể) quản lý trí thức văn nghệ sĩ đã quan liêu hoá, khiến hoạt động học thuật và chuyên môn chỉ mang tính hành chính công chức “sống mòn”; nhiều nơi biến thành nhóm lợi ích, kẻ có quyền tư lợi đố kị nhân tài, luôn tìm cách dìm hàng, loại bỏ những người tài có lòng tự trọng, có bản lĩnh, tư duy độc lập, chí công vô tư!

Để khắc phục tình trạng khá phổ biến nói trên, phải có chính sách khuyến khích, trân trọng những cá nhân và nhóm TRÍ THỨC ĐỘC LẬP, đứng ngoài bộ máy quan liêu! 

4/ Cần tìm hiểu kỹ càng đường lối chính sách của nước Tàu đối với trí thức văn nghệ sĩ! Cùng một chế độ, trong khi họ khắt khe về an ninh chính trị hơn ta nhiều thì lại rất cởi mở và trân trọng các sáng tạo của trí thức văn nghệ sĩ! Phải chăng chính đó là bí quyết khiến nước Tàu phát triển rực rỡ trong những thập niên gần đây? 

Một ví dụ về sự cởi mở trong sáng tạo m thuật của Tàu: các thành phố lớn đều có những trung tâm, bảo tàng mỹ thuật đương đại, các nghệ sĩ và nhóm độc lập được cung cấp những không gian công cộng rất rộng lớn để tự do thể nghiệm, trình diễn không bị hạn chế!

Trong khi đó, nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng của ta xuất hiện sôi nổi sau Đổi mới, gần đây phải chọn con đường hoạt động ở nước ngoài là chủ yếu, nhiều tài năng được cộng đồng mỹ thuật quốc tế đánh giá cao mà trong nước không biết, vì họ rất ngại hoạt động trong nước gặp những phiền phức, rắc rối, khắt khe của bộ máy quản lý nghệ thuật!

5/ Những vấn đề nêu trên mang tính vĩ mô tầm quốc gia, nhưng nếu những người lãnh đạo nhìn ra và có bản lĩnh, thì vẫn tìm được cách hoá giải phù hợp với đặc thù địa phương. 

Việc đầu tiên xin ghi nhận, đó là dám nghe những lời phản biện thẳng thắn, như hôm nay! 

Tôi luôn khát khao và hy vọng TP.HCM sẽ là một trung tâm văn hoá – giáo dục cao cấp đi đôi với sự giàu mạnh của nó, một trung tâm văn hoá – giáo dục của cả nước và cả khu vực. 

H.H.

Các tác giả gửi BVN

This entry was posted in Phát triển nhân tài. Bookmark the permalink.